Thế giới những năm đầu thế kỷ XXI có nhiều biến động to lớn. Đáng chú ý là sự xuất hiện của một loạt những cường quốc mới nổi tạo nên một môi trường vừa hợp tác và cạnh tranh năng động chưa từng có giữa các quốc gia. Tại khu vực Nam Á, đầu thế kỷ XXI là thời điểm quan trọng đánh dấu sự thay đổi về mặt địa chính trị-chiến lược và an ninh của khu vực. Cuộc khủng hoảng hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan tháng 5/1998 và sự kiện 11/9 đã khiến khu vực trở thành một điểm nóng an ninh thu hút sự quan tâm đặc biệt của Mỹ. Những chiến lược của Mỹ đối với một khu vực Nam Á nhiều biến động đã thay đổi, đánh dấu sự quan tâm và dính líu ngày càng lớn của Mỹ tại đây. Hợp tác với các quốc gia khác, đặc biệt là những cường quốc trong và ngoài khu vực là cần thiết để đảm bảo những mục tiêu an ninh của Mỹ, tuy nhiên, khía cạnh mâu thuẫn, cạnh tranh cũng tồn tại song song. Mặt khác, Trung Quốc bước đầu trỗi dậy và tìm kiếm ảnh hưởng ban đầu tại khu vực ngoại vi này. Trung Quốc đã có được con bài quan trọng là Pakistan, đất nước lớn thứ hai trong khu vực, đối thủ của Ấn Độ và đồng minh truyền thống của Mỹ. Nước này đang tiếp tục tìm cách mở rộng quan hệ với tất cả các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, thông qua kế hoạch “con đường tơ lụa” được đề xuất gần đây, Trung Quốc có tham vọng lớn thâu tóm toàn bộ khu vực này dưới ảnh hưởng chính trị - kinh tế của Bắc Kinh, đặc biệt là kiểm soát những tuyến hàng hải quan trọng tại Ấn Độ Dương. Xét một cách tổng thể, Mỹ và Trung Quốc có sự cạnh tranh tại khu vực. Những cạnh tranh này liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng của khu vực và gắn với lợi ích chiến lược của cả hai quốc gia. Là một cường quốc mới nổi trong khu vực và cũng có tham vọng lãnh đạo tại “sân nhà” Nam Á, Ấn Độ đương nhiên nằm trong tính toán chiến lược của Mỹ và Trung Quốc và cũng có những tác động quan trọng đến sự cạnh tranh của hai cường quốc này tại Nam Á.
Nhìn chung, những mối quan hệ và lợi ích đan xen trên nhiều lĩnh vực của ba cường quốc thế giới tại khu vực Nam Á đã khiến khu vực này luôn luôn biến động phức tạp. Sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc không chỉ ở Nam Á mà khắp nơi trên thế giới là một thực tế hiện nay. Riêng tại Nam Á, cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ được làm rõ hơn thông qua việc phân tích sự tương tác của nhân tố Ấn Độ trong quá trình này. Xem xét vai trò của Ấn Độ trong cạnh tranh Mỹ -Trung không chỉ giúp hiểu rõ bản chất, tham vọng của các cường quốc này; xu hướng vận động của thế giới, khu vực; những vấn đề tại Nam Á hiện nay và vai trò tác động của các cường quốc này với khu vực mà qua đó còn giúp chúng ta rút ra được cái nhìn chuẩn xác về vị trí, vai trò và những chính sách phù hợp của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đề tài “Ấn Độ trong cạnh tranh Mỹ - Trung ở khu vực Nam Á đầu thế kỷ XXI”.
Đề tài gồm 2 chương:
Chương 1: Cạnh tranh Mỹ - Trung tại Nam Á đầu thế kỷ XXI
Chương 2: Ấn Độ trong cạnh tranh Mỹ - Trung tại Nam Á đầu thế kỷ XXI
Ths. Nguyễn Khánh Vân
Viện NC Châu Mỹ