- Tình hình kinh tế Mỹ
Trong báo cáo kinh tế được công bố vào tháng 1/2022, Hội đồng Hội nghị Hoa Kỳ đưa ra ước tính, tốc tăng trưởng GDP thực của Hoa Kỳ đạt khoảng 6,0% trong quý IV năm 2021, so với mức tăng 2,3% trong quý III, và tăng trưởng năm 2021 ở mức 5,6%. Theo ước tính, thu nhập khả dụng thực tế trong quý IV/2021 tiếp tục giảm 3,0% và trong toàn bộ năm 2021, thu nhập khả dụng thực tế tăng 2,3%. Chi tiêu cho tiêu dùng thực tế tăng 4,7% trong quý IV/2021 và tăng 8,0% trong năm 2021.
Các chỉ số khác như đầu tư dân dụng và đầu tư phi dân dụng cũng tăng nhẹ trong quý IV/2021. Xuất khẩu tăng 13,2% trong quý IV và tăng 4,0% trong năm 2021, nhập khẩu tăng 12,1% trong quý IV và tăng 13,6% trong năm 2021[1]. Nhập khẩu với tốc độ nhanh hơn xuất khẩu kéo theo thâm hụt thương mại của Mỹ tiếp tục tăng cao. Trong năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tiếp tục xu hướng giảm song các doanh nghiệp lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát tăng cao là một trong những vấn đề thách thức lớn đối với nền kinh tế Mỹ.
Biến thể Omicron đã dẫn đến sự lây lan nhanh chóng của COVID trên khắp Hoa Kỳ và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Biến thể này dường như gây ra ít biến chứng nghiêm trọng hơn, nhưng vẫn khiến một lượng lớn người lao động phải tự cách ly trong vài ngày. Sự gia tăng đột biến về số người nhiễm COVID khiến cho nhiều người chưa thể quay trở lại làm việc và do đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động. Sự tham gia vào các hoạt động kinh tế ít bị ảnh hưởng hơn nhưng vẫn ở mức độ trung bình. Du lịch hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, thể hiện qua số lượng lớn các chuyến bay bị hủy do thiếu đội bay. Dữ liệu đặt chỗ nhà hàng của OpenTable cũng cho thấy sự sụt giảm rõ rệt, đặc biệt là ở các nơi phụ thuộc nhiều hơn vào khách đi công tác[2].
Sự bùng phát của biến thể Omicron cũng khiến cho sự cải thiện trong chuỗi cung ứng có thể sẽ bị chậm lại hoặc thậm chí bị đảo ngược. Trong những ngày cuối năm 2021 và đầu năm 2022, khi biến thể Omicron lây lan mạnh, gây ra tình trạng quá tải hệ thống y tế, các kệ hàng trống rỗng trong siêu thị chính là hình ảnh minh họa rõ nét cho tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ở Mỹ. Các cửa hàng tạp hóa và nhà máy phải đối mặt với tình trạng nhân viên bị nhiễm bệnh hoặc phải cách ly. Nhiều cửa hàng buộc phải tạm thời cất hàng hóa trên kệ vào kho, hạn chế bày các sản phẩm đang thiếu cung để tránh tình trạng khách hàng mua ồ ạt cùng một lúc, dẫn đến khan hiếm hàng hóa[3].
Chi tiêu của người tiêu dùng tăng với tốc độ chậm hơn nhiều trong tháng cuối năm 2021, việc giảm mua hàng hóa bù trừ với chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ[4]. Chi tiêu đầu tư vào thiết bị, đầu tư dân cư, xuất khẩu và chi tiêu của chính phủ liên bang đều giảm. Thu nhập khả dụng thực tế giảm trong tháng 11, thấp hơn đường tăng trưởng theo xu hướng. Tăng trưởng việc làm đã chậm lại trong tháng 12, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm từ 4,2% trong tháng 11/2021 xuống còn 3,9% trong tháng 12/2021[5]. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng. Chỉ số Sản xuất ISM tăng lên 58,7 trong tháng 12/2021, so với 61,1 trong tháng 11. Trong khi đó, chỉ số Dịch vụ ISM giảm từ 69,1 xuống 62,0 trong tháng 12/2021. Số đơn đặt hàng của các nhà máy tăng 1,6% trong tháng 12, trong đó số đơn đặt hàng đối với các hàng hóa lâu bền tăng 2,6%, riêng đơn đặt hàng máy bay dân dụng tăng 34%.[6]
Doanh thu bán lẻ giảm 1,9% trong tháng 12 nhưng tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước[7]. Sự sụt giảm phản ánh việc mua sắm vào đợt lễ vừa qua, tác động của biến thể Omicron và việc giảm sức mua trung bình. Sản xuất công nghiệp giảm 0,1% trong tháng 12 (tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước), do sản lượng xe có động cơ giảm 1,3% (giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước). Theo số liệu của Cục Phân tích kinh tế được công bố ngày 6/1/2022, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 11/2021 lên tới 80,2 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 67,2 tỷ USD của tháng 10 và gần chạm mức kỷ lục 81,4 tỷ USD trong tháng 9[8].
Thị trường lao động
Năm 2022 bắt đầu tương tự như năm 2021 với việc COVID bùng phát trên khắp đất nước và trên toàn thế giới. Biến thể Omicron dễ lây lan hơn các biến thể trước đó khiến số ca mắc mới trung bình trong bảy ngày đã tăng lên mức cao nhất của đại dịch, trung bình hơn 780.000 ca mỗi ngày[9]. Số ca nhập viện cũng tăng đột biến nhưng các biến chứng do COVID ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước. Rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế là từ sự gián đoạn đối với thị trường lao động, số lượng vị trí tuyển dụng vẫn ở mức cao nhất mọi thời đại và tình trạng thiếu lao động đang khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động. Tỷ lệ thất nghiệp đạt 3,9% trong tháng 12, tương ứng với mức dự báo dài hạn của khảo sát Blue Chip và của Fed vào tháng 9[10]. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức trước đại dịch. Số lượng lao động phi nông nghiệp trong tháng 12 tăng khoảng 199.000 người, thấp hơn so với mức kỳ vọng của thị trường. Việc làm trong các ngành cung cấp dịch vụ tư nhân tăng 157.000, dẫn đầu bởi ngành du lịch và giải trí (53.000 việc làm) và các dịch vụ chuyên nghiệp (43.000 việc làm). Thu nhập bình quân theo giờ tăng 0,6%, cao hơn so với mức kỳ vọng và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước[11].
Báo cáo việc làm tháng 12 cho thấy việc tuyển dụng chậm lại trước cả khi làn sóng Omicron bùng phát khiến các doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc. Nhưng làn sóng COVID gần đây có thể chỉ tạm thời làm gián đoạn nỗ lực tuyển dụng. Các đo lường về vị trí tuyển dụng, sa thải và kế hoạch tuyển dụng đều tiếp tục cho thấy nhu cầu đặc biệt mạnh mẽ đối với người lao động. Nguồn cung vẫn là thách thức lớn đối với tăng trưởng việc làm và đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm nhanh chóng.
Vấn đề lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7,0% trong tháng 12/ 2021, mức tăng cao nhất trong gần 40 năm[12]. CPI không bao gồm thực phẩm và năng lượng tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng hàng tháng được dẫn đầu bởi sự tăng giá các loại xe có động cơ mới và cũ. Chi phí nhà ở cũng đang có xu hướng cao hơn. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) được Fed sử dụng để đánh giá mức lạm phát ở Mỹ trong quý IV/2021 đã tăng lên 5,5%, tiếp tục xu hướng tăng nếu so sánh với tỷ lệ 4,3% trong quý III và 3,9% trong quý II/2021. Tính chung trong cả năm 2021, chỉ số lạm phát PCE ước tính vào khoảng 3,9%[13], cao gần gấp đôi so với với mức lạm phát mục tiêu 2% của Fed.
- Các chính sách kinh tế
Các biện pháp triển khai chính sách tài khóa liên bang là động lực chính của triển vọng kinh tế Hoa Kỳ vào năm 2021, nhưng khi năm 2022 bắt đầu, chính sách tài khóa có thể không còn giữ vai trò dẫn dắt. Hầu hết các hỗ trợ chính sách tài khóa liên quan đến đại dịch đã hết hạn và kế hoạch Xây dựng trở lại Tốt hơn của Đảng Dân chủ không có nhiều tiến triển trong những tháng qua. Quốc hội đã tăng mức trần nợ vào tháng 12 thêm 2,5 nghìn tỷ đô la, đủ để vay nợ kéo dài đến hết năm 2022. Thâm hụt ngân sách liên bang trong năm 2022 và 2023 dự kiến là 1,3 nghìn tỷ đô la và 900 tỷ đô la. Ngoài ra, một thời hạn tài trợ khác của chính phủ đang đến gần vào ngày 18 tháng 2[14]. Trừ khi các nhà lập pháp đạt được thỏa thuận về tổng chi tiêu cả năm, nếu không thì sẽ cần một giải pháp khác để ngăn việc chính phủ đóng cửa.
Về chính sách tiền tệ, Ủy ban thị trưởng mở liên bang sẽ chưa đưa ra quyết định thay đổi ngắn hạn trong tháng 1 năm 2022, nhưng cũng có khả năng sẽ gợi ý về việc tăng lãi suất trong cuộc họp vào giữa tháng 3. Trước đó Fed từng báo hiệu họ sẽ duy trì mức lãi suất hiện tại cho đến sau khi cơ quan này dừng việc mở rộng bảng cân đối kế toán. Vào giữa tháng 12/2021, Cục Dự trữ Liên bang cho biết sẽ kết thúc chương trình mua tài sản quy mô lớn vào khoảng tháng 3 và sẽ thực hiện ba đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào năm 2022. Áp lực lạm phát tăng thêm do Omicron gây ra có thể dẫn đến các biện pháp thắt chặt thậm chí mạnh mẽ hơn. Nếu chậm tăng lãi suất ngắn hạn, khiến tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng cao hơn thì cuối cùng Fed sẽ phải tăng lãi suất nhiều hơn để kìm hãm lạm phát, điều này có thể kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh và có nguy cơ suy thoái. Vì vậy nhiều khả năng Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất ngắn hạn vào giữa năm 2022 và tiến hành từng bước, nhưng các động thái chính sách tiền tệ cũng còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của nền kinh tế.
- Nhận định và dự báo
Trong năm 2022, triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ chịu tác động đáng kể của các yếu tố như: diễn biến của đại dịch COVID-19, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, tình hình lạm phát, sự rút lui của các gói hỗ trợ, những rủi ro chính sách từ Fed và những yếu tố rủi ro khác như mối đe dọa về an ninh mạng hay các thảm họa thiên nhiên, căng thẳng địa chính trị, v.v…
Tăng trưởng năm 2022 và 2023 được dự kiến sẽ đạt mức tương ứng là 3,5% và 2,9%[15]. Biến thể Omicron đã lây lan nhanh hơn dự đoán và đang mang lại số ca nhiễm mới cao kỷ lục. Mặc dù tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong đều tăng nhưng không cùng mức độ; do đó, tác động đến kinh tế trong quý I năm 2022 có thể không nghiêm trọng như lo ngại. Tuy nhiên, tình trạng lây nhiễm hàng loạt đang tác động đến nguồn cung nhân lực khi người lao động bị ốm hoặc trì hoãn tham gia lại lực lượng lao động. Mặc dù trong những tháng tới, nhiều người sẽ quay trở lại lực lượng lao động, nhưng vẫn khó có thể giữ cho tỷ lệ thất nghiệp không tiếp tục giảm xuống dưới mức ước tính dài hạn của Fed. Tỷ lệ thất nghiệp cuối năm 2022 được ước tính đạt mức 3,2% và sẽ giảm xuống còn 3,2% vào năm 2023[16]. Do đó, chi phí lao động sẽ tiếp tục tăng cao và chỉ số chi phí Lao động sẽ dễ dàng tăng 3% trong năm tới.
Wells Fargo cũng ước tính GDP thực tế đạt mức 5,9% trong quý IV và 5,6% vào năm 2021[17]. Tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm 2022 chịu nhiều ảnh hưởng của biến thể Omicron và dự kiến sẽ đạt mức 2,9%. Tăng trưởng cho cả năm 2022 hiện được xác định ở mức 3,9%. Chỉ số CPI được dự đoán sẽ tăng 5,4% vào năm 2022, sau khi tăng 4,7% vào năm trước[18]. Giá thuê nhà có thể gây áp lực lớn lên mức lạm phát và sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để cải thiện. Chỉ số PCE được dự kiến sẽ tăng 4,2% vào năm 2022, tăng nhẹ so với mức 3,9% của năm 2021.
Sự gián đoạn nguồn cung là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng tăng lạm phát ở Mỹ trong năm 2021. Đầu năm 2021, sự tái bùng phát của COVID-19 do biến thể Delta gây ra đã kéo theo hàng loạt biện pháp phong tỏa, hạn chế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Và với sự xuất hiện của biến thể Omicron vào thời điểm cuối năm 2021, khó có thể nói điều tương tự có xảy ra tại các nhà máy, bến cảng, sân bay, khiến chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn hay không. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng này có khả năng sẽ tiếp tục là lực cản đối với tăng trưởng, đầu tư và ảnh hưởng tới lạm phát ở Mỹ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, giá năng lượng cao cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy tỷ lệ lạm phát tăng đột biến, và sự xuất hiện của một đợt tăng giá dầu tiếp theo có thể sẽ khiến cho tình hình lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn.
Chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang sẽ thu hút dòng vốn hướng về đồng đô la Mỹ và đẩy đô la lên cao hơn so với hầu hết các đồng tiền của G10 và thị trường mới nổi. Do đó, đồng đô la Mỹ có thể duy trì thế mạnh trong suốt năm 2022 và đến năm 2023, mặc dù tiền tệ của các nước khác cũng thể hiện tốt. Thương mại vẫn sẽ là lực cản đối với tăng trưởng vào năm 2022, do xuất khẩu không ổn định nhưng nhập khẩu có thể tăng mạnh khi các công ty cố gắng bổ sung các kho hàng và kho dự trữ trống nhằm khôi phục lại nguồn cung trong thị trường nội địa. Khi sự phục hồi toàn cầu tiếp tục diễn ra và nhu cầu trong nước dần chậm lại, thương mại sẽ có tác động trung lập hơn đối với tăng trưởng năm 2023.
- Một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Trong kỳ họp bất thường vào ngày 4/1/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, khôi phục chuỗi cung ứng sản xuất và lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội và cải thiện đời sống của người dân. Trong đó, đáng chú ý, chính phủ Việt Nam sẽ triển khai gói hỗ trợ lên tới 291 ngàn tỷ đồng. Về chính sách tiền tệ, Chính phủ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí quản lý, giảm lãi suất cho vay tối thiểu là 0,5%-1% trong vòng 2 năm, điều hành đồng bộ và linh hoạt các biện pháp điều tiết tiền tệ[19].
Năm 2021, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu có xu hướng gia tăng, giá dầu và chi phí vận chuyển liên tục tăng, song chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 của Việt Nam chỉ ở mức 1,84%, giảm mạnh so với con số 3,23% của năm 2020 và 2,79% trong năm 2019[20]. Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP của Việt Nam năm 2021 ước tính chỉ đạt 2,58%, giảm so với con số 2,91% của năm 2020 do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Năm 2022, với việc chính phủ tiếp tục tung ra các gói hỗ trợ nhằm phục hồi kinh tế và duy trì lãi suất ở mức thấp, cùng với áp lực lạm phát toàn cầu và sự gia tăng của giá dầu cũng như giá nguyên vật liệu trên thế giới, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ lạm phát tăng cao. Vì vậy, để thúc đẩy phục hồi kinh tế song vẫn kiểm soát nguy cơ lạm phát, thứ nhất, chính phủ và các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương cần liên tục theo dõi sát sao diễn biến giá cả, tình hình lạm phát trên thế giới và những yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam để cảnh báo kịp thời nguy cơ. Thứ hai, chính phủ cần có các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung về nguyên vật liệu thông qua hợp tác, đàm phán với các quốc gia trên thế giới nhằm ổn định giá nguyên vật liệu, đảm bảo ổn định chi phí sản xuất. Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tiếp thu công nghệ cao từ các nước thông qua các hiệp định thương mại tự do và thỏa thuận đầu tư với các nước phát triển, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút và nâng cao năng suất lao động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Thứ tư, cần áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt, có thể tăng lãi suất nhằm ổn định lạm phát.
[1] The Confernce Board (2022), The Conference Board Economic Forecast for the U.S. Economy, https://www.conference-board.org/research/us-forecast
[2] Wells Fargo (2022), U.S. Economic Outlook: January 2022, https://wellsfargo.bluematrix.com/links2/html/bf012abd-a03a-46b9-89c9-28a23095d887
[3] Bnews (2022), Kinh tế Mỹ năm 2022: Trong nguy có cơ, https://bnews.vn/kinh-te-my-nam-2022-trong-nguy-co-co/228826.html
[4] Federal Reserve Bank of New York (2022), US Economy in a Snapshot: January 2022.
[5] Trading Economics, United States Unemployment Rate, https://tradingeconomics.com/united-states/unemployment-rate
[6] Raymond James (2022), The labor maret outlook and theo Fed.
[7] U.S. Census Bureau (2022), U.S. Retails Sales, Trading Economics.
[8] Bureau of Economic Analysis Bea (2022), United States Balance of Trade, Trading Economics.
[9] Ceters for Disease Control and Prevention (2022), Covid Data Tracker Weekly Review, https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/covid-data/covidview/index.html
[10] Federal Reserve Bank of New York (2022), US Economy in a Snapshot: January 2022.
[11] Raymond James (2022), The labor market outlook and the Fed.
[12] U.S. Bureau of Labor Statistics (2022), United States Inflation Rate, Trading Economics.
[13] The Confernce Board (2022), The Conference Board Economic Forecast for the U.S. Economy.
[14] Fagnano, C. (2022), On the Hill: Lawmakers Look Toward Feb. 18 Funding Deadline, https://essentialhospitals.org/policy/hill-lawmakers-focus-on-feb-18-funding-deadline
[15] The Confernce Board (2022), The Conference Board Economic Forecast for the U.S. Economy.
[16] Wells Fargo (2022), U.S. Economic Outlook: January 2022.
[17] Wells Fargo (2022), U.S. Economic Outlook: January 2022.
[18] Wells Fargo (2022), U.S. Economic Outlook: January 2022.
[19] Tuổi trẻ Online (2022), Đề xuất gói hỗ trợ lên tới 291.000 tỉ đồng: Ưu tiên giảm thuế, đầu tư hạ tầng, https://tuoitre.vn/de-xuat-goi-ho-tro-len-toi-291-000-ti-dong-uu-tien-giam-thue-dau-tu-ha-tang-20220104100428767.htm
[20] Tổng cục thống kê (2022), Kiểm soát lạm phát thấp – thành công của năm 2021 và áp lực trong năm 2022, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/01/kiem-soat-lam-phat-thap-thanh-cong-cua-nam-2021-va-ap-luc-trong-nam-2022/