Quan hệ Quốc tế
LÊ HẢI BÌNH: Vai trò của Đảng trà (Tea Party) trong chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay và cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2020
Tóm tắt: Phong trào Đảng Trà hiện đại bắt đầu nhen nhóm từ năm 2008 và thực sự phát triển lớn mạnh nhờ lợi dụng được sự bất mãn của dân chúng đối với những chính sách tế, xã hội của tổng thống B.Obama. Đáng chú ý, những ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào Đảng Trà đã dẫn tới sự thất bại quan trọng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2010, và chính các nhà hoạt động của phong trào cũng đã giành được thắng lợi to lớn với hai ghế tại Thượng Viện. Hơn thế nữa, Đảng Trà còn đóng vai trò đáng kể trong việc Donal Trump giành chiến thắng tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Trên cơ sở phân tích quá trình phát triển và tác động của Đảng Trà đối với chính sách đối ngoại của Mỹ thời Donal Trump, bài viết đưa ra một số dự báo về ảnh hưởng của Đảng Trà đối vưới bầu cử Mỹ 2020.
LÊ ĐÌNH TĨNH: Cạnh tranh Mỹ - Trung: Tiếp cận bản chất và thực tiễn
Tóm tắt: Các cường quốc thường có xu hướng tìm kiếm vị trí tối ưu, tạo ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới. Khi đạt được đến một sự vượt trội về thực lực nhất định, các nước này sẽ tạo dựng "quyền lực cấu trúc", tức là khả năng xác lập các luật chơi chung cho các thành viên trong hệ thống quốc tế. Với tiềm lực hiện nay, Trung Quốc đang nới rộng khoảng cách với các nước trong khu vực và ngày càng bám sát, thách thức vị trí lãnh đạo của Mỹ. Xét về tương quan lực lượng, Trung Quốc đang có ưu thế nhất định, đặc biệt trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nên cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ ngày càng gia tăng về quy mô và cường độ. Vậy bản chất của cạnh tranh Mỹ - Trung là gì? Hai nước đấu trah lợi ích, quyền lực chủ yếu bằng những biện pháp, công cụ nào? Để trả lời câu hỏi trên, bài viết sẽ tập trung phân tích về các tuyên bố trong văn kiện chính thức, các hành động hai bên triển khai nhau trên thực tế.
Chính trị - Luật:
TRẦN THỊ QUỲNH MAI: Chủ nghĩa dân túy dưới thời Tổng thống Donal Trump
Tóm tắt: Kể từ cuộc bầu cử năm 2016, với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" và "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", nhiều người dân Mỹ đã đặt niềm tin vào ý tưởng thay đổi nước Mỹ của Tổng thống Donal Trump như sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Đến nay, chính sách của ông Trump mặc dù gây nhiều tranh cãi trong nội bộ hai đảng và cử tri Mỹ, nhưng đã thể hiện rõ nét tư tưởng dân túy của một nhà tỷ phú tư bản khi nắm quyền điều hành nước Mỹ. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích những khía cạnh nổi bật của chủ nghĩa dân túy dưới thời Tổng thống Donal Trump, trong đó liên hệ với một số chính trị gia và tổng thống Mỹ trước đây và những điều chỉnh trong chính sách của Tổng thống Donal Trump so với Chính quyền Obama, đồng thời đưa ra một số đánh giá (không mang tính dự báo) về mức độ ủng hộ ông Trump trước thềm bầu của tổng thống Mỹ.
NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO - VŨ THÀNH ĐẠT: Tập hợp lực lượng của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donal Trump
Tóm tắt: Với nền kinh tế và quân sự số một thế giới, nước Mỹ tiếp tục xây dựng và duy trì sức ảnh hưởng đáng kể trên toàn thế giới. Thế kỷ XXI đang mở ra những thách thức mới, bao gồm vấn đề khủng bố và cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn mà ngay cả một siêu cường như Mỹ cũng không thể tự mình giải quyết. Trong bối cảnh này, tập hợp lực lượng do Mỹ dẫn dắt trên thế giới nói chung và tại Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng nổi lên như một biện pháp giúp chính quyền Washington xử lý các thách thức an ninh toàn cầu và đáp ứng phần nào các mục tiêu, lợi ích chiến lược của Mỹ. Mặc dù, hệ thống đồng minh của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hầu như không thay đổi kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng trong bối cảnh hiện nay, Mỹ cần mở rộng hình thức tập hợp lực lượng mới, đa dạng và linh hoạt hơn với nhiều đối tác trong khu vực. Xu hướng này mở ra cho Việt Nam và các nước trong khu vực khồn chỉ cơ hội để tăng cường an ninh, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, mà còn thách thức, xuât phát từ khả năng bị kẹt trong sự cạnh tranh chiến lược của các nước lớn.
Kinh tế - Xã hội
VŨ CẢNH LÂM - TRẦN THỊ THU LAN: Việt Nam sau một năm thực hiện hiệp định CPTPP: Những tác động đến kinh tế - xã hội
Tóm tắt: Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang cản trở tăng trưởng thương mại toàn cầu và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang có nguy cơ lan rộng, thì Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực ở bảy quốc gia thành viên, điều này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế khu vực và Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP đến kinh tế Việt Nam và chỉ ra những khó khăn thách thức, bài viết đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.
NGUYỄN VIỆT ANH: Một số giải pháp phát triển hàng mây, tre đan xuất khẩu của Việt Nam
Tóm tắt: Hàng thủ công mỹ nghệ mây, tre đan là một ngành hàng rất đặc biệt, vừa có giá trị kinh tế, vừa mang giá trị văn hóa, tinh thần. Trong những năm vừa qua, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan đã đóng góp quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, ngành hàng này vẫn chưa có sự chuyển biến đột phá, chưa tạo được thương hiệu sản phẩm mây tre đan vừa hiện đại vừa đậm nét văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng với khu vực và thế giới như hiện nay, việc thúc đẩy mở rộng xuất khẩu mặt hàng này là rất có ý nghĩa. Trên cơ sở đánh giá thực trạng và những thách thức, bài viết đưa ra một số giải pháp phát triển hàng mây tre đan xuất khẩu cho Việt Nam.
Văn hóa - Lịch sử
TRỊNH SƠN HOAN: Về chủ nghĩa thực dụng Mỹ
Tóm tắt: Chủ nghĩa thực dụng ra đời ở Mỹ, gắn bó với lịch sử xã hội Mỹ. Trải qua hơn một thế kỷ, chủ nghĩa thực dụng đã ảnh hưởng sâu rộng vào đời sống tinh thần con người và xã hội Mỹ, trở thành học thuyết triết học chính thức của nhà nước Mỹ. Trong bài viết này, tác giả hệ thống hóa về chủ nghĩa thực dụng từ khái niệm đến nguồn gốc, điều kiện, tiền đề ra đời, những nội dung chủ yếu, cũng như những giá trị và hạn chế của học thuyết này.