Tác động FTA Mỹ- Chile tới quan hệ thương mại hai nước

15/03/2018

Theo nhiều nghiên cứu và thực tế chứng minh, FTA là một công cụ kinh tế đem lại nhiều cơ hội phát triển. Các rào cản được dỡ bỏ tạo thuận lợi cho luân chuyển hàng hóa, dịch vụ và vốn. Nhờ vậy các chỉ số kinh tế cơ bản của quốc gia như: kim ngạch xuất khẩu, thu nhập quốc dân, đầu tư, năng suất lao động,... đều tăng.

Với việc thiết lập những Hiệp định thương mại tự do Mỹ đã đạt được những lợi ích to lớn về mặt kinh tế, củng cố thêm vị trí cường quốc của mình trên toàn thế giới. Cùng với việc chuyển các ngành sản xuất dùng nhân công giá rẻ, ảnh hưởng môi trường sang vùng biên giới của các đối tác thương mại có trình độ thấp hơn, các doanh nghiệp Mỹ còn tiếp cận và chiếm lĩnh các ngành dịch vụ quan trọng, đem lại nhiều lợi nhuận như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm...

Nhiều quốc gia trên thế giới cũng nhận ra những lợi ích to lớn do FTA mang lại và thực sự chủ động xây dựng chiến lược đàm phán FTA có định hướng rõ ràng để phục vụ mục tiêu phát triển đặc thù của mình, Chile là một thí đụ điển hình ở Mỹ Latinh đi theo hướng này bên cạnh một số nước khác ở châu Á như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc,…

Trong bối cảnh khu vực Mỹ Latinh thời điểm 2004, chính trị vẫn còn là một trong những yếu tố chi phối sự phát triển kinh tế. Đặc biệt là mở cửa thị trường cộng với phong trào phản đối toàn cầu hóa đang gia tăng thì Chile vẫn kiên quyết với lập trường phát triển kinh tế của mình. Đó là thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường với những giải pháp quản lý kinh tế vĩ mô nghiêm ngặt, có thể chế ổn định và thực hiện chính sách ưu tiên xuất khẩu là những nhân tố tạo nên tính cạnh tranh và ổn định xã hội. Đây cũng chính là những điều kiện  cần để thực hiện tự do hóa thương mại, phát triển kinh tế và giảm đói nghèo.

Vào thời điểm năm 2004, FTA giữa Mỹ và Chile có hiệu lực là một hiệp định tự do toàn diện nhất của Mỹ ký với một nước khác: một hiệp định không  loại trừ bất cứ vấn đề nào bao gồm  những nội dung về thương mại, đầu tư, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, ...  cả vấn đề  công đoàn và thương mại điện tử.

Đánh giá quan hệ thương mại của Mỹ và Chile sau hơn 10 năm thực hiện FTA (có hiệu lực từ tháng 1/2004) là một đề tài cần thiết khi nghiên cứu về khu vực Mỹ Latinh và cụ thể hơn là các mối quan hệ trong khu vực. Đây là hiệp định thương mại đầu tiên của Mỹ với một nước ở khu vực  Nam Mỹ. Chile cũng là một trong những nước mở cửa và có nhiều đổi mới nhất trong khu vực Mỹ Latinh. Theo báo cáo kinh tế của DIRECON, tăng trưởng thương mại trung bình của Mỹ-Chile thời gian từ 2003 đến 2014 là 12,3% hằng năm. Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 của Chile và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 của Chile. FTA giữa Mỹ và Chile còn là một trong những bước tiến thúc đẩy Khu vực tự do thương mại châu Mỹ (FTAA).

Bên cạnh đó, quy mô nền kinh tế Chile chỉ bằng 1,5% nền kinh tế Mỹ. Vì vậy nghiên cứu về quan hệ thương mại giữa hai quốc gia có mức chênh lệch lớn về quy mô kinh tế, nghiên cứu những thành công và thách thức của quan hệ kinh tế hai bên là những vấn đề cần được xem xét để trở thành những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.

Thêm vào đó, Mỹ và Chile là các thành viên của rất nhiều các hiệp định đa phương và song phương trên phạm vi thế giới và khu vực. Việt Nam cũng đang nỗ lực trên con đường hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. FTA của Việt Nam với Chile đã có hiệu lực từ tháng 2/2014. Hiệp định thương mại song phương Việt- Mỹ từ năm 2000 đã đem lại nhiều khởi sắc cho quan hệ thương mại hai bên.Vì vậy việc phân tích quan hệ kinh tế và thực hiện FTA giữa Mỹ và Chile sẽ đem lại cho Việt Nam thêm những góc nhìn về hai đối tác. Từ đó có thể có những chiến lược thương mại phù hợp có lợi cho các bên trong cùng hiệp định thương mại.

Nói tóm lại, đánh giá "Tác động FTA Mỹ- Chile tới quan hệ thương mại hai nước" không chỉ làm phong phú và sâu sắc hơn những nghiên cứu về khu vực Châu Mỹ, cụ thể hơn là xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa ở khu vực, mà còn có thể có có những khuyến nghị giúp cho quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam.

Đề tài gồm 3 chương:

Chương 1. Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Chile

Chương 2. Quan hệ thương mại Mỹ - Chile dưới tác động của FTA

Chương 3. Triển vọng quan hệ Mỹ - Chile và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam


Ths. Lê Thu Trang

Viện NC Châu Mỹ


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn