Tìm kiếm

Số tháng 11/2020 (272)

30/11/2020

176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội

Viện NC Châu Mỹ

ISSN 2354-0745

http://vias.vass.gov.vn/

chaumyngaynay@gmail.com

024.66729614

Chính trị - Luật:

LÊ THỊ THU - NGUYỄN KIM ANH: Ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế - chính trị đến hoạch định chính sách nhập cư của Mỹ.
Tóm tắt: Nhập cư là một trong những vấn đề chính sách được tranh luận sôi nổi nhất và gây chia rẽ nhất ở Mỹ hiện nay. Nhìn chung, các yếu tố quyết định hay có thể ảnh hưởng đến thái độ về chính sách nhập cư bao gồm lợi ích kinh tế, ý thức hệ và các nhóm lợi ích… tùy vào từng loại chính sách nhập cư đang được xem xét. Chính sách nhập cư bao gồm nhiều vấn đề khác biệt, và bởi vì chính sách nhập cư của Mỹ liên quan đến một bộ công cụ đa dạng có ảnh hưởng đến mức độ, tính chất và chi phí, cũng như hậu quả về kinh tế và chính trị khác nhau nên cần thiết phải phân loại phiếu bầu theo nhóm vấn đề: thị thực cho việc làm kỹ năng cao, thị thực việc làm kỹ năng thấp, lợi ích kinh tế và/hoặc phúc lợi cho người nhập cư, hạn chế và hình phạt đối với người sử dụng lao động thuê người nhập cư bất hợp pháp, chính sách an ninh biên giới, quá trình thông qua phức tạp của các cải cách nhập cư. Việc phân loại như vậy sẽ giúp xác định được các khía cạnh quan trọng của chính sách nhập cư, từ đó làm rõ hơn yếu tố nào (kinh tế, chính trị - ý thức hệ, nhóm lợi ích…) ảnh hưởng đến loại chính sách nhập cư nào trong tùy từng trường hợp. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạch định chính sách nhập cư của Mỹ, tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến tác động từ nhân tố kinh tế, ý thức hệ và các nhóm lợi ích.
NGUYỄN KHÁNH VÂN: Nhà nước phúc lợi Canada: Đặc điểm và lịch sử phát triển.
Tóm tắt: Các nhà nước phúc lợi hiện đại trên thế giới, khởi nguồn từ các nước Tây Âu, đã trải qua quá trình xây dựng hệ thống phúc lợi từ cuối thế kỷ XIX và đặc biệt được đẩy mạnh trong thế kỷ XX. Nhà nước phúc lợi của Canada cũng hình thành trong bối cảnh này và đã thiết lập được một hệ thống cung cấp phúc lợi toàn diện, đạt đến đỉnh cao vào giữa những năm 1970. Tuy nhiên, nhà nước phúc lợi này được cho là đã bị “xói mòn” trong giai đoạn sau đó. Bài viết muốn tìm hiểu về Nhà nước phúc lợi Canada: đặc điểm, cơ sở hình thành, cũng như quá trình phát triển từ giai đoạn đầu cho đến nay

Quan hệ quốc tế:

LÊ THU TRANG: Khối MERCOSUR: Hình thành và phát triển.
Tóm tắt: Khu vực Mỹ Latinh với nhiều mối liên kết, các tổ chức hội nhập đan xen lẫn nhau, trong đó, MERCOSUR được coi là một tổ chức khu vực hội nhập lâu đời và thành công nhất về mức độ bao phủ, cũng như thời gian hoạt động. Trên cơ sở phân tích những thay đổi trong mục tiêu và hoạt động của khối MERCOSUR, bài viết khái quát lại tiến trình hình thành và phát triển của khối theo các giai đoạn tùy thuộc vào bối cảnh tác động và những tính chất hoạt động của khối.

Kinh tế - Xã hội:

NGUYỄN MINH TUẤN: Một số thành tựu khoa học công nghệ dưới thời Tổng thống Donal Trump.
Tóm tắt: Trong 75 năm qua, Mỹ được biết đến là quốc gia nắm giữ công nghệ mới, hiện đại và công nghệ nguồn nhiều nhất trên thế giới. Qua đó, Mỹ đã xây dựng cho riêng mình một lợi thế cạnh tranh bằng công nghệ và giúp cho nền kinh tế luôn duy trì vị thế số một trên bản đồ kinh tế thế giới. Với việc nhận ra tầm quan trọng của khoa học và công nghệ, Mỹ đã thực hiện đầu tư mạnh mẽ cho các chương trình thúc đẩy sáng tạo khoa học và công nghệ, phối hợp khá chặt chẽ giữa các khu công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học, cũng như trung tâm nghiên cứu tư nhân đã giúp cho Mỹ luôn giữ vai trò thủ lĩnh trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump không chỉ tiếp bước, mà còn đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ trên một số lĩnh vực mới. Bài viết dưới đây sẽ tổng kết và mô tả một số thành tựu khoa học công nghệ nổi bật mà Chính quyền Tổng thống Trump đã thực hiện trong gần 4 năm cầm quyền vừa qua.
ĐINH THỊ THÙY LINH: Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của Thung lũng Silicon.
Tóm tắt: Thung lũng Silicon phát triển được do sự tổng hòa của nhiều nhân tố, nhưng bốn nhân tố có ảnh hưởng nhất chính là sự tham gia của Chính phủ, các trường đại học, các công ty đầu tư mạo hiểm (ĐTMH) và vai trò đặc biệt thiết yếu của các công ty lớn. Trong khi chính quyền liên bang có vai trò sâu rộng trong việc định hình quỹ đạo công nghệ và khoa học cơ bản, thì chính quyền tiểu bang California tạo điều kiện cho sự di chuyển của lao động thông qua việc cấm các thỏa thuận không cạnh tranh. Đại học Stanford và Đại học California Berkeley (UC Berkeley) là một thành phần quan trọng của Thung lũng Silicon, đóng vai trò là đầu mối nhiều mặt cho việc trao đổi vốn nhân lực, ý tưởng, công nghệ và hơn thế nữa. ĐTMH là nhiên liệu thúc đẩy nền kinh tế đổi mới của Hoa Kỳ, và Thung lũng Silicon là nơi có thị trường ĐTMH cạnh tranh nhất trên thế giới. Những công ty lớn thường bị xem là mục tiêu cạnh tranh của các công ty khởi nghiệp. Trên thực tế, những công ty này là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng Thung lũng Silicon.
VŨ ĐĂNG LINH: Xu hướng bất ổn của nền kinh tế Argentina hiện nay.
Tóm tắt: Argentina là nền kinh tế lớn trên thế giới và là thành viên của nhóm G-20. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua phát triển kinh tế của Argentina luôn tồn tại sự bất ổn định. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những yếu tố gây bất ổn cho nền kinh tế Argentina chủ yếu gồm: nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách và lạm phát. Chính phủ Marci gần đây đã đưa ra một số chính sách bao gồm chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm ổn định phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với đặc thù của Argentina những chính sách của chính phủ chưa giải quyết triệt để được vấn đề. Trong tương lai, chính phủ cần phải đưa ra những chính sách mạnh mẽ hơn và có lẽ sẽ phải đánh đổi một giai đoạn phát triển kinh tế chậm lại để giải quyết các vấn đề về nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách và lạm phát ở Argentina.

Văn hóa - Lịch sử:

NGUYỄN THÚY QUỲNH: Ngoại giao văn hóa Mỹ trong giai đoạn hiện nay.
Tóm tắt: Kể từ thời lập quốc, người Mỹ đã biết “quảng cáo” về mình và thể hiện tầm vóc của một nhà lãnh đạo thế giới sau này không chỉ về kinh tế, chính trị mà còn về tư tưởng, văn hóa. Chính các thông điệp đầu tiên đó của nước Mỹ về cái gọi là “giấc mơ Mỹ”, “miền đất hứa” đã vô hình trung làm nhiệm vụ ngoại giao văn hóa quảng bá cho hình ảnh của nước Mỹ. Với một nền văn hóa đa dạng, phức tạp và gồm nhiều sắc tộc đã khiến chính sách đối ngoại của Mỹ mang nhiều ảnh hưởng của một nền văn hóa linh hoạt và nhạy bén. Trên cơ sở phân tích mối quan hệ văn hóa Mỹ với chính sách đối ngoại, bài viết chỉ ra những phương thức mở rộng, truyền bá văn hóa, để thực hiện các mục tiêu đối ngoại.

 

Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn