Quan hệ Quốc tế:
QUẢN TRỊ LOGISTIC CỦA MỸ VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM
Nguyễn Cao Đức
Tóm tắt: Quản trị logistics ngày càng trở nên quan trọng đối với hầu hết các quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Quản trị hiệu quả logistics không chỉ giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh quốc gia gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tăng cường hiệu quả hội nhập quốc tế. Trong thập kỷ vừa qua, Mỹ luôn nằm trong top 10 nước dẫn đầu thế giới có hiệu quả quản trị logistics cao nhất. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới về chỉ số hiệu quả logistics (LPI) giai đoạn 2012-2018, Mỹ giữ vị trí xếp hạng thứ 10/167 nước trên toàn thế giới. Trong khi đó, Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, có quy mô thị trường trung bình, nhưng có độ mở lớn thứ hai thế giới và nhiều tiềm năng phát triển. Mặc dù Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế khá cao nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao và thiếu bền vững, một phần được thể hiện ở chi phí logistics so GDP của Việt Nam còn chiếm tỷ trọng cao (khoảng 18% GDP giai đoạn 2012-2018). Do đó, việc nghiên cứu những kinh nghiệm của Mỹ về cải thiện năng lực quản trị logistics là rất cần thiết và hữu ích đối với Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay.
QUAN HỆ ĐỒNG MINH MỸ - NHẬT DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG JOE BIDEN
Nguyễn Vũ Ngọc Huyền
Tóm tắt: Những thay đổi khách quan từ môi trường quốc tế và yếu tố chủ quan từ nội tại hai quốc gia sẽ gây ra những tác động trực tiếp đối với mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật dưới thời chính quyền mới. Trong nhiệm kỳ này của ông Biden những vấn đề cốt lõi trong quan hệ đồng minh của hai bên, như an ninh khu vực Đông Bắc Á, thì sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn sẽ là mối quan tâm chung, nhưng thêm vào đó những vấn đề an ninh mới như biến đổi khí hậu, an ninh mạng cũng giành được sự chú ý của hai quốc gia. Điều này sẽ đem lại cả thời cơ và thách thức cho Việt Nam bởi sự ảnh hưởng từ mối quan hệ này đến các quốc gia trong khu vực là không thể tránh khỏi.
Chính trị - Luật:
MỘT SỐ ĐIỀU CHỈNH TRONG CHIẾN LƯỢC AN NINH QUỐC GIA CỦA HOA KỲ DƯỚI THỜI CHÍNH QUYỀN TỔNG THỐNG JOE BIDEN
Nguyễn Lan Hương
Tóm tắt: Tổng thống Biden sẽ ghi dấu ấn cá nhân vào Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) thông qua các điều chỉnh về chiến lược trong văn bản sắp được ban hành. Dự đoán các điều chỉnh này có thể được thực hiện thông qua xem xét Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời (INSSG), so sánh tài liệu này với Chiến lược An ninh Quốc gia của người tiền nhiệm (NSS 2017) và xem xét tác động của bối cảnh mới, nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine. Bài viết gồm có các phần cụ thể sau: (i) Giới thiệu sơ lược về INSSG 2021; (ii) so sánh INSS 2021 với NSS 2017; (iii) phân tích tác động của khủng hoảng Nga - Ukraine đưa ra một số dự báo về điều chỉnh ưu tiên chiến lược trong NSS sắp ban hành.
CHÍNH SÁCH CỦA HOA KỲ Ở BẮC CỰC VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI KHU VỰC ẤN ĐỘ DƯƠNG - THÁI BÌNH DƯƠNG
Bùi Gia Kỳ
Tóm tắt: Năm 2008, trước tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, Hoa Kỳ được xem là suy yếu một cách tương đối và điều này đã tạo lợi thế cho nhiều quốc gia có cơ hội trỗi dậy, trong đó có Trung Quốc và Nga. Năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền và công bố học thuyết Giấc mộng Trung Hoa thông qua Sáng kiến Vành đai, con đường (BRI). Nước Nga cũng nổi lên như một cực của trật tự thế giới qua các sự kiện xung đột với Ukraine. Trong khi đó, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, cũng như NATO có những bất đồng về việc sử dụng năng lượng của Nga và sự tự chủ về quân đội. Hoa Kỳ dường như đã bị phân tán lực lượng và không đủ nguồn lực để đối đầu với nhiều đối thủ. Trong bối cảnh đó, để lấy lại vị thế và tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, Hoa Kỳ đã coi Bắc Cực như một yếu tố địa chiến lược - địa chính trị quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ hiện nay.
Kinh tế - Xã hội:
VAI TRÒ CỦA ĐẦU TƯ MẠO HIỂM Ở THUNG LŨNG SILICON
Đinh Thị Thuỳ Linh
Tóm tắt: Sự phát triển của Thung lũng Silicon nói riêng và sự phát triển của đổi mới ở Hoa Kỳ nói chung có sự hiện diện rất lớn của đầu tư mạo hiểm. Thung lũng Silicon được đánh giá là nơi có thị trường đầu tư mạo hiểm có tốc độ phát triển và mức độ cạnh tranh nhất trên thế giới. Hình thức đầu tư mạo hiểm mang nhiều đặc điểm và có cấu trúc khác biệt so với nhiều loại hình đầu tư khác. Các công ty đầu tư mạo hiểm không chỉ cung cấp vốn, kiến thức, mà còn tham gia trực tiếp vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong nhiều giai đoạn phát triển. Bài viết đi vào phân tích những đặc trưng của đầu tư mạo hiểm, cấu trúc, vai trò và những đóng góp của đầu tư mạo hiểm cho sự phát triển của Thung lũng Silicon.
CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI CỦA MỸ VỚI TRUNG QUỐC DƯỚI THỜI CHÍNH QUYỀN TỔNG THỐNG JOE BIDEN
Phạm Thị Hiếu
Tóm tắt: Kể từ khi Mỹ thực hiện chiến lược “tái cân bằng sang châu Á”, mục tiêu kiềm chế “sự trỗi dậy của Trung Quốc” đã nhận được sự thống nhất trong lòng nước Mỹ dù Tổng thống thuộc đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa. Duy trì thuế quan và kiểm soát xuất khẩu vào Trung Quốc là những chiến lược hay quan điểm chính sách được vạch ra từ thời chính quyền tiền nhiệm, nhưng những ưu tiên chiến lược này vẫn được Tổng thống Biden tiếp tục duy trì và mở rộng mạnh mẽ hơn. Cho đến nay, Mỹ và Trung Quốc chưa ký được các thỏa thuận nào thay thế cho “thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1”. Với cách tiếp cận từ ba trụ cột “đầu tư, liên kết và cạnh tranh”, chính quyền Tổng thống Biden đã ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS và mở rộng biện pháp kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm công nghệ bán dẫn vào Trung Quốc, nhằm kìm hãm sự phát triển công nghệ lõi, cũng như tham vọng của Trung Quốc trở thành cường quốc công nghệ trên thế giới. Bài viết sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp và cách tiếp cận từ phía Mỹ phân tích một số vấn đề nổi bật trong chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Chính quyền Tổng thống Biden.