Báo cáo kinh tế Mỹ tháng 11 năm 2022

05/12/2022

Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2022 giảm nhẹ so với tháng 9. Thị trường lao động thể hiện một bức tranh hỗn hợp. Động thái tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 2/11 là sự tiếp tục của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất của Ngân hàng Trung ương này kể từ đầu thập niên 1980. Chỉ trong vòng 8 tháng, lãi suất quỹ liên bang đã tăng thêm 3,75 điểm phần trăm, lên mức 3,75-4%, cao nhất kể từ tháng 1/2008.

1. Tình hình kinh tế Mỹ

Theo báo cáo của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, trong quý III/2022, tốc độ tăng GDP của Mỹ đạt mức 2,6%, cho thấy dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới này sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp 6 tháng đầu năm 2022. Yếu tố đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế trong quý III/2022 là thương mại ròng tăng 2,77 điểm phần trăm so với tốc độ tăng 1,16 điểm phần trăm trong quý II/2022. Nhập khẩu giảm 6,9%, đầu tư phi dân cư tăng 3,7%. Tuy nhiên chi tiêu của người tiêu dùng trong quý III tăng với tốc độ 1,4%, chậm hơn so với tốc độ tăng 2% của quý II nhưng vẫn ổn định do chi tiêu cao hơn cho các dịch vụ mà dẫn đầu là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe[1].

Thị trường lao động

Trong tháng 10, tỉ lệ thất nghiệp tăng 0,2% lên mức 3,7%, và số lượng người thất nghiệp tăng lên mức 6,1 triệu[2]. Tỉ lệ thất nghiệp đã duy trì trong khoảng 3,5-3,7% kể từ tháng 3 năm nay. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động cũng ít thay đổi kể từ đầu năm. Nền kinh tế có thêm 261.000 việc làm trong tháng 10, dẫn đầu là lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ với 53.000 việc làm mới trong tháng. Tính đến tháng 10/2021, mức tăng trưởng việc làm trung bình hàng tháng năm 2022 đạt 407.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với mức 562.000 trong năm 2021. Một số lĩnh vực khác có thêm nhiều việc làm mới bao gồm dịch vụ kinh doanh và chuyên nghiệp (+43.000), sản xuất (+32.000), hỗ trợ xã hội (+19.000). Tiền công lao động bình quân theo giờ tăng 12 cent lên mức $32,58. Trong 12 tháng qua, tiền công lao động đã tăng 4,7%. Có thể thấy, thị trường lao động trong tháng 10 tiếp tục có dấu hiệu hạ nhiệt.

Lạm phát

So với cùng kỳ năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,7% vào tháng 10, giảm tương đối so với con số 8,2% trong tháng 9. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 1 năm 20226. Chỉ số về nhà ở đóng góp hơn một nửa mức tăng tháng; chỉ số về xăng và thực phẩm cũng tăng. Chỉ số năng lượng tăng 1,8 phần trăm trong tháng khi chỉ số xăng và chỉ số điện tăng, nhưng chỉ số khí đốt tự nhiên giảm. Chỉ số thực phẩm tăng 0,6 phần trăm. Chỉ số cho tất cả các mặt hàng trừ lương thực và năng lượng tăng 0,3% trong tháng 10, sau khi tăng 0,6% trong tháng Chín. Các chỉ số về nhà ở, bảo hiểm xe cơ giới, giải trí, phương tiện mới và chăm sóc cá nhân nằm trong nhóm tăng. Các chỉ số giảm trong tháng 10 bao gồm chỉ số ô tô và xe tải đã qua sử dụng, chăm sóc y tế, hàng may mặc và giá vé máy bay. Chỉ số giá của các mặt hàng trừ thức ăn và năng lượng tăng 6,3%. Chỉ số giá năng lượng tăng 17,6% so với cùng kỳ năng ngoái. Chỉ số lương thực tháng 9 tăng 10,9% so với năm 2021.Như vậy, hầu như tất cả các chỉ số giá của tháng 10 đều giảm so với tháng 9.

Trong tháng 8 và tháng 9/2022, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng giảm nhẹ so với các tháng trước đó song trên thực tế thì tỷ lệ lạm phát lõi vẫn tăng liên tục với mức tăng từ 5,9% trong tháng 7 lên 6,3% trong tháng 8 và 6,6% trong tháng 9. Tuy nhiên, trong tháng 10/2022, tỷ lệ lạm phát lõi cở Mỹ đã giảm xuống còn 6,3% so với mức 6.6% của tháng trước[3].

Áp lực về giá đang bắt đầu giảm bớt, mặc dù quá trình giảm lạm phát sẽ diễn ra rất chậm với một số trắc trở trong quá trình diễn ra. Sự thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng đối với dịch vụ, tăng hàng tồn kho bán lẻ (bao gồm cả phương tiện) và giảm chi phí vận chuyển đã giúp giảm lạm phát hàng hóa, một xu hướng mà sẽ tiếp tục trong những tháng tới. Tuy nhiên, lạm phát dịch vụ có khả năng che lấp phần lớn sự cải thiện này.

Thương mại

Bộ Thương mại Mỹ ngày 3/11 công bố số liệu cho thấy sau 5 tháng liên tiếp giảm, thâm hụt thương mại của nước này đã tăng mạnh trong tháng 9 do hoạt động xuất khẩu lương thực và năng lượng giảm trong khi việc nhập khẩu các chất bán dẫn và hàng tiêu dùng tăng. Thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng từ mức 65,7 tỷ USD trong tháng 8/2022 lên 73,3 tỷ USD trong tháng 9. Mức tăng này cao hơn so với dự báo của giới phân tích trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu giảm xuống còn 258 tỷ USD do thu hẹp nguồn cung các mặt hàng công nghiệp như dầu thô và các nhóm hàng thực phẩm như đậu nành. Trái lại, kim ngạch nhập khẩu tăng lên mức 331,3 tỷ USD, nhờ các lô hàng chất bán dẫn và các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại thông minh. Lãi suất cao hơn khiến đồng USD mạnh hơn, từ đó khiến hàng hóa Mỹ trở nên đắt đỏ hơn và điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu[4].

2. Các chính sách kinh tế

Động thái tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 2/11 là sự tiếp tục của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất của Ngân hàng Trung ương này kể từ đầu thập niên 1980. Chỉ trong vòng 8 tháng, lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) đã tăng thêm 3,75 điểm phần trăm, lên mức 3,75-4%, cao nhất kể từ tháng 1/2008.

Việc chỉ số giá tiêu dùng và tỷ lệ lạm phát lõi ở Mỹ đã giảm trong tháng 10/2022 có thể được nhận định là cơ sở để Cục dự trữ Liên bang cân nhắc tới việc giảm tốc độ tăng lãi suất, khi những tác động của các đợt mạnh tay nâng lãi suất bắt đầu ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ. Mặc dù Fed sẽ chưa thể chuyển sang cắt giảm lãi suất nhưng có nhiều khả năng Fed sẽ giảm dần tốc độ tăng lãi suất hoặc sẽ dừng việc tăng lãi suất.

Sau khi Báo cáo về tình hình lạm phát được công bố, với những dấu hiệu khả quan về tình hình lạm phát, trong tháng 12/2022, các quan chức của Fed cũng có thể tăng lãi suất với tốc độ chậm lại, ở mức 50% điểm cơ bản.

Báo cáo Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ, do Bộ Tài chính Mỹ đưa ra trong tháng 11/2022, xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác lớn của Mỹ trên cơ sở các tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai. Theo báo cáo này, Mỹ đã đưa 7 quốc gia vào Danh sách giám sát bao gồm: Trung Quốc, Đức, Nhật, Hàn, Singapore, Malaysia và Đài Loan. Việt Nam, Ấn Độ, Italia, Mexico và Thái Lan đã được đưa ra khỏi danh sách giám sát này. Bộ Tài chính Mỹ kết luận, tất cả các đối tác thương mại chính của Mỹ đều không có hành vi thao túng tiền tệ trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022[5].

3. Nhận định và dự báo

Hội đồng Hội nghị dự báo rằng sự yếu kém về kinh tế sẽ gia tăng và lan rộng hơn khắp nền kinh tế Hoa Kỳ trong những tháng tới và suy thoái kinh tế sẽ bắt đầu vào khoảng cuối năm 2022. Triển vọng này có liên quan đến lạm phát dai dẳng và thái độ diều hâu gia tăng của Cục Dự trữ Liên bang. Tăng trưởng GDP năm 2022 được dự báo sẽ đạt 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng trưởng năm 2023 sẽ giảm xuống 0%.

Mặc dù nền kinh tế Hoa Kỳ không rơi vào suy thoái vào đầu năm nay khi các chỉ số rất tiêu cực, nhưng một cuộc suy thoái trên diện rộng hiện đang diễn ra. Tuy nhiên, do tăng trưởng kinh tế quý 3 năm 2022 tốt hơn dự kiến, Hội đồng Hội nghị đã nâng dự báo cho quý 4 năm 2022 từ -0,8% lên -0,5%. Trong khi đó, hướng dẫn gần đây của Cục Dự trữ Liên bang về quỹ đạo lãi suất cho đến năm 2023 đã khiến chúng dự báo cho năm 2023 bị giảm xuống. Suy thoái sẽ kéo dài sang Quý II năm 2023 và sự phục hồi trong nửa cuối năm 2023 sẽ ít rõ rệt.

Tăng trưởng kinh tế nhẹ nhàng trong năm 2022, cùng với chỉ số lạm phát cao liên tục, phù hợp với môi trường lạm phát đình trệ. Trong khi nới lỏng các ràng buộc về phía cung và chính sách tiền tệ diều hâu hơn sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát trong các quý tới, lãi suất tăng sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái trên diện rộng. Sự thu hẹp này sẽ tác động đến thị trường lao động cực và khiến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Tuy nhiên, Hội đồng dự đoán tỷ lệ thất nghiệp có thể đạt đỉnh 4,5%, là mức khá thấp. Kỳ vọng này phản ánh tình trạng thiếu lao động trầm trọng có thể tiếp diễn bất chấp suy thoái. Suy thoái kinh tế sẽ kéo dài ba quý và lạm phát sẽ duy trì trên mức mục tiêu 2% của Fed cho đến ít nhất là năm 2024. Giai đoạn này cũng sẽ thể hiện các đặc điểm lạm phát đình trệ – mặc dù không nghiêm trọng như hiện nay.

Theo Wells Fargo, mặc dù báo cáo CPI tháng 10 cho thấy lạm phát dịch vụ đang bắt đầu giảm bớt, nhưng nó sẽ khó thoái lui hơn so với lạm phát hàng hóa do chi phí lao động tiếp tục tăng. Vì vậy, CPI cơ bản năm được dự đoán sẽ giảm từ mức 5,8% ghi nhận trong ba tháng qua xuống khoảng 4,25% trong ba tháng tới và vẫn ở mức khoảng 3% trong quý IV năm sau.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 của Hoa Kỳ vẫn còn bỏ ngỏ một số vấn đề, đặc biệt là liên quan đến việc đảng nào sẽ chiếm đa số tại Thượng viện trong hai năm tới. Quyền kiểm soát Thượng viện có thể được xác định trong cuộc bầu cử vòng hai ở Georgia vào ngày 6 tháng 12. Điều đó cho thấy có vẻ như Đảng Cộng hòa sẽ chiếm ít nhất một đa số nhỏ trong Hạ viện, khiến việc chính phủ bị chia rẽ sẽ quay trở lại lần đầu tiên kể từ năm 2018-2019. Kết quả có thể xảy ra là chính phủ có khả năng đóng cửa hoặc mức trần nợ trong hai năm tới.

4. Tác động đối với Việt Nam

Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tương đối mạnh. Tăng trưởng GDP quý 3 rất ấn tượng ở mức 13,6% đã tạo đà cho tăng trưởng cả năm nay với dự báo trên 8 phần trăm[6]. Tuy nhiên, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục là một mối đe doạ đối với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu. Những bất ổn về địa chính trị và nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 cũng có thể làm cho triển vọng kinh tế trở nên xấu đi.

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng lãi suất như một công cụ để khống chế lạm phát. Các động thái thắt chặt của Fed khiến việc kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái là khó tránh khỏi. Trong khi đó, Mỹ vẫn đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Thêm vào đó, tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng vừa qua chủ yếu do giá cả tăng chứ không phải tăng về lượng xuất. Do vậy, xuất khẩu sẽ có khả năng chững lại trong giai đoạn đầu năm 2023.

Hiện tại, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng bị cản trở do lãi suất tăng cao và việc tiếp cận nguồn vốn gặp khó khăn. Vì vậy, chính sách tiền tệ cần được thực hiện một cách thận trọng để đảm bảo các ngân hàng đủ khả năng thanh khoản và có thể nới room tín dụng cho các lĩnh vực đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.

 

[1] Trading Economics ( November 2022), United States GDP Growth Rate.

[2] U.S. Bureau of Labor Statistics. THE EMPLOYMENT SITUATION — October 2022

[3] Trading Economics, United States Core Inflation Rate, https://tradingeconomics.com/united-states/core-inflation-rate

[4] Trading Economics (Novemeber 2022), United States Balance of Trade.

[5] Reuters (Nov 10, 2022), U.S. Treasury Finds No Currency Manipulation by Major Trading Partners, https://money.usnews.com/investing/news/articles/2022-11-10/u-s-treasury-finds-no-currency-manipulation-sees-dollar-strength-easing

[6] Ban Thời sự (2022). Tăng trưởng cuối năm nay và đầu 2023 được dự báo gặp nhiều lực cản, https://vtv.vn/kinh-te/tang-truong-cuoi-nam-nay-va-dau-2023-duoc-du-bao-gap-nhieu-luc-can-20221122203220415.htm


Đinh Thị Thuỳ Linh - Lê Thị Vân Nga

Viện NC Châu Mỹ


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn