Tìm kiếm

Số tháng 8 năm 2022 (293)

15/09/2022

176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội

Viện NC Châu Mỹ

ISSN 2354-0745

vias.vass.gov.vn

chaumyngaynay@gmail.com

024.36454073

Quan hệ Quốc tế:

CUỘC ĐUA CỦA MỸ TRONG KIỂM SOÁT AN NINH CHUỖI CUNG ỨNG VÀ HÀM Ý CHO VIỆT NAM

Phí Hồng Minh

 Tóm tắt: Các rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch, xung đột, thiên tai và đặc biệt là tình trạng phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc và các khu vực nhạy cảm đối với các chuỗi cung ứng quan trọng chiến lược đã thúc đẩy Chính quyền Biden đẩy nhanh cuộc đua kiểm soát an ninh chuỗi cung ứng thông qua các chính sách hỗ trợ chưa có tiền lệ nhằm khôi phục năng lực sản xuất nội địa của Mỹ, đồng thời gia tăng phối hợp quốc tế nhằm tăng cường chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi với các đồng minh và các đối tác “đáng tin cậy”. Đứng trước xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng phân tách giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung trong các lĩnh vực nhạy cảm, công nghệ tiên tiến nhất, Việt Nam đang có cơ hội vàng để tham gia các lĩnh vực then chốt như bán dẫn, y tế, nguyên liệu chiến lược và nâng cấp lên khâu có giá trị cao hơn trong chuỗi ngành điện - điện tử, cũng như tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khác nhờ đón đầu các luồng đầu tư “đa dạng hoá” đang rút khỏi Trung Quốc.

 

CHÍNH SÁCH CỦA MỸ ĐỐI VỚI ĐÔNG NAM Á DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG JOE BIDEN

Nghiêm Tuấn Hùng

Nguyễn Thị Như Quỳnh

Tóm tắt: Đông Nam Á là khu vực có vị trí địa chính trị và ý nghĩa kinh tế quan trọng nên luôn là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc, cụ thể là Mỹ và Trung Quốc. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã có những dấu hiệu chú ý và tập trung hơn vào khu vực này. Đối với tổ chức ASEAN, Mỹ đã tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt. Đối với các đồng minh truyền thống (như Philippines, Thái Lan) và các đối tác đang lên (như Indonesia, Singapore và Việt Nam), Mỹ đang đẩy mạnh những tương tác song phương. Tuy vậy, vẫn cần thêm thời gian để đánh giá tính hiệu quả của các chính sách đã được Mỹ triển khai tại khu vực Đông Nam Á. Mặc dù không thể phủ nhận sự hỗ trợ của Mỹ tại khu vực đã mang đến những lợi ích nhưng các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cần lựa chọn cho mình một chính sách linh hoạt, khéo léo trong quan hệ với Mỹ để đảm bảo lợi ích khu vực và lợi ích quốc gia của mình.
 

Chính trị - Luật: 

PHÁP LUẬT VỀ HỢP TÁC XÃ TẠI HOA KỲ VÀ KINH NGHIỆM XÂY DỰNG PHÁP LUẬT CHO VIỆT NAM

Nguyễn Như Hà

Đặng Minh Phương

Tóm tắt: Hợp tác xã là một chủ thể hoạt động kinh tế quan trọng, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Một trong những nhân tố tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của hợp tác xã chính là hệ thống pháp luật quốc gia nói chung và pháp luật điều chỉnh hợp tác xã nói riêng. Bài viết dưới đây nghiên cứu một cách tổng quan về hợp tác xã, tình hình phát triển hợp tác xã tại Hoa Kỳ và cách thức xác lập địa vị pháp lý, cũng như khung pháp luật điều chỉnh hợp tác xã. Từ đó, rút ra các vấn đề có khả năng áp dụng vào thực tiễn xây dựng pháp luật hợp tác xã tương thích với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam hiện nay.

NHÌN LẠI CHÍNH SÁCH TRUNG ĐÔNG MỞ RỘNG CỦA MỸ

Nguyễn Khánh Vân

Tóm tắt: Trung Đông Mở rộng là một vùng địa chiến lược mới được đưa vào sử dụng trong chính trị đối ngoại của Mỹ thời kỳ hậu 11/9/2001 với hàm ý mở rộng không gian chiến lược cũ Trung Đông ra những khu vực lân cận để phục vụ các mục tiêu hợp nhất của Washington. Trải qua các chính quyền từ G.W. Bush, Barack Obama, Donald Trump và giờ đây là Joe Biden, chính sách Trung Đông Mở rộng của Mỹ đã có những sự điều chỉnh để phù hợp với các thực tế mới. Trong bối cảnh sự thoái lui của Mỹ khỏi cuộc chiến ở Afghanistan, sự rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống tại khu vực bộc lộ rõ nét qua cuộc khủng hoảng hoảng Ucraina, và đặc biệt vai trò điều tiết thị trường dầu khí toàn cầu của Mỹ bị hạn chế ở Trung Đông, câu hỏi đặt ra là liệu có phải vị thế, vai trò của Mỹ ở Trung Đông đã suy giảm và tương lai nào cho chính sách Trung Đông Mở rộng? Bài viết sẽ xem xét lại sự chuyển biến trong chính sách của Mỹ tại khu vực Trung Đông Mở rộng từ khi được thiết lập cho đến nay và qua đó nhận định về xu hướng của chính sách này   
Kinh tế - Xã hội: 

ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP CỦA HOA KỲ VÀO VIỆT NAM: THỰC TRẠNG VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Đỗ Huy Thưởng

Nguyễn Thị Phương

Tóm tắt: Bài viết phân tích thực trạng đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam trong thời gian qua và chỉ rõ nguyên nhân vì sao cho đến nay luồng vốn đầu tư này vào Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước cũng như so với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Hoa Kỳ và kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia thông qua cách tiếp cận của John Dunning với mô hình OLI và nguồn số liệu thứ cấp. Trên cơ sở đó, bài viết đã đưa ra một số hàm ý cho việc thu hút luồng vốn đầu tư của Hoa Kỳ trong thời gian tới.

SỰ PHỤ THUỘC LẪN NHAU VỀ KINH TẾ MỸ - TRUNG: NHÌN TỪ THÂM HỤT THƯƠNG MẠI SONG PHƯƠNG

Nguyễn Thị Hải Yến

 Tóm tắt: Kể từ năm 2001 (năm Trung Quốc gia nhập WTO) đến nay, thâm hụt thương mại Mỹ - Trung liên tục có xu hướng gia tăng và trở thành nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra vào năm 2018 khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ và vẫn tiếp tục kéo dài đến hiện nay, dưới thời Tổng thống Joe Biden. Chính quyền Mỹ cho rằng tình trạng thâm hụt thương mại tăng cao dẫn việc mất cân bằng trong thương mại Mỹ - Trung và gây thiệt hại cho Mỹ. Từ đó, Chính quyền Mỹ đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc như tăng thuế nhập khẩu hay đưa ra các rào cản phi thuế quan, nhằm làm giảm mức thâm hụt thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước vẫn không có nhiều cải thiện. Trong hai năm 2019, 2020, thâm hụt thương mại Mỹ - Trung có chiều hướng giảm xuống là do tác động kép của chiến tranh thương mại và dịch bệnh COVID-19, nhưng sau đó đã tăng trở lại trong năm 2021. Tình trạng này đã cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Trên cơ sở phân tích độ mở của nền kinh tế và thực trạng thâm hụt thương mại Mỹ - Trung, bài viết chỉ rõ sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn