Tìm kiếm

Số tháng 12 năm 2021 (285)

30/12/2021

176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội

Viện NC Châu Mỹ

vias.vass.gov.vn

Quan hệ Quốc tế:

Nguyễn Cao Đức: Khoảng cách phát triển giữa Mỹ và Trung Quốc: Thực trạng và triển vọng đến năm 2030

Tóm tắt: Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, quỹ đạo phát triển dài hạn của các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Nghiên cứu này chỉ ra rằng mặc dù khoảng cách tụt hậu của Trung Quốc so với Mỹ đã được thu hẹp đáng kể, nhưng Trung Quốc vẫn chưa bắt kịp Mỹ về trình độ phát triển tính đến năm 2020. Các nguyên nhân dẫn tới tình trạng này bắt nguồn chủ yếu từ sự khác nhau về mô hình phát triển, năng suất lao động và TFP, năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh nhân tài, thể chế và quản trị nhà nước. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ có quy mô GDP lớn hơn so với Mỹ vào nửa cuối của thập kỷ 2020, và có triển vọng cao để gia nhập nhóm nước có thu nhập cao giai đoạn 2025-2027. Dù vậy, Trung Quốc chưa thể bước vào quỹ đạo phát triển chủ yếu dựa vào đổi mới sáng tạo vì rất khó vượt ngưỡng thu nhập 17 nghìn USD/người của WEF trong thập kỷ 2020. Do đó, Trung Quốc hầu như không có khả năng “bắt kịp” Mỹ về trình độ phát triển đến năm 2030.

Đinh Công Tuấn: Nhân tố Đài Loan trong quan hệ Mỹ - Trung hiện nay

Tóm tắt: Hiện nay, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đang rất căng thẳng và hết sức phức tạp, trong cuộc cạnh tranh đó, vấn đề Đài Loan là một trong những tiêu điểm cực kỳ “nóng”. Cả hai nước Mỹ và Trung Quốc đều nhận thức rõ vai trò địa - chiến lược quan trọng của Đài Loan. Vì vậy, trong đường lối chiến lược của mình, Mỹ và Trung Quốc đều coi vấn đề Đài Loan là vấn đề lợi ích cốt lõi. Trên cơ sở phân tích vai trò của Đài Loan trong quan hệ Mỹ - Trung và dự báo về các bước đi của Mỹ và Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan, bài viết rút ra một số nhận xét đánh giá về mối quan hệ phức tạp này.

Phí Hồng Minh: Phối hợp Mỹ - Nhật trong ngoại giao Vaccine khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Tóm tắt: Trong bối cảnh khủng hoảng y tế và nhân đạo toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra, ngoại giao y tế và gần đây là ngoại giao vaccine đã trở thành công cụ mới cho các nước lớn khai thác nhằm gia tăng ảnh hưởng chính trị và quyền lực mềm trên phạm vi toàn thế giới. Với tinh thần đa phương và sự phối hợp thực chất có hiệu quả của liên minh Mỹ - Nhật dưới thời Tổng thống Biden, việc củng cố các khuôn khổ y tế đa phương mà nổi bật là WHO và COVAX, triển khai Đối tác Vaccine của nhóm Bộ Tứ Quad cùng với quy mô tài trợ khổng lồ cả về tài chính và số lượng vaccine phòng COVID-19 đã giúp tái lập hình ảnh Mỹ - Nhật như một đối tác đáng tin cậy trong cuộc chiến chống COVID-19 ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm cải thiện hiệu quả phân phối theo hướng bảo đảm quyền tiếp cận công bằng vaccine cũng như làm đối trọng với ảnh hưởng ngoại giao vaccine của Trung Quốc.

Kinh tế - Xã hội:

Nguyễn Ngọc Mạnh: Phản ứng chính sách của cục dự trữ Liên bang Mỹ trước Đại dịch Covid - 19

Tóm tắt: Sau khi thực hiện các hành động khẩn cấp bao gồm cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 0%, thành lập và khôi phục các chương trình cho vay khẩn cấp và một chương trình nới lỏng định lượng đầy tham vọng, Fed cuối cùng đã thông báo họ sẽ bắt đầu rút lại hỗ trợ nền kinh tế, với bước đầu tiên là giảm tỷ lệ mua tài sản thông qua chương trình nới lỏng định lượng. Cho đến tháng 10/2021, Fed đã mua 120 tỷ USD tài sản mỗi tháng; Theo chương trình mới, Fed sẽ giảm khoản này 15 tỷ USD mỗi tháng bắt đầu từ tháng 11/2021, với mục tiêu hoàn thành việc thoát khỏi nới lỏng định lượng vào giữa năm 2022. Động thái này cho thấy sự lạc quan từ phía Fed về tình trạng của nền kinh tế, cũng như sự cảnh giác trước nguy cơ lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. 

Nguyễn Thị Hồng Nhung: Xu hướng thương mại điện tử của Mỹ và vị thế của nó trong thương mại điện tử toàn cầu

Tóm tắt: Kể từ khi thương mại điện tử được hình thành vào đầu những năm 1990 cho đến nay, Mỹ luôn là quốc gia tiên phong và là thị trường điện tử lớn nhất thế giới. Trong các năm 2018 và 2019, quy mô thị trường điện tử của nước này tương ứng đạt 8,64 nghìn tỷ USD và 9,58 nghìn tỷ USD, cho dù trong giai đoạn 2015-2020, tỷ trọng của Mỹ trong tổng thương mại điện tử toàn cầu đã giảm từ 20,2% xuống 16,9%. Chính vì sự suy giảm tương đối này, Mỹ đã bị coi là mất vị trí dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu. Tuy nhiên, trong một số bảng xếp hạng, Mỹ vẫn được đánh giá ở vị trí cao nhất. Trên cơ sở đó, bài viết tập trung làm rõ những xu hướng thương mại điện tử của Mỹ và đưa ra những luận cứ để khẳng định vị thế hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu hiện nay.

Chính trị - Luật:

Đỗ Đức Hiệp - Dương Ngân Hà: Ngoại giao Vaccine: Yếu tố mới trong quá trình chuyển dịch quyền lực Mỹ - Trung

Tóm tắt: Trong bối cảnh các quốc gia cùng chạy đua với thời gian để tiêm vaccine cho người dân trong nước, ngoại giao vaccine đã trở thành một yếu tố địa chính trị và là thành phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước. Sự ganh đua trong ngoại giao vaccine đang được thực hiện trên quy mô toàn cầu với trọng tâm là cạnh tranh chiến lược giữa hai chủ thể có tầm ảnh hưởng lớn trong sân chơi chính trị quốc tế: Mỹ và Trung Quốc. Quá trình này đã trở thành một lĩnh vực mới trong chuyển dịch quyền lực Mỹ - Trung. Những chính sách và động thái của hai cường quốc trong cuộc đua ngoại giao vaccine đã có những ảnh hưởng nhất định đối với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Phan Duy Anh: Chiến lược liên kết các nhóm lợi ích đồng minh của tổng thống trong nền chính trị Mỹ hiện đại.

Tóm tắt: Trong nền chính trị Mỹ hiện đại, là tổ chức mong muốn tác động đến hệ thống chính sách công quốc gia có lợi cho mình, nhóm lợi ích luôn đặt mục tiêu ảnh hưởng đến các chế tài hành pháp do Tổng thống ban hành và triển khai. Còn Tổng thống, để sử dụng vai trò đại diện và các nguồn lực vận động hành lang của các nhóm lợi ích phục vụ hỗ trợ cho các mục tiêu chính sách của mình, họ đều đưa ra nhiều chiến lược huy động các nhóm lợi ích đồng minh. Cả Tổng thống và nhóm lợi ích đều mong muốn thiết lập liên kết với nhau. Bài viết tập trung làm rõ các chiến lược liên kết với các nhóm lợi ích đồng minh của Tổng thống Mỹ bao gồm: liên kết với danh nghĩa đảng cầm quyền, liên kết hợp thức hóa và liên kết kiểu vươn xa.

 

Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn