Lịch sử hình thành và phát triển Viện Nghiên cứu Châu Mỹ

25/08/2023

Cách đây tròn 30 năm, vào tháng 9 năm 1993, Viện Nghiên cứu châu Mỹ (VIAS) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ (CNAS) thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia) chính thức ra đời trong sự mong đợi của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về Hoa Kỳ, châu Mỹ và khu vực học/quốc tế học ở Việt Nam. Kể từ sau khi tiến hành đổi mới toàn diện đất nước (từ Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng vào tháng 12/1986), Đảng và Nhà nước ta chủ trương mở cửa đất nước, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại và bước đầu hội nhập sâu rộng vào cộng đồng thế giới. Nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về khu vực và quốc tế ở Việt Nam trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Trước nhu cầu của đất nước và thực hiện sứ mệnh của Viện Khoa học xã hội Việt Nam lúc đó, các nhà lãnh đạo của Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã có những bước chuẩn bị và thành lập các trung tâm nghiên cứu về các khu vực trên thế giới như Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ, Trung tâm Nghiên cứu SNG và Đông Âu, Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản trực thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia trên cơ sở tổ chức mới và sắp xếp lại một số đơn vị của Viện Khoa học xã hội Việt Nam lúc đó. Sự ra đời của 4 trung tâm nghiên cứu về khu vực học này đã đánh dấu một bước phát triển mới của Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia nói riêng và ngành Khoa học xã hội và Nhân văn ở Việt Nam nói chung. Điều này thể hiện tầm nhìn xa của các nhà lãnh đạo từ Trung ương đến Viện Khoa học xã hội Việt Nam trước bối cảnh mới của đất nước. Bởi vì trong thời gian này, Việt Nam vẫn đang bị Mỹ và phương Tây cấm vận (đầu năm 1994 Mỹ mới tuyên bố xóa bỏ cấm vận Việt Nam và đến giữa năm 1995 bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ), quan hệ giữa Việt Nam với các nước còn rất hạn chế ngoại trừ các nước thuộc Liên Xô cũ và một số nước Đông Âu. Như vậy, Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ đã được ra đời theo Quyết định số 466/TTg ngày 13 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ khi mà quan hệ Việt - Mỹ vẫn chưa được khai thông và Mỹ vẫn chi phối rất mạnh các đối tác trong quan hệ với Việt Nam. Trên cơ sở Quyết định 466/TTg, Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã ký và ban hành Quyết định số 19/KHXH/CTĐT ngày 29 tháng 01 năm 1994 về việc quy định Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ, chính thức đưa Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ đi vào hoạt động với tư cách là một thành viên của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia. Có thể nói Quyết định 466/TTg ngày 13 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ là văn bản khai sinh của Viện Nghiên cứu Châu Mỹ và cũng là văn bản đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển của một chuyên ngành nghiên cứu về Hoa Kỳ học nói riêng và Châu Mỹ học nói chung. Từ một Trung tâm Nghiên cứu sau đó trở thành một Viện Nghiên cứu, sau 30 năm hình thành và phát triển, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ đã thật sự trưởng thành và có những đóng góp quan trọng vào hoạt động nghiên cứu cơ bản về Châu Mỹ học, về quan hệ quốc tế và có nhiều đóng góp về tư vấn chính sách và đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Trong 30 năm ấy, Viện đã có những bước chuyển quan trọng cùng với sự chuyển mình của đất nước và của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong giai đoạn đổi mới và hội nhập. Về mặt quy mô nhân sự và tổ chức, Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ khi mới thành lập chỉ có vài người, đến khi chuyển thành Viện Nghiên cứu châu Mỹ năm 2004 đã có 30 cán bộ nhân viên và có thời điểm lên đến trên dưới 40 cán bộ nhân viên làm việc. Trong quá trình phát triển, Viện tiếp nhận nhiều nhân sự mới, nhưng đồng thời cũng có những nhân sự cũ chuyển công tác và nghỉ hưu. Đến nay (năm 2023), Viện đã trải qua 4 thế hệ lãnh đạo và gần 70 người đã từng và đang làm việc tại Viện. Về cơ bản, chức năng và nhiệm vụ của Viện vẫn được duy trì như ngày đầu thành lập, nhưng phạm vi nghiên cứu của Viện đã được mở rộng từ Bắc Mỹ sang cả Trung Mỹ và Nam Mỹ. Bên cạnh những thành tựu nghiên cứu về Hoa Kỳ là chủ yếu, những nghiên cứu về Mỹ Latinh cũng đã được triển khai và có những đóng góp nhất định. Không chỉ tập trung vào các hoạt động nghiên cứu mà ngày nay Viện còn chú trọng nhiều đến các hoạt động tư vấn chính sách. Viện cũng đang mở ra nhiều hoạt động hợp tác trong và ngoài nước để nâng cao vị thế của mình. Cán bộ của Viện ngày càng trưởng thành và đảm nhiệm được những công việc quan trọng. Thế hệ cán bộ trẻ của Viện vào đầu những năm 2000 đã khẳng định được bản thân, giữ các vị trí chủ chốt trong Viện và đã, đang làm chủ nhiệm những đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ quan trọng, dần tiếp nối các thế hệ đi trước. Những thành tựu và các bước trưởng thành của Viện đã đóng góp quan trọng vào chuyên ngành châu Mỹ học ở Việt Nam và phục vụ công tác tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước. Để đạt được những thành tựu như vậy, Viện đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Nếu như những năm đầu, sự hạn chế về nguồn lực con người (số lượng ít, cán bộ trẻ ít kinh nghiệm), vật chất, tài chính,… thì giai đoạn hiện nay Viện đang phải đối mặt với áp lực tinh giản biên chế, chảy máu chất xám và đòi hỏi rất cao của xã hội đối với các sản phẩm nghiên cứu. Trong giai đoạn tới, Viện sẽ linh hoạt thích nghi với những biến đổi xã hội, phát huy những nền tảng đã được các nhà khoa học uy tín của Việt Nam cũng là những lãnh đạo các thế hệ của Viện gây dựng từ 30 năm qua để biến các thách thức thành cơ hội phát triển Viện xứng đáng là đơn vị hàng đầu nghiên cứu về châu Mỹ tại Việt Nam. Nhân kỷ niệm 30 năm hình thành và phát triển của Viện Nghiên cứu châu Mỹ, toàn thể viên chức và người lao động đã và đang làm việc tại Viện rất phấn khởi ôn lại những kỷ niệm, nhìn nhận và đánh giá lại 30 năm phát triển và cùng đồng lòng đóng góp xây dựng Viện vững vàng hơn trong tương lai. Cuốn kỷ yếu này ghi lại những dấu mốc quan trọng, những thành tựu của từng giai đoạn phát triển của Viện, lưu lại những thông tin về những con người đã đóng góp công sức và trí tuệ cho sự phát triển của Viện và, một số hình ảnh hoạt động của Viện trong 30 năm qua. Hy vọng đây sẽ là cuốn sách quý luôn được mỗi cán bộ của Viện gìn giữ và mang theo để tiếp thêm động lực, niềm tự hào và tăng sự gắn kết của mỗi cá nhân từng sống dưới mái nhà chung Viện Nghiên cứu châu Mỹ. Nguyễn Xuân Trung Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ PHẦN I: CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ NHỮNG THÀNH TỰU I. TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẮC MỸ 1. Chức năng nhiệm vụ và tổ chức hoạt động Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ ra đời và trực thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia theo quyết định Quyết định 466/TTg ngày 13 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ. Trên cơ sở Quyết định 466/TTg, Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã ký và ban hành Quyết định số 19/KHXH/CTĐT ngày 29 tháng 1 năm 1994 về việc quy định Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ. Theo Quyết định 19/QĐ-KHXH/CTĐT, Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ có chức năng nghiên cứu - tư vấn, giới thiệu văn hoá - xã hội khu vực Bắc Mỹ, trao đổi học giả, đào tạo trên đại học, và trong số các chức năng trên đây, nghiên cứu và tư vấn được xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Chức năng nghiên cứu và tư vấn được xác định tại khoản 1 điều 6 của Quyết định 19/QĐ-KHXH/CTĐT như sau:“Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ là cơ quan nghiên cứu khoa học liên ngành về khoa học xã hội và nhân văn của khu vực Mỹ và Bắc Mỹ, nhằm góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chủ trương, chính sách có liên quan đến khu vực Mỹ - Bắc Mỹ, góp phần xây dựng và phát triển việc nghiên cứu về Mỹ - Bắc Mỹ ở Việt Nam”. Như vậy, Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ, tiền thân của Viện Nghiên cứu Châu Mỹ đã chính thức bước vào hoạt động từ đầu năm 1994, và Giám đốc Trung tâm khi đó là PGS. TS. Đỗ Lộc Diệp, và Phó Giám đốc là TS. Nguyễn Thiết Sơn và khoảng 10 cán bộ nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu. Trụ sở của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ đặt tại 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội. Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ khi đó bao gồm các phòng ban sau: i) Phòng Nghiên cứu những vấn đề Kinh tế - Xã hội Mỹ - Bắc Mỹ ii) Phòng Nghiên cứu những vấn đề Chính trị Mỹ - Bắc Mỹ iii) Phòng Nghiên cứu Những vấn đề Lịch sử - Văn hóa Mỹ - Bắc Mỹ iv) Phòng Nghiên cứu Các quan hệ quốc tế Mỹ - Bắc Mỹ và Quan hệ Mỹ - Bắc Mỹ với Việt Nam. Ngoài các phòng nghiên cứu, các phòng chức năng cũng được hình thành: - Phòng Hành chính - Tổ chức - Đối ngoại - Phòng Thông tin Tư liệu và Thư viện Dựa trên chức năng nhiệm vụ đã được xác định và do nguồn lực tài chính và con người còn hạn chế vì mới thành lập, các hoạt động nghiên cứu của Trung tâm ở giai đoạn đầu được lãnh đạo Trung tâm xác định tập trung vào một số hướng chính: i. Tiến hành nghiên cứu cơ bản khu vực Bắc Mỹ và những kinh nghiệm của các nước Bắc Mỹ dưới góc độ khoa học xã hội và trên cơ sở này đóng góp vào việc hoạch định và thực hiện chính sách và chiến lược của Đảng và Nhà nước, đào tạo nhân lực nghiên cứu về khu vực và nâng cao sự hiểu biết của nhân dân ta về khu vực này thông qua việc thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu cụ thể từ cấp Cơ sở, cấp Bộ và cấp Nhà nước. ii. Tập trung bước đầu chủ yếu vào nghiên cứu Hoa Kỳ - nước đóng vai trò hàng đầu và mang tính chi phối đời sống toàn cầu trên tất cả các mặt của đời sống xã hội quốc tế, đồng thời có vai trò quan trọng đặc biệt với nước ta trên bình diện lịch sử và hiện tại. Những bộ phận khác còn lại của Bắc Mỹ (Canada và Mexico) và cả Châu Mỹ cũng được lưu ý ở mức độ nhất định để chuẩn bị cho việc mở rộng nghiên cứu cả Châu Mỹ khi có điều kiện. Trong những năm đầu, một mặt vừa tập trung ổn định về mặt tổ chức, nhân sự, và mặt khác triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ đã được Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn giao phó. Trên thực tế, Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, và các kết quả hoạt động của Trung tâm được thể hiện ở những điểm sau: - Hoàn thành tốt các chương trình/đề tài nghiên cứu đã được giao và các kết quả nghiên cứu đều được sử dụng kịp thời ở mức độ phù hợp. - Tham gia tư vấn và hoạt động thực tế ở các cấp hoạch định chính sách, chiến lược. - Hình thành những kiến nghị kèm theo các đề tài. Những kiến nghị về các chủ trương chính sách và chiến lược của Đảng và Nhà nước được đánh giá tích cực. - Tham gia công tác giảng dạy, đào tạo cho các viện nghiên cứu, các đại học và học viện có nhu cầu,… - Công bố kết quả nghiên cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới các hình thức khác nhau. - Thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu trong nước tham gia và việc thực hiện các chương trình, đề tài các cấp, đặc biệt cấp Bộ, cấp Nhà nước. Có quan hệ trao đổi với một số cơ quan nghiên cứu nước ngoài: Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới, Viện Châu Á - Thái Bình Dương và Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế (thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc), Viện Nghiên cứu Mỹ và Châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan),… - Tham dự các hội thảo quốc tế liên quan (các hội nghị quốc tế hàng năm của Trung tâm nghiên cứu các nền kinh tế mới công nghiệp lớn của Đại học New Jersey (Hoa Kỳ),… - Xuất bản Tạp chí Nghiên cứu liên ngành của Trung tâm. Nhiệm vụ này đã được xem như hoạt động tất yếu ngay từ khi thành lập Trung tâm và kể từ năm 1994 đã được xuất bản đều đặn định kỳ hai tháng một số, và một tháng một số kể từ số 1 (40) năm 2001. Đồng thời, trước viễn cảnh mở rộng nghiên cứu về sau của Trung tâm, tạp chí đã được đặt tên là “Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay” (Americas Today Review). Tạp chí đã chứng tỏ xứng đáng là “bộ mặt xã hội” của Trung tâm, được các nhà nghiên cứu về Hoa Kỳ và Châu Mỹ xem là nơi công bố thích hợp các công trình nghiên cứu của mình và được độc giả đón nhận tích cực. 2. Các thành tựu nghiên cứu khoa học Trong gần 10 năm hoạt động, Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ đã được trao nhiệm vụ chủ trì và hoàn thành xuất sắc một Chương trình nghiên cứu khoa học xã hội cấp Nhà nước. Ngoài ra, Trung tâm còn được giao và hoàn thành xuất sắc 02 đề tài và 01 chuyên đề cấp Nhà nước và đã thực hiện và hoàn thành nhiều đề tài cấp bộ và cấp cơ sở. Các kết quả khoa học cụ thể của giai đoạn này bao gồm: - Chương trình cấp Nhà nước KHXH06: “Những vấn đề về chủ nghĩa tư bản hiện đại” (1995-2000): Trung tâm được chọn là cơ quan chủ trì của chương trình, và sau đó Trung tâm đã được cử làm chủ nhiệm chương trình. Chủ nhiệm chương trình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chủ biên và đồng tác giả tập sách nhan đề “Chủ nghĩa tư bản đầu thế kỷ XXI” (Nxb KHXH, 2003, 459 trang). Nội dung tập sách tập trung vào ba mảng đề tài chính: làm sáng tỏ những mâu thuẫn của CNTB ngày nay và sự thích ứng nội tại của nó trên nhiều bình diện, trong mối quan hệ với bên ngoài ở các trung tâm phát triển, ở các nước chậm phát triển và các nước ASEAN cũng như địa vị lịch sử của nó. - Đề tài cấp Nhà nước KHXH01: Những mâu thuẫn nội tại, xu thế và triển vọng phát triển của CNTB hiện đại : Trung tâm đã chủ trì, thực hiện và hoàn thành xuất sắc đề tài này với sự đóng góp của nhiều nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Nhiều nội dung chính của kết quả nghiên cứu đã được xuất bản thành sách nhan đề: “Chủ nghĩa tư bản ngày nay: mâu thuẫn nội tại, xu thế, triển vọng” (Nxb KHXH, 2023, 535 trang). Nội dung sách làm rõ các vấn đề sau đây: 1) Sự vận động mới của mâu thuẫn của CNTB và tác động của nó tới sự phát triển của xã hội tư bản hiện nay, những vấn đề mới phải đối mặt; 2) những đặc điểm nổi bật của sự phát triển lực lượng sản xuất; 3) Những xu hướng biến đổi của quan hệ sản xuất, của lĩnh vực xã hội; 4) Những xu hướng phát triển của các quan hệ quốc tế và tính tất yếu của toàn cầu hóa diễn ra sâu sắc, song song với đa phương hóa và khu vực hóa; 5) Cơ chế điều chỉnh của hệ thống chính trị với tư cách nhân tố đảm bảo sự ổn định trong mâu thuẫn của CNTB hiện đại; 6) Phân tích so sánh lần đầu tiên ở Việt Nam những dòng tư tưởng đầu nguồn về những mâu thuẫn của CNTB hiện đại (Từ A. Smith và D. Ricardo đến C. Mác và Ph. Ăng-ghen, V.I. Lenin và J.M. Keynes) và chỉ ra những mối quan hệ logic khách quan của các đồng lý luận này về mâu thuẫn của CNTB hiện đại. Đặc biệt, công trình nghiên cứu này đã chỉ ra cơ chế vận hành CNTB hiện nay của CNTB hiện nay về khả năng và xu hướng phát triển của nó. - Đề tài cấp Nhà nước KHXH06.05: Bản chất đặc điểm và vai trò của các công ty xuyên quốc gia và đa quốc gia trên thế giới. Chính sách của chúng ta: Đề tài này Trung tâm đã chủ trì, thực hiện và hoàn thành xuất sắc. Nội dung cơ bản những kết quả nghiên cứu của đề tài đã xuất bản thành sách nhan đề: “Công ty xuyên quốc gia: Khái niệm, đặc trưng và những biểu hiện mới” (Nxb KHXH, 2003). Những kết quả này cũng được xuất bản làm sách giáo khoa đại học nhan đề: “Công ty xuyên quốc gia” (Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). - Chuyên đề cấp Nhà nước KHXH 06.09: “Văn hóa và sự phát triển của CNTB hiện đại ở các trung tâm chính của CNTB”: Chuyên đề này do Trung tâm chủ trì, thực hiện đã hoàn thành và được đánh giá cao. Đây là lĩnh vực phức tạp, lần đầu tiên được nghiên cứu tương đối hệ thống theo quan điểm Mác-xít. Tập thể tác giả đã xem xét tương đối toàn diện thực tiễn văn hóa và phát triển ở phương Tây, song song với những cây tinh hoa tư tưởng của nó, chỉ ra những đóng góp những nhân tố này vào sự phát triển tích cực và tội lỗi đối với loài người từ cách tiếp cận văn hóa đến các nội dung của tiến trình văn hóa và phát triển trên các mặt: văn hóa kinh tế, văn hóa chính trị, khoa học, triết học, văn hóa nghệ thuật, văn hóa đại chúng, tôn giáo, gia đình, chủ nghĩa cá nhân, văn hóa và toàn cầu hóa văn hóa, những nét đặc thù của văn hóa và phát triển ở Nhật Bản và ảnh hưởng quốc tế của chúng. Kết quả nghiên cứu chủ yếu đã đưa xuất bản thành sách nhan đề: “Mỹ - Ấn - Nhật - Văn hóa và phát triển” (Nxb KHXH, 2003, 459 trang) - Đề tài cấp Bộ: “Hoa Kỳ - Những xu hướng đổi mới chiến lược kinh tế sau Chiến tranh Lạnh” . Đề tài đã thực hiện, hoàn thành xuất sắc, được xuất bản thành sách cùng tên, Nhà xuất bản KHXH, năm 1998. - Đề tài cấp Bộ: “Chính sách kinh tế Mỹ dưới thời Bill Clinton” , được thực hiện và hoàn thành xuất sắc, được Nhà xuất bản KHXH xuất bản thành sách năm 2002. - Đề tài cấp Bộ: “Đặc điểm hệ thống chính trị Mỹ” , được thực hiện và hoàn thành xuất sắc, và được Nhà xuất bản KHXH xuất bản thành sách năm 2001. Ngoài những đề tài thuộc các chương trình, đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ đã điểm qua ở trên, Trung tâm đã xuất bản một số tập sách như là kết quả của các đề tài cấp Cơ sở do cá nhân hoặc tập thể thực hiện cũng đưcọ xuất bản. Đáng chú ý là những tập sách sau đây: - “Chủ nghĩa tư bản ngày nay - Những nét mới từ thực tiễn Mỹ, Tây Âu, Nhật” (Nxb KHXH, năm 2003, 290 trang) - “Chính sách của Hoa Kỳ đối với ASEAN trong và sau Chiến tranh Lạnh” (Nxb KHXH, 2003) - “Mỹ điều chỉnh chính sách kinh tế” (Nxb KHXH, năm 2003) - “Nước Mỹ những năm đầu thế kỷ XXI” (Nxb KHXH, năm 2002) - “Nước Mỹ - Vấn đề, sự kiện và tác động” (Nxb KHXH, năm 2003) - “Hoa Kỳ - Tiến trình văn hóa chính trị” (Nxb KHXH, năm 1998, 622 trang) - “Mỹ Latinh - Một vùng năng động” (Nxb KHXH, năm 1998) - Một số bản dịch sách nổi tiếng của các tác giả Mỹ cũng đã được xuất bản. Các công trình này do Quỹ Toyota Foundation của Nhật Bản và Phòng Văn hóa Thông tin Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam giới thiệu và tài trợ. Như vậy, với nguồn nhân lực nghiên cứu và tài chính hạn chế, những kết quả hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ đạt được trong 10 năm đầu (1993-2003) là rất đáng kể. Sự ra đời và những thành quả nghiên cứu ban đầu của Trung tâm đã khẳng định chỗ đứng của bộ môn Hoa Kỳ học tại Việt Nam, đồng thời, cũng cho thấy rằng việc đặt nghiên cứu Hoa Kỳ và Châu Mỹ trong tổng thể nghiên cứu về CNTB hiện đại, hay phương Tây nói chung là đúng vì địa vị độc đáo của Mỹ trong thế giới ngày nay và cả trong tương lai nhìn thấy được. Chính những kết quả nghiên cứu và tư vấn chính sách xuất sắc của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ trong giai đoạn 10 năm này là nền tảng cho Trung tâm đổi tên là Viện Nghiên cứu Châu Mỹ theo Quyết định của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam (tháng 02/2004). II. VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ Trước bối cảnh hội nhập sâu và rộng hơn của đất nước đầu những năm 2000, các vấn đề quốc tế và đối ngoại với các nước được quan tâm nhiều hơn. Đảng và Nhà nước ta chủ trương đa dạng hóa các đối tác, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại (BTA) với Hoa Kỳ, đang đàm phán vào WTO, quan hệ Việt - Mỹ phát triển vượt bậc, vai trò về nghiên cứu quốc tế ở Việt Nam được đẩy lên. Trước những yêu cầu mới về công tác nghiên cứu và tư vấn chính sách, Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ đã được nâng cấp trở thành Viện Nghiên cứu châu Mỹ theo Quyết định số 171/QĐ-KHXH ngày 20 tháng 02 năm 2004 của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một cơ quan nghiên cứu mà đối tượng là toàn bộ Châu Mỹ. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, cho đến hiện nay, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ đã có bước phát triển quan trọng và hiện nay Viện Nghiên cứu Châu Mỹ đang là một cơ sở nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược hàng đầu tại Việt Nam về Hoa Kỳ học và Châu Mỹ học, và có nhiều đóng góp quan trọng cho việc nâng cao hiểu biết xã hội về khu vực Châu Mỹ cũng như những tư vấn chính sách và đào tạo. 1. Chức năng và tổ chức hoạt động Về căn bản, chức năng hoạt động chính của Viện Nghiên cứu Châu Mỹ vẫn được kế thừa từ các chức năng đã được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phê duyệt đối với Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ mặc dù đối tượng được mở rộng, đó là các chức năng nghiên cứu, tư vấn chính sách, đào tạo và giới thiệu các quốc gia Châu Mỹ, và trong đó chức năng nghiên cứu và tư vấn vẫn là chức năng trung tâm của Viện Nghiên cứu Châu Mỹ. Trong Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Viện Nghiên cứu Châu Mỹ gần đây nhất - Quyết định 976/QĐ-KHXH ngày 16 tháng 7 năm 2021 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, chức năng của Viện Nghiên cứu Châu Mỹ được xác định: “Nghiên cứu những vấn đề cơ bản, chiến lược, tư vấn chính sách về Hoa Kỳ và các nước thuộc khu vực Châu Mỹ; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thúc đẩy hợp tác phát triển giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước khác thuộc Châu Mỹ; tư vấn khoa học và tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội của cả nước”. Chức năng của Viện Nghiên cứu Châu Mỹ này về cơ bản là hoàn toàn tương đồng với chức năng đã được Chủ tịch Viện Hàn lâm phê duyệt qua các quyết định về chức năng, nhiệm vụ của Viện ký các năm 2005, 2013, và 2018. Với việc chuyển đổi từ Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ thành Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, đối tượng nghiên cứu của Viện đã được mở rộng ra toàn bộ các nước, các thể chế của khu vực Châu Mỹ, và với đối tượng nghiên cứu được mở rộng, các phòng/trung tâm nghiên cứu cũng được tăng thêm so với giai đoạn trước. Theo Quyết định số 1213/QĐ-KHXH ngày 29 tháng 7 năm 2005, ngoài Tạp chí và bộ phục vụ nghiên cứu như Hành chính - Tổng hợp, Quản lý khoa học, Thư viện, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ có các phòng/trung tâm nghiên cứu sau: i) Phòng Nghiên cứu Kinh tế Châu Mỹ ii) Phòng Nghiên cứu chính trị Châu Mỹ iii) Phòng Nghiên cứu lịch sử, văn hóa và xã hội Châu Mỹ iv) Phòng Nghiên cứu Quan hệ quốc tế và Hội nhập Châu Mỹ v) Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ vi) Trung tâm Nghiên cứu Canada vii) Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latinh, và viii) Trung tâm Nghiên cứu và Trao đổi giáo dục quốc tế. Do điều kiện nguồn lực có hạn, một số trung tâm nghiên cứu của Viện sau này đã được sáp nhập vào các phòng nghiên cứu chuyên ngành, và cho tới hiện nay, chỉ còn Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latinh hoạt động song song cùng các phòng Nghiên cứu Kinh tế, phòng Nghiên cứu Chính trị, phòng Nghiên cứu Lịch sử và Văn hoá, và Phòng Nghiên cứu quốc tế và Hội nhập. Sự sáp nhập này không phải là việc coi nhẹ nghiên cứu Hoa Kỳ học hay nghiên cứu Canada, mà trên thực tế hai đối tượng nghiên cứu này được duy trì trong hoạt động nghiên cứu của các phòng nghiên cứu theo chuyên ngành, và đặc biệt nghiên cứu kinh tế, chính trị, xã hội, quan hệ quốc tế về Hoa Kỳ luôn là chủ đề nghiên cứu chính của các phòng nghiên cứu chuyên ngành. Viện Nghiên cứu Châu Mỹ vẫn là một đơn vị trực thuộc và chịu sự quản lý của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về mặt nhân sự, kinh phí, quan hệ quốc tế. Trụ sở của Viện Nghiên cứu Châu Mỹ được chuyển từ 176 Phố Thái Hà về số 01 Phố Liễu Giai, và sau đó từ năm 2020, trụ sở của Viện lại được dịch chuyển về địa chỉ 176 Phố Thái Hà. Kể từ khi chuyển đổi thành Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện đã trải qua ba thế hệ lãnh đạo: - Thế hệ lãnh đạo thứ nhất từ năm 2004 đến năm 2009 gồm có: Viện trưởng là GS. TS. Nguyễn Thiết Sơn; Phó Viện trưởng là TS. Vũ Đăng Hinh. - Thế hệ lãnh đạo thứ hai từ 2009 đến 2021 gồm có: Viện trưởng là PGS. TS. Cù Chí Lợi; và các Phó Viện trưởng là TS. Bùi Thị Phương Lan, TS. Nguyễn Thị Kim Anh, TS. Phạm Cao Cường - Thế hệ lãnh đạo thứ ba từ năm 2021 cho đến hiện nay gồm có: Viện trưởng là PGS. TS. Nguyễn Xuân Trung; Phó Viện trưởng là TS. Nguyễn Cao Đức. Trong giai đoạn này, Viện có tổng số nhân sự dao động từ 35 đến 44 người, với 3/4 trong số này là các cán bộ nghiên cứu. Số lượng nhân sự của Viện biến động khá nhiều trong giai đoạn này. Một mặt, Viện phải mở rộng nên đã tuyển dụng thêm nhiều nhân sự mới. Thời kỳ này Viện đã chú trọng tuyển dụng những nhân sự có chất lượng đáp ứng đầy đủ cơ cấu của các phòng và bộ phận chuyên môn, thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình. Mặt khác, nhiều cán bộ của Viện đi học nước ngoài không trở lại Viện và một số khác chuyển công tác sang các đơn vị khác hoặc thôi việc. Bên cạnh đó, trong giai đoạn gần đây, nhằm thực hiện chính sách tinh giản biên chế của Nhà nước, hoạt động tuyển dụng mới được kiểm soát khá chặt chẽ. Mặc dù vậy, quân số của Viện luôn đảm bảo ở mức trên 35 người. Với tư cách là một viện mới thành lập, vào đầu và giữa những năm 2000, lực lượng nghiên cứu của Viện còn tương đối trẻ, đa phần là các sinh viên mới ra trường. Cho đến đầu những năm 2010, tỷ lệ các cán bộ làm nghiên cứu có trình độ tiến sĩ vẫn còn tương đối thấp, dưới 20%, và số còn lại chủ yếu là thạc sĩ và cử nhân. Nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn sau 2010 được lãnh đạo Viện xác định là vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, vừa củng cố và nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ của Viện. Xem việc nâng cao trình độ chuyên môn là một nhiệm vụ chính trị lâu dài cho sự phát triển của Viện, chính sách khuyến khích và động viên các cán bộ vừa tự đào tạo, vừa nâng cao trình độ bằng việc tham gia các khoá đào tạo chính quy sau đại học đã được đưa ra và duy trì trong nhiều năm. Chính sách khuyến khích đào tạo đã nhận được sự hưởng ứng của hầu hết các cán bộ của Viện bằng việc tham gia các khoá đào tạo tại các trường đại học cũng như tại Học Viện Khoa học Xã hội. Thành quả của chính sách thúc đẩy nâng cao trình độ đó là số lượng cán bộ có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ đã được cải thiện một cách căn bản so trước. Hiện nay, khoảng 55% cán bộ của Viện có trình độ tiến sĩ, 35% có trình độ thạc sĩ và số còn lại có trình độ đại học, và trong số này có một số đang theo học tiến sĩ. 2. Hoạt động khoa học Nghiên cứu Mỹ và Canada: Kể từ khi chuyển sang mô hình Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, nghiên cứu về Mỹ (trên cả phương diện Hoa Kỳ học và nghiên cứu chiến lược) luôn được xem là một chủ đề nghiên cứu chính của Viện. Trong giai đoạn đầu thành lập Viện, quan hệ Việt Nam với các nước Châu Mỹ tập trung chủ yếu vào các vấn đề kinh tế, và vì vậy, một số nghiên cứu trong giai đoạn đầu được tập trung chủ yếu vào kinh tế Mỹ và quan hệ kinh tế Việt Nam với Mỹ. Đề tài nghiên cứu đáng chú ý nhất về quan hệ Việt - Mỹ trong giai đoạn này của Viện là Đề tài cấp nhà nước “Quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ” (giai đoạn 2007-2010) do GS. TS. Nguyễn Thiết Sơn đảm trách và một số đề tài cấp bộ do các cán bộ trong viện phụ trách. Các sản phẩm của các nghiên cứu về Mỹ trong giai đoạn đầu của Viện là một số cuốn sách do một số cán bộ Viện làm chủ biên như: “Hoa Kỳ - Kinh tế và quan hệ quốc tế”, Nxb KHXH, 2004 của GS. TS. Nguyễn Thiết Sơn, “Quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ: Vấn đề, Chính sách và Xu hướng” Nxb KHXH, 2011 của GS. TS. Nguyễn Thiết Sơn, “Cấu trúc lại kinh tế Mỹ” Nxb Thế giới, 2005 của TS. Vũ Đăng Hinh; và một số công trình nghiên cứu khác. Bước vào giai đoạn sau (cuối thập kỷ 2000), kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái nặng nề sau khủng tài chính 2007/08, và cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế, các vấn đề chính trị trong nước cũng như các vấn đề quan hệ quốc tế của Mỹ có nhiều biến động lớn và vì vậy, chủ đề nghiên cứu về Mỹ được mở rộng đáng kể. Đáng chú ý kể từ sau năm 2010, hệ đề tài của Viện hàng năm bao gồm các đề tài cấp Bộ và các đề tài cấp Viện (cấp cơ sở) trung nhiều vào các vấn đề kinh tế, chính trị, và quan hệ quốc tế của Mỹ. Ví dụ, các đề tài nghiên cứu của Viện giai đoạn 2011-2012 được thiết kế theo một chương trình nghiên cứu có tính liên kết với chủ đề chính là “Sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu và khu vực của Hoa Kỳ sau khủng hoảng tài chính và tác động tới Việt Nam”, theo đó hầu hết các hoạt động nghiên cứu của Viện sẽ xoay quanh chủ đề nghiên cứu này. Có khoảng hơn một nửa các đề tài nghiên cứu của Viện trong giai đoạn này có chủ đề nghiên cứu liên quan đến Mỹ bao gồm các vấn đề kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế của Mỹ chủ đề quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Quan hệ Việt – Mỹ cũng là một chủ đề nghiên cứu đáng chú ý của giai đoạn này, đặc biệt là quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ từ năm 2013 trở lại đây. Có thể lấy ví dụ một số đề tài cấp bộ nghiên cứu về Mỹ và quan hệ Việt - Mỹ như: “Hợp tác kinh tế trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ”; “Bầu cử tổng thống 2016 và một số nhân tố nổi bật làm thay đổi chính trị đối nội Mỹ trong nhiệm kỷ cuối của Obama”; “Quan hệ thương mại Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Obama (2008 - 2016)”; “Quan hệ Mỹ - Ấn Độ hai thập niên đầu thế kỷ XXI”; “Chính sách Biển Đông của Hoa Kỳ trong bối cảnh mới”. Trong giai đoạn gần đây, các nghiên cứu về Mỹ đã được triển khai với các chủ đề cụ thể hơn, sâu hơn như đề tài: “Xu hướng biến động của đồng đô la Mỹ: Những tác động đến kinh tế thế giới và Việt Nam”; “Chia rẽ chính trị Mỹ hiện nay: Nguyên nhân và tác động”; “Xuất khẩu vũ khí của Hoa Kỳ và một số gợi ý cho Việt Nam”; “Chi tiêu quốc phòng của Mỹ và tác động tới cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc - Nga”; và nhiều đề tài khác. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung Quốc trở nên phức tạp trong những năm gần đây và Mỹ triển khai chính sách đối ngoại mới tập trung nhiều hơn vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Viện đã triển khai một số các đề tài nhằm phân tích chiến lược mới của Mỹ và tác động của chiến lược này tới Việt Nam. Có thể nêu tên một số nghiên cứu của Viện liên quan đến vấn đề này như: “Vai trò của Hoa Kỳ trong tranh chấp tại Biển Đông”; “Chính sách Biển Đông của Hoa Kỳ trong bối cảnh mới”; “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đối sách của Việt Nam”, hay “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và tác động tới Việt Nam”; và một số đề tài khác. Cùng với những nghiên cứu về các vấn đề mang tính chiến lược, các vấn đề văn hoá và xã hội của Mỹ vẫn được triển khai, ví dụ như các đề tài về “Văn hoá tiêu dùng Mỹ”, “Hệ thống giáo dục Mỹ”, “Những trào lưu phát triển xã hội Mỹ từ đầu thập niên 1990 đến nay” hay các đề tài tương tự. Có thể nói, chủ đề nghiên cứu về Mỹ, quan hệ Việt - Mỹ được Viện triển khai rất toàn diện, và các chủ đề nghiên cứu đã đi vào những vấn đề khá cụ thể để qua đó có thể hiểu sâu hơn về Mỹ và chính sách đối ngoại của Mỹ với các nước trong đó có Việt Nam. Chủ đề nghiên cứu về Canada cũng đã được triển khai mặc dù không thể so sánh được với nghiên cứu về Mỹ. Một số nghiên cứu đã được triển khai như các đề tài: “Các ngành kinh tế mũi nhọn của Canada”, “Nhà nước phúc lợi Canada”, “Hệ thống giáo dục của Canada”, “Chính sách của Canada đối với tiểu vùng Mekong” hay “Thương mại Mỹ - Canada”. Nhìn chung, các nghiên cứu về Canada vẫn còn tương đối hạn chế do nguồn lực dành cho đối tượng nghiên cứu này là chưa nhiều như nghiên cứu về Mỹ. Nghiên cứu Mỹ Latinh: Nghiên cứu Mỹ Latinh đã được bắt đầu đẩy mạnh từ khi chuyển sang mô hình Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, và Trung tâm nghiên cứu Mỹ Latinh đã được thành lập và đi vào hoạt động. Hoạt động nghiên cứu Mỹ Latinh được gia tăng trong bối cảnh làn sóng “thuỷ triều hồng” (phong trào cánh tả) tại khu vực Mỹ Latinh trỗi dậy thu hút sự quan tâm của các nhà chính trị cũng như học giả toàn cầu vào giai đoạn cuối thập kỷ 2000. Nhiều nghiên cứu đã được triển khai đánh giá xu thế phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của các nước Mỹ Latinh và các nghiên cứu này đã được đại sứ quán các nước Mỹ Latinh tại Việt Nam quan tâm và cổ vũ. Nhiều hội thảo, toạ đàm về Venezuela đã được Viện Nghiên cứu Châu Mỹ cùng với Đại sứ quán Venezuela tại Việt Nam tổ chức, qua đó giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về đất nước Venezuela cũng như Liên minh ALBA thuộc các nước cánh tả tại Mỹ Latinh. Mặc dù chưa thể nghiên cứu đầy đủ các nước Mỹ Latinh, nhưng các hợp tác nghiên cứu và toạ đàm khoa học đã được thiết lập giữa Viện Nghiên cứu Châu Mỹ và học giả các nước Brazil, Mexico, hay Argentina thông qua đại sứ quán các nước tại Hà Nội. Các công trình nghiên cứu của Viện về Mỹ Latinh đã được công bố trên nhiều tạp chí và sách. Một số công trình tiêu biểu về Mỹ Latinh được xuất bản trong thời gian gần đây của các thành viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latinh gồm: “Cuba: Đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc trong bối cảnh mới”, Nxb KHXH, 2020 của TS. Lộc Thị Thuỷ; “Một số vấn đề chính trị nổi bật của khu vực Mỹ Latinh hiện nay” Nxb KHXH, 2020 của TS. Nguyễn Anh Hùng. Ngoài ra còn nhiều bài báo về nghiên cứu Mỹ Latinh, ví dụ“Biến động chính trị tại các quốc gia Mỹ Latinh trong những năm gần đây” đăng trên tạp chí Châu Mỹ Ngày nay số 1/2022 của TS. Lê Lan Anh; “Phát triển nông nghiệp ở Brazil hiện nay” trên Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay số 11/2020 của Ths. Vũ Đăng Linh. Nhìn chung, đối tượng nghiên cứu Mỹ Latinh là rất lớn (bao gồm 33 nước và vùng lãnh thổ) vì vậy, hoạt động nghiên cứu về Mỹ Latinh của Viện nghiên cứu Châu Mỹ trong thời gian vừa qua chỉ là những bước khởi đầu và còn cần được quan tâm hơn nữa. Nghiên cứu khác: Ngoài các nghiên cứu và công bố trên đây, trên thực tế, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ còn tham dự nhiều chương trình nghiên cứu khác nhau hoặc do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức, hoặc từ các chương trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ quốc gia (Nafosted), từ liên kết với các địa phương hoặc các cơ quan nghiên cứu khác. Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ quốc gia là một quỹ rất quan trọng mà nhiều cán bộ của Viện đã thành công trong việc đệ trình nghiên cứu và được phê duyệt triển khai. Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia đòi hòi thâm niên, trình độ nghiên cứu cũng như đề cương nghiên cứu ở mức cao, và vì vậy, tương đối khó tiếp cận. Mặc dù vậy, trong thời gian gần đây, các cán bộ trẻ của Viện đã thành công trong viện xin và được chấp thuận triển khai, ví dụ như đề tài “Thiên tai, hộ gia đình và sự thay đổi hành vi: Bằng chứng thực nghiệm từ Việt Nam” do TS. Lê Thị Vân Nga làm chủ nhiệm, hay đề tài “Vai trò của Mỹ trong các tranh chấp lãnh thổ ở Châu Á” do TS. Nguyễn Khánh Vân làm chủ nhiệm. Viện Nghiên cứu Châu Mỹ cũng đã tham dự tích cực vào các chương trình nghiên cứu độc lập của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam như đề tài: “Đánh giá, dự báo tác động của điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển mới của Trung Quốc tới Mỹ và gợi mở chính sách cho Việt Nam” thuộc chương trình “Sự điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển mới của Trung Quốc, tác động đến thế giới, khu vực và Việt Nam” giai đoạn 2014-2015, hay đề tài: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về Trật tự thế giới” thuộc chương trình “Nghiên cứu cục diện thế giới đến năm 2030 phục vụ mục tiêu hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn mới” và một số đề tài khác. Mặc dù các chương trình hợp tác quốc tế của Viện còn tương đối khiêm tốn, nhưng các cán bộ của Viện đã nỗ lực khai thác qua các kênh khác nhau để vừa khai thác được thêm đề tài, vừa gia tăng trao đổi học thuật. Đáng kể trong giai đoạn gần đây là các đề tài, chương trình hợp tác bao gồm: i) “Tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và một số hàm ý cho Cộng hoà dân chủ Nhân dân Triều Tiên” do Đại sứ quán Hàn Quốc tài trợ năm 2015 và 2018; ii) “Đánh giá về thực trạng điều kiện làm việc của lao động làm việc tại Nhật Bản/Đài Loan và trong ngành may mặc của Việt Nam” giai đoạn 2019-2021 do Viện Nghiên cứu Châu Mỹ phối hợp với trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cùng trường Đại học Lowell, Massachusette, đại học New York State của Mỹ thực hiện. Đây là một hợp tác nghiên cứu lớn, áp dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại, thực hiện điều tra điền dã với quy mô mẫu phiếu khoảng 10.000 đối tượng trên một không gian lớn ba miền đất nước. Mặc dù triển khai trong bối cảnh vô cùng khó khăn của đại dịch COVID-19, đề tài đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và được đối tác đánh giá cao. - Các hội thảo và toạ đàm khoa học: Cùng với các đề tài, nhiều hội thảo và toạ đàm khoa học cũng được triển khai một cách khá đồng bộ và đây là một hoạt động có ý nghĩa lớn trong việc khẳng định với xã hội về vai trò và uy tín chuyên môn của Viện Nghiên cứu Châu Mỹ. Nhiều chủ đề khoa học đã được tổ chức và thu hút được sự quan tâm của các học giả cũng như các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam tham dự. Chủ đề về quan hệ chính trị Mỹ, quan hệ Việt - Mỹ có thể nói vẫn là chủ đề hội thảo được tổ chức nhiều nhất, và kế đó là quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Các hội thảo về quan hệ Việt - Mỹ luôn bám sát các sự kiện lớn trong quan hệ Việt - Mỹ, ví dụ như trong các dịp hai mươi năm bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ, và nhiều dịp khác. Tại các hội thảo, hay toạ đàm về quan hệ Việt - Mỹ, cùng với các học giả Việt Nam, học giả Mỹ, còn có sự hiện diện của các Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đó là các ngài Đại sứ David Shear, Đại sứ Ted Osius, hay Đại sứ Daniel Kritenbrink. Có thể nói, chính các hội thảo này vừa là diễn đàn trao đổi học thuật, nhưng đồng thời cũng là nơi khẳng định vai trò của Viện Nghiên cứu Châu Mỹ trong cộng đồng nghiên cứu quốc tế về nghiên cứu Hoa Kỳ học tại Việt Nam. Trong các hội thảo nhân các sự kiện lớn của quan hệ Việt - Mỹ, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ đã thực hiện các khảo sát xã hội về thái độ của công chúng về Mỹ và quan hệ Việt - Mỹ, và chủ đề này đã được đánh giá rất cao trong các hội thảo. Sự tham dự của các bộ ngành, học giả lớn tại các cuộc hội thảo của Viện về chủ đề khác nhau trên thực tế đã tạo ra một kênh trao đổi cởi mở và đa dạng. Tại các cuộc hội thảo này, quan điểm của Viện về các vấn đề quốc tế được đưa ra cọ sát và trao đổi. Các thảo luận này, không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật, hoặc cung cấp thông tin, mà còn có những ảnh hưởng nhất định tới các định hướng chính sách của Việt Nam với các nước. Ngoài các hội thảo về quan hệ Việt - Mỹ, các hội thảo về chính trị Mỹ, kinh tế Mỹ, các hội thảo và toạ đàm về các nước Mỹ Latinh cũng được tổ chức khá thường xuyên. Một số đại sứ quán các nước Mỹ Latinh rất quan tâm tới Viện Nghiên cứu Châu Mỹ và đã tổ chức một số toạ đàm và trao đổi khoa học giúp xây dựng và củng cố quan hệ giữa Viện và các đại sứ quán, cũng như các cán bộ của Viện với các học giả Mỹ Latinh. Đại sứ quán Venezuela, Brazil, và gần đây là Mexico đang là các cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy trao đổi khoa học và kết nối học giả giữa các cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Châu Mỹ và học giả của các nước này. - Tư vấn chính sách: Cùng với hoạt động nghiên cứu, các hoạt động tư vấn chính sách cũng đã được đẩy mạnh. Hoạt động tư vấn chính sách được thực hiện qua một số kênh khác nhau, như kênh Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, kênh các bộ ngành, hoặc qua các hội thảo, toạ đàm khoa học. Viện Hàn Khoa học Xã hội Việt Nam lâm với tư cách là cơ quan chủ quản luôn yêu cầu các viện chuyên ngành phải có các báo cáo tư vấn chính sách đối với các cơ quan trung ương và các bộ ngành về lĩnh vực mà các viện phụ trách. Trên lĩnh vực này, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ đã xây dựng các báo cáo tư vấn dựa trên các kết quả nghiên cứu của các đề tài hoặc từ các phát hiện mới trong quá trình nghiên cứu nói chung. Hầu hết các đề tài cấp bộ đều phải chuẩn bị các báo cáo kiến nghị, và trong số các báo cáo này, một số đã được lựa chọn để gửi đi các cơ quan trung ương và bộ, ngành. Ngoài các đề tài cấp bộ, hàng năm, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ vẫn xây dựng và cung cấp khoảng hai hoặc ba báo cáo tư vấn gửi các cơ quan trung ương thông qua Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và về cơ bản, các báo cáo tư vấn này chủ yếu tập trung vào các vấn đề về chính sách đối ngoại của Mỹ, quan hệ Mỹ - Trung, hoặc một số vấn đề liên quan đến quan hệ Việt - Mỹ. Nhìn chung, các báo cáo tư vấn đã được Viện Hàn lâm đánh giá tốt và chuyển tới các cơ quan Trung ương khác nhau. Từ khoảng năm 2010 trở lại gần đây, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ cũng tham gia một cách đầy đủ cùng các Viện nghiên cứu khác thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chuẩn bị các báo cáo về tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước hàng tháng. Trong báo cáo này, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ phụ trách phần kinh tế - xã hội của Mỹ và các nước Châu Mỹ. Báo cáo này đã được gửi đi tới các cơ quan Đảng và Nhà nước, Bộ ngành để làm tài liệu tham khảo. Cùng với các báo cáo tư vấn do viện trực tiếp soạn thảo, các cán bộ nghiên cứu của Viện luôn được các cán bộ của một số bộ ngành tới tham vấn các vấn đề quốc tế nói chung và chính sách đối ngoại của Mỹ nói riêng. Đây là một hoạt động khá thường xuyên cho thấy, các hoạt động tư vấn của các cán bộ nghiên cứu của Viện có những đóng góp tốt cho các bộ ngành quan tâm tới các chủ đề nghiên cứu của Viện. Bên cạnh đó, các cuộc toạ đàm hay hội thảo của Viện luôn được các bộ ngành quan tâm và đăng ký tham dự khá đông đảo. Mặc dù các hoạt động tham vấn như vừa nói hoặc các hội thảo khoa học mang nhiều tính tham khảo, nhưng không thể phủ nhận rằng các hoạt động này đã ít nhiều có tác động tới quá trình hình thành các chiến lược cũng như các chính sách đối ngoại của Việt Nam trong những năm qua. 3. Các hoạt động khác: - Hoạt động đào tạo: Đào tạo là một chức năng được đề cập trong các quyết định về chức năng nhiệm vụ của Viện. Hoạt động đào tạo được triển khai không chỉ nhằm mục đích truyền bá kiến thức, mà còn góp phần vào việc quảng bá hình ảnh cơ quan và nâng cao vị thế của Viện trong hệ thống giáo dục toàn quốc. Phương thức tham gia đào tạo của Viện là khá đa dạng, bao gồm việc liên kết với các cơ sở giáo dục đào tạo trên các lĩnh vực Hoa Kỳ học hoặc Châu Mỹ học. Học viện Khoa học Xã hội là cơ sở đào tạo lớn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và nhiều cán bộ của Viện đã tham gia vào hoạt động đào tạo tại các khoa khác nhau của Học viện. Các trường đại học như Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế và nhiều trường đại học khác cũng là các cơ sở giáo dục mà các cán bộ của Viện phối hợp đào tạo. Hoạt động đào tạo vừa để thực hiện chức năng của Viện, vừa mang lại lợi ích cho chính Viện. Các cán bộ của Viện tham gia đào tạo với tư cách là giảng viên, đồng thời là các hướng dẫn khoa học cho các luận án tiến sĩ, thạc sĩ, tham gia vào các hội đồng đánh giá các luận án, luận văn cho các cơ sở đào tạo khác nhau. Bên cạnh việc tham gia đào tạo, một vài cán bộ của Viện còn đảm đương vị trí quản lý tại các cơ sở đào tạo, ví dụ như tại Học viện Khoa học xã hội. - Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay: Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay là cơ quan ngôn luận của giới nghiên cứu Hoa Kỳ học và quan hệ quốc tế tại Việt Nam. Tạp chí được hình thành ngay khi thành lập Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ với hai tháng một kỳ và bắt đầu từ năm 2001, tạp chí xuất bản một tháng một kỳ. Các bài viết trên tạp chí Châu Mỹ Ngày nay bao trùm nhiều lĩnh vực như kinh tế quốc tế, chính trị quốc tế, văn hoá Mỹ và Châu Mỹ và quan hệ Việt Nam với các nước Châu Mỹ. Tác giả của các bài viết đăng trên tạp chí bao gồm các cán bộ trong Viện Nghiên cứu Châu Mỹ và các học giả bên ngoài Viện. Khoảng 40% số bài viết đăng trên tạp chí Châu Mỹ Ngày nay là bài của cán bộ Viện. Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay hiện nay là tạp chí hàng đầu Việt Nam về Hoa Kỳ học và Châu Mỹ học, và được nhiều học giả, cũng như các cán bộ công tác ở các cơ quan thực tiễn đăng ký thường xuyên. (Chi tiết xem phần dưới) - Các hoạt động hỗ trợ: Các bộ phận phục vụ như hành chính, tổ chức, kế toán, quản lý khoa học là các bộ phận rất quan trọng đối với hoạt động của Viện và sự hỗ trợ của các bộ phận này góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chung của cơ quan. Bộ phận phục vụ của Viện thông thường có 5-6 nhân viên được chia làm hai lĩnh vực chính: i) Hành chính, tổ chức, tiền lương, kinh phí; và ii) quản lý khoa học và hợp tác quốc tế. Trước đây, bộ phận phục vụ còn có thư viện, tuy nhiên từ năm 2000, thư viện của các Viện khối nghiên cứu quốc tế được sáp nhập thành Trung tâm tư liệu, thư viện khối quốc tế và tách khỏi Viện. Hoạt động của khối phục vụ là những công việc “không tên” nhưng lại rất quan trọng cho hoạt động nghiên cứu, và về căn bản, hoạt động hỗ trợ này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên các lĩnh vực về đảm bảo chế độ tiền lương, phúc lợi cho cán bộ, các chế độ chính sách. Cũng không kém phần quan trọng đó là bộ phận quản lý khoa học và hợp tác quốc tế trong việc hỗ trợ lãnh đạo Viện triển khai các hoạt động nghiên cứu và hợp tác quốc tế góp phần quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm của Viện về nghiên cứu và tư vấn chính sách. Một số nhận xét: - Việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ và sau đó là Viện Nghiên cứu Châu Mỹ là một chủ trương sáng suốt và đúng đắn của Đảng và Nhà nước, của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Mặc dù có thể chưa hoàn toàn đáp ứng được những kỳ vọng, nhưng hoạt động của Viện Nghiên cứu Châu Mỹ đã góp phần thúc đẩy bộ môn Hoa Kỳ học, Châu Mỹ học tại Việt Nam. Trên nền tảng các hoạt động của mình, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ hiện nay đã có những đóng góp quan trọng vào gia tăng hiểu biết về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia Châu Mỹ, cũng như có những đóng góp quan trọng trong hoạt động tư vấn chính sách cho các cơ quan Đảng và Nhà nước. - Trải qua ba mươi năm hình thành và phát triển, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ đã có những bước tiến dài trên con đường phát triển. Từ một trung tâm còn tương đối khiêm tốn khi thành lập, cho đến nay, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ đã trở thành một cơ quan nghiên cứu hàng đầu Việt Nam về Hoa Kỳ học, Châu Mỹ học, có lực lượng cán bộ nghiên cứu lớn mạnh và đủ sức đảm đương các công trình nghiên cứu lớn. - Kết hợp nghiên cứu đất nước học, khu vực học và nghiên cứu chiến lược là rất cần thiết để vừa nghiên cứu tốt, vừa tư vấn chính sách tốt. Đất nước học, khu vực học (Hoa kỳ học, Châu Mỹ học) cung cấp các nền tảng rất căn bản để hiểu về đất nước và con người, và qua đó giúp hiểu được những tính toán chiến lược của các quốc gia và quan hệ của Việt Nam với các quốc gia tại khu vực này. - Mặc dù đạt được những bước phát triển quan trọng, một số lĩnh vực nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Châu Mỹ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Đối tượng nghiên cứu là rất rộng, và rất phức tạp, vì vậy, cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc mở rộng phạm vi nghiên cứu và điều này đòi hỏi nỗ lực lớn của các cán bộ và người lao động trong Viện cũng như sự quan tâm của các cơ quan cấp trên. III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CỦA VIỆN 1. Định hướng: Hội nhập và phát triển vẫn đang là một định hướng lớn trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng và Nhà nước xác định kể từ bắt đầu tiến trình Đổi mới cho đến hiện nay. Bối cảnh quốc tế đang có những thay đổi rất nhanh chóng và khó đoán định, và tình hình này cũng hoàn toàn đúng với khu vực Châu Mỹ. Vì vậy, những biến đổi của tình hình thế giới cũng như khu vực Châu Mỹ sẽ có những tác động rất to lớn tới Việt Nam trong những năm sắp tới. Thực tế này đòi hỏi Viện Nghiên cứu Châu Mỹ phải phát triển mạnh hơn nữa để có thể đáp ứng các yêu cầu về nghiên cứu tư vấn cho Đảng và Nhà nước trong chính sách đối ngoại nói chung, quan hệ của Việt Nam với các nước Châu Mỹ nói riêng. Trong bối cảnh này, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ xác định những định hướng lớn trong những năm sắp tới là như sau: - Tiếp tục bám sát các quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đã được Đảng và Nhà nước cũng như Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xác định để tổ chức các hoạt động chuyên môn cho phù hợp. Duy trì một cách cân đối giữa nghiên cứu đất nước học, khu vực học với các nghiên cứu chiến lược, coi hai loại hình nghiên cứu này là tương hỗ và bổ sung lẫn nhau để có thể hiểu và phân tích tốt các vấn đề kinh tế, chính trị cũng như xã hội của các nước Châu Mỹ, qua đó có những tư vấn chính sách một cách kịp thời và chính xác. - Tiếp tục củng cố và phát triển Viện hơn nữa để đưa Viện trở thành một viện nghiên cứu và tư vấn chính sách về Châu Mỹ hàng đầu ở Việt Nam và ngang tầm khu vực, đẩy mạnh hơn nữa các liên kết và trao đổi khoa học với các trường, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước vừa nhằm trao đổi kiến thức, vừa nâng cao trình độ nghiên cứu cho các cán bộ trong Viện. Mỹ vẫn là đối tượng nghiên cứu chính của Viện và vì vậy trong giai đoạn tới, Viện cần phải gia tăng kết nối với các trường, các viện nghiên cứu của Mỹ, cũng như các viện nghiên cứu Mỹ của các nước trong khu vực để tăng cường trao đổi và học hỏi kiến thức. Khu vực Mỹ Latinh cũng như các nước còn lại cũng sẽ là các đối tác quan trọng của Việt Nam và vì vậy, gia tăng nghiên cứu, đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học và các viện nghiên cứu của các nước Mỹ Latinh và Canada, Mexico cũng cần được ưu tiên đúng mức. - Phân tích tốt xu thế phát triển lớn của khu vực Châu Mỹ, đặc biệt là Mỹ, để từ đó đưa ra các chương trình nghiên cứu dài hạn, phù hợp. Trên nền tảng phân tích này, chủ động đề xuất các chương trình nghiên cứu và phối hợp nghiên cứu với các cơ quan và các trường đại học trong và ngoài nước. - Khai thác triệt để các nguồn tài trợ trong và ngoài nước để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu. Cần đặc biệt chú ý các nguồn tài trợ của các quỹ Nafosted, của các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia, cũng như các hợp tác và tài trợ của các quỹ, các trường đại học trên thế giới. - Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo trong và ngoài nước, tự đào tạo để hình thành một đội ngũ cán bộ nghiên cứu vừa có chuyên môn cao và vừa có tâm huyết lớn để giải quyết các nhiệm vụ mà Viện Nghiên cứu Châu Mỹ sẽ phải đảm đương giải quyết trong thời gian tới. 2. Các hướng hoạt động chính - Triển khai nghiên cứu cơ bản (Châu Mỹ học) trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục,... về các nước Châu Mỹ, đặc biệt cần đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu cơ bản đối với khu vực Mỹ Latinh khi hiểu biết về khu vực này hiện nay còn tương đối hạn chế. Cập nhật các hướng nghiên cứu Châu Mỹ học trên thế giới để vừa củng cố về phương pháp luận, vừa nâng cao kiến thức chuyên môn. - Đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược, đặc biệt là các vấn đề chiến lược của Mỹ, các nước lớn của khu vực Châu Mỹ trong tương quan với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để qua đó có các tư vấn chính sách một cách kịp thời và chính xác. - Tổ chức các hội nghị, toạ đàm khoa học quy tụ được các học giả lớn trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách để trao đổi các vấn đề mang tính chất học thuật và có tính chất thực tiễn nhằm nâng cao uy tín của Viện và đồng thời tranh thủ ý kiến của các chuyên gia trong việc giải quyết các vấn khoa học và tư vấn chính sách của Viện. - Thông qua chương trình Nghị định thư hay các kênh khác phù hợp, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu với các trường đại học, viện nghiên cứu ở khu vực Châu Mỹ, đặc biệt là các nước Mỹ Latinh nhằm nắm bắt và hiểu rõ hơn các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của những quốc gia này. 3. Mục tiêu 2030 Với định hướng và các hướng hoạt động đã được xác định như trên, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 như sau: - Trở thành một viện nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam và là một viện nghiên cứu có uy tín về Châu Mỹ tại khu vực Châu Á. Nâng cao năng lực nghiên cứu, đẩy mạnh xuất bản quốc tế, tích cực tổ chức các toạ đàm khoa học quốc tế để biến Viện thành một diễn đàn có uy tín của khu vực về nghiên cứu Châu Mỹ. - Phấn đấu trở thành một cơ quan tư vấn chính sách có uy tín về các vấn đề quốc tế, chính sách đối ngoại của Việt Nam với thế giới nói chung và với khu vực Châu Mỹ nói riêng, tham gia tích cực vào việc tư vấn và chuẩn bị văn kiện cho các kỳ đại hội Đảng sắp tới. - Phấn đấu phối hợp với các cơ sở đào tạo để đưa chủ đề Châu Mỹ học thành một chuyên ngành lớn, qua đó đẩy mạnh hoạt động đào tạo, chuyển giao kiến thức và phối hợp với các trường đại học nước ngoài đẩy mạnh hoạt động đào tạo chuyên ngành Châu Mỹ học theo chuẩn quốc tế.   


Viện nghiên cứu Châu Mỹ


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn