Báo cáo kinh tế Mỹ tháng 4/2022

03/05/2022

Cuộc chiến Nga - Ukraine vào tháng 2 làm gia tăng những lo ngại về lạm phát tăng cao, sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, giá năng lượng và hàng hóa nông nghiệp và kim loại tăng đột biến. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và thời gian của cuộc xung đột cũng như tác động của nó đối với nền kinh tế Mỹ là rất khó dự đoán. Trong khi đó, tác động của đại dịch Covid -19 dường như đã suy yếu, kể cả khi có những làn sóng mới thì cũng khó dẫn đến các biện pháp hạn chế hoặc phong tỏa như trước đây. Mặc dù vậy, sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng diễn ra trong đại dịch sẽ chưa được giải tỏa trong những tháng tới.

  1. Tình hình kinh tế Mỹ

GDP thực tế của Mỹ trong quý IV năm 2021 được điều chỉnh còn 6,9% trong lần ước tính thứ 3, so với mức 7% trong lần ước tính trước[1]. Chi tiêu tiêu dùng và đầu tư cố định cho kinh doanh quý IV/2021 tăng hơn 2,5%. Chi tiêu cá nhân tăng 0,2%, tương ứng với mức giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Chi cho hàng hoá lâu bền giảm, trong khi đó, chi tiêu cho dịch vụ tăng lên. Doanh thu bán lẻ tăng 0,5% trong tháng 3/2022, dẫn đầu là doanh thu xăng dầu với mức tăng 8,9%, phản ánh mức giá cao hơn. Doanh số bán hàng không bao gồm ô-tô giảm 0,3%. Về cơ bản, chi tiêu cho quý đầu tiên rất mạnh với doanh số tăng ở mức 17,7%/năm.

Chỉ số sản xuất ISM giảm từ 58,6 trong tháng 2/2022 xuống 57,1 trong tháng 3/2022. Mặc dù  nhu cầu đang tăng mạnh nhưng các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn chưa được giải quyết, một phần là do tác động của biến thể Omicron ở các nước khác. Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng của Hội đồng Hội nghị đã tăng lên 107,2 trong ước tính ban đầu cho tháng 3, sau khi đạt mức 105,7 vào tháng 2. Mặc dù đánh giá của người tiêu dùng về tình hình hiện tại đã được cải thiện, nhưng kỳ vọng giảm do những bi quan về vấn đề lạm phát.

Thị trường lao động

Tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,2% xuống mức 3,6% vào tháng 3 và số lượng người thất nghiệp giảm xuống 6,0 triệu người[2]. Những con số này gần như tương đương với giai đoạn trước đại dịch, cụ thể tháng 2 năm 2020 là 3,5% và 5,7 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp cho nhóm lao động chính (những người 25-54 tuổi) đạt mức 3,0%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 62,4% và các nhóm tuổi đều có tỷ lệ tương ứng với mức trước đại dịch, trừ nhóm người lao động lớn tuổi (từ 55 tuổi trở lên, những người lo lắng nhiều về đại địch). Trong tháng 3/2022, 10% người lao động làm việc từ xa bởi vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, giảm nhẹ so với con số 13% của tháng trước.

Tổng số việc làm tăng 431.000 việc trong tháng 3, dẫn đầu là các lĩnh vực giải trí và khách sạn (tăng 112.000 việc làm), dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh (tăng 102.000 việc làm), thương mại bán lẻ (tăng 49.000 việc làm) và sản xuất (tăng 38.000 việc làm).[3] Tăng trưởng việc làm trung bình đạt mức 562.000/tháng trong quý đầu tiên của năm 2022, bằng với mức tăng trung bình hàng tháng cho năm 2021. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu giảm xuống còn 166.000 trong tuần cuối tháng 3. Mức trung bình trong bốn tuần là 170.000, mức thấp nhất kể từ khi Bộ Lao động bắt đầu thu thập số liệu vào năm 1967[4]. Thu nhập trung bình theo giờ tăng 13 cent lên mức 31,73 đô la, trong khi đó thời gian làm việc trung bình theo tuần giảm 0.1 giờ xuống mức 34.6 giờ.

Lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3/2022 tăng 1,2% so với tháng trước (tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước), dẫn đầu là giá xăng với mức tăng 18,3% (tăng 48% so với cùng kỳ năm trước) và giá thực phẩm tăng 1,0% (tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước)[5]. Chỉ số CPI không bao gồm thực phẩm và năng lượng tăng 0,3%. Chỉ số giá hàng lâu bền giảm 0,9%, phần lớn là do mức giảm 3,8% của chỉ số ô tô và xe tải đã qua sử dụng. Chỉ số giá sản xuất tăng 1,4%, tương ứng mức tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu tăng 2,6% do giá xăng dầu tăng 16,1% (tăng 66,5% so với cùng kỳ năm trước).

Lạm phát cao không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn ở các khu vực  khác (7% ở Vương quốc Anh và 7,5% ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu) phản ánh sự mất cân bằng giữa cung và cầu. Việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong toả và đóng cửa, cùng với cuộc chiến Nga - Ukraine đã gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có thể sẽ thúc đẩy Fed thắt chặt chính sách để giảm cầu trong nước.

Thương mại

Cán cân thương mại của Mỹ duy trì ổn định khi nhập khẩu và xuất khẩu đều giảm hơn 1%. Tuy nhiên, xuất khẩu được dự báo sẽ là một lực cản đáng kể đối với tăng trưởng trong quý đầu tiên. Thâm hụt thương mại có thể sẽ gia tăng trong những quý tới do các doanh nghiệp Mỹ cần bổ sung hàng tồn kho và xuất khẩu có vẻ chỉ tăng với tốc độ vừa phải trong năm nay. Đồng đô la sẽ mạnh lên trong trung và dài hạn, tuy nhiên mức độ sẽ không lớn do các ngân hàng trung ương nước ngoài cũng đang thắt chặt mạnh hơn.

  1. Các chính sách kinh tế

Trong biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang ngày 15 và 16 tháng 3 năm 2022 được công bố vào ngày 6 tháng 4, các quan chức Fed đã thống nhất về việc bắt đầu giảm bảng cân đối kế toán vào tháng 5/2022. Fed dự kiến trong vòng 1 năm sẽ cắt giảm khỏi bảng cân đối kế toán khoảng 1 nghìn tỷ USD nhằm đối phó với mức lạm phát cao kỷ lục trong 4 thập kỷ trở lại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo biên bản cuộc họp này, Fed đề xuất cắt giảm tối đa mỗi tháng 95 tỷ USD trái phiếu trong 3 tháng, tốc độ cắt giảm đó được coi là phù hợp với kỳ vọng thị trường và cao gấp đôi so với tốc độ cắt giảm tài sản 50 tỷ USD mỗi tháng trong giai đoạn 2017-2019. Biên bản họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang tháng 3/2022 cũng cho thấy nhiều thành viên ủng hộ việc Fed nâng lãi suất với bước nhảy là 0,5 điểm phần trăm[6].

Fed bắt đầu thu mua tài sản nhằm kích cầu cho nền kinh tế vào năm 2008 và giảm lãi suất, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đến cuối năm 2015, Fed mới quyết định tăng lãi suất sau gần một thập kỷ. Năm 2017, Fed bắt đầu công bố kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán khi tỷ lệ lạm phát ở Mỹ ở mức trên dưới 2%. Năm 2019, giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, Fed đã quyết định giảm lãi suất và mở rộng bảng cân đối kế toán thông qua việc mua 60 tỷ USD trái phiếu chính phủ mỗi tháng nhằm hỗ trợ nền kinh tế[7]. Tháng 3 năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, Fed bắt đầu giảm lãi suất xuống mức gần 0 và cam kết mua thêm ít nhất 700 tỷ USD trái phiếu chính phủ. Với các chương trình mua tài sản quy mô lớn, tổng giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán đã tăng từ trên 4.100 tỷ USD vào đầu năm 2020 lên đến gầ 9.000 tỷ USD tính đến thời điểm giữa tháng 4 năm 2022[8]. Vì vậy, động thái cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán, cùng với việc tăng lãi suất, là một nỗ lực quan trọng của Fed nhằm đối phó với tình trạng lạm phát leo thang.

Ngày 21/4/2022, Chủ tịch Fed, ông Powell tái khẳng định quyết tâm kiểm soát thông qua việc tăng lãi suất với tốc độ quyết liệt hơn và có thể thực thi ngay từ tháng 5. Trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang vào tháng 5, Fed sẽ cân nhắc việc tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, thay vì bước nhảy lãi suất 0,25 điểm phần trăm được đưa ra tại cuộc họp trong tháng 3, nhằm nỗ lực giảm tình trạng lạm phát nghiêm trọng hiện nay. Theo ông Powel, lạm phát ở Mỹ có thể đã đạt đỉnh trong tháng 3/2022, tuy nhiên điều này cũng không chắc chắn và Fed sẽ tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn từ tháng 5. Fed có thể sẽ tăng lãi suất liên tiếp trong năm 2022 với muc tiêu đưa nhu cầu tiều dùng và nguồn cung nhịp nhàng trở lại, giảm tình trạng lạm phát[9].

Sau khi Chủ tịch Fed xác nhận mức tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, ngày 23/4/2022, chỉ số DXY đo lường biến động của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt đã tăng 0,54%, đạt mức đỉnh trong hơn 2 năm[10].

  1. Nhận định và dự báo

Hội đồng Hội nghị Hoa Kỳ dự báo rằng tăng trưởng GDP thực của Mỹ sẽ chậm lại còn 1,5% trong Quý I năm 2022, so với mức tăng trưởng 6,9% trong Quý IV năm 2021[11]. Tăng trưởng năm 2022 sẽ ở mức 3,0% và nền kinh tế trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ tăng 2,2%. Dự báo của Wells Fargo đối với nền kinh tế Mỹ cũng điều chỉnh theo xu hướng giảm, với mức tăng trưởng tương ứng cho năm 2022 và 2023 là 2,8% và 2,1%[12].

Cuộc chiến Nga – Ukraine vào tháng 2 đã khiến các dự báo phải điều chỉnh xuống do kỳ vọng lạm phát cao hơn, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và sức mua của người tiêu dùng bị xói mòn. Những lo ngại này vẫn chưa giảm trong tháng 3 khi cuộc chiến ở Đông Âu ngày càng gia tăng. Giá năng lượng, hàng hóa nông nghiệp và kim loại đã tăng đột biến và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong quý II năm 2022. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và thời gian của cuộc xung đột cũng như tác động của nó đối với nền kinh tế Mỹ là rất khó dự đoán. Trong khi đó, tác động của đại dịch COVID-19 dường như đã suy yếu, kể cả khi có những làn sóng mới thì cũng khó dẫn đến các biện pháp hạn chế hoặc phong toả như trước đây. Mặc dù vậy, sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng diễn ra trong đại dịch sẽ chưa được giải toả trong những tháng tới.

  1. Một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc, sự phục hồi đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Cụ thể, GDP quý I ước ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I năm 2019[13]. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%. Trong tháng 3/2022, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng cho thấy những tín hiệu hồi phục mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 66,73 tỷ USD, tăng 36,8% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong quý I đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9% và nhập khẩu tăng 15,9%.

Thị trường lao động quý I/2022 cũng có khởi sắc. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý IV/2021, tuy vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng mức độ giảm dần. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2022 ước tính là 51,2 triệu người, tăng 441,1 nghìn người so với quý trước và tăng 158,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2022 là 68,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước ước tính là 2,24%. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giá nhà ở thuê tăng trở lại; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu. Những điều này đã khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.

Ngoài sự gia tăng nguy cơ lạm phát, chính sách lãi suất của Fed và tình hình chiến sự Nga – Ukraine khiến tỷ giá đồng USD tăng cao khiến nợ nước ngoài của Việt Nam tăng, làm giảm hạn mức tín nhiệm quốc gia và gây bất lợi trong huy động vốn vay của nước ngoài. Tuy nhiên, sự tăng giá của đồng USD lại có tác dụng tích cực đối với xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ. Đồng USD có lợi cho xuất khẩu hàng hóa song lại bất lợi cho nhập khẩu vì hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt hơn khi tỷ giá USD tăng. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, dệt may, nông sản sẽ có thể đươc hưởng lợi do sự tăng giá đồng USD. Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc vào nguyên vật liệu và máy móc nhập khẩu hay các doanh nghiệp vay nợ bằng USD sẽ chịu tác động tiêu cực từ xu hướng này.

Nhìn chung, kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm thể hiện sự hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ; tuy nhiên, đồng hành với đó là những nguy cơ về lạm phát. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng dầu; xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân; kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, cần đảm bảo sự thông thoáng cho lưu chuyển người và hàng hoá/.

 

 

 

 

 

[1] Brown, S. (2022). March employment report / yield curve. https://www.raymondjames.com/commentary-and-insights/economy-policy/2022/04/01/weekly-economic-commentary

[2] U.S. Bureau of Labor Statistics (2022). Employment Situation Summary, https://www.bls.gov/news.release/empsit.nr0.htm

[3] U.S. Bureau of Labor Statistics (2022). Employment Situation Summary, https://www.bls.gov/news.release/empsit.nr0.htm

[4] Brown, S. (2022). Weekly Market Snapshot. https://www.raymondjames.com/commentary-and-insights/economy-policy/2022/04/08/weekly-market-snapshot

[5] Brown, S. (2022). Weekly Market Snapshot. https://www.raymondjames.com/commentary-and-insights/economy-policy/2022/04/14/weekly-market-snapshot

[6] Raymond James (April 2022), Weekly market snapsot, https://www.raymondjames.com/commentary-and-insights/economy-policy/2022/04/08/weekly-market-snapshot

[7] Fed đảo ngược mạnh mẽ chính sách tiền tệ trong năm 2019, https://bnews.vn/fed-dao-nguoc-manh-me-chinh-sach-tien-te-trong-nam-2019/143492.html

[8] Fed (2022), Recent balance sheet trends, https://www.federalreserve.gov/monetarypolicy/bst_recenttrends.htm

[9] An Huy (2022), Chủ tịch Fed quyết tâm ghìm lạm phát, tính nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 5, https://vneconomy.vn/chu-tich-fed-quyet-tam-ghim-lam-phat-tinh-nang-lai-suat-0-5-diem-phan-tram-vao-thang-5.htm

[10] Market Watch (2022), U.S. Dollar Index (DXXY), https://www.marketwatch.com/investing/index/dxy

[11] Conference Board (2022). The Conference Board Economic Forecast for the US Economy, https://www.conference-board.org/research/us-forecast

[12] Wells Fargo (2022). U.S. Economic Outlook: April 2022, https://wellsfargo.bluematrix.com/links2/html/a4f5295a-3f37-4e10-840d-2ce3d2019da8

[13] Tổng cục Thống kê (2022). Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý I năm 2022, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/03/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-i-nam-2022/


-Nguyễn Thị Vân Nga - Thị Thùy Linh

Viện NC Châu Mỹ


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn