Chính trị - Luật:
NƯỚC MỸ VÀ THẾ GIỚI SAU BẦU CỬ GIỮA NHIỆM KỲ NĂM 2022 Ở MỸ
Nguyễn Ngọc Mạnh
Tóm tắt: Vào ngày 8/11/2022, nước Mỹ đã diễn ra một sự kiện quan trọng, đó là cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Theo đó, Quốc hội Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế dân biểu tại Hạ viện và 35 ghế nghị sỹ tại Thượng viện. Sự kiện này chắc chắn tác động trực tiếp đến những vấn đề của nước Mỹ và thế giới. Bởi vì Quốc hội Mỹ khóa 118, được bầu ra tại cuộc bầu cử lần này sẽ quyết định các chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ trong vòng 2 năm tới. Do đó, việc đánh giá, phân tích những tác động sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này đến nước Mỹ và thế giới nói chung và quan hệ Việt - Mỹ nói riêng là rất quan trọng giúp cho việc định hình chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay.
BẠO LỰC CHÍNH TRỊ TRONG BẦU CỬ Ở BRAZIL
Lê Lan Anh
Tóm tắt: Bạo lực chính trị trong bầu cử đã không còn là một khái niệm mới trong đời sống chính trị thế giới. Tại Brazil, bạo lực chính trị trong bầu cử đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng trong những kỳ bầu cử gần đây. Dựa trên những dữ liệu về các cuộc bạo lực chính trị trong các kỳ bầu cử của Brazil, bài viết đã chỉ ra những nguyên nhân thúc đẩy bạo lực trong các cuộc bầu cử, tập trung vào giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2022. Một số nguyên nhân chính đó là, tham nhũng và suy thoái kinh tế, mâu thuẫn đảng phái và phân cực chính trị, và những mục tiêu chính trị cá nhân. Kết quả nghiên cứu cho thấy hành vi bạo lực chính trị trong các kỳ bầu cử ở Brazil đã có xu hướng gia tăng trong và thậm chí cả sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Sự gia tăng của bạo lực chính trị trong các cuộc bầu cử đã ảnh hưởng đến tâm lý của cử tri, họ cảm thấy lo sợ cho sự an toàn của bản thân khi tham dự các cuộc bỏ phiếu.
Quan hệ Quốc tế:
CẠNH TRANH GIỮA MỸ, TRUNG QUỐC VÀ NGA Ở CÁC KHU VỰC MỸ LATINH, TRUNG ĐÔNG, CHÂU PHI VÀ BẮC CỰC
Phạm Quốc Thái
Tóm tắt: Có ba khuôn mẫu chính trong quan hệ giữa các nước lớn hiện nay là: Hợp tác, xung đột và cạnh tranh. Trong bài viết này chúng tôi chỉ tập trung phân tích cạnh tranh giữa các nước lớn là Mỹ, Trung Quốc và Nga ở các khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi và Bắc Cực, coi đây là nét nổi bật gây nên nhiều biến động trong thế giới kể từ năm 2018 đến nay. Cuộc cạnh tranh này đã và đang làm tăng thêm các thách thức trong hợp tác đa phương, gây thêm khó khăn hơn là thúc đẩy hợp tác trong phát triển quan hệ quốc tế hiện nay.
TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT TRONG CẠNH TRANH MỸ - TRUNG Ở KHU VỰC NAM THÁI BÌNH DƯƠNG
Bùi Hải Đăng
Lục Minh Tuấn
Tóm tắt: Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, đặc biệt kể từ thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, trải dài ở nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại và diễn ra đồng thời ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, tiêu biểu như ở khu vực Đông Nam Á, Châu Phi, Trung Đông, khu vực Thái Bình Dương.... Ở Nam Thái Bình Dương, cửa ngõ kết nối hai bờ Thái Bình Dương, chiến lược và kế hoạch cạnh tranh của Mỹ có ba điểm tương đồng và bảy điểm khác biệt so với cách tiếp cận của phía Trung Quốc tính đến hết Quý III/2022. Bài viết này gồm có ba phần: Phần 1 tập trung phân tích các điểm tương đồng như: (i) cùng duy trì cách tiếp cận từ giới hạn về điểm mở rộng ra cấu trúc đa cạnh ở cấp thượng đỉnh, (ii) cùng tôn trọng các lĩnh vực hợp tác trọng tâm mà khu vực yêu cầu là chống biến đổi khí hậu và ngư nghiệp và (iii) đều có dấu hiệu đầu tư dàn trải trên phạm vi mở rộng các nội dung an ninh phi truyền thống để che giấu các mục tiêu chiến lược về an ninh truyền thống; Phần 2 tập trung làm rõ các nền tảng khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc về lịch sử tương tác, tổng đầu tư, tính gắn kết giữa các đơn vị do chính phủ điều phối, bẫy nợ, hiện diện quân sự, gắn kết giữa các chiến lược trong khu vực và tập hợp lực lượng; Phần 3 đưa ra những nhận định chung và các dự báo về triển vọng cạnh tranh Mỹ - Trung ở khu vực Nam Thái Bình Dương, cũng như khuyến nghị cho cách ứng xử đối ngoại của Việt Nam đối với sự cạnh tranh này trong tương lai gần.
Kinh tế - Xã hội:
KINH TẾ MỸ NĂM 2022, DỰ BÁO NĂM 2023
Nguyễn Văn Lịch
Nguyễn Minh Trang
Trịnh Thị Hương Mơ
Tóm tắt: Năm 2022, kinh tế Mỹ có dấu hiệu chững lại sau ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 cuối năm 2021. Điển hình là tình trạng lao động thiếu việc làm, lạm phát tăng cao. Bên cạnh những bất ổn trong nước, kinh tế Mỹ còn phải đối mặt với nhiều áp lực từ tình hình kinh tế, chính trị bên ngoài. Đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, Mỹ quyết định chọn biện pháp tăng lãi suất nhằm kiểm soát mức lạm phát. Quý III-IV/2022, kinh tế Mỹ đã phục hồi trở lại sau hai quý liên tiếp sụt giảm… Tuy nhiên, Mỹ vẫn có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023 khi bối cảnh lạm phát cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục nâng lãi suất cơ bản.
HỢP TÁC Y TẾ CỦA MỸ VỚI ASEAN GIAI ĐOẠN 2009-2020
Lê Thị Phương Loan
Võ Thị Giang
Tóm tắt: Hợp tác về y tế là một trong những lĩnh vực hợp tác văn hóa - xã hội quan trọng giữa Mỹ và ASEAN. Từ năm 2001 đến nay, Mỹ đã hỗ trợ ASEAN 3,5 tỷ USD cho các mục tiêu chung về một tương lai khỏe mạnh, gồm phòng ngừa và điều trị HIV/AIDS; kiểm soát và chẩn đoán bệnh truyền nhiễm; cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; mở rộng khả năng tiếp cận nước sạch. Những sáng kiến, dự án hợp tác đã giúp cứu người, bảo vệ người nhiễm bệnh và thúc đẩy sự ổn định cũng như sức khoẻ cộng đồng các quốc gia ASEAN và Mỹ, giúp hai bên đáp ứng tốt hơn mục tiêu y tế toàn cầu của thế kỷ XXI, cũng như giải quyết nguy cơ an ninh phi truyền thống trong lĩnh vực y tế.
Thông tin: