- Tình hình kinh tế Mỹ
Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/7/2022, tốc độ tăng GDP của Mỹ giảm 0,9% trong quý II/2022, sau khi giảm 1,6% trong quý I/2022. Như vậy, đây là quý thứ hai liên tiếp nền kinh tế Mỹ có mức tăng trưởng âm, thêm dấu hiệu cho thấy nền kinh tế của quốc gia này đang rơi vào tình trạng suy thoái. Các thành phần chủ yếu khiến kinh tế Mỹ suy giảm trong quý II là hàng tồn kho và đầu tư kinh doanh. Trong đó, hàng tồn kho giảm mạnh tại các cửa hàng kinh doanh tổng hợp và các đại lý xe ô tô. Đầu tư dân dụng giảm 14%. Chi tiêu cho tiêu dùng (PCE) tăng chậm lại với tốc độ 1% trong quý II và chi tiêu cho hàng hóa giảm 4,4% và tiêu dùng của chính phủ giảm 1,9%. Xuất khẩu ròng lần đầu tiên có đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP trong hai năm trở lại đây khi xuất khẩu trong quý II tăng 18% và nhập khẩu chỉ tăng 3,1%[i]. Do tác động của sự giảm giá xăng dầu, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 7 vẫn duy trì ở mức tháng 6 và giảm so với dự báo. Số đơn trợ cấp thất nghiệp trong tuần thứ hai của tháng 8/2022 đã giảm từ 252.000 đơn xuống còn 250.000 đơn, thấp hơn so với dự báo[ii]. Đồng đô la tiếp tục tăng trong giỏ tiền tệ quốc tế, đẩy giá vàng giảm xuống khi các nhà đầu tư bán vàng ra để giữ tiền.
Các chỉ số kinh tế vĩ mô trong tháng 8 cho thấy những tín hiệu tích cực hơn khi lạm phát hạ nhiệt và thị trường lao động phục hồi trở lại với số lượng việc làm tăng và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm, tuy nhiên những yếu tố này chưa có gì là chắc chắn để có thể giúp ổn định lại nền kinh tế Mỹ.
Thị trường lao động
Nền kinh tế tăng thêm 528.000 việc làm trong tháng 7 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3.5%. Việc làm tăng lên trên diện rộng, dẫn đầu bởi các nhóm ngành giải trí và khách sạn (tăng 96.000 việc), dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh (tăng 89.000 việc), chăm sóc sức khoẻ (tăng 70.000 việc). Số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã phục hồi về mức trước đại dịch. Ngành sản xuất và xây dựng tăng thêm trên 32.000 việc làm. Trong nhiều tháng, các công ty xây dựng thiếu lao động đã phải cố gắng tìm kiếm lao động nhằm đáp ứng nhu cầu về xây dựng, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, số lượng việc làm ở lĩnh vực này đã trở về mức trước đại dịch.
Ở nhóm lao động chính, tỉ lệ thất nghiệp cho nữ giới và người da trắng giảm, trong khi đó tỉ lệ cho nam giới, người da đen, người châu Á và người gốc Tây Ban Nha hầu như không thay đổi. Tiền công của người lao động tăng 5,2% trong tháng 7, đạt mức 32,27 đô la. Sự gia tăng tiền công trong những tháng gần đây tiếp tục là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy tỷ lệ lạm phát tăng nhanh, bởi vì khi các doanh nghiệp trả lương cao hơn, họ sẽ bù đắp cho chi phí gia tăng bằng cách tăng giá sản phẩm và dịch vụ[iii].
Lạm phát
Tỷ lệ lạm phát tháng 7 giảm còn 8,5% sau khi đạt mức cao kỷ lục trong 40 năm là 9,1% vào tháng 6. Chỉ số CPI năng lượng tăng 32,9%, sau khi chạm mức 41,6% vào tháng trước. Sự chênh lệch này chủ yếu do sự sụt giảm của giá xăng (44% so với 59,9%), dầu mazut (75,6% so với 98,5%) và khí đốt tự nhiên (30,5% so với 38,4%). Trong khi đó, giá điện tăng nhanh, đạt mức 15,2%; đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2006. Giá phương tiện mới và giá vé máy bay cũng giảm so với tháng trước. Mặt khác, lạm phát tiếp tục tăng cao đối với lương thực (10,9%), nhà ở (5,7%); ô tô con và xe tải đã qua sử dụng (6,6%). Lạm phát cơ bản ổn định ở mức 5,9%, dưới mức dự báo 6,1% và có thể báo hiệu rằng lạm phát đã đạt đỉnh.
Thương mại
Lần đầu tiên trong bảy quý gần đây, xuất khẩu ròng đã tác động tích cực đến tăng trưởng GDP trong quý II. Sự phục hồi của xuất khẩu trong quý đã thúc đẩy tăng trưởng GDP tăng 1,4 điểm phần trăm[iv]. Nhu cầu trong nước chậm lại khiến tăng trưởng nhập khẩu giảm và giúp thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ thu hẹp. Xuất khẩu tiếp tục tăng trong tháng thứ năm liên tiếp khi Hoa Kỳ cung cấp nhiều hàng hóa hơn cho châu Âu trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp tục.
- Các chính sách kinh tế
Trong biên bản họp của Ủy ban thị trường mở liên bang vào ngày 26-27/7/2022, cơ quan này đã đưa ra quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp nhằm chống lại áp lực lạm phất và suy thoái. Quyết định tăng lãi suất 0,75%trong hai cuộc họp liên tiếp của Fed được coi là động thái cứng rắn nhất của Fed kể từ đầu những năm 1980. Lãi suất cho vay qua đêm tăng từ 2,25% lên 2,5%, đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Cuộc bỏ phiếu lần tăng lãi suất lần này có sự tham gia của hai thành viên mới gồm ông Michael Barr, phó chủ tịch phụ trách giám sát và bà Susan Collin, chủ tịch chi nhánh Fed Boston. Với cơ cấu này, hội đồng thống đốc của Fed đã có đủ 7 thành viên tham dự.
Như trên đã nói, trong tháng 7/2022, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã giảm xuống còn 8,5% so với tỷ lệ 9,1% trong tháng 6/2022, một phần do sự giảm giá năng lượng. Với thực tế này, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết sẽ có thể tăng lãi suất chậm lại ở thời điểm thích hợp[v]. Như vậy, Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất song tốc độ tăng lãi suất có thể chậm lại.Biên bản cuộc họp diễn ra cuối tháng 7 của Fed, được công bố vào ngày 17/8/2022 không đưa ra gợi ý cụ thể về mức tăng lãi suất trong cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang diễn ra vào ngày 20-21/9, tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách của Fed cam kết sẽ tăng lãi suất cao ở mức cần thiết để có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tỷ lệ lãi suất cao hơn ở Mỹ đã thúc đẩy sự gia tăng chi phí vay đối với thẻ tín dụng, đối với các khoản vay tiêu dùng như mua ô tô và một số khoản vay khác có lãi suất không cố định, khiến cho người tiêu dùng phải cân nhắc nhiều hơn về quyết định chi tiêu.
- Nhận định và dự báo
Tăng trưởng kinh tế suy yếu trong suốt năm 2022 cùng với lạm phát cao liên tục tương ứng với môi trường lạm phát đình trệ. Trong khi nới lỏng các ràng buộc từ phía cung và chính sách tiền tệ diều hâu hơn sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát trong những quý tới, lãi suất tăng sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái trên diện rộng trước cuối năm. Sự thu hẹp này sẽ tác động đến thị trường lao động và khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Dù vậy cuộc suy thoái sắp tới được kỳ vọng sẽ tương đối ngắn và có phần nhẹ nhàng, nhưng nền kinh tế Mỹ sẽ thoát khỏi suy thoái vào năm 2023 vẫn phải vật lộn với lạm phát cao hơn mục tiêu 2% của Fed. Giai đoạn này cũng sẽ thể hiện các đặc điểm lạm phát đình trệ - mặc dù không nghiêm trọng như hiện nay.
Cần lưu ý rằng bối cảnh thế giới và khu vực vẫn tương đối bất ổn và sẽ tác động nhiều đến nền kinh tế Mỹ. Xung đột ở Ukraine đang diễn ra và căng thẳng ở Đông Á đang gia tăng. Ngoài những thảm kịch nhân đạo liên quan đến các sự kiện địa chính trị này, sự gián đoạn đối với các mặt hàng quan trọng và chuỗi cung ứng cũng là một yếu tố cần xem xét. Ngoài ra, COVID-19 vẫn gây rối loạn ở một số nơi trên thế giới và tiếp tục đe dọa triển vọng tăng trưởng. Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ có thể sẽ thông qua dự luật năng lượng và chăm sóc sức khỏe trị giá 400 tỷ đô la được gọi là Đạo luật Giảm lạm phát. Tuy nhiên, nếu được ký thành luật, có thể sẽ mất một đến hai năm để có tác động đến nền kinh tế nói chung.
Hội đồng Hội nghị Hoa Kỳ dự báo rằng suy yếu kinh tế sẽ gia tăng và lan khắp nền kinh tế Hoa Kỳ trong nửa cuối năm 2022, và dự kiến suy thoái sẽ bắt đầu trước khi kết thúc năm. Triển vọng này liên quan đến lạm phát dai dẳng và thái độ diều hâu gia tăng của Cục Dự trữ Liên bang. Theo dự báo của Hội đồng Hội nghị Hoa Kỳ, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III/2022 sẽ ở mức 0% và suy giảm trong hai quý tiếp theo với tốc độ tăng GDP lần lượt là -0,6%, -0,5% trong quý IV/2022, quý I/2023, sau đó sẽ từng bước phục hồi từ quý II/2023. Tăng trưởng GDP thực tế trong cả năm 2022 được dự báo ở mức 1,3% và tăng trưởng năm 2023 sẽ chậm lại còn 0,2% so với cùng kỳ năm trước[vi].
- Tác động đối với Việt Nam
Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraina, sự xuất hiện và lây lan của các biển chủng COVID-19 mới cùng các biện pháp kiểm soát tương ứng (ví dụ: ở Trung Quốc). Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều chịu tác động của những cú sốc đó, thể hiện ở mức tăng trưởng chậm lại trong khi lạm phát duy trì ở mức cao. Mặc dù vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá rất tích cực, dự kiến tăng trưởng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm tiếp theo[vii]. Lạm phát được dự báo sẽ tăng đến 4% vào năm 2023, trước khi giảm còn 3,3% trong năm 2024.
Mặc dù lạm phát chủ yếu đến từ các yếu tố cung bên ngoài, nhưng kỳ vọng lạm phát tăng cao có thể gây áp lực lên giá cả, làm chậm quá trình phục hồi. Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cân bằng việc thúc đẩy nền kinh tế phục hồi với kiềm chế lạm phát và các rủi ro tài chính. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn được cho là phù hợp, nhưng nếu lạm phát tăng cao, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng chuyển sang thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất và thắt lại cung tiền.
Kể từ tháng 3/2022, Fed đã có 4 lần tăng lãi suất và tổng mức tăng từ 2,25% đã tăng lên 2,5%, khiến đồng đô la tăng giá mạnh và tạo ra những bất ổn đối với kinh tế Mỹ và nền kinh tế của nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chi tiêu cho tiêu dùng ở Mỹ tăng với tốc độ chậm hơn cũng phần nào tác động tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Năm 2021, kim ngạch ngoại thương của Việt Nam đạt hơn 670 tỉ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu[viii]. Trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch của Việt Nam đạt hơn 433 tỉ USD, dự báo đến cuối năm sẽ đạt 800 tỉ USD, đưa Việt Nam vươn lên top 10-15 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ khả thi nếu các đối tác thương mại của Việt Nam không rơi vào suy thoái mạnh.
[i] Trading Economics, United States GDP Growth Rate, truy cập ngày 20/8/2022.
[ii] RTT News (August 2022), U.S. Weekly Jobless Claims Edge Down To 250,000, Nasdaq, https://www.nasdaq.com/articles/u.s.-weekly-jobless-claims-edge-down-to-250000
[iii] Jeanna Smialek (July 2022), U.S. job Growth Remained Solid in June, The New York Times, https://www.nytimes.com/live/2022/07/08/business/jobs-report-june-2022
[iv] Wells Fargo (2022), https://www.wellsfargo.com/com/insights/economics/monthly-outlook/
[v] Jeff Cox (2022), Fed hikes interest rates by 0.75 percentage point for second consecutive time to fight inflation, CNBC, https://www.cnbc.com/2022/07/27/fed-decision-july-2022-.html
[vi] The Conference Board (August 2022), The Conference Board Economic Forecast for the US Economy
https://www.conference-board.org/research/us-forecast
[vii] Ngân hàng Thế giới (2022), Báo cáo điểm lại tháng 8/2022: Giáo dục để tăng trưởng.
[viii] Ngọc An (2022), Việt Nam vươn lên top 10-15 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu trong năm nay, https://tuoitre.vn/viet-nam-vuon-len-top-10-15-nen-kinh-te-co-quy-mo-ngoai-thuong-lon-nhat-toan-cau-trong-nam-nay-20220819184301718.htm