Báo cáo kinh tế Mỹ tháng 10/2021

04/11/2021

1. Tình hình kinh tế Mỹ

Các dữ liệu kinh tế trong tháng 9/2021 được công bố vào tháng 10 cho thấy một bức tranh hỗn hợp. Tỷ lệ thất nghiệp giảm, doanh số bán nhà và xây dựng tăng lên, hoạt động sản xuất tiếp tục được mở rộng. Việc làm tăng nhưng ít hơn dự báo, trong khi đó giá dầu tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2014. Doanh số bán xe cơ giới tiếp tục giảm và lạm phát tăng cao.

Theo số liệu từ Báo cáo việc làm tháng 9/2021, số lượng lao động phi nông nghiệp chỉ tăng 194.000, thấp hơn so với kỳ vọng của nhiều dự báo, do bị hạn chế bởi tác động của sự tái bùng phát dịch bệnh do biến thể Delta gây ra. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5,2% xuống còn 4,8%, phần nào phản ánh việc đáo hạn của các khoản trợ cấp thất nghiệp mở rộng. Các ngành có mức tăng việc làm lớn nhất trong tháng 9 bao gồm thương mại bán lẻ, dịch vụ chuyên môn và kỹ thuật, vận tải và kho bãi, nghệ thuật và giải trí, chính quyền địa phương (trừ giáo dục), thông tin, và trợ cấp xã hội, đều có mức tăng từ 30.000 đến hơn 50.000 việc làm. Lĩnh vực giáo dục của chính quyền địa phương giảm 144.000 việc làm; dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và giáo dục của chính quyền liên bang đều có mức giảm khoảng 19.000 việc làm. Một số lĩnh vực có mức giảm dưới 10.000 bao gồm dịch vụ cá nhân và giặt là (-9.000), thành viên các hiệp hội và tổ chức (- 7.000), dịch vụ trợ giúp tạm thời (-5.000), tài chính và bảo hiểm (-5.000).

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 tăng 0,4% (hay tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước) sau khi tăng 0,3% trong tháng 8 (tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước). Chỉ số PMI sản xuất tháng 9 đã tăng 1,2 điểm lên 61,1 (mức 50 trở lên cho thấy sự mở rộng). PMI không sản xuất tháng 9 là 61,9, tăng 0,2 điểm so với tháng 8. Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 tăng 0,4% sau mức tăng 0,8% vào tháng 7. Sản xuất công nghiệp cao hơn mức của tháng 8 năm 2020 là 5,9%[2]. Các đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa vốn cơ bản (tức là hàng hóa lâu bền, không bao gồm máy bay và quân sự), được coi là một chỉ số đại diện cho đầu tư kinh doanh, đã tăng 0,6% trong tháng 8 sau khi tăng 0,3% vào tháng 7 theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ.

Doanh số bán xe cơ giới nhẹ trong tháng 9 giảm 6,4% từ mức 13 triệu trong tháng 8 xuống còn 12,2 triệu chiếc. Con số này thấp hơn 25,2% so với mức tháng 9/2020 do lượng xe tồn kho thấp và giá tăng gây ra tác động tiêu cực đến lượng bán hàng. Hoạt động xây dựng nhà dân cư (bao gồm số nhà xây mới và số đơn vị nhà ở được cấp phép xây dựng) và doanh số bán nhà mới tăng trong tháng 8, nhưng doanh số bán nhà hiện có giảm. Giá xăng dầu giao ngay đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2014. Trong tuần kết thúc vào ngày 8 tháng 10, giá West Texas Intermediate là 79 đô la/thùng, giá dầu Brent là 82 đô la/thùng, đều tăng 10 đô so với tháng trước. Giá xăng tăng 0,10 đô la trong khoảng thời gian từ ngày 13/09 đến 11/10, lên mức 3,27 đô la mỗi gallon. Các chỉ số liên quan đến giao thông vận tải cho những giá trị tăng giảm hỗn hợp[3].

Hai thước đo chính về niềm tin của người tiêu dùng diễn biến trái chiều nhau trong tháng này. Khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy mức tăng 0,7 điểm lên 71,0 vào tháng 9. Mặc dù có tăng nhẹ nhưng kỳ vọng của người tiêu dùng về triển vọng kinh tế trong tương lai là kém lạc quan nhất trong hơn một thập kỷ qua. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Conference Board đã giảm 5,9 điểm trong tháng 9 xuống còn 109,3. Kết quả khảo sát cho thấy những lo ngại của người tiêu dùng về việc gia tăng các trường hợp COVID và tình trạng của nền kinh tế đã dẫn đến sự sụt giảm thứ ba liên tiếp của chỉ số này.

Chỉ số Dịch vụ ISM tăng lên 61,1 trong tháng 9 so với 59,9 trong tháng 8 và 59,5 trong tháng 7, cho thấy số đơn đặt hàng mới và sản lượng vẫn tiếp tục tăng, song chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục căng thẳng. Thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 73,3 tỷ USD trong tháng 8/2021[4].

Những vấn đề thách thức

Thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang từ 4,6% GDP năm 2019 đã tăng lên 14,9% GDP trong năm 2020[5]. Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính ngân sách của chính phủ liên bang Mỹ sẽ thâm hụt khoảng 3.000 tỷ USD vào cuối năm tài khóa 2021. Đến cuối tháng 8/2021, nợ công của Mỹ đã ở mức 28,4 nghìn tỷ USD[6], đặt nước Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ cũng phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng.  Người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt với tình trạng giá cả hàng hóa tăng vọt, khi chỉ số giá tiêu dùng tăng lên tới 5,4% trong tháng 9/2021 so với cùng kỳ năm 2020.

Các cảng trên khắp thế giới bị tắc nghẽn do nhu cầu hàng hóa tăng lên khi nền kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu phục hồi sau đại dịch. Việc vận chuyển hàng hóa khó khăn do không có đủ phương tiện vận chuyển và chi phí vận chuyển gia tăng, chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn khiến cho giá cả hàng hóa tăng cao và cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế.  Thách thức về thiếu hụt lao động gia tăng do người dân lo ngại về sức khỏe và thiếu các dịch vụ chăm sóc, khiến cho hàng triệu người Mỹ không tham gia lực lượng lao động. Tình trạng thiếu lao động làm việc tại các cửa hàng, nhà kho đặc biệt nghiêm trọng.

 

2. Các phản ứng chính sách kinh tế của Mỹ

Để phản ứng với những tác động kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, chính phủ Mỹ đã thông qua các gói kích thích tài khóa trị giá 5,2 nghìn tỷ USD trong năm 2020 và năm 2021, tương đương trên 25% GDP của nước này và nhiều hơn hầu hết các quốc gia khác.  Việc gia tăng chi tiêu cho các gói kích thích kinh tế khổng lồ đã khiến thâm hụt ngân sách ngày càng tăng và nợ công ngày càng phình to.

Vào cuối tháng 9/2021, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã đưa ra cảnh báo, chính phủ Mỹ có thể cạn kiệt ngân sách vào ngày 18/10/2021 nếu Quốc hội không nâng trần nợ công. Trước nguy cơ đó, ngày 7/10/2021, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật và ngày 14/10/2021, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành luật tạm thời về nâng mức trần nợ công của chính phủ liên bang để tránh nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng. Luật này cho phép tăng mức trần nợ công từ 28,4 tỷ USD lên 28,9 tỷ USD và có hiệu lực đến ngày 3/12/2021[7], tại thời điểm đó hầu hết các chương trình kích thích tài khóa cũng đồng thời hết hạn. Điều này cũng có nghĩa là trong vòng 8 tuần, Quốc hội Mỹ sẽ vừa phải giải quyết thách thức về nguy cơ vỡ nợ vừa phải nhất trí về kế hoạch chi tiêu công đến tháng 9/2022. Đảng Cộng hòa cho rằng việc nâng trần nợ công là vấn đề của Đảng Dân chủ do kế hoạch chi tiêu 3,5 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden đầu tư vào các gói an sinh xã hội mở rộng và tài trợ cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu.

Theo biên bản từ cuộc họp tháng 9/2021, Fed có thể bắt đầu giảm bớt các biện pháp kích thích kinh tế từ giữa tháng 11. Trong bối cảnh các điều kiện kinh tế của Mỹ đã được cải thiện, Fed sẽ giảm dần quy mô chương trình mua trái phiếu với trị giá 120 tỷ USD, bắt đầu bằng việc cắt giảm 10 tỷ USD/ tháng mua trái phiếu kho bạc và 5 tỷ USD/ tháng mua chứng khoán thê chấp (hiện nay Fed đang mua ít nhất 80 tỷ USD trái phiếu và 40 tỷ USD chứng khoán thế chấp hàng tháng), theo đó kế hoạch mua tài sản có thể kết thúc vào giữa năm 2022. Đồng thời, trong cuộc họp này, các thành viên của Fed cũng nhất trí giữ lãi suất vay ngắn hạn ở mức từ 0 đến 0,25% và có thể tăng lãi suất sau năm 2022[8].

Trước tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, chính phủ Mỹ đã nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp nhằm nỗ lực hạn chế sự chậm trễ trong khâu vận chuyển và giảm bớt các nút thắt trong chuỗi cung ứng. Tình trạng căng thẳng về chuỗi cung ứng trên toàn cầu có một phần nguyên nhân quan trọng là do những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua, khiến các chính phủ phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại, dẫn đến tình trạng thiếu nhân công, kho bãi và khó khăn trong các dịch vụ vận chuyển. Hàng ngàn container hàng hóa vẫn trong trạng thái chờ được dỡ hàng tại các cảng trên khắp đất nước. Nhiều nhà máy ngừng hoạt động khiến chuỗi cung ứng trên toàn cầu bị gián đoạn. Các biện pháp được chính quyền của Tổng thống Biden áp dụng để giải tỏa các nút thắt của chuỗi cung ứng bao gồm tăng số giờ hoạt động của các cảng, tăng số lượng tài xế thông qua thúc đẩy việc cấp giấy phép lái xe, kêu gọi khu vực tư nhân tăng cường các hành động để giảm bớt những căng thẳng về nguồn cung hàng hóa. Cụ thể, số giờ hoạt động tại các cảng Long Beach và Los Angeles tăng lên 24/24 giờ, mở cửa 60 giờ/ tuần[9]. Thêm vào đó, một số hãng vận chuyển hàng hóa cũng lên kế hoạch đẩy nhanh tốc độ vận chuyển hàng hóa để giải phóng cho các container hàng hóa đang tồn đọng.

 

  1. Một số dự báo về kinh tế Mỹ

Theo dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, thâm hụt ngân sách liên bang trong năm tài khóa 2021 (năm tài khóa kết thúc vào tháng 9/2021) sẽ ở mức 3 nghìn tỷ USD, thấp hơn gần 130 tỷ so với năm tài khóa 2020, nghĩa là giảm từ 14,9% GDP trong năm tài khóa 2020 xuống còn 13,4% GDP trong năm tài khóa 2021, và CBO tiếp tục dự báo thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ sau đó sẽ giảm xuống 4,7% GDP trong năm tài khóa 2022 và 3,1% GDP trong năm tài khóa 2023 do thu ngân sách từ thuế tăng và chi tiêu ngân sách cho các chương trình kích thích giảm dần. Tuy nhiên nợ công sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới[10].

Số ca Covid-19 ở Mỹ trong nửa đầu tháng 10/2021 đã giảm rõ rệt do có nhiều người đeo khẩu trang và nhiều người tiêm chủng hơn, điều này là yếu tố dẫn đến triển vọng kinh tế Mỹ có thể lạc quan hơn trong những tháng tới.

Do tăng trưởng kinh tế trong quý III/2021 chậm lại, trong báo cáo kinh tế công bố vào tháng ngày 13/10/2021, Conference Board đưa ra dự báo tăng trưởng hàng năm vào năm 2021 sẽ ở mức 5,7% (so với cùng kỳ năm 2020)[11]. Dự báo này thấp hơn so với dự báo được đưa ra trong tháng 9 bởi tác động mà biến thể Delta gây ra đối với nền kinh tế Mỹ lớn hơn dự tính. Tổ chức này đưa ra dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3,8% vào năm 2022 và 3,0% vào năm 2023. Sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng gần đây làm giảm đóng góp của tiêu dùng vào tăng trưởng GDP trong quý III/2021 2021. Tuy nhiên, khi mức độ nghiêm trọng của làn sóng Delta giảm, ​​chi tiêu cho các dịch vụ tiêu dùng được dự kiến sẽ tăng tốc trở lại trong những tháng cuối năm 2021.

Sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu khiến các doanh nghiệp khó bắt kịp với nhu cầu tăng cao đối với nhiều loại hàng hóa vào đầu năm nay, dẫn đến hàng tồn kho tư nhân giảm mạnh. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ đảo ngược trong những tháng tới khi kỳ nghỉ lễ tháng 12 đến gần và dự báo hàng tồn kho tư nhân sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, tốc độ dự trữ sẽ chậm hơn so với dự đoán trước đây do biến thể Delta đã cản trở hoạt động sản xuất và vận chuyển ở các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới. Cuối cùng, những lo ngại về lạm phát vẫn ở mức cao khi các doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp tục vật lộn với tác động của đại dịch. Tỷ lệ lạm phát hàng năm có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022 do hiệu ứng cơ sở. Việc giá năng lượng tăng gần đây cũng sẽ khiến cho lạm phát khó giảm nhanh trong những tháng mùa đông. Tuy nhiên, cường độ và đà tăng giá hàng tháng có thể sẽ tiếp tục ở mức vừa phải trong những tháng tới.

 

  1. Liên hệ với Việt Nam

Cũng giống như nước Mỹ, trong quý III/2021, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng tái bùng phát dịch Covid-19 do biến thể Delta gây ra, khiến nền kinh tế suy giảm mạnh so với kỳ vọng trước đó. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP quý III/2021 của Việt Nam đã giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2020, mức suy giảm mạnh nhất sau nhiều năm, sau 6 tháng tăng trưởng khả quan. Covid-19 đặt ra những thách thức to lớn đối với nền kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam khi gây gián đoạn cả cung và cầu hàng hóa, không chỉ khiến các hoạt động sản xuất và xuất khẩu gặp khó khăn mà mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Trong bối cảnh làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam, khi các biện pháp phòng dịch được thực hiện hết sức nghiêm ngặt tại hai thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam, việc vận chuyển hàng hóa bị tắc nghẽn do các thủ tục kiểm dịch và thiếu nhân lực. Việc lưu thông hàng hóa gặp trở ngại do các địa phương thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội với các điều kiện nghiêm ngặt, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Dịch bệnh đã làm cho nhiều doanh nghiệp mất nguồn lực tài chính, giảm sức cạnh tranh và thậm chí phá sản. Trong quý III/2021, số người tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam đã giảm 1,9 triệu người so với quý II/2021. Gần đây, hàng triệu người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam trở về quê khiến cho nguồn cung lao động trở nên khan hiếm hơn[12].

Nhằm phục hồi nền kinh tế do tác động của sự tái bùng phát đại dịch Covid-19, một số quốc gia theo đuổi cách tiếp cận kiểm soát dịch trước (trong đó có Trung Quốc), và một số quốc gia khác lại tiếp cận theo hướng kết hợp khôi phục nền kinh tế với kiểm soát dịch bệnh (trong đó có Mỹ). Mặc dù Việt Nam đã xác định khó có thể đưa số ca nhiễm trở về bằng không, song chúng ta vẫn phải kiếm soát dịch chặt chẽ bởi năng lực y tế của chúng ta vẫn còn hạn chế và nguy cơ dịch bùng phát vẫn luôn tiềm tàng.

Từ kinh nghiệm của Mỹ và các nước, chúng tôi kiến nghị Việt Nam kiên định thực hiện biện pháp “vừa khôi phục kinh tế vừa kiểm soát dịch bệnh”. Để khôi phục nền kinh tế sau làn sóng dịch lần thứ tư, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm phủ vắc xin đối với tất cả những người trong độ tuổi lao động ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, đơn giản hóa các thủ tục để thúc đẩy thương mại và lưu thông hàng hóa song vẫn phải đảm bảo các điều kiện cần thiết để phòng dịch, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số để tận dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo các hoạt động kinh tế và xã hội được diễn ra bình thường ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh, triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp nhằm thu hút người lao động quay trở lại làm việc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau giai đoạn khó khăn vừa qua.

 

[1] Economic and Revenue Forecast Council, October 2021 Economic and Revenue Update. https://erfc.wa.gov/sites/default/files/public/documents/publications/oct21.pdf

[2] Raymod James, Economic and Policy, https://www.raymondjames.com/commentary-and-insights/economy-policy/2021/10/15/weekly-economic-commentary

[3] Economic and Revenue Forecast Council, October 2021 Economic and Revenue Update. https://erfc.wa.gov/sites/default/files/public/documents/publications/oct21.pdf

[4] Raymond James (2021), The September Employment Report, https://www.raymondjames.com/commentary-and-insights/scott-brown/2021/10/08/weekly-economic-commentary

[5] Trading Economics, United States Federal Government Budget, https://tradingeconomics.com/united-states/government-budget

[6] Raymond James (2021), Fiscal Policy Beyond the Pandemic, https://www.raymondjames.com/commentary-and-insights/scott-brown/2021/10/01/fiscal-policy-beyond-the-pandemic

[7] Reuters (2021), Biden signs bill raising U.S. debt limit, averting default, https://www.reuters.com/world/us/biden-signs-bill-raising-us-debt-limit-averting-default-2021-10-15/

[8] Fed: Cắt giảm kích thích kinh tế có thể bắt đầu vào giữa tháng 11, https://thoibaonganhang.vn/fed-cat-giam-kich-thich-kinh-te-co-the-bat-dau-vao-giua-thang-11-120412.html

[9] CNBC, White House plan aims to help key West Coast ports stay open 24/7 to ease supply bottlenecks, https://www.cnbc.com/2021/10/13/supply-chain-biden-backs-running-west-coast-ports-24-7-to-ease-bottlenecks.html

[10] Congressional Budget Office (2021), An Update to the Budget and Economic Outlook: 2021 to 2031, file:///C:/Users/sony/Downloads/57218-Outlook.pdf

[11]Conference Board, The Conference Board Economic Forecast for the US Economy, https://www.conference-board.org/research/us-forecast?fbclid=IwAR2cmmI8PstAdLJ3-0BhK4kFkCEYr8pAlhYltrqXuaJ4dOj0BKBFSrV2ras

[12] Tình hình lao động việc làm quý III/2021: Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, http://tapchinganhang.gov.vn/tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iii-2021-ty-le-that-nghiep-va-thieu-viec-lam-tang-cao.htm


Viện NC Châu Mỹ


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn