Tìm kiếm

Số tháng 9 năm 2021 (282)

15/10/2021

176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội

Viện NC Châu Mỹ

vias.vass.gov.vn

Quan hệ Quốc tế:

NGUYỄN ANH CƯỜNG - TRẦN QUANG KHẢI: Yếu tố chính tác động đến phiếu bầu Tổng thống Mỹ - Truyền thống và trường hợp năm 2020
Tóm tắt: Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được xem là điểm nút quan trọng trong việc lựa chọn người lãnh đạo đất nước của cử tri. Vào ngày bầu cử, các cử tri Mỹ không chỉ đơn thuần là quyết định bỏ phiếu cho ứng cử viên nào mà sự lựa chọn của họ đã có từ trước đó và bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Những yếu tố đó luôn biến động và thay đổi liên tục. Tuy nhiên, cũng có những giá trị ít biến động như yếu tố nội sinh tự nhiên bên trong đã được định hình của cử tri. Cùng với đó là một số yếu tố ngoại sinh được coi là đặc trưng của môi trường xã hội cũng được tích hợp trong một chỉnh thể ít thay đổi bên ngoài. Để làm rõ những vấn đề này, bài viết không chỉ tập trung phân tích các yếu tố truyền thống tác động tới lá phiếu của cử tri, mà còn dựa trên những giá trị mới xuất hiện trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 để phân tích. Qua đó, bài viết góp phần làm sáng tỏ một số yếu tố quan trọng trong việc định hình hành vi bỏ phiếu lựa chọn tổng thống của cử tri Mỹ, và hơn nữa, còn đưa ra một cái nhìn toàn diện và sâu sắc về cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Chính trị - Luật:

NGUYỄN ANH HÙNG: Lược sử phát triển chính trị ở Cuba
Tóm tắt: Sau khi được Christopher Colombus phát hiện, trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha, Cuba trải qua một thời kỳ dài với nền chính trị khá yên bình. Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ XIX, sự sôi động tràn tới khi nhiều tổ chức chính trị xuất hiện và phong trào đấu tranh đòi độc lập dâng cao. Từ đầu thế kỷ XX, Cuba trở thành nước cộng hòa độc lập nhưng hỗn loạn, bất ổn với chính quyền thay đổi liên tục do cạnh tranh đảng phái, sức ép lực lượng quân sự và sự thao túng của Hoa Kỳ. Năm 1959, cách mạng thành công, Cuba bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội với một nền chính trị vừa kiên trì lý tưởng riêng, vừa phát huy những tiềm lực nội địa, lại vừa phải thích ứng với những biến đổi đa dạng, phức tạp chung của thế giới. Bài viết này tìm hiểu và đánh giá những nét cơ bản trong lịch sử phát triển chính trị Cuba.

NGUYỄN VĂN LỊCH - HOÀNG DIỆU LINH: Nhân tố Mỹ trong quan hệ Trung Quốc và Australia

 Tóm tắt: Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã từng được đánh giá là có tiềm năng hợp tác và phát triển, bởi hai nước này có nhiều lợi ích ràng buộc với nhau. Tuy nhiên, gần đây quan hệ giữa hai nước đã xấu đi. Trong khi đó, Mỹ là quốc gia có quan hệ đặc biệt với cả Trung Quốc và Australia. Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế quan trọng của Australia, còn Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Australia. Trong mối quan hệ giữa Mỹ - Australia - Trung Quốc rất phức tạp này, Mỹ luôn có vai trò và tác động rất lớn đến Australia, để nước này đứng về phía Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Chính vì vậy, phản ứng của Mỹ trước căng thẳng thương mại Trung Quốc - Australia trong thời gian gần đây đã trở thành vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu, các chính khách cũng như các doanh nghiệp quan tâm. Trên cơ sở phân tích vai trò của Mỹ trong quan hệ Australia - Trung Quốc trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, bài viết sẽ làm rõ sự ảnh hưởng của Mỹ trong các chính sách, cũng như hành động thực tế của Australia trong quan hệ với Trung Quốc.

Kinh tế - Xã hội:

NGUYỄN LAN HƯƠNG: Phát triển tư duy an ninh hàng hải trong chính sách đối ngoại thế giới
Tóm tắt: An ninh hàng hải đang ngày càng trở thành một vấn đề cấp thiết. Từ chỗ hiếm khi được đề cập tới trong các chiến lược an ninh quốc gia và nghiên cứu chiến lược, ngày nay an ninh hàng hải ngày càng phổ biến. Tư duy an ninh hàng hải biến đổi và mở rộng theo sự xuất hiện của các sự kiện ảnh hưởng tới môi trường quốc tế, cũng như gia tăng giá trị của biển và tài nguyên biển với an ninh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia và quốc tế. Bài viết sẽ là câu trả lời giải đáp cho câu hỏi tại sao có sự phát triển tư duy an ninh hàng hải trong hoạch định chính sách của các nước và nghiên cứu quan hệ quốc tế.
LÊ THỊ THU: Nhìn lại di sản của Tổng thống Mỹ Donal Trump trong bốn năm cầm quyền
Tóm tắt: Trong nhiệm kỳ bốn năm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể thấy cam kết “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” đã được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách trên các lĩnh vực. Việc quyết tâm thực hiện tất cả các cam kết tranh cử, cũng như trung thành với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” đã chi phối gần như toàn bộ chính sách đối nội, đối ngoại của Tổng thống Trump và có tác động toàn diện đến nước Mỹ. Sau bốn năm đầy biến động, Tổng thống Donald Trump để lại nhiều di sản với những tác động có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ tới. Bài viết sẽ đề cập đến một số di sản của Tổng thống Trump và đánh giá ảnh hưởng đến nước Mỹ và thế giới.  

Văn hóa - Lịch sử:

LƯ VĨ AN: Sự du nhập Vắc-xin đậu mùa vào Tân thế giới đầu thế kỷ XIX

Tóm tắt: Bệnh đậu mùa là một trong những dịch bệnh đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại. Sau các cuộc phát kiến địa lý và như hệ quả của sự trao đổi Columbus, bệnh đậu mùa đã xuất hiện, lây lan và bùng phát thành những đợt dịch lớn ở Châu Mỹ. Vào năm 1796, vắc-xin đậu mùa đã được khám phá thành công bởi bác sĩ Edward Jenner. Ngay lập tức, một chiến dịch y tế quy mô lớn nhằm phổ biến vắc-xin đậu mùa và thúc đẩy hoạt động tiêm chủng ở Tân Thế giới đã được tiến hành bởi đội ngũ của bác sĩ Balmis vào đầu thế kỷ XIX. Được biết tới như hành trình Balmis, đây là chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh đầu tiên và lớn nhất thế giới thời cận đại. Bài viết tìm hiểu nguồn gốc, sự lây lan của bệnh đậu mùa cũng như quá trình du nhập, phổ biến vắc-xin đậu mùa ở Tân Thế giới.

Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn