1. Đặt vấn đề
Con người nhận thức về sự vật trong thế giới xung quanh thông qua các giác quan. Quá trình đó gọi là sự hệ thống hóa các kinh nghiệm thành những tổ chức có tính sơ đồ trong trí não con người. Ẩn dụ ý niệm là một phương thức tư duy của con người, nó có mối quan hệ sâu sắc trong bộ ba là ngôn ngữ, văn hóa và tư duy. Ẩn dụ ý niệm dựa trên hai nguyên tắc cơ bản là nguyên tắc tương tự và nguyên tắc nổi trội để tri nhận về thế giới. Trong đó, nền tảng trải nghiệm của con người là cơ sở để hình thành nên các ẩn dụ ý niệm. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung vào tìm hiểu về ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ SỰ SAY ĐẮM. Bởi vì, tình yêu là một trong những mối quan tâm hàng đầu của con người trong cuộc sống.
Để tìm tư liệu cho ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ SỰ SAY ĐẮM, chúng tôi thực hiện ghi chép lời nói của con người trong đời sống thường nhật. Chúng tôi sử dụng phương pháp ghi âm khoảng 20 cuộc nói chuyện của con người, mỗi cuộc nói chuyện có độ dài từ 30 phút đến 60 phút. Sau đó, tiến hành gỡ băng và tư liệu được khảo sát trên sản phẩm gỡ băng đó. Ngữ liệu cho thấy, suy nghĩ về tình yêu nói chung và về sự say đắm trong tình yêu nói riêng có tính phổ quát. Qua sự thống kê từ những cuộc nói chuyện, các tư liệu chứng minh cho chúng ta thấy rằng chúng ta đang sống trong ẩn dụ.
2. Khái quát về ẩn dụ ý niệm *
Ẩn dụ ý niệm được định nghĩa như là sự thông hiểu một ý niệm (hay một miền ý niệm) này thông qua một ý niệm (hay một miền ý niệm) khác. Ví dụ CUỘC ĐỜI LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH thì ý niệm CUỘC ĐỜI được thông hiểu qua ý niệm CUỘC HÀNH TRÌNH, TÂM TRÍ LÀ MỘT CỖ MÁY thì ý niệm TÂM TRÍ được thông hiểu qua ý niệm CỖ MÁY. Mô hình của ẩn dụ ý niệm được thể hiện qua sơ đồ sau:
Sơ đồ của ẩn dụ ý niệm
Theo sơ đồ trên, A là ý niệm Đích, B là ý niệm Nguồn. Như thế, một ẩn dụ ý niệm gồm có ý niệm Đích được hiểu thông qua ý niệm Nguồn. Các nhà ngôn ngữ học tri nhận đặt tên là ẩn dụ ý niệm để phân biệt với ẩn dụ ngôn từ và sử dụng chữ in hoa để ghi các biểu thức ẩn dụ ý niệm. Ví dụ: CON NGƯỜI LÀ CỎ CÂY (PEOPLE ARE PLANTS), THỜI GIAN LÀ KẺ THAY ĐỔI (TIME IS A CHANGER). Như vậy, có hai ý niệm hay đúng hơn - hai miền ý niệm tham gia cấu trúc nên một ẩn dụ ý niệm. Miền ý niệm có rất nhiều các biểu thức ngôn ngữ mang tính ẩn dụ để làm rõ nghĩa cho miền ý niệm khác gọi là miền Nguồn, còn miền ý niệm được hiểu và được làm cụ thể hóa gọi là miền Đích.
Quá trình chúng ta hiểu ý niệm A thông qua ý niệm B gọi là sự chiếu xạ. Đó là quá trình mà “chỉ có một/một số phương diện (aspect) của miền ý niệm Nguồn được “làm nổi bật” (highlighting) - tức là được sử dụng và được kích hoạt để ta hiểu miền ý niệm Đích và những phương diện còn lại thì bị “che giấu” (hiding) đi”[2]. Lakoff và Tunner (1989) đã khái quát những bản chất điển hình của sự chiếu xạ gồm các khía cạnh là: Không phải tất cả mọi thuộc tính của miền nguồn sẽ được chiếu xạ đến miền đích, chỉ có những thuộc tính nổi trội và phù hợp với miền đích mới được chiếu xạ để làm rõ nghĩa cho miền đích; Sự chiếu xạ sẽ có nguyên tắc một hướng tức là chỉ có miền nguồn chiếu xạ đến miền đích mà không có chiều ngược lại; Sự chiếu xạ có sơ sở từ sự nghiệm thân của con người trong đời sống.
Giữa các ngôn ngữ khác nhau, các biểu thức ngôn ngữ mang tính ẩn dụ có thể không giống nhau, nhưng vì hệ thống ý niệm ở con người về cơ bản là phổ quát và ẩn dụ ý niệm là công cụ tri nhận của con người, cho nên số lượng và danh sách các ẩn dụ ý niệm cơ bản là giống nhau. Sự chiếu xạ giữa hai miền ý niệm không phải là tùy tiện hay chịu sự áp đặt chủ quan của cá nhân mà nó có bản chất nội tại, có cơ sở tri nhận nhất định và có tính tương quan rõ ràng. Như vậy, về cơ bản ẩn dụ ý niệm là một phương thức tư duy, nó tổ chức các quá trình tư duy của con người theo một hệ thống các ý niệm có liên quan đến nhau.
3. Ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ SỰ SAY ĐẮM
3.1. Cơ sở nghiệm thân của ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ SỰ SAY ĐẮM
Ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ SỰ SAY ĐẮM có cơ sở nghiệm thân thể hiện trên các mặt tâm lí và sinh lí. Về mặt tâm lí, Robert Sternberg đã đưa ra một lý thuyết tam giác tình yêu và cho rằng “tình yêu có ba thành phần khác nhau: sự thân mật, sự cam kết và niềm đam mê. Sự thân mật là một hình thức trong đó hai người chia sẻ những tâm sự và nhiều chi tiết khác nhau về cuộc sống cá nhân của họ, và thường được thể hiện trong tình bạn và những chuyện tình lãng mạn. Cam kết là kỳ vọng rằng mối quan hệ vĩnh viễn. Hình thức cuối cùng của tình yêu là sự hấp dẫn và đam mê tình dục“[3].
Nếu tâm lý học xem tình yêu là một hiện tượng văn hóa xã hội thì cơ sở sinh học đã chỉ ra rằng tính yêu là cảm xúc mà trong đó các hormone như oxytocin, neurotrophins và pheromone có sự thay đổi nồng độ và hàm lượng trong hệ tuần hoàn. Tình yêu đam mê là khao khát mãnh liệt, và thường đi kèm với hưng phấn sinh lý (khó thở, nhịp tim nhanh,...).
Ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ SỰ SAY ĐẮM phản ánh rất đúng bản chất cảm xúc của tình yêu đôi lứa. Say đắm tức là trạng thái say mê đến mức như chìm sâu vào, không còn biết gì đến cái khác, đến xung quanh nữa. Đây là một dạng cảm xúc phổ biến trong tình yêu. Say đắm là một ý niệm thuộc phạm trù tình yêu, tình yêu lại thuộc phạm trù tình cảm. Chính vì thế miền nguồn SỰ SAY ĐẮM đã thuộc về phạm trù tỏa tia của ý niệm tình cảm. Trong tình yêu, những cảm xúc nhớ nhung, hờn giận, ghen tuông,... rất thường trực. Vì vậy, miền nguồn SỰ SAY ĐẮM được cảm nhận bằng những thay đổi về mặt sinh học ở con người. Chẳng hạn sự nhớ nhung khiến người ta cảm thấy bồn chồn, sự ghen tuông làm cho tim đập mạnh, sự hờn giận làm cho cơ thể mệt mỏi,... Sự trải nghiệm từ thực tế ấy đã được khái quát thành ẩn dụ ý niệm.
3.2. Lược đồ tỏa tia của ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ SỰ SAY ĐẮM
Miền đích TÌNH YÊU được chiếu xạ bởi miền nguồn là SỰ SAY ĐẮM. Thực tế tình yêu là một trạng thái thu hút mạnh mẽ và nhu cầu muốn được ràng buộc gắn bó giữa nam và nữ. “Người Hy Lạp cổ đại xác định bốn hình thức của tình yêu: Quan hệ gần gũi của họ hàng hay người thân (trong tiếng Hy Lạp, storge), tình bạn (philia), ham muốn tình dục và/hoặc cảm xúc lãng mạn (eros), và xúc cảm dành cho các giá trị tôn giáo (agape)“(3). Ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ SỰ SAY ĐẮM thuộc về phạm trù của tình yêu đôi lứa. Như thế, có thể mô hình hóa cho phạm trù tỏa tia của tình yêu như sau:
Hình 1. Phạm trù tỏa tia của ý niệm TÌNH YÊU
Nhìn vào sơ đồ trên, chúng ta thấy mãnh liệt trong tình yêu chia ra hai thái rằng, tình yêu thuộc phạm trù của tình cảm/cảm xúc, đây là bậc 1. Sự say mê cực, âm và dương (đây là bậc 2). Cực dương là tình cảm mãnh liệt tích cực còn cực âm là tình cảm mãnh liệt tiêu cực. Cảm xúc tích cực sẽ bao gồm các thuộc tính như: nhớ nhung, hạnh phúc, vui vẻ, khát khao, ham muốn,...; Các trạng thái như buồn, giận hờn, đau khổ, ghen tuông,... là các thuộc tính âm của sự say đắm.
Việc mô hình hóa giúp chúng ta dễ dàng hình dung tính tầng bậc của các ý niệm. Về mặt sinh học Helen Fisher, một chuyên gia hàng đầu trong chủ đề tình yêu, phân chia trải nghiệm tình yêu thành ba giai đoạn có chồng lấn lên nhau: ham muốn, thu hút và gắn bó.
Ham muốn là cảm giác ham muốn tình dục; hấp dẫn lãng mạn xác định những gì con người cho là hấp dẫn và theo đuổi, tiết kiệm thời gian và năng lượng bằng cách lựa chọn; và sự gắn kết liên quan đến việc chia sẻ một gia đình, trách nhiệm làm cha mẹ, bảo vệ lẫn nhau, và ở con người có liên quan đến cảm giác an toàn và an ninh[4]. Ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ SỰ SAY ĐẮM phản ánh rất đúng bản chất cảm xúc của tình yêu đôi lứa. Say đắm tức là trạng thái mãnh liệt của tâm hồn. Chính vì thế miền nguồn SỰ SAY ĐẮM đã thuộc về phạm trù tỏa tia của ý niệm TÌNH CẢM. Chúng ta có thể khái quát lại lược đồ chiếu xạ của ẩn dụ ý niệm này như sau:
Hình 2. Lược đồ chiếu xạ của ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ SỰ SAY ĐẮM
Lược đồ chiếu xạ này sẽ thể hiện trên hai trạng thái đối ngược nhau là những cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc tích cực thể hiện trạng thái hạnh phúc còn cảm xúc tiêu cực thể hiện sự đau khổ trong tình yêu. Chính vì vậy, ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ SỰ SAY ĐẮM xuất hiện thường xuyên trong suy nghĩ, nói năng của con người.
3.3. Biểu thức ngôn từ của ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ SỰ SAY ĐẮM
Ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ SỰ SAY ĐẮM có khoảng 45 biểu thức ngôn từ thể hiện. Thực chất, say đắm không chỉ có cảm xúc tích cực như sự hạnh phúc (yêu quá, nhớ quá,...) mà còn có cả khía cạnh tiêu cực như sự đau khổ (bi phẫn khi bị phản bội, cảm xúc đau đớn khi chia tay,...). Số lượng các biểu thức ngôn từ thu thập được tương ứng với các thuộc tính của sự say đắm đã thống kê được như sau:
SỰ SAY MÊ
|
Thuộc tính
|
Số lượng
|
|
say mê
|
20
|
(+) Cảm xúc say mê tích cực
|
nhớ nhung
|
13
|
hạnh phúc
|
12
|
khát khao
|
1
|
ham muốn
|
1
|
|
tuyệt vọng
|
15
|
rồ dại
|
21
|
(-) cảm xúc say mê tiêu cực
|
hận
|
9
|
ghen
|
15
|
chết
|
8
|
Kết quả khảo sát cho thấy cũng là sự say đắm nhưng số lượng các biểu thức ngôn từ ở từng thuộc tính lại khác nhau. Sự say đắm ở cực dương tập trung nhiều ở thuộc tính sự say mê, nhớ nhung, hạnh phúc còn ham muốn, khát khao có số lượng các biểu thức ngôn từ ít hơn. Điều này do sự chi phối bởi đặc điểm văn hóa Á Đông. Mặc dù khát khao, ham muốn là một biểu hiện điển hình của tình yêu đôi lứa nhưng phương Đông thường quan niệm đó là chuyện tế nhị nên sự thể hiện bằng lời nói có phần e dè. Đối với sự say đắm ở cực âm, thuộc tính tuyệt vọng, rồ dại, ghen tuông có số lượng biểu thức ngôn từ nhiều hơn hẳn. Bởi vì đây là những thái cực tuyệt đối của sự đau khổ trong tình yêu. Do tình yêu thường gắn liền với tuổi trẻ, cho nên cảm xúc mãnh liệt thường được đẩy lên mức cao nhất dù là vui sướng hay khổ đau. Điều này cũng chứng mình rằng sự nghiệm thân là một cơ sở quan trọng của ẩn dụ ý niệm. Sự phân tích của bài viết cũng dựa trên hai chiều hướng đối nghịch của sự say đắm.
Say đắm <= cảm xúc tích cực
Thể hiện cảm xúc say mê thuộc phạm trù sự say đắm, có rất nhiều các biểu thức ngôn từ thể hiện như:
(1) - A: Thằng kia có cái gì mà tiếc nhở?
B: Úi giời ôi, nó cứ thế, đến lúc yêu nó say rồi, khó lắm.
Say rồi là trạng thái chiếu xạ đến cảm xúc của tình yêu nó thuộc phạm trù của sự say đắm.
(2) Tuấn chết mê chết mệt em Lan.
(3) Hai đứa đó suốt ngày quấn quýt với nhau, các cụ nói cấm có sai, say nhau như điếu đổ.
Như vậy, chết mê chết mệt, say như điếu đổ, cũng nằm trong lược đồ chiếu xạ của sự say đắm. Đó là trạng thái con người đang có những cảm xúc tích cực. Trạng thái say đắm có tính nhân loại này tồn tại trong hầu hết các dân tộc.
(4) Hai đứa mê nhau quá nên ra ngoài thuê nhà ở chung rồi
Mê nhau quá chính là sự qui chiếu đến trạng thái say đắm, nó thuộc về ẩn dụ ý niệm này.
(5) Anh ấy đứng ngồi không yên, lo lắng khi mày tới muộn buổi hẹn hôm ấy đấy.
Trong biểu thức ngôn từ trên, đứng ngồi không yên, lo lắng qui chiếu đến trạng thái cảm xúc bồn chồn mong đợi, đó chính là một thuộc tính thể hiện sự say đắm trong tình yêu đôi lứa.
(5) Gớm, giận thế nào được, tí anh ấy nhắn cho vài tin lại chả mủi lòng ngay.
Mủi lòng trong biểu thức ngôn từ này cũng qui chiếu đến cảm xúc được vỗ về khi giận hờn của những người yêu nhau, đó là một thuộc tính của sự say đắm.
(6) Kì trước nó trượt 3 môn, mải miết yêu đương quá ấy mà.
(7) Có nói thế nào cũng không ăn thua đâu, nó mê mẩn thằng ấy quá rồi.
Trong hai phát ngôn trên, mải miết yêu đương, mê mẩn đều là sự biểu hiện cho ý niệm say đắm, đó là trạng thái con người ta bị cuốn theo chuyện yêu đương.
(8) Nét hồn nhiên, nhân hậu và cách nói chuyện có duyên của Diễm làm Anh yêu say đắm.
Anh yêu say đắm qui chiếu trực tiếp cho ý niệm sự say đắm trong tình yêu.
(9) Mới đi gặp em ấy về à? nhìn mặt phởn phơ thế kia là biết ngay.
(10) A: Hùng hôm nay vui hơn mọi khi nhỉ
B: Có tí vitamin T mà, bay bổng suốt ngày, chát chít không rời điện thoại.
Phởn phơ, bay bổng là một trong những thuộc tính của sự say mê. Nó điển hình cho cảm xúc hạnh phúc, tích cực mà tình yêu mang lại cho con người.
Ngoài ra, những biểu thức ngôn từ thể hiện sự chiếu xạ từ cảm xúc tích cực của say đắm đến tình yêu đôi lứa được thể hiện trong ngôn ngữ rất phong phú. Chẳng hạn như những ví dụ sau:
(11) Hiện giờ, Hải vẫn còn mong ngóng cô ta nhiều lắm.
(12) Em cũng không bao giờ mê mẩn người con trai này
(13) Cho dù cô ta có đẹp gấp 10 thì tôi cũng không bao giờ si mê đâu.
(14) Không biết các cô gái đó làm sao mà mê tít anh ta thế chứ?
Hàng loạt dấu hiệu biểu thị cho ý niệm sự say đắm xuất hiện trong câu như mong ngóng, mê mẩn, si mê, mê tít. Đó là sự thể hiện cho các cung bậc khác nhau của sự say đắm. Những cảm xúc ấy vốn rất điển hình cho tình yêu. Rõ ràng, sự say mê đã giúp cho ý niệm tình yêu có những biểu hiện rõ ràng hơn, cụ thể hơn.
Say đắm <= cảm xúc đau khổ
Cảm xúc đau khổ là một trạng thái đặc biệt mãnh liệt của tình yêu đôi lứa. Chính vì thế mà sự chiếu xạ từ góc độ này cho thấy một phương diện của sự say đắm. Hãy cùng xét các ví dụ sau:
(15) A: Nghe Caption của Loan này: Chúng ta yêu, đã từng hạnh phúc và cũng đã từng tuyệt vọng vì lạc lối trong sự mất mát của niềm tin.
B: Lại giận nhau với người yêu rồi. Làm màu quá!
Trong biểu thức ngôn từ trên, tuyệt vọng vì lạc lối là cảm xúc đau khổ do tình yêu mang lại. Vậy đây cũng chính là một biểu hiện thuộc tính âm của sự say đắm.
(16) Cái vụ trà sữa ở Thái Bình đấy là yêu quá hóa rồ đấy.
Yêu quá hóa rồ qui chiếu cho cảm xúc yêu đương quá mức, nó là một phương diện không tốt của tình yêu nhưng thể hiện sự say đắm quá mức trong yêu đương.
(17) Vì hận nên anh ta đã tìm cách chiếm đoạt.
(18) Cái năm 2014 ấy, ở Bắc Từ Liêm ngay gần chỗ tao trọ, có chồng ghen quá giết cả vợ. Tấn bi kịch ấy xuất phát từ sự ghen tuông mù quáng.
Hận, ghen tuông mù quáng qui chiếu cho cảm xúc tiêu cực trong tình yêu, nó biểu hiện cho cảm xúc say đắm quá độ đến mức mất hết cả lí trí.
(19) Đúng là mày sướng quá hóa rồ rồi! Chồng con như thế mà còn kêu chán!
Sướng quá hóa rồ qui chiếu cho sự quá độ về tình cảm với chồng. Đó là biểu hiện cảm xúc tiêu cực trong hôn nhân.
(20) Không yêu người này thì yêu người khác có gì đâu, chia tay thôi mà cứ như chết đi sống lại vậy.
Chết đi sống lại thể hiện cảm xúc đau đớn khi chia tay, nó thể hiện nét âm tính của ý niệm say đắm.
(21) Con Hoa nó tham vàng bỏ ngãi nên thằng Tuấn nó hận, bỏ nó để lấy thằng lắm tiền.
(22) Hồi ấy mới 20 tuổi thì nghĩ bị bồ đá là đau, chứ giờ thì...
Hận, đau là thái cực ngược chiều với hạnh phúc. Đó là biểu hiện của cực âm trong tình yêu đôi lứa. Sự say đắm còn có cả chiều của sự khổ đau.
Như vậy, ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ SỰ SAY ĐẮM có biểu thức ngôn từ thể hiện theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Ngôn ngữ phản ánh cuộc sống và thể hiện tư duy con người cho nên quá trình tri nhận diễn ra trên hai miền ý niệm nguồn - đích thông qua sự chiếu xạ. Chính quá trình này đã đưa những trải nghiệm trong đời sống thực tế của con người liên kết lại với nhau thành một mạng lưới các ý niệm để phản ánh hiện thực khách quan.
4. Kết luận
Ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ SỰ SAY ĐẮM có tính phổ quát toàn nhân loại. Bởi vì tình yêu là một phạm trù mang tính nhân bản của cuộc sống. Miền nguồn SỰ SAY ĐẮM có hai chiều hướng là cảm xúc say đắm tích cực và cảm xúc say đắm tiêu cực. Hai trạng thái đối nghịch nhau, bổ sung cho nhau thể hiện bản chất của tình yêu, làm cho ý niệm TÌNH YÊU trở nên dễ hiểu, dễ diễn đạt trong đời sống văn hóa dân tộc. Về bản chất ẩn dụ ý niệm là một hoạt động tri nhận mà tri nhận là một phần của quá trình tâm lí. Các hoạt động tâm lí như tình cảm, động cơ, ý chí,... tương ứng với khả năng nhận biết và xử lí thông tin trong não bộ. Vì lẽ đó, ẩn dụ ý niệm thực sự là một phương thức tư duy để con người nhận thức về thế giới, biểu đạt về thế giới qua lăng kính văn hóa và sự trải nghiệm.
[1] TS., Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam;
[2] Lý Toàn Thắng (2012), Một số vấn đề lí luận ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội. tr.147.
[3] Sternberg, R.J. (1986), “A triangular theory of love”. Psychological Review 93 (2): 119 - 135. doi:10.1037/0033-295X.93.2, p119-135.
[4] Helen E. Fisher (2002), Defining the Brain Systems of Lust, Romantic Attraction,mand Attachment, Archives of Sexual Behavior, Vol. 31, No. 5, pp. 413 - 419.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Diệp Quang Ban (2008), “Cognition: nhận tri và nhận thức, Concept: ý niệm hay khái niệm”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2.
2. Helen E. Fisher (2002), Defining the Brain Systems of Lust, Romantic Attraction,mand Attachment, Archives of Sexual Behavior, Vol. 31, No. 5.
3. https://vi.wikipedia.org
4. Lý Toàn Thắng (2012), Một số vấn đề lí luận ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội.
5. Noam Chomsky (2012), Ngôn ngữ và ý thức, Hoàng Văn Vân dịch, Nxb. Đại học Quốc Gia Hà Nội.
6. Phạm Thị Hương Quỳnh (2017), Ẩn dụ ý niệm trong thơ Xuân Quỳnh, Nxb. Khoa học xã hội.
7. Sternberg, R.J. (1986). “A triangular theory of love”. Psychological Review 93 (2): 119 - 135. doi:10.1037/0033-295X.93.2].
8. Zoltán Kövecses (2020) Extended Conceptual Metaphor Theory, Cambridge University Press.