Hội thảo do Viện Nghiên cứu Châu Mỹ (VIAS) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD) đồng tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 19/09/2024 đã thu hút sự quan tâm theo dõi và tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, đến từ các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cùng sự có mặt của nhiều đại sứ đến từ các sứ quán trên địa bản thủ đô Hà Nội và các nhà quản lý hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại đến từ các đơn vị liên quan khác.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Cao Đức, Phó Viện trưởng Phụ trách, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ (VIAS) cho biết: cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đang thu hút sự quan tâm không chỉ của người dân Mỹ mà còn của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị có tầm ảnh hưởng sâu rộng có ý nghĩa định hình tương lai nước Mỹ và có tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế của các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn học thuật để các chuyên gia, nhà khoa học có cơ hội phân tích, thảo luận sâu hơn các kịch bản có thể diễn ra liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Trên cơ sở đó có thể đưa ra được những đánh giá ban đầu về những tác động chính sách và xu hướng chính trị liên quan. Phó Viện Trưởng Phụ trách đề nghị các tham luận cần tập trung làm rõ các vấn đề có tính chất nổi bật đã và đang diễn ra trong tiến trình bầu cử; thảo luận về những kịch bản, xu hướng đối ngoại trọng tâm có thể xảy ra tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đối với từng ứng viên cũng như làm rõ tác động của cuộc bầu cử đến quan hệ Việt – Mỹ trong thời gian tới.
Theo đó, Hội thảo đã được lắng nghe các tham luận: “Bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 và nhận diện xu hướng chính sách của các ứng cử viên Tổng thống” (TS. Lộc Thị Thủy, Chuyên gia Tư vấn Chiến lược, VIAS trình bày); “Những kịch bản có thể xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024” (ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại, Chủ tịch Hội Việt – Mỹ trình bày); “Dự báo xu hướng trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” (PGS.TS. Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trình bày); “Những vấn đề cần quan tâm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024” (Trung tướng, tiến sĩ Đỗ Lê Chi, nguyên Viện Trưởng Viện Chiến lược Công An, Bộ Công An trình bày); “Tác động của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đến quan hệ Việt – Mỹ trong thời gian tới” (ông Bùi Thế Giang, nguyên Vụ Trưởng Vụ Tây Âu – Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Việt – Mỹ trình bày); “Quan hệ Mỹ - Trung sau bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024” (TS. Nguyễn Ngọc Mạnh, VIAS trình bày).
Qua đó có thể nhận thấy, cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 giữa Donald Trump và Kamala Harris đang diễn ra rất quyết liệt, các số liệu điều tra cho thấy Harris hiện đang dẫn trước Trump khoảng 3,3 điểm trên toàn quốc. Bà cũng có lợi thế đáng kể ở các bang chính trường quan trọng như Pennsylvania và Michigan, nơi bà dẫn trước ông Trump từ 5 đến 6 điểm. Tuy nhiên, tại các bang như Wisconsin, cuộc đua giữa hai ứng viên diễn ra rất sát sao và có thể quyết định đến kết quả cuộc bầu cử.
Dựa trên các luận cứ khoa học, các đại biểu cũng đưa ra những đánh giá cho thấy sự khác biệt khá rõ rệt về các xu hướng theo nhóm nhân khẩu học. Hiện tại bà Harris đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phụ nữ, đặc biệt là tại Michigan, nơi bà dẫn trước Trump với cách biệt lớn về tỷ lệ cử tri nữ. Trong khi đó, ông Trump có sự ủng hộ mạnh hơn từ nam giới, cựu chiến binh và các cử tri không có bằng đại học. Harris nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ cử tri trẻ và các nhóm thiểu số, còn Trump chiếm ưu thế ở nhóm cử tri cao tuổi và cử tri da trắng.
Bàn về các vấn đề trọng yếu, các chuyên gia cho rằng cử tri Mỹ có sự chia rẽ rõ ràng về các vấn đề mà họ quan tâm, cụ thể là các vấn đề liên quan đến lợi ích mà họ nhận được khi ứng viên đắc cử. Ông Trump được tin tưởng hơn trong việc xử lý các vấn đề kinh tế, nhập cư và lạm phát…, trong khi Harris lại được đánh giá cao hơn về các quan điểm liên quan đến chăm sóc sức khỏe, kiểm soát súng đạn và các vấn đề xã hội như quyền phá thai…
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác cũng được các đại biểu đề cập tới đó là nhóm cử tri độc lập. Bà Harris đã có bước tiến lớn trong việc thu hút nhóm cử tri này và hiện đang dẫn trước ông Trump 7,7 điểm trong các cuộc thăm dò gần đây. Điều này có thể tạo nên sự khác biệt lớn trong các bang chính trường, nơi cử tri độc lập đóng vai trò then chốt.
Cuộc đua giữa Trump và Harris hiện đang có nhiều diễn biến bất ngờ, ở giai đoạn nước rút, cả hai đều ở thế chạy đua rất sát sao, rất khó để có thể đưa ra được nhận định cuối cùng ai sẽ là người về đích trước khi mà cuộc đua vẫn đang trong tiến trình vận động, cho dù trong hiện tại, bà Harris đang cho thấy cán cân đã bắt đầu có chiều nghiêng về phía bà nhiều hơn.
Về quan điểm có hàm ý chính sách liên quan đến mối quan hệ Việt – Mỹ, các chuyên gia và nhà khoa học đều cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ dựa trên chính sách đối ngoại của người thắng cử. Có 3 yếu tố có thể tác động và tạo ra những ảnh hưởng nhất định tới mối quan hệ này đó là:
Thứ nhất, chính sách đối ngoại: Nếu Donald Trump tái đắc cử, có thể ông sẽ tiếp tục chính sách thương mại cứng rắn và tập trung vào "America First" (Nước Mỹ trên hết), làm giảm sự can dự vào các tổ chức quốc tế và hiệp định đa phương. Điều này có thể tạo ra sự bất ổn trong thương mại toàn cầu, trong đó có mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ. Mặc dù vậy, dưới thời Trump, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vẫn khá vững mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và an ninh khu vực.
Thứ hai, chính quyền Kamala Harris: Nếu Harris chiến thắng, chính sách của bà có thể kế thừa nhiều yếu tố từ chính quyền Biden, với cách tiếp cận đa phương và cam kết vào các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và hợp tác khu vực. Điều này có thể củng cố thêm quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt khi Việt Nam đang muốn gia tăng hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ, giáo dục và phát triển bền vững.
Thứ ba, thương mại và an ninh: Dù ai thắng cử, mối quan hệ thương mại và an ninh giữa hai nước đều có khả năng tiếp tục phát triển cả Trump và Harris đều sẽ ưu tiên hợp tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc, một nhân tố quan trọng liên quan trực tiếp tới hoạt động đối ngoại của Việt Nam...
Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch CSSD đã đánh giá cao các tham luận trình bày tại Hội thảo và cho rằng các ý kiến trao đổi đã mở ra nhiều hướng tiếp cận mới, tạo cơ sở quan trọng để CSSD và VIAS có thể triển khai thêm nhiều hoạt động hợp tác với quy mô hứa hẹn hơn trong tương lai và khẳng định, dù kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 diễn ra theo chiều hướng nào, ai sẽ đắc cử và sẽ có tác động không nhỏ đến chiến lược hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng trong ngắn hạn, với cả hai ứng viên, Việt Nam đều có thể duy trì hoặc gia tăng mối quan hệ này, dù theo các cách tiếp cận khác nhau để phát triển bền vững nhờ vào vị thế địa chính trị, khối đại đoàn kết dân tộc cũng như quan điểm ngoại giao cây tre mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang theo đuổi./.