Quan hệ Quốc tế:
CẠNH TRANH CHIẾN LƯỢC GIỮA MỸ, TRUNG QUỐC VÀ NGA
Cù Chí Lợi
Tóm tắt: Trước những thách thức mới đến từ Trung Quốc và Nga, Mỹ gần đây đã triển khai cách tiếp cận mới trong quan hệ với hai cường quốc này - cạnh tranh chiến lược - thông qua việc áp dụng các chính sách kinh tế và quân sự mới. Trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và Nga, Mỹ không hướng tới đối đầu hay xung đột, mà nhằm duy trì và giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. Bằng việc triển khai chính sách cạnh tranh chiến lược, Mỹ đã gây khó khăn đáng kể cho Trung Quốc, Nga và đã giành được một số lợi thế. Cuộc cạnh tranh chiến lược này là cuộc cọ sát lâu dài, nó có thể tạo ra những căng thẳng và thách thức mới trong quan hệ quốc tế.
CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA BRAZIL DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG JAIR BOLSONARO
Lộc Thị Thuỷ
Tóm tắt: Sau khi lên nắm quyền vào năm 2019, Chính quyền Tổng thống Brazil, Bolsonaro đã triển khai chính sách đối ngoại, theo hướng chuyển từ đa phương và cân bằng quan hệ với Mỹ sang đường lối dân túy mang màu sắc cánh hữu thân Mỹ nhằm mục tiêu đưa liên minh Brazil - Mỹ trở thành trung tâm chính trị và chi phối đời sống chính trị Mỹ Latinh. Tuy nhiên, chính sách của chính quyền Bolsonaro vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế làm cho Brazil rơi vào tình trạng cô lập về ngoại giao; các lực lượng cánh tả đang dần phục hồi và phát triển… Trên cơ sở phân tích những nhân tố tác động và quá trình triển khai chính sách đối ngoại của chính quyền Bolsonaro, bài viết đưa ra một số đánh giá về triển vọng chính sách đối ngoại của Brazil trong thời gian tới.
Chính trị - Luật:
VẤN ĐỀ HẠT NHÂN TRIỀU TIÊN TRONG GIAI ĐOẠN ĐẦU TỔNG THỐNG JOE BIDEN CẦM QUYỀN
Phan Cao Nhật Anh
Tóm tắt: Năm 2021 đánh dấu 10 năm cầm quyền Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên) của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và cũng là năm khởi đầu của chính quyền Joe Biden. Trong hơn một năm qua, Kim Jong-un tiếp tục củng cố vị trí lãnh đạo tối cao, xây dựng hình ảnh chính trị nổi bật so với những người tiền nhiệm, đồng thời chuyển thông điệp cứng rắn với Mỹ và đồng minh. Chính quyền Joe Biden từng bước định hình chính sách với Triều Tiên trên cơ sở kế thừa và tạo khác biệt với người tiền nhiệm. Về cơ bản vẫn là tiếp tục gây sức ép thực hiện phi hạt nhân hóa, song sẵn sàng mở cơ hội đối thoại với chính quyền Triều Tiên. Bài viết nhìn lại vấn đề hạt nhân Triều Tiền trong năm đầu của chính quyền Joe Biden.
GIÁO DỤC TÔN GIÁO TRONG CÁC TRƯỜNG HỌC Ở MỸ
Nguyễn Anh Cường
Tóm tắt: Dưới ảnh hưởng của các tôn giáo, việc giảng dạy tôn giáo ở các trường tư chiếm số đông và nổi bật. Tuy nhiên, trong một nhà nước thế tục, khi mà Hiến pháp Mỹ không chính thức hóa tôn giáo nhưng lại cho phép tôn giáo được hành đạo tự do thì những tranh luận về tôn giáo trong trường học công, cũng như mức độ mà nội dung tôn giáo cần có trong trường học công luôn có thể tạo ra những xung đột pháp lý. Bài viết góp phần phân định được vị trí của tôn giáo trong trường tư và trường công, và đặc biệt cơ bản rõ những nội dung tôn giáo được thể hiện trong trường công ở Mỹ hiện nay như thế nào.
Văn hoá - Lịch sử:
CAN DỰ CỦA MỸ Ở AFGHANISTAN: LỊCH SỬ VÀ HIỆN TẠI
Nguyễn Khánh Vân
Tóm tắt: Sự rút lui của Mỹ khỏi Afghanistan vào tháng 8 năm 2021 khép lại cuộc chiến tranh dài nhất của Washington ở bên ngoài lãnh thổ và phản ánh những thay đổi lớn trong chính sách can dự của Mỹ tại đất nước này. Nhìn vào lịch sử của quan hệ Mỹ - Afghanistan, những liên kết song phương đã được hình thành từ rất sớm và Mỹ đã từng tham gia mạnh mẽ vào bối cảnh chính trị tại đây. Từ lịch sử đến hiện tại, chiến lược của Mỹ tại Afghanistan vẫn phản ánh sự tiếp cận mang tính thực dụng, ngắn hạn, chủ yếu các liên kết diễn ra trong lĩnh vực an ninh quân sự và vì vậy khiến mối quan hệ song phương hết sức thất thường. Trong thời gian tới, xu hướng giảm can dự của Mỹ tại Afghanistan là một thực tế khó tránh khỏi. Sự điều chỉnh trong chính sách can dự của Mỹ tại Afghanistan không chỉ phản ánh mối quan hệ song phương, nó còn cho thấy những thay đổi trong chính sách dài hạn của Washington ở tầm khu vực và thậm chí toàn cầu.
Kinh tế - Xã hội:
NGÀNH CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN CỦA MỸ TRONG CUỘC ĐUA BÁN DẪN TOÀN CẦU
Lê Thị Vân Nga
Tóm tắt: Quy trình sản xuất chất bán dẫn khá phức tạp, phải trải qua nhiều khâu và vốn đầu tư lớn, vì vậy dẫn đến sự phụ thuộc giữa các quốc gia trong chuỗi cung ứng bán dẫn và Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Hiện nay, Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Các công ty của Mỹ chiếm gần một nửa doanh số chip bán dẫn của thế giới, song các nhà máy sản xuất đặt tại Mỹ chỉ chiếm 12% sản lượng chất bán dẫn toàn cầu năm 2020, giảm hơn 3 lần so với năm 1990. Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra và đại dịch COVID-19 bùng phát, nguồn cung chất bán dẫn thiếu hụt nghiêm trọng, trong khi nhu cầu tăng cao. Điều này đã thúc đẩy Mỹ và các cường quốc công nghệ trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cường đầu tư và chạy đua nhằm củng cố vị trí của mình trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Thông tin:
XU HƯỚNG TĂNG GIÁ LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM Ở MỸ