Báo cáo kinh tế Mỹ tháng 5 năm 2022

13/06/2022

      1. Tình hình kinh tế Mỹ

Theo số liệu của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ được công bố vào cuối tháng 4/2022, tăng trưởng kinh tế Mỹ quý I/2022 giảm 1,4%, lần sụt giảm GDP đầu tiên kể từ quý II năm 2020[1]. GDP giảm trong quý I được cho là do sự giảm sút của các yếu tố bao gồm đầu tư tư nhân, xuất khẩu và chi tiêu của chính phủ, trong khi đó nhập khẩu hàng hóa lại tăng mạnh. Thâm hụt thương mại tăng lên mức kỷ lục 109,8 tỷ USD trong tháng 3/2022 khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng, đặc biệt nhập khẩu năng lượng tăng 10,3% lên mức kỷ lục mới là 351,5 tỷ USD[2]. Chỉ số Phi Sản xuất PMI (Quản lý sức mua) trong tháng 4 cho tháy sự mở rộng chậm hơn so với tháng trước, chỉ số này giảm xuống còn 57,1 trong tháng 4, so với 58,3 của tháng 3[3].

Thị trường lao động

Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4 tiếp tục duy trì ở mức 3,6%, giữ nguyên so với tháng trước. Báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ được công bố vào đầu tháng 5/2022 cho thấy số lượng việc làm phi nông nghiệp trong tháng 4 tăng 247.000, thấp hơn nhiều so với con số ước tính 390.000 trước đó[4]. Tổng số việc làm tăng 428.000 việc trong tháng 4, dẫn đầu là các lĩnh vực giải trí và khách sạn (tăng 78.000 việc làm), sản xuất (tăng 55.000 việc làm), vận tải và nhà xưởng (tăng 52.000 việc làm), dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh (tăng 41.000 việc làm)[5]. Thu nhập trung bình theo giờ tăng 10 cent lên mức 31,85 đô la, trong khi đó thời gian làm việc trung bình theo tuần giữ nguyên ở mức 34.6 giờ.

Báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ được công bố vào đầu tháng 5/2022 cho thấy, trong tháng 3 có hơn 4,5 triệu người Mỹ xin nghỉ việc, đây có thể coi là mức cao nhất tại thị trường lao động Mỹ trong nhiều năm qua. Số người lao động nghỉ việc trong tháng 3 tương đương với khoảng 3% tổng số lao động ở Mỹ. Nguyên nhân khiến người lao động Mỹ nghỉ việc được cho là nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm với mức lương cao hơn và cơ hội việc làm từ xa. Tình trạng thiếu hụt lao động đặc biệt tập trung ở các lĩnh vực dịch vụ bán lẻ, bán đồ ăn nhanh. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng trong khi nguồn cung hàng hóa và dịch vụ thiếu hụt nghiêm trọng, số cơ hội việc làm tăng cao kỷ lục và các doanh nghiệp đang tăng cường tuyển dụng với chế độ lương thưởng và phúc lợi hậu hĩnh, tăng số ngày nghỉ nhằm thu hút và giữ chân người lao động[6].

Lạm phát

Hiện nay, lạm phát đã trở thành nguy cơ hiện hữu đối với nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Nền kinh tế Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao kỷ lục trong bối cảnh nước này đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tỷ lệ lạm phát (CPI) ở Mỹ đã giảm từ 8,5% trong tháng 3 xuống còn 8,3% trong tháng 4, tuy nhiên đây vẫn là mức lạm phát cao và đây là tháng thứ hai liên tục Mỹ duy trì lạm phát ở mức trên 8%[7]. Mặc dù tỷ lệ lạm phát trong tháng 4 có giảm nhẹ so với tháng 3 nhờ giá dầu hạ nhiệt, song từ sau ngày 11/5, giá xăng dầu lại tiếp tục leo thang, có thể gây áp lực lạm phát lớn hơn. Giá cả thực phẩm, nông sản, các dịch vụ du lịch và ăn uống, giá vé của các phương tiện giao thông, đặc biệt là vé máy tăng đều có xu hướng gia tăng.

Thương mại

Cán cân thương mại của Mỹ đạt mức thâm hụt kỷ lục trong tháng 3 do nhập khẩu tăng 10,3% trong khi xuất khẩu duy trì mức 5,6%[8]. Mức thâm hụt này được kỳ vọng sẽ duy trì trong các tháng tới khi dòng chảy thương mại vẫn còn nhiều bất ổn và chuỗi cung ứng vẫn còn tắc nghẽn. Lạm phát tăng cao, cùng sự thắt chặt của các ngân hàng trung ương và việc áp dụng các biện pháp hạn chế do COVID-19 ở Trung Quốc khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên tiêu cực hơn. Trong bối cảnh này, đồng đô la vẫn có thể mạnh lên so với các đồng tiền của G10 hay thị trường mới nổi.

  1. Các chính sách kinh tế

Trong tháng 4/2022, kỳ vọng lãi suất cao hơn là yếu tố quan trọng khiến lợi suất trái phiếu của chính phủ Mỹ có kỳ hạn 10 năm tăng gần 50 phần trăm điểm[9], tỷ giá đồng USD tăng khoảng 5% so với giỏ tiền tệ và giá vàng giảm nhẹ. Tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang ngày 6 tháng 5 năm 2022, lần thứ hai trong năm kể từ sau lần tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm từ tháng 3, Fed đã quyết định tăng lãi suất với mức tăng 0,5 điểm phần trăm lên biên độ mới từ 0,75%-1,00%, đạt mức cao nhất trong vòng hai thập niên trở lại đây[10]. Fed cho biết mức tăng liên tục trong phạm vi mục tiêu sẽ phù hợp với hình hình hiện nay. Trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt và lạm phát leo thang, Fed có kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất thêm hai lần tại cuộc họp tháng 6 và tháng 7 năm 2022 với mức tăng 0,5 điểm phần trăm. Khi được hỏi liệu Ủy ban Thị trường mở Liên bang có đưa ra hành động quyết liệt hơn trong thời gian tới hay không, ông Powell, Chủ tịch Fed đã trả lời, 0,75 điểm phần trăm không phải là mức tăng mà Fed sẽ tích cực xem xét, nhiều khả năng Fed sẽ xem xét tăng lãi suất 0,5 điểm phăm trong hai tháng tới.

Bên cạnh đó, Fed cũng quyết định cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán bắt đầu với 47,5 tỷ USD mỗi tháng (gồm 30 tỷ USD trái phiếu Kho bạc và 1,5 tỷ USD chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp), quyết định được thực hiện kể từ tháng 6 năm 2022. Sau ba tháng sẽ cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán 95 tỷ USD mỗi tháng vào tháng 9 năm 2022, gồm 60 tỷ USD trái phiếu Kho bạc và 35 tỷ USD chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp. Lạm phát tăng cao phản ánh cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế. Fed khó có thể tác động để mở rộng nguồn cung, song Fed có thể làm chậm tốc độ tăng của cầu. Chủ tịch Fed nói rằng Fed sẽ có những hành động cần thiết để làm giảm lạm phát, song điều này có thể khiến tăng trường kinh tế chậm hơn và suy thoái cũng có thể xảy ra.

  1. Nhận định và dự báo

Hội đồng Hội nghị Hoa Kỳ đưa ra dự báo, tốc độ tăng GDP thực tế trong quý II/2022 sẽ là 2,1%, so với tốc độ tăng - 1,4% của quý I/2022, sau đó sẽ giảm trong quý tiếp theo và như vậy tốc độ tăng GDP trong năm 2022 phục hồi ở mức 2,3%[11]. Dự báo của Wells Fargo đối với nền kinh tế Hoa Kỳ cũng điều chỉnh theo xu hướng giảm, với mức tăng trưởng tương ứng cho năm 2022 và 2023 là 2,4% và 2%[12]. Mặc dù mức tăng trưởng GDP trong quý I đạt giá trị âm, nhưng điều này không có nghĩa nên kinh tế Mỹ đang trên đà suy thoái, bởi vì các hoạt động kinh tế cốt lõi vẫn được duy trì khá tốt (ví dụ, đầu tư kinh doanh tăng 9,2% và chi tiêu tiêu dùng tăng 2,7% trong quý). Mức tăng trưởng thấp hơn dự kiến ​​do nhập khẩu tăng cao và lượng hàng tồn kho dự trữ thấp hơn, đồng thời cũng do hiệu ứng cơ sở từ mức tăng 6,9% trong quý IV/2021.

Với những nỗ lực thắt chặt tiền tệ của Fed, lạm phát có thể chậm lại vào nửa cuối năm 2022 song tăng trưởng kinh tế cũng sẽ chậm lại. Áp lực lạm phát tiếp tục là vấn đề cản trở sự phục hồi của kinh tế Mỹ trong suốt năm 2022 do sự tăng giá cả hàng hóa toàn cầu trong bối cảnh chiến tranh Nga – Ukraine, tiền lương tăng do sự thắt chặt thị trường lao động và các biện pháp phong tỏa, hạn chế của Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Chính sách “zero Covid” của Trung Quốc cùng với các lệnh cấm vận của EU đối với dầu khí của Nga có thể là yếu tố rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thúc đẩy lạm phát, gây ra những cú sốc cung mới trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra với các quan chức Fed hiện nay là làm sao vừa thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu giảm lạm phát vừa không ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và không gây ra suy thoái. Dữ liệu quan trong cần theo dõi trong những tháng tới đây là chi phí nhà ở, tăng trưởng việc làm và sự gia tăng tiền công của lao động để xác định xem chính phủ có cần triển khai các biện pháp mạnh mẽ hơn hay không.

  1. Một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Nhiều tổ chức đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã có những bước khởi sắc mạnh mẽ trong giai đoạn đầu năm 2022, mặc cho thế giới đang có nhiều bất ổn liên quan đến cuộc chiến tại Ukraina, giá hàng hoá tăng và sự thắt chặt của các điều kiện tài chính toàn cầu. Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) nhận định tăng trưởng dự kiến đạt mức 6,3% trong năm 2022 và 6,5% vào năm 2023[13]. Tuy nhiên, sự phục hồi chưa diễn ra một cách đồng đều, nên các chính sách cần hướng đến những đối tượng tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và các hộ gia đình có thu nhập thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ 2,4% trong tháng 3 lên 2,6% trong tháng 4[14]. Giá xăng dầu cao tăng hơn gần 50% so với cùng kỳ năm trước và là yếu tố đóng góp vào lạm phát lớn nhất. Mặc dù vậy, lạm phát dự kiến vẫn được kiềm chế dưới 3,5% trong năm 2022, với các chính sách hướng tới việc bình ổn giá dầu và đối phó với các áp lực tăng giá từ thế giới.

Xu hướng giảm của số ca nhiễm mới và số ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã thúc đẩy các hoạt động quay trở lại như lúc trước đại dịch, đặc biệt những dịch vụ tại chỗ như nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm, điểm giải trí, v.v... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư năm 2022 ước tính tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước[15]. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ với doanh thu tháng Tư tăng lần lượt là 14,8% và 49,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng đầu năm 2022 tăng 5,2% và tăng 10,5%. Vận tải hành khách và hàng hoá tháng Tư có mức tăng khá cao với chính sách mở cửa du lịch từ ngày 15/3/2022. Số lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4 đạt 101,4 nghìn lượt người, gấp 2,4 lần so với tháng trước và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 192,4 nghìn lượt người, tăng 184,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là nguồn nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam, vì vây việc phong tỏa do COVID ở quốc gia này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới. Đồng thời, việc các đối tác thương mại lớn khác như Mỹ và Liên minh Châu Âu đều được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức thấp hơn dự kiến; do đó, Việt Nam cần xem xét đa dạng hoá đối tác thương mại để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu.

 

 

 

 

 

[1] Trading Economics (2022). United States GDP Growth Rate.

[2] Trading Economics (2022). United States Balance of Trade.

[3] CNBC (May 4, 2022). 10-year Treasury yield dips as Powell rules out the Fed getting even more aggressive, https://www.cnbc.com/2022/05/04/us-bonds-treasury-yields-rise-ahead-of-big-fed-rate-decision.html

[4] CNBC (May 4, 2022). 10-year Treasury yield dips as Powell rules out the Fed getting even more aggressive, https://www.cnbc.com/2022/05/04/us-bonds-treasury-yields-rise-ahead-of-big-fed-rate-decision.html

[5] U.S. Bureau of Labor Statistics (2022). Employment Situation Summary, https://www.bls.gov/news.release/empsit.nr0.htm

[6] VnExpress (2022). Người Mỹ bỏ việc cao kỷ lục, Tin ng ày 5/5/2022

[7] Trading Economics (2022). United States Inflation Rate.

[8] Wells Fargo (2022). U.S. Economic Outlook: May 2022, https://wellsfargo.bluematrix.com/links2/html/d75b3a91-4f18-454d-be85-aff88cae0289

[9] CNBC (May 4, 2022), 10-year Treasury yield dips as Powell rules out the Fed getting even more aggressive, https://www.cnbc.com/2022/05/04/us-bonds-treasury-yields-rise-ahead-of-big-fed-rate-decision.html

[10] Raymond James (May 2022), Economic and Policy, https://www.raymondjames.com/commentary-and-insights/economy-policy/2022/05/06/weekly-economic-commentary

[11] The Conference Board (May 11, 2022), The Conference Economic Forecast for the US Economy, https://www.conference-board.org/research/us-forecast

[12] Wells Fargo (2022). U.S. Economic Outlook: May 2022, https://wellsfargo.bluematrix.com/links2/html/d75b3a91-4f18-454d-be85-aff88cae0289

[13] Nguyễn Thuý (2022). AMRO đánh giá kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 https://www.vietnamplus.vn/amro-danh-gia-kinh-te-viet-nam-phuc-hoi-manh-me-trong-nam-2022/791831.vnp

[14] Thuý Hà (2022). Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi https://www.vietnamplus.vn/ngan-hang-the-gioi-kinh-te-viet-nam-dang-lay-duoc-da-phuc-hoi/789809.vnp

[15] Tổng cục thống kê (2022). MỘT SỐ ĐIỂM KHỞI SẮC VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI THÁNG TƯ VÀ 4 THÁNG ĐẦU NĂM 2022, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/05/mot-so-diem-khoi-sac-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thang-tu-va-4-thang-dau-nam-2022/


Đinh Thị Thùy Linh - Lê Thị Vân Nga

Viện Châu Mỹ


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn