Chính trị - Luật:
TRẬT TỰ THẾ GIỚI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Cù Chí Lợi
Tóm tắt: Trật tự thế giới hiện hành được hình thành từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, dựa trên nền tảng hệ thống thế giới đơn cực với Mỹ là nước dẫn dắt. Trật tự này có những đóng góp quan trọng vào ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy thịnh vượng trên toàn thế giới trong ba thập kỷ qua. Tương quan sức mạnh giữa các cường quốc trên thế giới đặc biệt là giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga đã có những thay đổi rất đáng kể trong thời gian gần đây đã đặt ra những thách thức quan trọng đối với trật tự thế giới hiện hành. Những cọ sát ngày càng tăng giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga sẽ làm gia tăng những bất ổn trong quan hệ quốc tế và vì vậy sẽ làm cho trật tự thế giới sẽ có những thay đổi đáng kể trong những thập kỷ tới.
HAI CÁCH LÝ GIẢI VỀ QUYỀN LỰC TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ: QUYỀN LỰC NHƯ NGUỒN LỰC VÀ QUYỀN LỰC THỂ HIỆN QUA QUAN HỆ
Nguyễn Anh Cường
Nguyễn Việt Đức
Tóm tắt: Khái niệm về quyền lực luôn gây ra nhiều tranh luận trong các nghiên cứu quan hệ quốc tế. Nhiều học giả thường tiếp cận nghiên cứu quyền lực như là đặc quyền của quốc gia, bởi vì quốc gia là chủ thể chính trong quan hệ quốc tế, đồng thời lợi ích giữa các quốc gia cũng có sự khác biệt lớn trong quan hệ quốc tế. Điều này dẫn tới việc nghiên cứu quyền lực thường tập trung vào đánh giá các nguồn lực vật chất của quốc gia và khả năng sở hữu chúng. Ngoài ra, nghiên cứu quyền lực còn được tiếp cận theo hướng thông qua các mối quan hệ thể hiện quyền lực. Các tiếp cận này xuất phát từ quan niệm coi bản chất quyền lực là quan hệ giữa các chủ thể. Trên cơ sở lược khảo quan điểm của các học giả đi trước, bài viết định hình và lý giải các giá trị khác nhau của hai cách tiếp cận về quyền lực nêu trên.
ĐẠI CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG JOE BIDEN
Nghiêm Tuấn Hùng
Chu Văn Hùng
Tóm tắt: Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nước Mỹ đã không có một đại chiến lược nào thực sự. Đến thời Donald Trump, dấu hiệu của một đại chiến lược mới đã hình thành với một đối thủ được xác định là Trung Quốc. Trong năm 2022, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã lần lượt công bố những văn bản và sáng kiến chiến lược, từ Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (tháng 2/2022), đến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) (tháng 5/2022), và Chiến lược An ninh Quốc gia (tháng 10/2022). Ba văn bản và sáng kiến chiến lược này trở thành trụ cột của một đại chiến lược mà nước Mỹ lần đầu tiên xây dựng kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Đại chiến lược của Mỹ với ba cấu phần thể hiện rõ mối liên hệ giữa an ninh và kinh tế, mang đặc tính dài về thời gian, rộng về không gian và căng thẳng về cường độ (có thể có những biến thể nhỏ), được xây dựng dựa trên một yếu tố quan trọng, đó là sự đồng thuận lưỡng đảng ở Quốc hội về mối đe dọa/ thách thức chung và ý kiến của công luận.
Quan hệ Quốc tế:
MỤC TIÊU CỦA MỸ TRONG SÁNG KIẾN HỢP TÁC TIỂU ĐA PHƯƠNG TỨ GIÁC TÂY Á - I2U2
Phan Cao Nhật Anh
Tóm tắt: Hợp tác tiểu đa phương là xu hướng mới nổi trong giai đoạn hiện nay nhằm giải quyết các vấn đề đang trở nên đa dạng và phức tạp hơn trong khu vực. Trong đó, có nhóm I2U2 do Mỹ dẫn đầu hay còn gọi là Tứ giác Tây Á. Bài viết cho rằng chính quyền Joe Biden đang mở rộng hợp tác trên lĩnh vực an ninh, kinh tế với nhiều mục tiêu chiến lược như tăng cường sự hiện diện chống lại ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga. Đồng thời Mỹ muốn khôi phục niềm tin đã mất giữa Mỹ và các quốc gia Trung Đông. Tứ giác Tây Á là công cụ ngoại giao chiến lược của Mỹ nhằm tăng cường ảnh hưởng mở rộng hợp tác xuyên quốc gia tại khu vực Trung Đông.
CHIẾN TRANH CÔNG NGHỆ MỸ - TRUNG VÀ HÀM Ý CHO VIỆT NAM
Vũ Thanh Hương
Trương Tô Khánh Linh
Tóm tắt: Bài viết phân tích những khía cạnh chủ chốt trong cuộc chiến và chỉ ra rằng Mỹ đang có ưu thế rõ rệt hơn Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chíp, chất bán dẫn, nhưng ngược lại, Trung Quốc không những đã bắt kịp mà còn đang đi trước Mỹ ở nhiều khía cạnh trong lĩnh vực 5G, trí tuệ nhân tạo, khoa học thông tin lượng tử và công nghệ năng lượng xanh. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh này, Việt Nam cần có chính sách duy trì mối quan hệ cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc, tiếp tục hoàn thiện chính sách để đón nhận các dòng đầu tư dịch chuyển dưới ảnh hưởng của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung, tập trung cải thiện chất lượng nguồn lao động công nghệ và cần theo sát được các diễn biến của cuộc chiến để có các phản ứng chính sách nhanh, phù hợp.
Kinh tế - Xã hội:
NGUY CƠ SUY THOÁI CỦA NỀN KINH TẾ MỸ
Trịnh Xuân Việt
Lê Viết Hùng
Tóm tắt: Năm 2022, kinh tế Mỹ có dấu hiệu chững lại với tốc độ tăng trưởng GDP chỉ ở mức 2,1%, giảm so với mức 5,9% của năm 2021. Mặc dù, trong những quý cuối năm 2022, kinh tế Mỹ vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương, tuy nhiên, bước sang năm 2023, nền kinh tế Mỹ đã xuất hiện những dấu hiệu đình trệ, nguy cơ suy thoái gia tăng do động lực tăng trưởng của nền kinh tế có dấu hiệu giảm sút. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm mạnh trong quý I/2023 khi lãi suất vẫn còn cao và lạm phát dai dẳng, đã gây áp lực cho nền kinh tế.
Thông tin:
MỸ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO