Tìm kiếm

Số tháng 5 năm 2021 (278)

15/06/2021

176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội

Viện NC Châu Mỹ

vias.vass.gov.vn

Quan hệ Quốc tế:

NGUYỄN HẢI LƯU: Chiều hướng chính sách đối ngoại của chính quyền Biden và hàm ý chính sách
Tóm tắt: Sau khi nhậm chức, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đã thực thi đồng loạt nhiều chính sách, biện pháp nhằm lấy lại vị thế dẫn dắt của Mỹ trên trường quốc tế, trong đó có nhiều bước đi về đối ngoại đa phương. Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm cao của cộng đồng quốc tế do có thể đặt ra những cơ hội và thách thức đối với ứng xử của các nước, xét từ những góc độ lợi ích khác nhau. Trên cơ sở đó, bài viết này sẽ tập trung phân tích quá trình triển khai chính sách đối ngoại đa phương của Chính quyền Biden từ khi nắm quyền đến nay, từ đó dự báo chiều hướng thời gian tới và đánh giá một số hàm ý chính sách đặt ra.
NGUYỄN THỊ HẢI YẾN: Xu hướng chia tách Mỹ - Trung và tác động tới Việt Nam
Tóm tắt: Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một quyết liệt hơn, xu hướng chia tách Mỹ - Trung sẽ là tất yếu. Mặc dù mới chỉ ở giai đoạn đầu, song xu hướng chia tách đã diễn ra khá mạnh mẽ trong một số lĩnh vực như chính trị, an ninh quốc phòng, tài chính, thương mại, công nghệ và dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng thời gian tới. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân dẫn đến chia tách và những biểu hiện trong thời gian vừa qua, bài viết chỉ ra một số tác động của xu hướng này đến Việt Nam. 

Chính trị - Luật:

LÊ THỊ BÍCH - LÊ THỊ THU: Một số tác động của phân cực đảng phái đến chính trị - xã hội Mỹ
Tóm tắt: Nước Mỹ trong những năm gần đây chứng kiến nhiều biến động trong chính trường, thể hiện sự chia rẽ sâu sắc trong chính trị nội bộ. Chia rẽ trong chính trị Mỹ được nhận thấy ở nhiều khía cạnh từ Quốc hội, Tòa án tới các cơ quan lập pháp bang và thậm chí là trong cử tri, mối liên kết của tất cả các loại này là phân cực đảng phái. Trong những thập kỷ qua, hai chính đảng ở Mỹ là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ngày càng trở nên khác nhau rõ rệt về ý thức hệ và hiện mâu thuẫn gay gắt hơn bao giờ hết; điều này có tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội Mỹ. Bài viết này sẽ đánh giá những tác động của tình trạng phân cực đảng phái giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đến các mặt chính trị - xã hội Mỹ.
LÊ LAN ANH: Pháp luật về bảo vệ quyền của lao động di cư ở Mỹ Latinh: Nghiên cứu trường hợp Mercosur

Tóm tắt: Trong vài thập kỷ qua kể từ khi các quốc gia ở Mỹ Latinh tăng cường hội nhập với nhau thông qua các cơ chế liên kết về kinh tế, chính trị đã tạo ra một thị trường rộng lớn trong khu vực. Nhu cầu việc làm tăng lên khiến cho vấn đề di cư trở thành một chủ đề nóng, thúc đẩy nhu cầu quản trị nguồn lao động di cư trong các nhóm liên kết đặc biệt là các liên kết về thương mại, trong đó MERCOSUR là một trường hợp điển hình. Đối mặt với nhiều thách thức về di cư lao động trong khu vực, MERCOSUR đã thống nhất đưa ra một khung khổ pháp lý về cư trú cho công dân của các quốc gia thành viên và các quốc gia liên kết nhằm giải quyết các vấn đề về quản lý công dân nói chung và lao động di cư nói riêng. Bài viết này ngoài mục tiêu đánh giá chung về thực trạng quản lý lao động di cư trong khu vực Mỹ Latinh, còn tập trung vào việc phân tích làm rõ khung pháp lý của MERCOSUR về di cư lao động với trọng tâm là quyền cư trú và việc làm, cũng như cơ chế bảo vệ quyền của người lao động di cư trong MERCOSUR qua hai văn bản pháp lý là Đạo luật lao động 2010 và Thỏa thuận di trú.

Kinh tế - Xã hội:

VŨ THỊ HƯNG: Một số tác động tiêu cực từ chính sách nhập cư của Tổng thổng Trump đối với nước Mỹ
Tóm tắt: Mỹ là quốc gia của những người nhập cư với số lượng người nhập cư vào Mỹ lớn nhất thế giới. Chính sách nhập cư của Mỹ cũng thường xuyên được điều chỉnh qua mỗi đời tổng thống. Tuy nhiên, chính sách nhập cư của Tổng thống Trump được đánh giá là hà khắc và nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ chính giới và người dân nước Mỹ. Bài viết này sẽ tập trung làm rõ một số tác động tiêu cực từ chính sách nhập cư của Tổng thống Trump đối với nước Mỹ trên những lĩnh vực cơ bản như kinh tế, chính trị, quốc phòng, xã hội.
LÊ VIẾT HÙNG: Phòng vệ thương mại ở Việt Nam và hàm ý chính sách
Tóm tắt: Toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại vẫn đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới hiện nay. Tuy nhiên, quá trình hội nhập và mở cửa thị trường đặt các ngành sản xuất trong nước trước những thách thức cạnh tranh lớn hơn đến từ hàng nhập khẩu. Do đó, các biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đã được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), cho phép các thành viên sử dụng để hỗ trợ các nền kinh tế, các ngành sản xuất trong quá trình tự do hóa. Trên cơ sở đánh giá thực trạng về phòng vệ thương mại và những tác động đến Việt Nam, bài viết đưa ra một số chính sách cho Việt Nam.

Văn hóa - Lịch sử:

NGÔ THỊ LAN ANH: Luật pháp và chính sách đối với người bản địa ở Mỹ
Tóm tắt: Sau những biến động thăng trầm suốt chiều dài lịch sử, với dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, xung đột, người Mỹ bản địa chỉ chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong dân số Mỹ. Mặc dù vậy, các bộ lạc Mỹ bản địa vẫn tồn tại với sức sống bền bỉ và không ngừng đấu tranh cho quyền lợi của họ. Ngày nay, người Mỹ bản địa đã được công nhận trong Hiến pháp, được cấp quốc tịch, được quyền ứng cử và bầu cử, được hưởng các quyền dân sự và được bảo vệ. Liên hiệp quốc và Chính phủ Mỹ cũng đã có một số chính sách tích cực nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa của người Mỹ bản địa. Tuy nhiên người Mỹ bản địa vẫn còn phải đối mặt với những thách thức về hòa nhập xã hội, bất bình đẳng và điều kiện sống,…
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn