Canada là quốc gia song ngữ, với hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh (số người nói tiếng Anh chiếm 67% dân số) và tiếng Pháp (chiếm 13% dân số, đa phần sống ở Quebec), một bộ phận dân số nói tiếng bản xứ không phải tiếng Anh và cũng không phải tiếng Pháp. Do Canada sử dụng đồng thời hai ngôn ngữ nên hệ thống giáo dục trung học cũng phân chia thành hai khu vực: khu vực nói tiếng Anh và khu vực nói tiếng Pháp.
Cùng với quá trình xã hội hóa giáo dục, các trường phổ thông công lập và các trường tư thục đều đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục ở Canada. Tất cả các trường tư thục đều phải đăng ký với Bộ Giáo dục tỉnh hay lãnh thổ và phải đáp ứng các tiêu chuẩn về giáo trình và các tiêu chuẩn khác về chất lượng giáo dục do Sở giáo dục ở các tỉnh hay lãnh thổ đó quy định. Hiện nay nhiều trường công lập ở Canada cũng đã tiếp nhận và thu hút học sinh quốc tế từ nhiều quốc gia và khu vực khác nhau.
Trong những năm gần đây, một xu hướng nổi lên khá rõ nét là ngày càng có nhiều học sinh quốc tế tới học tại các trường trung học ở Canada. Trong đó, Trường Quốc tế Columbia là trường thu hút được nhiều học sinh quốc tế nhát với hơn 1.400 học sinh từ 66 quốc gia trên thế giới.
Vậy câu hỏi đặt ra là điều gì đặc biệt ở hệ thống giáo dục trung học Canada khiến các trường phổ thông trung học ở quốc gia này có sức hấp dẫn như vậy? Đề tài sẽ tìm hiểu những đặc điểm cơ bản và đặc trưng của hệ thống giáo dục ở Canada, qua đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông trung học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trung học ở nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa và quốc tế hóa giáo dục hiện nay.
Đề tài gồm 3 chương:
Chương 1. Giáo dục ở Canada và chính sách giáo dục phổ thông
Chương 2. Những đặc điểm của hệ thống giáo dục phổ thông ở Canada
Chương 3. So sánh với một số nước và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
Ths. Ngô Lan Anh
Viện NC Châu Mỹ