- Tình hình kinh tế Mỹ
Trong quý II/2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ đã phục hồi ở mức 0,8% sau khi sụt giảm 1,6% trong quý I. Chi tiêu cho tiêu dùng trong quý II tăng với tốc độ 1,2%, chậm lại so với quý I, tuy nhiên xuất khẩu trong quý II tăng mạnh với tốc độ tăng 10,1% (trong khi nhập khẩu chỉ tăng 3%) đã góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong quý II, mặc dù vậy tốc độ tăng trưởng Mỹ trong quý II vẫn thấp hơn so với kỳ vọng[1].
Doanh số bán lẻ tăng 1% trong tháng 6, cao hơn 0,9% so với mức dự báo trước đó. Doanh số bán hàng tại các quán bar và nhà hàng tăng 1%, doanh số bán hàng trực tuyến tăng 2,2%, đồng thời doanh số bán hàng tại các cửa hàng nội thất và đồ gia dụng tăng 1,4%. Trong khi đó, doanh số bán hàng đối với một số mặt hàng truyền thống lại giảm, cụ thể là các hàng hóa chung giảm 0,2% do số lượng cửa hàng bách hóa giảm 2,6%. Mặc dù lạm phát đang tăng nhanh, song tâm lý của người tiêu dùng vẫn tương đối lạc quan. Theo báo cáo của trường Đại học Michigan, chỉ số niềm tin tiêu dùng đã tăng từ 50 trong tháng 6 lên 51,1 trong tháng 7/2022[2].
Không chỉ kinh tế Mỹ suy giảm, các nền kinh tế lớn trên thế giới như khu vực đồng EUR, vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Canada cũng đang trên đà giảm tốc và có nguy cơ suy thoái đồng bộ trong năm 2022.
Thị trường lao động
Nền kinh tế tăng thêm 372.000 việc làm trong tháng 6, con số cao hơn so với kỳ vọng có thể làm giảm bớt những lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 6 là 3.6%, duy trì ở mức bằng tháng trước. Số lượng việc làm tăng thêm trong tháng 6 phù hợp với mức tăng trung bình trong những tháng qua, với 368.000 việc làm tăng thêm trong tháng 4 và 384.000 việc làm tăng thêm trong tháng 5. Các nhà tuyển dụng tiếp tục cạnh tranh để thu hút người lao động. Khu vực tư nhân đã khôi phục được số lượng việc làm so với thời điểm trước đại dịch, trong khi số lượng việc làm ở khu vực công vẫn ít hơn 664.000 việc làm so với thời điểm tháng 2 năm 2020.
Tiền công của người lao động tiếp tục tăng trong tháng 6, với tốc độ tăng thu nhập trung bình theo giờ là 5,1%, giảm nhẹ so với tốc độ tăng 5,3% trong tháng 5. Sự gia tăng tiền công trong những tháng gần đây là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy tỷ lệ lạm phát tăng nhanh, bởi vì khi các doanh nghiệp trả lương cao hơn, họ sẽ bù đắp cho chi phí gia tăng bằng cách tăng giá sản phẩm và dịch vụ[3].
Lạm phát
Cùng với sự gia tăng tiền công và giá dầu mỏ, thực phẩm, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ trong tháng 6 tiếp tục tăng lên 9,1%, mức cao nhất kể từ năm 1981. Đây là tháng thứ tư liên tiếp tỷ lệ lạm phát ở Mỹ duy trì ở mức cao hơn 8%. Trong đó giá năng lượng tăng 41,6%, mức cao nhất kể từ năm 1980, chủ yếu do sự gia tăng giá xăng (59,9%), dầu nhiên liệu (98,5%), điện (13,7%), khí đốt tự nhiên (38,4%), thực phẩm (10,4%). Ngoài ra, giá nhà trong tháng 6 cũng tăng 5,6%, giá xe mới tăng 11,4%, giá ô tô và xe tải đã qua sử dụng tăng 1,7%, giá vé máy bay tăng 34,1%. Chỉ số lạm phát lõi không bao gồm giá lương thực và năng lượng tăng 5,9%., thấp hơn so với con số 6% trong tháng 5 nhưng cao hơn so với mức dự báo trước đó[4].
Thương mại
Thâm hụt thương mại giảm xuống còn 85,5 tỷ USD trong tháng 5/2022, giảm 1,1 tỷ so với tháng 4, đây là mức thấp nhất trong vòng 5 tháng. Thâm hụt thương mại trong tháng 5 giảm là do xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục, trong khi giá cả hàng hóa tăng vọt và nhu cầu trong nước chậm lại đã khiến nhập khẩu giảm sút. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 tăng lên mức cao đỉnh điểm 255,9 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước, được thúc đẩy bởi doanh số bán vật tư và vật liệu công nghiệp, dầu thô, vàng, khí đốt, dược phẩm và dịch vụ tài chính. Trong khi đó nhập khẩu chỉ tăng 0,6% so với tháng trước, đạt 341,4 tỷ USD trong tháng 5, dẫn đầu là dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ, dịch vụ du lịch và vận tải. Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc, EU và Canada tăng, trong khi thâm hụt thương mại với Mexico và Nga giảm[5].
- Các chính sách kinh tế
Ngày 14/7/2022, Thống đốc Christopher Waller, quan chức Fed, cho biết ông ủng hộ việc tăng lãi suất quỹ liên bang ở mức 1% trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở vào thời điểm cuối tháng 7. Nếu Fed quyết định tăng lãi suất 1% điểm, đây sẽ là mức tăng lãi suất mạnh nhất trong hơn 30 năm, điều này cho thấy chính phủ Mỹ đang thể hiện quyết định cao độ trong nỗ lực chống lạm phát.
Fed bắt đầu tăng chi phí vay nợ nhằm làm giảm bớt nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh nguồn cung thực phẩm và dầu mỏ khan hiếm do tác động của chiến tranh Nga – Ukraine và hoạt động sản xuất bị gián đoạn do các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch Covid-19 kéo dài tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình lạm phát trong 4 tháng qua vẫn luôn duy trì ở mức trên 8% và chưa có dấu hiệu dịu lại khi chỉ số CPI trong tháng 6 đã tăng lên đến 9,1%. Trước tình hình lạm phát leo thang, Fed thể hiện quan điểm sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ, củng cố lòng tin của người dân Mỹ về khả năng kiểm soát lạm phát. Ông Waller cho rằng, Fed đã mắc sai lầm khi từng nhận định xu hướng tăng giá chỉ là tạm thời, do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tình trạng này sẽ được giải quyết nhanh chóng[6].
- Nhận định và dự báo
Mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy Fed sẽ tăng lãi suất 1 điểm phần trăm thay vì 0,75 điểm trong tháng 7, xong các chuyên gia nhận định, tác động của động thái tăng lãi suất lần này sẽ không lớn. Thực tế cho thấy, nhiều loại hàng hóa đã có xu hướng giảm trong tháng 7, đặc biệt là giá dầu, vì vậy sức ép lạm phát đang có xu hướng giảm bớt sau khi đạt mức cao đỉnh điểm trong tháng 6.
Hội đồng Hội nghị Hoa Kỳ đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại trong năm 2022 và một cuộc suy thoái nhẹ sẽ diễn tra vào thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Triển vọng này có liên quan đến tình trạng lạm phát kéo dài và nỗ lực của Fed nhằm kiểm soát lạm phát thông qua tăng lãi suất. Cơ quan này dự báo tốc độ tăng GDP thực tế trong năm 2022 sẽ ở mức 1.7% so với cùng kỳ năm trước và tốc độ tăng GDP trong năm 2023 sẽ giảm xuống 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP được dự báo sẽ giảm xuống còn 0,5% và 0,2% trong quý III và quý IV/2022, sau đó giảm xuống mức -0,4% trong quý I/2023, cho thấy một cuộc suy thoái nhẹ đang có nguy cơ diễn ra vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Tỷ lệ lạm phát ở mức cao và cuộc xung đột tại Ukraine là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nguy cơ suy thoái. Xung đột Nga-Ukraine và các diễn biến địa chính trị khác khiến cho giá năng lượng và nông sản tăng cao. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch kéo dài khiến cho tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng chưa được cải thiện. Theo báo cáo kinh tế của Hội đồng Hội nghị Hoa Kỳ, lạm phát có thể đã đạt đỉnh vào quý II/2022 và sẽ giảm trong những tháng cuối năm, tuy nhiên tỷ lệ lạm phát trong năm 2022 vẫn sẽ cao hơn so với mức mục tiêu 2%[7].
Ngày 12/7/2022, trong một tuyên bố, IMF cảnh báo Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc khôi phục kinh tế và lạm phát gia tăng trên diện rộng có thể gây ra những rủi ro có tính hệ thống đối với cả nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu. Do đó, IMF tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ xuống còn 2,3% trong năm 2022, so với mức 2,9% được đưa ra từ cuối tháng 6. Theo tổ chức này, chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed sẽ có thể giúp giảm tỷ lệ lạm phát xuống còn 6,6% trong quý IV năm 2022 và tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 1,9% trong quý IV năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể càng chậm lại. Việc Fed tăng lãi suất quỹ liên bang, cùng với việc giảm chi tiêu chính phủ sẽ làm chậm tốc độ tăng chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ và nhu cầu chi tiêu chậm lại được dự báo sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên khoảng 5% vào cuối năm 2023, kéo theo tiền công lao động giảm[8].
Trong một báo cáo được công bố ngày 13/7/2022, Ngân hàng Bank of America cho rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ vào cuối năm 2022. Báo cáo này đưa ra nhận định, chi tiêu cho tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ ở Mỹ đang có xu hướng chậm lại trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh, điều này góp phần đáng kể làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Bank of America đưa ra dự báo, tốc độ tăng GDP thực tế của Mỹ sẽ đạt khoảng 1% trong năm 2023, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 3,6% vào thời điểm tháng 6 năm 2022 lên 4,6% vào cuối năm 2023[9].
Như vậy, hầu hết các dự báo đều cho rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ vào nửa cuối năm 2022 và phục hồi dần trong năm 2023, tỷ lệ lạm phát sẽ giảm dần và tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ.
- Tác động đối với Việt Nam
Trước tình hình lạm phát ở Mỹ và các nước có xu hướng ngày càng gia tăng, đồng thời nguy cơ suy thoái đang hiện hữu rõ rệt tại các nền kinh tế lớn trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít rủi ro và thách thức.
Giá xăng dầu của Việt Nam liên tục tăng theo biến động của giá nhiên liệu thế giới. Theo đó, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cũng tăng do chi phí vận chuyển và nguyên liệu đầu vào tăng. Do tác động của lạm phát toàn cầu, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý II/2022 đã tăng 2,62% so với quý I và tăng 11,42% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 11,21% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó chỉ số giá của nhóm hàng nông sản và thực phẩm tăng 11,09%, chỉ số giá nhập khẩu của nhóm hàng nhiên liệu tăng 44,61% và nhóm hàng chế biến, chế tạo khác tăng 9,81%[10].
Mặc dù vậy, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu, do đó thách thức về nhập khẩu lạm phát và sự tăng giá đồng USD không quá lớn. Trong khi lạm phát của nhiều nước trên thế giới hiện nay là do cầu kéo và chi phí đẩy thì lạm phát ở Việt Nam chủ yếu do chi phí đẩy. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước. Tốc độ tăng CPI bình quân quý II/2022 là 2,96%. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2022, CPI bình quân tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước[11].
Bên cạnh những vấn đề thách thức, sự tăng giá của đồng đô la cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hưởng lợi về giá trị hàng hóa, giúp các doanh nghiệp tăng doanh thu và bù đắp cho các chi phí gia tăng do tăng giá nguyên liệu đầu vào và chi phí logistics.
Trên cơ sở đó, theo một số dự báo, trong năm 2022, Việt Nam có nhiều khả năng sẽ tránh được suy thoái và trở thành một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Tốc độ tăng GDP của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 6,42%, cao hơn so với mức tăng 5,74% của năm 2021 và 2,04% của năm 2020. Với kết quả đó, nhiều tổ chức quốc tế đã nâng mức dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt nam từ 5,5% lên 5,8% trong năm 2022[12]. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đạt 6% và tiếp tục tăng lên 7,2% trong năm 2023.
Có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên sự phục hồi diễn ra còn chưa đồng đều giữa các khu vực kinh tế. Việt Nam cũng cần cảnh giác với rủi ro do lạm phát toàn cầu, xây dựng chính sách tiền tệ linh hoạt để có thể kiểm soát lạm phát kịp thời. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giải quyết tình trạng mất cân bằng cung cầu, thúc đẩy chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng.
[1] The Conference Board (July 2022), The Conference Board Economic Forecasst for the US economy, https://www.conference-board.org/research/us-forecast
[2] Jeff Cox (2022), Retail sales rose more than expected in June as consumers remain resilient despite inflation, 15/7/2022, https://www.cnbc.com/2022/07/15/retail-sales-june-2022-.html
[3] Jeanna Smialek (July 2022), U.S. job Growth Remained Solid in June, The New York Times, https://www.nytimes.com/live/2022/07/08/business/jobs-report-june-2022
[4] Trading Economics (July 2022), United States Inflation Rate, https://tradingeconomics.com/united-states/inflation-cpi
[5] Trading Economics (July 2022), United States Balance of Trade, https://tradingeconomics.com/united-states/balance-of-trade
[6] The New York Times (July 2022), A Fed Governor Signals a Full-Point Rate Increase Is Possible, but Not Yet His Call, https://www.nytimes.com/2022/07/14/business/federal-reserve-rate-increase.html
[7] The Conference Board (July 2022), The Conference Board Economic Forecasst for the US economy, https://www.conference-board.org/research/us-forecast
[8] Thông tấn xã Việt Nam (2022), IMF tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2022, 13/7/2022, https://www.vietnamplus.vn/imf-tiep-tuc-ha-du-bao-tang-truong-kinh-te-cua-my-trong-nam-2022/805435.vnp
[9] Thông tấn xã Việt Nam (2022), Bank of America dự báo nền kinh tế Mỹ suy thoái nhẹ trong năm nay, Vietnamplus 14/7/2022, https://www.vietnamplus.vn/bank-of-america-du-bao-nen-kinh-te-my-suy-thoai-nhe-trong-nam-nay/805626.vnp
[10] Tổng cục thống kê (2022), Thông cáo báo chí về tình hình giá tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm 2022, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/06/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-gia-thang-6-quy-ii-va-6-thang-dau-nam-2022/
[11] Tổng cục thống kê (2022), Thông cáo báo chí về tình hình giá tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm 2022, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/06/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-gia-thang-6-quy-ii-va-6-thang-dau-nam-2022/
[12] The Investor Wafie Magazine (June 2022), World Bank raises Vietnam GDP forecast to 5.8%, https://theinvestor.vn/world-bank-raises-vietnam-gdp-forecast-to-58-d666.html