Quan hệ Quốc tế:
DẤU ẤN CỦA SỰ HỢP TÁC VÀ TƯƠNG LAI TRONG QUAN HỆ VIỆT - MỸ
Nguyễn Anh Cường
Tóm tắt: Hơn 26 năm sau ngày bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, hợp tác giữa hai nước đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực được coi là nhạy cảm nhất như quân sự, an ninh, chính trị. Điều này thể hiện ngày càng rõ ràng về niềm tin chính trị mà nhân dân và chính quyền hai nước đã đạt được. Đây cũng là lúc mà Việt Nam cần cân nhắc sâu sắc về đề nghị từ phía Mỹ là nâng cấp quan hệ từ đối tác toàn diện (2013) lên đối tác chiến lược. Những phân tích trong bài viết tập trung vào một số lĩnh vực hợp tác quan trọng, đặc biệt đối với phát triển giữa hai nước. Qua đó sẽ phần nào làm rõ những chính sách, kết quả và mong muốn làm sâu sắc hợp tác quan hệ từ cả hai phía.
Từ khóa: Quan hệ Việt - Mỹ; Hợp tác quốc phòng - an ninh; Hợp tác kinh tế - thương mại; Hợp tác y tế; Tương lai quan hệ
THỰC TRẠNG VÀ XU THẾ QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH CAMPUCHIA - MỸ
Dương Văn Huy
Trần Thị Thủy
Tóm tắt: Trong những năm gần đây, quan hệ chính trị - an ninh giữa Campuchia và Mỹ tương đối căng thẳng, nhất là từ năm 2017 đến nay. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu tập trung vào việc Mỹ chỉ trích vấn đề dân chủ và nhân quyền của Campuchia, nhất là xung quanh cuộc bầu cử Campuchia vào năm 2018, đồng thời Mỹ cũng chỉ trích quan hệ giữa Campuchia với Trung Quốc. Mặc dù vậy, hai bên cũng có những nỗ lực nhất định nhằm hàn gắn các rạn nứt trong quan hệ song phương. Trong bối cảnh đó, bài viết cung cấp thực trạng quan hệ chính trị - an ninh giữa Campuchia và Mỹ trong những năm gần đây, đồng thời cũng đưa ra đánh giá về xu hướng quan hệ chính trị - an ninh giữa hai nước trong thời gian tới.
Từ khóa: Campuchia, Mỹ, Quan hệ chính trị - an ninh, Quan hệ Campuchia - Mỹ, Chính sách phòng ngừa rủi ro
Kinh tế - Xã hội
MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ BAN ĐẦU VỀ PHẢN ỨNG CHÍNH SÁCH CỦA CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19
Nguyễn Ngọc Mạnh
Lê Viết Hùng
Tóm tắt: Ngay sau khi đại dịch COVID-19 nổ ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phản ứng nhanh chóng bằng việc thực hiện các chính sách tiền tệ truyền thống và cho vay khẩn cấp, nhằm hạn chế tác động của đại dịch. Những biện pháp này đã có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Mỹ. Trên cơ sở xem xét các biện pháp của Fed dưới góc độ kinh tế vĩ mô, có thể thấy về cơ bản các chính sách của Fed đã góp phần ổn định tiền tệ. Tuy nhiên, Fed có thể đạt được sự ổn định mà không cần sử dụng các biện pháp cho vay khẩn cấp. Mặc dù một số biện pháp cho vay khẩn cấp có thể giúp thúc đẩy thanh khoản nói chung, nhưng một số biện pháp khác lại chủ yếu nhằm phân bổ tín dụng, điều này làm mờ ranh giới giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Các biện pháp phân bổ tín dụng này có thể không thực sự mang lại hiệu quả.
Từ khóa: Mỹ, COVID-19, Fed, chính sách tiền tệ, cho vay khẩn cấp
CHÍNH THỨC HOÁ CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA: KINH NGHIỆM CỦA CÁC NƯỚC NAM MỸ VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM
Trương Đức Thao*
Tóm tắt: Nghiên cứu này được tiến hành thông qua việc đánh giá thực tế triển khai và kinh nghiệm chuyển đổi hình thức hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) từ phi chính thức sang chính thức hóa tại các quốc gia Nam Mỹ như, Argentina, Chile, và Costa Rica. Đây là các quốc gia có những nét tương đồng nhất định với bối cảnh DNNVV của Việt Nam về quy mô, cơ cấu, đặc điểm thị trường… Kết quả nghiên cứu đã đề xuất bốn hàm ý chính sách cho việc chuyển đổi hình thức hoạt động cho các DNNVV ở Việt Nam là: (1) Xây dựng khung pháp lý, chính sách để tạo môi trường thúc đẩy chuyển đổi; (2) Đào tạo, bồi dưỡng DNNVV về chuyển đổi hoạt động; (3) Nâng cao vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn và công ty đa quốc gia; và (4) Địa phương hóa trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ.
Từ khóa: Chính thức hóa, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nam Mỹ, Argentina, Chile.
ẢNH HƯỞNG GIỮA HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP VỚI HÀNH VI QUÁ TỰ TIN CỦA GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH: BẰNG CHỨNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP HOA KỲ
Kim Hương Trang
Nông Thị Quỳnh Thư
Tóm tắt: Trong nhiều nghiên cứu đi trước, mặc dù hành vi quá tự tin cũng có thể đem lại lợi nhuận và hiệu quả cho doanh nghiệp, nhưng ngược lại, nó cũng có thể gây ra những tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp. Trong bài viết này, với mục tiêu nghiên cứu ảnh hưởng giữa hoạt động doanh nghiệp với hành vi quá tự tin của giám đốc điều hành (CEO) trong giai đoạn COVID-19, đã cho thấy, mối quan hệ giữa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và hành vi quá tự tin của CEO là mối quan hệ thuận chiều trong cả giai đoạn trước và sau khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, điều thú vị đó là trong đại dịch COVID-19, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp còn làm mức độ quá tự tin của CEO tăng nhiều hơn giai đoạn trước đó.
Từ khóa: CEO, nhà quản lý, hành vi quá tự tin, Hoa Kỳ, doanh nghiệp
Chính trị - Luật
ĐIỀU CHỈNH VÀ PHÁT TRIỂN TẠI CUBA TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY
Nguyễn Anh Hùng
Tóm tắt: Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cuba, những năm gần đây đã thực hiện các điều chỉnh và phát triển quan trọng. Sự điều chỉnh và phát triển này tạo ảnh hưởng tích cực, toàn diện tới những chiến lược, chính sách, chương trình, hoạt động đối nội và đối ngoại. Nổi bật nhất trong đó là các tác động và thành quả đối với hệ thống chính trị, nền kinh tế, an sinh xã hội và quan hệ ngoại giao. Bài viết này nghiên cứu, phân tích, chứng minh, đánh giá một số vấn đề/ yếu tố cơ bản của điều chỉnh và phát triển tại Cuba trong thời gian gần đây.
Từ khóa: Ảnh hưởng; điều chỉnh; chính trị; Cuba