Tình hình kinh tế Mỹ
Theo ước tính của Hội đồng Hội nghị Hoa Kỳ được công bố trong tháng 11/2021, GDP quý III/2021 của Mỹ giảm xuống chỉ còn 2,0% sau khi tăng trưởng với tốc độ 6,3% trong quý I và 6,7% trong quý II, đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Mỹ kể từ quý II/2020. Do tác động của sự tái bùng phát đại dịch Covid-19 do biến thể Delta gây ra, chi tiêu vào các dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, du lịch, chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc sức khỏe, v…v… giảm và hàng hóa không sẵn có bởi nguồn cung bị hạn chế, dẫn đến chi tiêu của người tiêu dùng trong quý III/2021 chỉ tăng với tốc độ 1,6%, chậm hơn nhiều so với 12% của quý II[1]. Chi tiêu đầu tư vào thiết bị, đầu tư nhà ở và chi tiêu của chính phủ liên bang đều giảm. Xuất khẩu trong quý III/2021 giảm 2,5% so với mức tăng 7,6% của quý II, nhập khẩu trong quý III tăng 6,1% song vẫn thấp hơn mức tăng 7,1% của quý II. Thu nhập khả dụng thực tế đã giảm trong tháng 9 phần lớn là do việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp giảm mạnh[2].
Thị trường lao động
Tình trạng thiếu lao động đã gây cản trở cho các doanh nghiệp, nhưng báo cáo việc làm của tháng 10 chỉ ra rằng ảnh hưởng của làn sóng dịch do biến thể Delta gây ra đối với thị trường lao động không lớn như mức dự báo ban đầu[3]. Cụ thể là, các nhà tuyển dụng đã bổ sung hơn nửa triệu việc làm vào tháng 10; tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm từ 4,8% trong tháng 9 xuống còn 4,6% trong tháng 10[4]. Mức tiền công trung bình theo giờ ở Mỹ tăng gần 5% so với một năm trước. Mặc dù vậy, sự tham gia của lực lượng lao động vẫn chưa thể trở lại mức trước đại dịch, nhưng sẽ có thể cải thiện trong năm 2022[5].
Chỉ số giá tiêu dùng
Mặc dù tiền công của người ở Mỹ có xu hướng tăng, song chỉ số giá tiêu dùng còn tăng với tốc độ nhanh hơn. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 0,9% trong tháng 10 (tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Nếu không tính đến nhóm thực phẩm và năng lượng thì chỉ số CPI tăng 0,6% (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2020)[6]. Mức tăng cao nhất thể hiện ở các mặt hàng xăng dầu, thực phẩm, giá nhà đất, giá thuê nhà, gỗ và các vật liệu xây dựng,…Giá xăng dầu tăng 6,1%, tương ứng với mức tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2020. Giá xe ô tô đã qua sử dụng tăng 2,5% (tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2020). Giá cả tiêu dùng tăng vọt cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, và mức chi tiêu “phi mã” của người dân Mỹ do lo ngại giá cả hàng hóa có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới và người lao động đòi hỏi mức lương cao hơn do thiếu hụt nhân công, đặc biệt nhiều người lao động mất việc không đi làm trở lại.
Cục Thống kê Lao động lưu ý rằng sự tăng giá diễn ra "trên diện rộng", trái ngược với phạm vi hẹp của mức lạm phát vào quý I/2021. Chỉ số CPI có thể sẽ còn tăng cao hơn trong vài tháng tới. Kết quả khảo sát Tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan vào đầu tháng 11 cho thấy lạm phát cao hơn đã đẩy tâm lý người dân xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ[7]. Chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 10 đã giảm xuống còn 66,8, so với 71,7 trong tháng 8 và 72,8 trong tháng 8[8].
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng
Mỹ vẫn đang phải đối mặt với tình tạng tắc nghẽn hàng hóa tại các bến cảng trong nước. Tại các bến cảng Los Angeles và Long Beach bang California, nơi tiếp giáp biển Thái Bình Dương và Mexico, rất nhiều tàu chở hàng và hàng tỷ đô la hàng hóa vẫn xếp hàng chờ cập cảng[9]. Bên cạnh đó, các nhà máy của Mỹ đang loay hoay giải quyết những khó khăn do thiếu nguồn cung chất bán dẫn, khiến nhiều ngành công nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó ngành sản xuất ô tô bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn cung chất bán dẫn được cho là do sự sụt giảm mang tính chu kỳ của ngành công nghiệp bán dẫn, sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các biện pháp hạn chế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu về các thiết bị điện tử tăng mạnh trong khi sản xuất không thể đáp ứng kịp. Do sự tái bùng phát của làn sóng dịch Covid-19 vào tháng 8 và tháng 9/2021, nguồn cung chip bán dẫn càng thiếu hụt nghiêm trọng, dẫn đến sản lượng ô tô mới giảm đáng kể, đẩy giá ô tô đã qua sử dụng tăng mạnh (tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2020), góp phần khiến lạm phát gia tăng[10].
- Các chính sách kinh tế
Ngày 3/11, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang đã đưa ra thông báo về việc bắt đầu giảm dần tốc độ mua tài sản hàng tháng. Động thái này của Fed là bước đầu tiên trong kế hoạch rút lại chương trình hỗ trợ quy mô lớn của Ngân hàng trung ương Mỹ trong bối cảnh đại dich Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế. Trước đó, Fed đã nhiều lần phát đi tín hiệu về việc cắt giảm chương trình mua tài sản[11].
Mặc dù lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng hơn 30 năm do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu chi tiêu cho tiêu dùng tăng và tiền công của người lao động tăng, song Fed cho rằng lạm phát chỉ mang tính tạm thời và tuyên bố chưa tăng lãi suất vào thời điểm này. Các tiêu chí để tăng lãi suất trong ngắn hạn chặt chẽ hơn. Tiêu chí để tăng lãi suất của Fed là lãi suất ở mức trên 2% và tình trạng việc làm toàn dụng. Khái niệm “việc làm toàn dụng” không thể xác định bằng tỷ lệ thất nghiệp cụ thể mà được đánh giá dựa trên một loạt các chỉ số thị trường lao động khác nhau. Theo ông Powell, Chủ tịch Fed, trạng thái việc làm toàn dụng có khả năng đạt được vào 6 tháng cuối năm 2022, và ông nhấn mạnh, thời gian phù hợp để tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế nhưng “cần phải kiên nhẫn”. Fed lo ngại viêc thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất vào thời điểm này có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng việc làm[12].
Ngày 15/11/2021, Tổng thống Joe Biden đã chính thức ký phê chuẩn Luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng với trị giá lên tới hơn 1.200 tỷ USD, phần đầu tiên trong chương trình nghị sự kinh tế quy mô lớn của ông. Luật cơ sở hạ tầng, cùng với khung khổ kế hoạch “Xây dựng lại tốt hơn” của chính quyền ông Biden, được dự kiến có thể tạo ra thêm 1,5 triệu việc làm cho nền kinh tế Mỹ trong vòng 10 năm[13]. Luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng bao gồm 110 tỷ USD để cải tạo cầu và đường, 66 tỷ USD để cải tạo đường sắt, 65 tỷ USD cải tạo mạng lưới điện, 65 tỷ USD được đầu tư vào việc mở rộng mạng Internet băng thông rộng. Ngoài ra, luật này cũng gồm các khoản chi tiêu cải thiện nguồn nước, an ninh mạng và biến đổi khí hậu, giao thông công cộng, sân bay, bến cảng, môi trường, năng lượng, xe buýt điện, trạm sạc điện, chăm sóc trẻ em, tín dụng thuế trẻ em, dịch vụ y tế, cải thiện nhà ở, đầu tư chuỗi cung ứng, v.v… Có thể sẽ mất vài tháng hoặc lâu hơn để các dự án lớn bắt đầu. Số tiền chi tiêu cho các dự án được phân bổ hàng năm, tùy theo từng dự án, hầu hết kéo dài đến năm 2026 và một số dự án kéo dài đến năm 2030[14].
Gói chi tiêu đầu tư cho cơ sở hạ tầng này, cùng với các gói chi cho các dịch vụ xã hội của chính quyền ông Biden được cho là sẽ tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thông qua các khoản đầu tư cải thiện hệ thống đường sá, sân bay, bến cảng, việc vận chuyển hàng hóa sẽ dễ dàng hơn và các hoạt động kinh tế năng suất hiệu quả hơn. Đồng thời, luật này cũng giúp thúc đẩy sự phát triển của công nghệ, cải thiện môi trường và an sinh xã hội. Song các tác động của luật cơ sở hạ tầng mang tính dài hạn và rất khó có thể định lượng.
Ngày 19/11/2021, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật Xây dựng lại tốt hơn trị giá 1,75 nghìn tỷ USD với kết quả bỏ phiếu sít sao. Dự luật này chủ yếu hỗ trợ cho các chương trình chăm sóc trẻ em, mở rộng chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare, đầu tư cho năng lượng tái tạo, hỗ trợ về nhà ở, mở rộng tín dụng thuế trẻ em và các khoản trợ cấp Obamacare[15]. Nếu dự luật này được thông qua, đây sẽ là chương trình hỗ trợ có quy mô lớn đối với người lao động và nền kinh tế, thúc đẩy triển vọng sản xuất và góp phần tăng thu ngân sách để bù vào chi tiêu ngân sách. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ với hàng nghìn tỷ USD liên tiếp bơm vào nền kinh tế cũng dẫn đến sư lo ngại về nợ công và lạm phát trong thời gian tới.
- Một số dự báo về kinh tế Mỹ
Trong quý IV/2021, doanh số bán lẻ được dự kiến tăng rất mạnh. Một phần phản ánh mức giá cao hơn; phần còn lại vì nhiều người bắt đầu mua sắm sớm cho đợt lễ do lo ngại về tình trạng thiếu hàng hóa bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng[16]. Vào giữa tháng 10/2021, Tổng thống Biden đã lên kế hoạch 90 ngày phối hợp giữa các cảng biển và các bên có liên quan nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn cung ứng, tăng cường hoạt động 24/24 để tăng tốc độ vận chuyển hàng hóa, nỗ lực này có thể giúp Mỹ cải thiện tình hình trong những tháng tới.
Hội đồng Hội nghị dự báo rằng tăng trưởng GDP thực của Mỹ sẽ tăng lên 5% vào quý IV năm 2021, so với mức tăng trưởng 2% trong quý III năm 2021. Tốc độ tăng hàng năm của năm 2021 sẽ ở mức 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Sự gia tăng GDP trong quý IV/2021 được thúc đẩy bởi mức tăng chi tiêu cho tiêu dùng theo dự báo là 3,5% (so với mức tăng 1,6% trong quý III), chi tiêu cho khu vực dân cư tăng 1,0% trong quý IV/2021 (so với mức giảm 7,7% trong quý III) và chi tiêu cho khu vực phi dân cư tăng 4,6% (so với mức tăng 1,8% trong quý III), xuất khẩu tăng 2,0% (so với mức giảm 2,5% trong quý III) [17]. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu tăng cao đối với một số hàng hóa và dịch vụ, chi phí lao động tăng cùng với giá năng lượng cao sẽ vẫn tiếp diễn và có thể sẽ đẩy lạm phát lên mức cao hơn trong quý IV/2021 và đầu năm 2022.
Mặc dù tình hình tiêm chủng đang được cải thiện nhưng số lượng ca mắc COVID-19 trong Quý I năm 2022 có thể gia tăng một phần do thời tiết lạnh hơn và các quy định về đeo khẩu trang trong không gian kín được nới lỏng. Điều này đã diễn ra vào đầu năm 2021 và một làn sóng tương tự có thể xảy ra trong năm 2022, làm chậm tốc độ tăng chi tiêu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng có những kỳ vọng lạc quan hơn khi chính sách mở cửa đón khách du lịch của Mỹ sau 18 tháng hạn chế được thực hiện dựa trên các quy định đảm bảo an toàn phòng chống dịch từ tháng 11, chi tiêu cho các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, ăn uống và du lịch có thể có xu hướng tăng. Động thái này được kỳ vọng sẽ giảm bớt thiệt hại cho ngành du lịch cũng như các dịch vụ có liên quan.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ có thể sẽ nâng lãi suất chính sách sớm hơn và thường xuyên hơn so với dự báo trước đây, tuy nhiên, theo chủ tịch Fed, Mỹ sẽ không tăng lãi suất trong năm 2021. Nhiệm kỳ của ông Powell với cương vị chủ tịch Fed sẽ hết hạn vào tháng 2/2022 và việc ông có được bổ nhiệm lại hay không cũng có ảnh hưởng đáng kể tới chính sách tiền tệ và những biến động của thị trường tài chính. Wells Fargo kỳ vọng Ủy ban Thị trưởng mở Liên bang nâng 0,25% trong quý III năm 2022 và thêm 0,25% nữa trong quý IV năm 2022, cùng với hai đợt tăng lãi suất bổ sung trong suốt năm 2023[18].
Trong năm 2022, dự báo phần lớn tăng trưởng kinh tế sẽ gắn với chi tiêu tiêu dùng. Đầu tư kinh doanh và đặc biệt là hàng tồn kho tư nhân cũng được dự báo sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế. Chi tiêu của chính phủ cũng sẽ tăng cao hơn khi gói cơ sở hạ tầng dần được triển khai. Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 3,5% vào năm 2022 và 2,9% vào năm 2023. Dự báo này thấp hơn so với triển vọng tháng 10 mặc dù gói cơ sở hạ tầng lưỡng đảng lớn của Quốc hội đã được phê duyệt gần đây. Trong khi đó, Wells Fargo dự đoán GDP thực tế sẽ tăng 4,1% vào năm 2022 và 3,3% vào năm 2023[19].
- Nhận định về tình hình hiện nay và khuyến nghị đối với Việt Nam
Sau khi Tổng thống Biden phê chuẩn luật cơ sở hạ tầng trị giá hơn 1.200 tỷ USD nằm trong kế hoạch chi tiêu khổng lồ với trị giá 3.000 tỷ USD cho các chính sách xã hội, biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng, EU bắt đầu thực hiện kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ euro (tương đương 890 tỷ USD) và Trung Quốc cũng tung ra gói cứu trợ kinh tế khổng lồ trị giá 559 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc kinh tế thế giới có thêm động lực để phục hồi, song nguy cơ lạm phát cũng gia tăng.Chỉ số giá tiêu dùng không chỉ leo thang ở Mỹ mà còn tăng mạnh ở nhiều quốc gia và khu vực khác trên thế giới như Trung Quốc, Canada, EU, Mỹ Latinh, các nước châu Á. Các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn vẫn tin tưởng rằng có thể thống chế lạm phát mà không cần thắt chặt chính sách tiền tệ đáng kể. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, lạm phát có thể kéo dài hơn so với dự kiến và sẽ không chỉ là một hiện tượng tạm thời, do đó các ngân hàng trung ương cần hành động kịp thời để ngăn chặn lạm phát[20].
Trong bối cảnh lạm phát gia tăng tại Mỹ và các nước, giá xăng dầu, giá vàng và lương thực trên thế giới nhiều khả năng chưa thể giảm trong thời gian ngắn, thậm chí có thể tạo ra một mặt bằng mới cao hơn. Lạm phát toàn cầu, với sự gia tăng của giá dầu, giá vàng, bất động sản và giá cả hàng hóa tiêu dùng có thể tác động tới lạm phát của Việt Nam cuối năm 2021 và trong năm 2022 nếu không có sự kiểm soát phù hợp. Đặc biệt, sự gia tăng giá dầu có thể ảnh hưởng đáng kể tới giá cả tiêu dùng. Xu hướng tăng giá dầu sẽ ảnh hưởng tới chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá cả các hàng hóa tiêu dùng trong nước ở Việt Nam tăng lên. Theo dự báo, CPI năm 2022 của Việt Nam có thể vượt mức 4% nếu khủng hoảng năng lượng trở nên trầm trọng hơn và xu hướng đầu cơ, tích trữ của người dân tiếp tục.
Trước tình hình kinh tế suy thoái do tác động của làn sóng dịch thứ tư ở Việt Nam, các doanh nghiệp và người dân đều rất cần các gói hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua tình trạng khó khăn. Cung tiền tăng sẽ có thể dẫn đến hiện tượng đầu cơ, tích trữ và gây ra bong bóng giá tài sản, đặc biệt là chứng khoán hay bất động sản. Như vậy, Việt Nam vừa phải đối mặt với nguy cơ lạm phát do giá dầu và giá cả hàng hóa thế giới tăng, vừa đối mặt với nguy cơ lạm phát do tăng cung tiền trong nước.
Vì vậy, thời gian tới, trước hết, Việt Nam cần theo dõi sát sao những biến động của kinh tế, đánh giá nguy cơ lạm phát và những yếu tố có thể ảnh hưởng đến lạm phát cũng như kinh tế Việt Nam để đưa ra biện pháp kiểm soát kịp thời. Thứ hai, để kiểm soát tình trạng lạm phát, các gói hỗ trợ cần được xem xét ở mức độ vừa phải, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc tăng lãi suất một cách hợp lý để kiềm chế lạm phát song cũng tránh kéo theo hiện tượng nợ xấu và những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với doanh nghiệp do lãi suất đi vay tăng./
[1] Conference Board (2021). The Conference Board Economic Forecast for the US Economy. https://www.conference-board.org/research/us-forecast/us-forecast
[2] Federal Reserve Bank of New York (2021). U.S. Economy in a snapshot.
[3] Wells Fargo (2021). U.S. Economic Outlook: November 2021.
[4] Raymond James (November 2021), Weekly Market Snapshot.
[5] Franck, T. (2021). Inflation is making voters unhappy with the economy – Democrats hope their infrastructure and social bills change thathttps://www.cnbc.com/2021/11/09/inflation-concerns-democrats-hope-biden-spending-bills-win-over-voters.html?recirc=taboolainternal
[6] Brown, S. (2021). Weekly market snapshot. https://www.raymondjames.com/commentary-and-insights/economy-policy/2021/11/12/weekly-market-snapshot
[7] Federal Reserve Bank of New York (2021). U.S. Economy in a snapshot.
[8] Raymond James (November 2021), Bad News on Inflation.
[9] Lisa Baertlein (November 2021), As Port of Los Angeles import backups ease, empty containers pile up
[10]Lisa Kim (November 2021), Meat, Used Cars And Peanut Butter: Here’s What Costs More Because Of The Inflation Surge.
[11] Raymond James (November 2021) The FOMC and the Labor Market, https://www.raymondjames.com/commentary-and-insights/economy-policy/2021/11/05/weekly-economic-commentary
[12] Raymond James (November 2021) The FOMC and the Labor Market.
[13] The White House (November 2021), Fact Sheet: The Bipartisan Infrustructure Deal, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/11/06/fact-sheet-the-bipartisan-infrastructure-deal/
[14] U.S. Congress (November 15, 2021), H.R.3684 - Infrastructure Investment and Jobs Act.
[15] CNBC, House passes $1.75 trillion Biden plan that funds universal pre-K, Medicare expansion and renewable energy credits.
[16] Brown, S. (2021). Weekly market snapshot. https://www.raymondjames.com/commentary-and-insights/economy-policy/2021/11/12/weekly-market-snapshot
[17] Conference Board (2021). The Conference Board Economic Forecast for the US Economy. https://www.conference-board.org/research/us-forecast/us-forecast
[18] Wells Fargo (2021). U.S. Economic Outlook: November 2021.
[19] Wells Fargo (2021). U.S. Economic Outlook: November 2021
[20] CNBC (2021), IMF warns that inflation could prove to be persistent and central banks may need to act, https://www.cnbc.com/2021/07/27/imf-warns-that-inflation-could-prove-to-be-persistent.html