Quan hệ Quốc tế:
TRẬT TỰ QUỐC TẾ: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
Cù Chí Lợi
Tóm tắt: Trật tự quốc tế (TTQT) là một lý luận về kiểm soát xung đột quốc tế được hình thành dựa trên nền tảng ý niệm về trật tự xã hội. Với quan niệm cho rằng có tồn tại một xã hội quốc tế giữa các nhà nước trong quan hệ quốc tế, trường phái Anh về quan hệ quốc tế đã xây dựng nên lý luận về TTQT bao gồm trong nó một hệ thống các luật lệ, quy tắc mà các quốc gia cùng tôn trọng và tuân thủ để duy trì trật tự trong quan hệ quốc tế. TTQT hình thành dựa trên nền tảng của hệ thống thế giới, và vì vậy, TTQT có thể mang nhiều sắc thái khác nhau và biến đổi cùng sự thay đổi của hệ thống thế giới.
TƯƠNG QUAN SỨC MẠNH CỦA CÁC CHỦ THỂ CHÍNH CHI PHỐI TRẬT TỰ THẾ GIỚI SAU CHIẾN TRANH LẠNH
Hoàng Thế Anh
Tóm tắt: Bài viết phân tích tương quan sức mạnh của các chủ thể (Mỹ, phương Tây, Trung Quốc, Nga) và các tổ chức quốc tế có sức mạnh chi phối lớn đến trật tự thế giới ngày nay cho thấy: Hiện nay, mặc dù Mỹ và phương Tây vẫn có sức mạnh nhất chi phối trật tự thế giới, nhưng Trung Quốc và Nga đang thách thức trật tự này, như vậy, có hai xu hướng hình thành trật tự thế giới là hai cực và đa cực. Trong đó, xu hướng đa cực, lựa chọn trung lập là mong muốn của nhiều quốc gia tầm trung và đang phát triển trên thế giới.
Chính trị - Luật:
LỢI ÍCH QUỐC GIA TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY: TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN THỰC TIỄN
Hoàng Khắc Nam
Tóm tắt: Lợi ích quốc gia là những lợi ích chủ yếu của quốc gia có chủ quyền trong quan hệ với bên ngoài. Lợi ích quốc gia đóng vai trò rất quan trọng đối với quốc gia và quan hệ quốc tế. Vì thế, việc nhận diện lợi ích quốc gia của các bên quan hệ là bước đi quan trọng đầu tiên để có được chính sách và hành động phù hợp. Tất cả các lý thuyết quan hệ quốc tế đều công nhận vai trò quan trọng của lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, các lý thuyết này đều có xu hướng khái quát hóa và mặc định lợi ích quốc gia. Trong khi đó, các lợi ích quốc gia thường không như nhau trong từng hoàn cảnh cụ thể và các quan hệ cụ thể. Đồng thời, bối cảnh hiện nay đã làm biến đổi một số điểm trong lợi ích quốc gia trong thực tiễn so với lý thuyết. Trên cơ sở chỉ rõ cách nhận diện lợi ích quốc gia, phân tích các biến số trong xác định lợi ích quốc gia và vai trò của lợi ích quốc gia cơ bản, bài viết đã chỉ ra một số xu hướng khác của lợi ích quốc gia trong bối cảnh hiện nay.
NHÂN TỐ SAUDI ARABIA TRONG QUAN HỆ MỸ - NGA Ở TRUNG ĐÔNG
Lộc Thị Thuỷ
Tóm tắt: Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Saudi Arabia trở thành quốc gia có vai trò quan trọng trong chiến lược của các nước lớn không chỉ ở Tây Á, Trung Đông, mà còn trên thế giới do nước này có nhiều lợi thế đặc biệt mà các quốc gia khác không có được về lịch sử, tôn giáo, địa chiến lược. Điều này, càng trở nên quan trọng khi Saudi Arabia trở thành địa bàn tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường ngoài khu vực như: Mỹ với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, hay Mỹ với Nga từ năm 2015 đến nay thông qua chiến lược “Đại Trung Đông mới” của Mỹ và trở lại Trung Đông của Nga. Trong bài viết này tác giả tập trung phân tích vai trò của Saudi Arabia trong chiến lược của Mỹ và Nga ở Trung Đông, sau đó, đi sâu phân tích ảnh hưởng của nhân tố Saudi Arabia trong quan hệ Mỹ - Nga và đưa ra một số đánh giá.
Kinh tế - Xã hội:
VAI TRÒ CỦA CUỘC CÁCH MẠNH CÔNG NGHIỆP 4.0 TRONG LĨNH VỰC DƯỢC PHẨM CỦA HOA KỲ
Trần Minh Nguyệt
Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang là chủ đề thu hút các nhà nghiên cứu và thực hành trong lĩnh vực dược phẩm của Hoa Kỳ. Ngành công nghiệp dược phẩm của Hoa Kỳ đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng - bao gồm toàn cầu hóa, áp lực về giá cả, chi phí, và y học cá nhân hóa. Việc áp dụng các công nghệ 4.0 sẽ giúp các công ty dược phẩm Hoa Kỳ thích ứng với những thách thức này. Bài viết sẽ tìm hiểu về vai trò và lợi ích của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực dược phẩm của Hoa Kỳ.
KHUNG KHỔ KINH TẾ ẤN ĐỘ DƯƠNG - THÁI BÌNH DƯƠNG: MỘT CÁCH TIẾP CẬN MỚI VỀ CAM KẾT KINH TẾ
Nguyễn Thị Kim Thu
Tóm tắt: Ngày 23/5/2022, tại Tokyo, Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố khởi động việc thành lập Khung khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific Economic Framework - IPEF), nhằm tăng cường cam kết kinh tế của Mỹ đối với đồng minh và các đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Để đạt được mục tiêu đề ra, IPEF tập trung vào bốn trụ cột chính bao gồm: (1) Thương mại; (2) Chuỗi cung ứng; (3) Nền kinh tế sạch; (4) Nền kinh tế công bằng, nhằm thúc đẩy các tương tác kinh tế mang tính kết nối, linh hoạt, trong sạch và công bằng với các đối tác kinh tế. Đây được xem như là một cách tiếp cận mới về cam kết kinh tế của Mỹ với các nước trong khu vực
Thông tin:
THÔNG ĐIỆP LIÊN BANG MỸ 2023