Báo cáo kinh tế Mỹ tháng 3/2022

29/03/2022

Những căng thẳng về địa chính trị xảy ra ở Châu Âu và nguy cơ lạm phát tăng cao do ảnh hưởng của biến thể Omicron có thể khiến cho nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn

1. Tình hình kinh tế Mỹ

Theo số liệu điều chỉnh của Hội đồng Hội nghị Hoa Kỳ vào ngày 11/3/2022, tốc độ tăng GDP của Mỹ từ 2,3% trong quý III/2021 đã tăng lên đến 7,0% trong quý IV/2021, song sẽ giảm mạnh trong quý I/2022 xuống dưới 2%. Tốc độ tăng chi tiêu cho tiêu dùng từ 2,0% trong quý III/2021 tăng lên 3,1% trong quý IV/2021 do nhu cầu mua sắm cuối năm, song sẽ giảm xuống chỉ còn 2,0% trong quý I/2022[1].

Doanh số bán lẻ ước tính tăng 0,3% trong tháng 2/2022. Giấy phép xây dựng và dữ liệu nhà ở thể hiện bức tranh trái chiều. Sản lượng của nhà máy tăng 1,2% trong tháng 2, mặc dù sản lượng xe có động cơ giảm 3,5% (hạn chế về nguồn cung). Các công ty báo cáo mức lợi nhuận cao hơn. Lợi nhuận trong Quý III năm 2021 cao hơn 21% so với mức trước đại dịch[2]. Điều đó tốt hơn nhiều so với mong đợi của các doanh nghiệp khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3 năm 2020. Lợi nhuận tốt đã thúc đẩy đầu tư kinh doanh, tuy nhiên các khoản đầu tư đã dịch chuyển từ địa ốc, văn phòng sang các thiết bị và sản phẩm thông tin. Sự sẵn sàng đầu tư cho thấy rằng các doanh nghiệp đang lạc quan về tương lai.

Thị trường lao động

Tỷ lệ thất nghiệp đã trở lại mức toàn dụng, đạt mức 3,8% vào tháng 2 và số lượng người thất nghiệp giảm xuống 6,3 triệu người[3]. Vào tháng 2 năm 2020, giai đoạn trước đại dịch, hai chỉ số này của Hoa Kỳ đạt giá trị tương ứng là 3,5% và 5,7 triệu người. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đã bắt đầu tăng lên khi những người từng rời bỏ lực lượng lao động đang quay trở lại làm việc. Số đơn trợ cấp thất nghiệp giảm xuống còn 214.000 (mức trung bình trong 4 tuần là 223.000, một xu hướng rất thấp)[4]. Tỷ lệ thất nghiệp được bảo hiểm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 1970. Đại dịch đã thúc đẩy việc áp dụng công nghệ và hệ quả là thúc đẩy tăng năng suất lao động. Năng suất tăng trưởng mạnh mẽ một cách đáng kinh ngạc trong thời kỳ phục hồi sau đại dịch, khoảng 2% trong 4 quý của năm 2021[5]. Nếu tăng trưởng năng suất vẫn ở mức cao, nhiều vấn đề dài hạn mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt - chẳng hạn như tài trợ cho an sinh xã hội - sẽ trở nên dễ giải quyết hơn đáng kể.

Lạm phát và giá dầu

Lạm phát ở Mỹ tiếp tục đà tăng kể từ tháng 4/2021. Tỷ lệ lạm phát (CPI) đã tăng từ 2,6% trong tháng 3/2021 lên 4,2% trong tháng 4/2021, tăng mạnh lên 6,2% trong tháng 10/2021 và tiếp tục duy trì mức tăng cao từ cuối năm 2021, đến tháng 2/2022 đã lên đến 7,9% [6], mức cao nhất trong vòng bốn thập kỷ trở lại đây. Theo Hội đồng Hội nghị Hoa Kỳ, tỷ lệ lạm phát lõi PCE ở Mỹ trong quý IV/2021 là 4,6% và có thể tiếp tục tăng lên 5,2% trong quý I/2022[7]. Nguyên nhân gây ra lạm phát được cho là do sự kết hợp nhiều yếu tố liên quan đến đại dịch Covid-19 bao gồm: sự thiếu hụt chuỗi cung ứng toàn cầu, các gói kích thích tài khóa quy mô lớn và tình trạng thiếu lao động, sự gia tăng chi phí tiền lương, bên cạnh đó là sự thúc đẩy của giá dầu tăng vọt trong thời gian gần đây.

Chỉ trong vòng hơn 3 tháng, giá dầu thô từ hơn 65 USD/1 thùng vào đầu tháng 12/2021 đã tăng lên mức đỉnh điểm gần 124 USD/1 thùng vào ngày 8/3/2022 trước khi giảm xuống dưới 100 USD/1 thùng vào ngày 15/3/2022, tuy nhiên ngay sau đó giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng trên mức 100 USD/ 1 thùng[8]. Giá dầu thô tăng nghĩa là giá xăng dầu, giá nguyên liệu tăng vọt và áp lực lạm phát gia tăng, niềm tin của người tiêu dùng giảm sút.

Hiệp hội các cửa hàng tiện lợi quốc gia Mỹ đã thừa nhận rằng các nhà bán lẻ ở Mỹ có thể không giảm giá xăng ngay vì họ cần bù đắp lợi nhuận đã mất trong quá trình tăng giá vừa chưa thể dự đoán được giá dầu sẽ diễn biến thế nào trong tương lai. Theo công ty nghiên cứu kinh tế Moody’s Analytics, giá xăng ở Mỹ đã tăng khoảng 1,5 USD/ 1 gallon so vơi mức bình quân năm 2019. Nếu giá xăng vẫn tiếp tục ở mức cao này, trong năm 2022, mỗi hộ gia đình Mỹ sẽ phải chi tiêu thêm khoảng 1.300 USD tiền xăng[9].

Thương mại

Xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng một phần. Thứ nhất, tăng trưởng ở châu Âu có khả năng mất tới nửa điểm phần trăm[10], ngay cả khi việc vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga không bị gián đoạn. Thứ hai, bất kỳ cuộc khủng hoảng địa chính trị nào cũng thúc đẩy các nhà đầu tư mua các tài sản an toàn, chủ yếu là đô la Mỹ. Đồng đô la tăng giá sẽ làm cho hàng xuất khẩu của Mỹ kém cạnh tranh hơn. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể sẽ làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn cho các nhà xuất khẩu của Mỹ.

Xuất khẩu thực tế của Mỹ về cơ bản vẫn dưới mức trước đại dịch và nhập khẩu thực tế hiện cao hơn so với cuối năm 2019, nhưng điều đó có thể chuyển thành cơ hội cho Mỹ khi các điều kiện kinh tế và tài chính toàn cầu bình thường hóa. Các điều kiện tài chính bình thường hơn sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho đầu tư bên ngoài nước Mỹ và do đó nhu cầu nắm giữ đồng đô la sẽ giảm xuống, hạ giá đô la và làm cho hàng hóa của Mỹ cạnh tranh hơn trên toàn cầu. Thâm hụt tài khoản vãng lai có thể cải thiện phần nào trong giai đoạn tới. Tất nhiên, phần lớn phụ thuộc vào chính sách thương mại và cách doanh nghiệp đối phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng hay không.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục. Nhà Trắng đã thể hiện một số quan tâm đến việc quay trở lại cách tiếp cận đa phương đối với thương mại — ví dụ, bằng cách hỗ trợ Ngozi Okonjo-Iweala cho vị trí Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới. Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ, Katherine Tai, đã đưa ra quan điểm rằng chính sách thương mại nên nhằm mục đích giúp đỡ người lao động Mỹ. Và nhiều loại thuế quan dưới thời Trump vẫn được giữ nguyên, với rất ít triển vọng rằng thuế quan, đặc biệt đối với Trung Quốc, được rút lại.

Nhiều doanh nghiệp đã và đang xem xét việc xây dựng lại chuỗi cung ứng của họ để tạo ra sức bật hơn khi đối mặt với những sự kiện bất ngờ như đại dịch và những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ. Yêu cầu của những thay đổi như vậy ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn khi các vấn đề về chuỗi cung ứng ngày càng gia tăng và sự chậm trễ tại cảng mà các nhà nhập khẩu phải đối mặt. Tất nhiên, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài không hề đơn giản và nhanh chóng. Các công ty Mỹ sẽ tiếp tục lấy hàng từ Trung Quốc trong những năm tới. Nhưng các công ty có thể sẽ đẩy nhanh nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc (một quá trình mà họ đã bắt đầu trước đại dịch). Xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn có thể mang sản xuất trở lại Mỹ, hoặc có thể hướng đến Mexico và một số nguồn khác gần hơn.

Tái xây dựng chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ đồng nghĩa với việc tăng chi phí tổng thể. Cũng giống như “giá Trung Quốc” đã kiểm soát lạm phát trong nhiều năm, nỗ lực tránh phụ thuộc vào Trung Quốc có thể tạo ra áp lực lạm phát trong những năm tới. Và nếu thị trường không chấp nhận lạm phát, các công ty sẽ phải chấp nhận lợi nhuận thấp hơn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Toàn cầu hóa đã cung cấp một cách tương đối dễ dàng để cải thiện mức sống của hầu hết mọi người; phi toàn cầu hoá sẽ kéo theo những chi phí lớn và có thể hạn chế tăng trưởng thu nhập thực tế trong quá trình phục hồi.

Trong khi đó, dòng chảy thương mại ngắn hạn bị kìm hãm bởi virus. Việc đóng cửa cảng, thiếu container và các vấn đề khác của chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục làm gia tăng sự biến động thương mại hàng tháng, và cung cấp cho các nhà điều hành doanh nghiệp thêm lý do để tìm các giải pháp thay thế.

2. Phản ứng chính sách

Như đã được dự đoán trước, ngày 16/3/2022, Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) đã quyết định nâng phạm vi mục tiêu đối với lãi suất quỹ liên bang 25 điểm cơ bản lên 0,25-050% tại cuộc họp của tháng 3.  Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed trong vòng 3 năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát (lần tăng lãi suất gần nhất của Fed là vào cuối năm 2018). FOMC cho rằng tỷ lệ lạm phát leo thang và thị trường việc làm được củng cố là cơ sở để Fed tăng lãi suất. Tỷ lệ lạm phát tăng kéo dài và lên đến trong tháng 2/2022 lên đến gần 8% đã ảnh hưởng nặng nề tới các hộ gia đình và doanh nghiệp ở Mỹ và là lý do cấp bách buộc Fed điều chỉnh lãi suất cơ bản. Xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ có tác động bất ổn đối với nền kinh tế Mỹ, song có thể không làm giảm tốc độ tăng trưởng và gây thêm áp lực lạm phát.  Việc tăng lãi suất quỹ liên bang không phải là điều bất ngờ, và Fed cũng đồng thời phát ra tín hiệu sẽ tăng lãi suất cao hơn so với kỳ vọng của thị trường.

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết Fed sẽ sẵn sàng điều chỉnh lãi suất mạnh tay hơn nếu như tỷ lệ lạm phát không hạ nhiệt nhanh như mong đợi. 12 trong số 16 quan chức cấp cao của Fed dự báo Fed sẽ có thể có hơn 7 lần tăng lãi suất trong năm 2022[11].

Trước khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, đã có dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất 5 lần trong năm bắt đầu từ tháng 3/2022. Bất chấp sự gia tăng lạm phát này, quỹ đạo lãi suất của Fed có khả năng không thay đổi. Lý do là vì Fed cho rằng lạm phát tăng thêm này là "tạm thời." Và lạm phát tăng thêm sẽ đi kèm với thất nghiệp bổ sung, điều mà sẽ thúc đẩy Fed nới lỏng chính sách tiền tệ. Động lực để nới lỏng sẽ bù đắp với động lực thắt chặt nên chính sách sẽ không thay đổi so với trước đây.

Bên cạnh đó, tháng 3 cũng là thời điểm Fed dự kiến kết thúc chương trình mua tài sản hàng tháng. Trong cuộc họp của FOMC, một số thành viên đã tuyên bố ủng bố việc kết thúc chương trình mua tài sản sớm hơn. Các thành viên FOMC cho rằng để thu hẹp bảng cân đối kế toán 9 tỷ USD cần thu hồi dòng tiền bằng cách bán trái phiếu ra thay vì tái đầu tư. Song một số quan chức khác lại cho rằng có thể phải bán ra các chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp ngay để bảng cân đối kế toán chỉ gồm trái phiếu kho bạc thuần túy. Chi tiết của kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán sẽ được thảo luận các cuộc họp tiếp theo của FOMC.

3. Một số nhận định và dự báo

Ngay khi sự tác động của Omicron đến nền kinh tế suy yếu, căng thẳng địa chính trị lại gia tăng. Chiến tranh Nga – Ukraine có thể là yếu tố đẩy lạm phát lên cao trong ngắn hạn. Nền kinh tế Mỹ có thể chịu tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đang diễn ra thông qua hai kênh chính. Thứ nhất, giá dầu sẽ duy trì ở mức cao, nhưng con số cụ thể là bao nhiêu thì chưa thể xác định rõ ràng. Nga sản xuất khoảng 12% nguồn cung dầu thô toàn cầu và nguồn cung này sẽ bị loại bỏ khi các nước áp dụng lệnh trừng phạt. Thứ hai, sự phụ thuộc nhiều của châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga khiến nền kinh tế của EU sẽ tăng trưởng chậm hơn, hoặc trong trường hợp cực đoan là suy thoái. EU là đối tác thương mại lớn của Mỹ, chiếm hơn 15% kim ngạch xuất khẩu của Mỹ. Bên cạnh sự suy giảm trực tiếp của cầu, đồng đô la tăng giá phản ánh mức độ an toàn tương đối của Mỹ sẽ làm cho hàng hoá của Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn. Cả hai yếu tố đều sẽ làm giảm đóng góp của xuất khẩu vào tăng trưởng GDP của Mỹ.

Với việc điều chỉnh lãi suất, Fed dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ ở mức vừa phải trong những tháng tới. Song nếu lạm phát không giảm nhanh, Fed sẵn sàng tăng lãi suất mạnh hơn. Với những diễn biến bất ngờ của tình hình chính trị thế giới và biến động của giá dầu, trong cuộc họp vào tháng 3 năm 2022, Fed cũng đã điều chỉnh lại dự báo đối với nền kinh tế Mỹ. Theo đó, Fed dự báo tốc độ tăng GDP ở Mỹ năm 2022 sẽ đạt 2,8%, giảm khá nhiều so với mức dự báo 4% vào tháng 12/2021. Tỷ lệ lạm phát vào cuối năm 2022 được dự báo sẽ ở mức 4,3%, thay vì mức dự báo 2,% được đưa ra vào tháng 12 năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng của Mỹ có thể chậm lại và lạm phát sẽ tăng lên, ít nhất là trong ngắn hạn. Hội đồng Hội nghị Hoa Kỳ đưa ra dự báo, tốc độ tăng GDP thực tế của Mỹ sẽ giảm xuống còn 1,7% trong quý I/2022, so với mức tăng 7,0% trong quý IV/2021 do những biến động của tình hình trong nước và thế giới, đặc biệt là sự gia tăng giá dầu và xung đột tại Ukraine. Tốc độ tăng GDP trong toàn bộ năm 2022 sẽ ở mức 3,0% và trong năm 2023 sẽ là 2,3%. Tình hình căng thẳng ở Ukraine đang gây ra những tác động nghiêm trọng đối với giá dầu, nông sản, giá kim loại trên toàn thế giới. Cuộc xung đột sẽ có thể gây ra suy thoái kinh tế ở Nga và Ukraine, đồng thời tác động trực tiếp tới nhiều nền kinh tế ở châu Âu, gây ra gián đoạn chuỗi cung và theo đó tác động tiêu cực tới kinh tế Mỹ. Giá dầu trong quý II/2022 sẽ có thể leo thang lên đến 105 USD/ 1 thùng, thậm chí lên đến 125 USD và 150 USD/1 thùng, trở thành yếu tố cản trở đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ[12].

4. Khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam

Những căng thẳng địa chính trị ở Nga - Ukraine cũng như ở các nước sản xuất dầu lớn ở Trung Đông đều khiến nguồn cung dầu trở nên khan hiếm, đẩy giá tăng cao và có thể sớm vượt 100 USD/thùng. Giá dầu thô tăng vừa có tác động tích cực lẫn tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Xét về mặt tích cực, khoản thu ngân sách từ dầu thô, bao gồm các khoản thu thuế từ xăng dầu, sẽ tăng lên. Thu ngân sách từ dầu thô năm 2021 chiếm khoảng 2,6% tổng thu ngân sách và vượt dự toán tới 65% nhờ giá dầu tăng mạnh[13]. Trong tháng 1 năm 2022, thu từ dầu thô ước tính đạt 3.900 tỷ đồng, tăng gần 45% so với cùng kỳ 2021, nhờ giá và sản lượng dầu thô tăng. Các doanh nghiệp ngành khai khoáng, nhất là khai thác dầu khí cũng được hưởng lợi từ giá dầu, doanh thu khả quan sẽ kéo theo khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách tăng theo.

Xét về mặt tiêu cực, giá dầu tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và trong nước, từ đó tạo áp lực lên lạm phát. Giá dầu tăng quá cao sẽ tác động trực tiếp tới nhóm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, lọc hoá dầu như Petrolimex, PVOil, PVGAS. Các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu nhiều, ví dụ doanh nghiệp vận tải, hàng không, đánh bắt thuỷ sản… sẽ chịu chi phí lớn và có thể phải tăng giá hàng hoá - dịch vụ. Có thể thấy, giá xăng dầu tăng làm tăng CPI, ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập và chi tiêu của người dân.

Lạm phát và sự gia tăng giá dầu sẽ cản trở sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch, do đó các bộ ban ngành cần có chính sách phù hợp để kiểm soát giá xăng dầu. Trước hết, cần có sự hỗ trợ đắc lực của Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các công cụ bình ổn giá khác nhằm góp phần làm giảm giá xăng dầu trong nước. Thứ hai, Nhà nước cần xem xét việc giảm thuế đối với xăng dầu ở mức hợp lý, đồng thời kiểm soát việc đầu cơ, buôn lậu hoặc việc tăng giá xăng dầu bất hợp lý của các đại lý trong nước. Thứ ba, cần điều chỉnh lãi suất phù hợp ở mức phù hợp nhằm giảm áp lực lạm phát, đồng thời ổn định nền kinh tế./

 

[1] The Conference Board (2022), The Conference Board Economic Forecast for the U.S. Economy, March 10, 2022, https://www.conference-board.org/research/us-forecast

[2] Bachman, D. (2022). United Economic Forecast, https://www2.deloitte.com/us/en/insights/economy/us-economic-forecast/united-states-outlook-analysis.html

[3] Bachman, D. (2022). United Economic Forecast, https://www2.deloitte.com/us/en/insights/economy/us-economic-forecast/united-states-outlook-analysis.html

[4] Brown, S. (2022). Weekly market snapshot, https://www.raymondjames.com/commentary-and-insights/economy-policy/2022/03/18/weekly-market-snapshot

[5] Bachman, D. (2022). United Economic Forecast, https://www2.deloitte.com/us/en/insights/economy/us-economic-forecast/united-states-outlook-analysis.html

[6] Trding Economics (2022), United States Inflation Rate, https://tradingeconomics.com/united-states/inflation-cpi

[7] The Conference Board (2022), The Conference Board Economic Forecast for the U.S. Economy, March 10, 2022, https://www.conference-board.org/research/us-forecast

[8] Nasdaq (2022), Crude Oil, 18/3/2022, https://www.nasdaq.com/market-activity/commodities/cl:nmx

[9] Thông tấn xã Viêt Nam (2022), Câu chuyện của nền kinh tế Mỹ: Giá tăng “tăng mạnh, giảm nhẹ”, Vietnam+, https://www.vietnamplus.vn/cau-chuyen-cua-nen-kinh-te-my-gia-xang-tang-manh-giam-nhe/778763.vnp

[10] Bachman, D. (2022). United Economic Forecast, https://www2.deloitte.com/us/en/insights/economy/us-economic-forecast/united-states-outlook-analysis.html

 

[11] Scott Brown (2022), Fed raises interest rates for first time since 2018, Raymon Jame, https://www.raymondjames.com/commentary-and-insights/economy-policy/2022/03/16/fed-raises-interest-rates-for-first-time-since-2018

[12] The Conference Board (2022), The Conference Board Economic Forecast for the U.S. Economy, March 10, 2022, https://www.conference-board.org/research/us-forecast

[13] Anh Minh (2022). Giá dầu tiến sát 100 USD ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam ra sao?, VNExress.net, https://vnexpress.net/gia-dau-tien-sat-100-usd-anh-huong-toi-kinh-te-viet-nam-ra-sao-4428181.html

 


Đinh Thị Thùy Linh - Lê Thị Vân Nga

Viện NC Châu Mỹ


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn