Quan hệ Quốc tế:
NĂNG LỰC CẠNH TRANH LOGISTICS CẢNG BIỂN CỦA MỸ TRONG QUẢN TRỊ CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU
Nguyễn Cao Đức
Tóm tắt: Cảng biển là một mắt xích then chốt trong vận tải biển và ngày càng giữ vị trí quan trọng hơn với tư cách cửa ngõ hay đầu mối giao thương gắn kết trong nước và quốc tế theo cách tiếp cận quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu. Quản trị logistics cảng biển là một trong các nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh logistics cảng biển Mỹ. Mặc dù năng lực cạnh tranh logistics cảng biển của Mỹ được đánh giá có điểm mạnh về chất lượng cơ sở hạ tầng cảng biển và hiệu suất quản trị logistics cảng biển, cùng với năng lực thông quan hàng hoá qua cảng biển, cũng như năng lực kết nối hàng hải quốc gia với thương mại toàn cầu, nhưng lại có điểm hạn chế đáng kể về hiệu quả hoạt động cảng container trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc và thách thức an ninh phi truyền thống đang có xu hướng diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường và khó đoán định.
BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG QUAN HỆ THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG HIỆN NAY
Vũ Thị Thúy Nga
Tóm tắt: Trong những năm gần đây, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung như chiến tranh thương mại, cấm vận mua bán chip của Huawei… chủ yếu xoay quanh vấn đề về bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cho rằng Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp không công bằng trong trao đổi thương mại, bao gồm cả các quy định của nhà nước, đồng thời, thường xuyên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, để đạt được mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về các công nghệ cốt lõi như AI, chất bán dẫn và 5G… Do vậy, Mỹ đã hành động để thực hiện việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình dựa trên hệ thống các công cụ pháp lý gắn liền với hoạt động thương mại quốc tế. Trên cơ sở phân tích tình trạng vi phạm về sở hữu trí tuệ và các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc, bài viết đưa ra một số nhận xét về thực trạng của mối quan hệ này.
Chính trị - Luật:
CHÍNH SÁCH NHẬP CƯ CỦA CHÍNH QUYỀN TỔNG THỐNG MỸ JOE BIDEN
Lê Thị Thu
Tóm tắt: Nước Mỹ được xây dựng nên bởi những người nhập cư, nhưng đã từ lâu, nhập cư trở thành một vấn đề gây chia rẽ sâu sắc trong chính trị Mỹ. Trong lịch sử Mỹ, liên tục có những điều chỉnh về chính sách nhập cư để phù hợp hơn đối với sự phát triển của đất nước qua từng thời kỳ, cũng như phù hợp với quan điểm, lợi ích của đảng cầm quyền. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, chính sách nhập cư được điều chỉnh đặc biệt quyết liệt với mục tiêu giảm cả nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp. Tổng thống Mỹ hiện nay - Joe Biden - có nhiều quan điểm và chính sách trái ngược với Chính quyền Donald Trump về vấn đề nhập cư.
CHÍNH SÁCH CỦA CANADA ĐỐI VỚI TIỂU VÙNG MEKONG TRONG BỐI CẢNH MỚI
Lộc Thị Thủy
Tóm tắt: Sau khi giành được độc lập vào năm 1867, Canada đã thúc đẩy chính sách can dự với các quốc gia tiểu vùng Mekong thông qua sự phối hợp chính sách với Mỹ nhằm gia tăng ảnh hưởng và vị thế của nước này tại khu vực với tư cách là quốc gia Thái Bình Dương vào năm 1969 dưới thời cố Thủ tướng Pierre Trudeau. Chính sách này đã và đang giúp Canada nâng cao vị thế là một quốc gia tầm trung ở khu vực, đồng thời, phát huy vai trò của Canada trong việc thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường, an ninh phi truyền thống dựa trên khuôn khổ của công ước Stockholm (1972). Trong bài viết này tác giả tập trung làm rõ lịch sử hình thành chính sách của Canada với tiểu vùng Mekong; mục tiêu, nội dung, biện pháp và quá trình triển khai chính sách trong bối cảnh mới. Sau đó, đưa ra một số đánh giá về chính sách này.
Kinh tế - Xã Hội:
KINH TẾ BRAZIL DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG BOLSONARO
Lê Thị Thu Trang
Vũ Thị Thu Hằng
Tóm tắt: Trong nhiệm kỳ của mình (2019-2022), Tổng thống Bolsonaro đã phải tiếp quản nền kinh tế Brazil trong tình trạng trì trệ, suy thoái nghiêm trọng (2015-2016) và phục hồi rất chậm (2017-2019). Tiếp sau đó là đòn giáng nặng nề của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế khi Brazil đã trở thành một trong những tâm dịch lớn nhất thể giới. Mặc dù theo đuổi mô hình kinh tế tự do và đặc biệt là những chính sách “khác thường” khi đối phó với đại dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế Brazil cũng chưa thực sự phục hồi trở lại. Trên cơ sở phân tích những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và các chính sách phục hồi kinh tế, bài viết đã cho thấy bức tranh tổng thể của nền kinh tế Brazil dưới thời Tổng thống Jair Bolsonaro.
PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG SINH HỌC Ở BRAZIL
Trần Mạnh Tùng
Phạm Thành Đạt
Tóm tắt: Quá trình chuyển đổi năng lượng ở Brazil đang được tiến hành theo hướng kết hợp các nguồn năng lượng tái tạo mới (năng lượng gió và mặt trời) và khí đốt để thay thế cho năng lượng hoá thạch. Các ưu tiên về an ninh năng lượng và phát triển năng lượng đã tạo ra những thách thức chính trị và kinh tế đối với việc phát triển năng lượng sinh học. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội hiện tại hình thành những áp lực khuyến khích chính phủ phải có những sự thay đổi về mặt thể chế và chính sách để mở rộng thị trường năng lượng sinh học. Mặc dù vậy, với nền tảng công nghệ lạc hậu, nguồn hỗ trợ tài chính thiếu ổn định, cũng như những ưu tiên trong quy hoạch phát triển mạng lưới năng lượng hiện tại sẽ khiến cho ngành năng lượng sinh học thiếu tính cạnh tranh và phải đối mặt với một tương lai khó khăn.