1. Tình hình kinh tế Mỹ
Tăng trưởng kinh tế ở Mỹ trong quý I và quý II/2021 vẫn tiếp tục duy trì đà đi lên với tốc độ tăng GDP quý I/2021 đạt 6,3% và quý II/2021 đạt 6,6%[1]. Đã có những kỳ vọng về việc GDP thực tế của 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng cao; tuy nhiên, sự lan rộng của dịch bệnh do các biến thể Covid-19 có thể sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong hai quý còn lại. Chi tiêu của các hộ gia đình đang tăng với tốc độ nhanh chóng, được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ, các điều kiện tài chính phù hợp và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế. Nhu cầu về nhà ở cũng như đầu tư kinh doanh toàn cầu vẫn rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, những hạn chế từ phía nguồn cung đã làm chậm lại hoạt động trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô do tình trạng khan hiếm cung đối với chất bán dẫn trên toàn cầu đã làm giảm đáng kể sản lượng từ đầu năm đến nay. Các thành phần về phía cầu thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bao gồm: chi tiêu tiêu dùng cá nhân, đầu tư thương mại tư nhân cố định và xuất khẩu, dẫn đến sản lượng kinh tế trong quý II/2021 đã vượt qua mức trước đại dịch.
Trong tháng 8 và 9/2021, dịch Covid-19 do biến thể Delta tái bùng phát đã gây tổn thất đáng kể đối với nền kinh tế và xã hội Mỹ. Số lượng ca mắc Covid mới từ dưới 100 nghìn ca/ngày trong tháng 7/2021 đã tăng lên trên 100 nghìn ca/ngày vào đầu tháng 8/2021, và đến giữa tháng 9/2021 đã vượt quá 150 nghìn ca/ngày. Số người chết tăng từ 360 vào ngày 1/8/2021 lên 1.403 vào ngày 1/9/2021. Số lượng người nhập viện vì Covid-19 tăng gấp đôi trong tháng 8/2021[2]. Những tác động này khiến người Mỹ trở nên thận trọng hơn, dẫn đến các số liệu về niềm tin của người tiêu dùng đã giảm xuống trong tháng 8/2021. Theo số liệu từ khảo sát của trường Đại học Michigan về tâm lý tiêu dùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ đã giảm 81,2 trong tháng 7/2021 xuồng còn 70,3 trong tháng 8/2021[3].
Dữ liệu phản ánh mức độ sẵn sàng tham gia vào các hoạt động xã hội hoặc đi du lịch của các cá nhân, sau khi đã phục hồi mạnh mẽ trong những tháng gần đây, hiện đang diễn biến theo chiều hướng tiêu cực. Ví dụ: số lượng người đi qua các điểm kiểm tra an ninh sân bay giảm, số lượng người đặt chỗ trực tuyến để dùng bữa tại các nhà hàng, sau khi tăng mạnh đã giảm trở lại kể từ giữa tháng 7/2021 so với số liệu này cùng kỳ năm 2019[4]. Cũng trong khoảng thời gian này, khối lượng xăng cung cấp ra thị trường đã giảm so với năm 2019.
Báo cáo hàng tháng của chính phủ Mỹ dựa trên khảo sát đối với các doanh nghiệp cho thấy, trong tháng 8/2021, 235.000 việc làm mới đã được tạo ra, so với mức tăng số lượng việc làm đã điều chỉnh vào tháng 7 là 1.053.000 việc làm. Riêng trong lĩnh vực sản xuất có 37.000 việc làm được tạo ra, trong đó có 24.100 việc làm trong lĩnh vực ô tô. Các dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh cũng có sự gia tăng mạnh mẽ, với 74.000 việc làm được tạo ra. Tuy nhiên, vấn đề trong tháng 8 chủ yếu nằm ở các dịch vụ tiêu dùng. Sau khi tăng 289.600 việc làm trong tháng 7/2021, việc làm tại các nhà hàng đã giảm 41.500 trong tháng 8/2021. Số lượng việc làm tại các khách sạn sau khi tăng 73.000 trong tháng 7/2021, chỉ tăng 6.600 trong tháng 8/2021. Ngoài ra, việc làm trong ngành bán lẻ tiếp tục giảm 28.500 trong tháng 8/2021. Số liệu thống kê cũng cho thấy mức lương trung bình theo giờ tăng 0,6% so với tháng 7 và tăng 4,3% so với một năm trước đó. Mặc dù ở mức cao nhưng mức này vẫn thấp hơn mức lạm phát hàng năm. Do đó, trong điều kiện thực tế (được điều chỉnh theo lạm phát), tiền lương thực sự đang giảm[5].
Trong những tháng gần đây, số lượng việc làm tăng nhanh hơn nhiều so với số người tham gia vào lực lượng lao động, do đó dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5,9% trong tháng 6/2021 xuống còn 5,4% trong tháng 7/2021 và tiếp tục giảm xuống 5,2% trong tháng 8/2021[6]. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động không thay đổi. Tuy nhiên, quy mô lực lượng lao động (những người có việc làm hoặc tích cực tìm kiếm việc làm) đã giảm 1,8% trong tháng 8 so với mức trước đại dịch Covid-19. Một điều cần chú ý là, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp nói chung giảm xuống, song tỷ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên lại tăng lên đáng kể.
Bất chấp sự sụt giảm niềm tin tiêu dùng, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ được công bố vào ngày 16 tháng 9 năm 2021, doanh số bán lẻ của Mỹ sau khi giảm 1,8% trong tháng 7/2021 đã tăng trở lại với mức tăng 0,7% so với tháng tháng 8/2021, song vẫn thấp hơn so với mức tăng 0,9 của tháng 6/2021[7]. Trong tháng 7, doanh số bán lẻ ô tô giảm do giá thành tăng và đặc biệt là do tình trạng thiếu hụt nguồn cung, mà chủ yếu là nguồn cung về chip bán dẫn trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, trong tháng 8, doanh số bán lẻ tăng rõ rệt so với tháng trước, được cho là do mua sắm tựu trường và chi trả tín dụng thuế trẻ em của chính phủ trong tháng. Doanh số bán lẻ được thúc đẩy bởi sự gia tăng mua hàng trực tuyến, bù đắp cho sự sụt giảm doanh số bán hàng của các đại lý ô tô. Trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8/2021, doanh số bán lẻ của Mỹ tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, phần nào thể hiện sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ so với năm 2020.
Mặc dù vậy, nhìn chung, do sự tái bùng phát của đại dịch Covid-19, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III/2021 có xu hướng giảm so với hai quý đầu năm. Theo Hội đồng Hội nghị Hoa Kỳ, tốc độ tăng GDP thực tế của Mỹ sẽ giảm xuống 5,5% trong quý III/2021, so với 6,6% trong quý II/2021. Báo cáo của Hội đồng Hội nghị Hoa Kỳ cũng cho thấy, tốc độ tăng chi tiêu tiêu dùng thực tế sau khi tăng 11,4% và 11,9% trong quý I và quý II/2021 có thể sẽ giảm xuống mức 3,0% trong quý II/2021. Đầu tư vào lĩnh vực nhà ở giảm 11,5% trong quý II/2021 song sẽ chỉ giảm 1% trong quý III/2021. Trong khi đó, đầu tư của các hãng sau khi tăng 9,3% trong quý II/2021 sẽ chỉ tăng với tốc độ 0,9% trong quý III/2021. Tốc độ tăng xuất khẩu từ 6,6% trong quý II/2021 giảm xuống còn 4,1% trong quý III/2021, trong khi tốc độ tăng nhập khẩu của Mỹ từ 6,7% trong quý II/2021 tiếp tục lên 9,1% trong quý III/2021. Áp lực lạm phát càng lớn hơn khi chỉ số PCE tiếp tục tăng từ 1,8% trong quý I lên 3,9% trong quý II/2021 và dự báo tăng lên 4,1% trong quý III/2021[8].
2. Các biện pháp hỗ trợ kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19
Ngày 18 tháng 8 năm 2021, Tổng thống Joe Biden công bố các hành động mới để bảo vệ người Mỹ trong bối cảnh đại dịch Covid-19: tiêm nhắc lại bắt đầu từ tuần 20 tháng 9; yêu cầu tiêm vắc xin Covid-19 cho nhân viên chăm sóc dài hạn phục vụ những người đăng ký Medicare và Medicaid; chỉ đạo Bộ Giáo dục sử dụng mọi công cụ hiện có để mở lại trường an toàn; mở rộng khoản bồi hoàn liên bang 100% cho các tiểu bang đối với các chi phí ứng phó khẩn cấp Covid-19 đủ điều kiện; và mở rộng khoản bồi hoàn liên bang 100% cho các tiểu bang để huy động nhân sự Vệ binh Quốc gia hỗ trợ các nỗ lực ứng phó với Covid-19. Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra thông báo, tất cả các doanh nghiệp sử dụng hơn 100 người sẽ phải yêu cầu nhân viên đi tiêm phòng hoặc phải kiểm tra hàng tuần. Ông Biden cũng yêu cầu tất cả các nhân viên chính phủ Liên bang và nhân viên của các nhà thầu Liên bang phải tiêm vắc xin Covid hoặc phải xét nghiệp thường xuyên và đeo khẩu trang. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (DOD) cũng đã đưa ra chỉ đạo tiêm chủng đầy đủ cho tất cả các thành viên của Lực lượng vũ trang thuộc quyền của DOD đang làm nhiệm vụ tại ngũ hoặc trong Lực lượng Dự bị sẵn sàng, bao gồm cả Vệ binh Quốc gia, những người chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin Covid-19. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng phối hợp cùng với Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đã ký kết nhiều hợp đồng để gia tăng năng lực sản xuất y tế trong nước.
Đến ngày 4 tháng 9 năm 2021, bảo hiểm thất nghiệp mở rộng, nằm trong Kế hoạch Giải cứu người Mỹ, đến thời gian đáo hạn, có thể khiến cho khoảng 7,5 triệu người Mỹ mất đi khoản lợi ích này[9]. Ngày 3/8/2021, Trung tâm kiểm soát và phòng dịch (CDC) của Mỹ đã công bố gia hạn lệnh cấm trục xuất đối với người thuê nhà ở Mỹ đến ngày 3/10/2021 sau khi lệnh cấm này hết hạn vào ngày 1/8/2021. Trong bối cảnh dịch bệnh do biến thể Delta gây ra khiến hàng triệu người Mỹ rơi vào tình trạng không có nhà ở và mất thu nhập, việc gia hạn lệnh cấm này giúp cho người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh vẫn có nhà để ở[10]. Tuy nhiên, lệnh cấm này cũng khiến những người cho thuê nhà mất một khoản thu nhập lớn. Khi lệnh cấm này hết hạn vào 3/10/2021, những người không thể trả tiền thuê trọ sẽ có thể bị đuổi ra khỏi nhà thuê và khiến cho tình trạng vô gia cư ở Mỹ trở nên trầm trọng hơn.
Về chính sách tiền tệ, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế cho đến khi phục hồi hoàn toàn. Để thực hiện điều này, lãi suất được duy trì trong khoảng từ 0,0% đến 0,25%. Fed cũng tái khẳng định chính sách mua chứng khoán kho bạc và chứng khoán thế chấp được phát hành bởi các cơ quan được chính phủ Hoa Kỳ bảo trợ (các doanh nghiệp được Chính phủ bảo trợ).
Theo biên bản cuộc họp về chính sách của Fed được công bố vào ngày 18/8/2021, Mỹ dự kiến bắt đầu giảm các biện pháp kích thích trong năm 2021 nếu như nền kinh tế Mỹ tiếp tục đà phục hồi. Tuy nhiên, với sự giảm tốc đà phục hồi kinh tế Mỹ trong quý III/2021, nhiều nhà kinh tế dự báo thời điểm Fed thông báo giảm chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng có thể lùi đến tháng 11/2021. Ngày 27/8/2021, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, ông Powell cho biết, Fed có thể sẽ rút lại một số chính sách tiền tệ trước thời điểm cuối năm, song Fed chưa có kế hoạch tăng lãi suất. Theo ông Powell, nền kinh tế Mỹ hiện nay không cần nhiều hỗ trợ về chính sách nữa. Nếu tăng trưởng việc làm tiếp tục được duy trì, chương trình mua tài sản sẽ có thể giảm trong năm 2021[11].
Chính phủ Mỹ coi sự gia tăng lạm phát hiện nay là nhất thời và sẵn sàng chờ đợi sự trở lại mức bình thường hơn là thắt chặt chính sách tiền tệ ngay bây giờ. Chương trình mua tài sản của Fed trong năm rưỡi qua đã dẫn đến sự gia tăng lớn về cung tiền của Hoa Kỳ, lợi suất trái phiếu thấp và các nhà đầu tư tìm kiếm lợi tức bên ngoài quốc gia, do đó dẫn đến áp lực giảm giá trị của đồng đô la. Khi Fed giảm hoặc chấm dứt việc mua tài sản, điều ngược lại sẽ xảy ra, với lợi suất trái phiếu Mỹ cao hơn, dòng vốn chảy vào và áp lực tăng lên đối với đồng đô la.
- Nhận định và dự báo
Chi tiêu cho tiêu dùng sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2021, song gần đây, sự suy giảm niềm tin tiêu dùng do dịch bệnh tái bùng phát sẽ có thể cản trở tốc độ tăng chi tiêu cho tiêu dùng. Ngoài ra, chi tiêu cho các dịch vụ cá nhân sẽ chưa thể tăng trở lại cho đến khi tình hình dịch bệnh diễn biến tốt hơn. Chuỗi cung ứng toàn cầu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu đang gia tăng đối với nhiều loại hàng hóa. Tình trạng thiếu chip bán dẫn trên phạm vi toàn cầu buộc các nhà sản xuất ô tô phải cắt giảm sản lượng, đồng thời gây ra tình trạng sụt giảm cung và doanh số bán hàng một số mặt hàng điện tử. Ngoài ra, lưu lượng giao thông bị hạn chế cũng cản trở sự phục hồi của các ngành khách sạn, nhà hàng. Từ đầu tháng 9/2021, kế hoạch bảo hiểm thất nghiệp mở rộng nhằm hỗ trợ cho người Mỹ chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đáo hạn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sự tái bùng phát của biến thể Delta tạo ra gánh nặng đối với hệ thống y tế, tình trạng thất nghiệp kéo dài, sự phân tán chuỗi cung, v…v… là những vấn đề thách thức nghiêm trọng đối với sự phục hồi kinh tế Mỹ. Tốc độ phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ có thể giảm trong quý III/2021, một phần nguyên nhân qua trọng là do sự lây lan của biến chủng Delta. Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện nay, nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với sự “tắc nghẽn” chuỗi cung do đại dịch Covid-19, càng làm tăng thêm sức ép lạm phát.
Chủ tịch Fed nói rằng Mỹ sẽ bắt đầu điều chỉnh chương trình mua tài sản trước cuối năm 2021. Quyết định đó dựa trên giả định rằng nền kinh tế đang tiến dần đến trạng thái việc làm tối đa. Tuy nhiên, báo cáo việc làm tháng 8/2021 cho thấy quá trình chuyển sang trạng thái việc làm tối đa của nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. Câu hỏi đặt ra là liệu sự lây lan của biến thể Delta có tiếp tục phá vỡ thị trường việc làm trong những tháng tới hay không. Điều này một phần sẽ phụ thuộc vào tốc độ tiêm phủ vắc xin và kết quả của việc thực hiện giãn cách xã hội.
Trên thực tế, vấn đề lớn nhất hiện nay đối với nền kinh tế Mỹ là nhiều người dân không tham gia tiêm chủng. Tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ chỉ tăng ở mức khiêm tốn trong vài tháng qua, trong khi tỷ lệ này tăng nhanh ở nhiều quốc gia khác. Hơn nữa, sự tái bùng phát của dịch Covid-19 do biển thể Delta gây ra hiện tại ảnh hưởng mạnh đến các bang ở phía nam, chẳng hạn như Florida, Alabama, Mississippi và Louisiana. Ví dụ, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Florida cao gấp 5 lần ở California. Nếu các bang này không đẩy nhanh việc tiêm vắc xin, đồng thời thực hiệm nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, vấn đề có thể sẽ kéo dài và kìm hãm sự phục hồi kinh tế.
Hội đồng Hội nghị Hoa Kỳ đưa ra dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ sau khi giảm xuống còn 5,5% trong quý III/2021 sẽ tiếp tục giảm xuống 3,9% trong quý IV/2021, kéo theo tốc độ tăng GDP trong năm 2021 của Mỹ sẽ có thể ở mức 5,9%. Các con số dự báo này giảm so với dự báo được đưa ra vào tháng 8/2021 do tác động của chủng virus Delta gây ra đối với nền kinh tế. Tổ chức này cũng dự báo, chi tiêu cho tiêu dùng, động lực đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tăng nhẹ trong quý IV/2021. Các chỉ số đầu tư của tư nhân, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Mỹ đều tăng, tuy nhiên, nhập khẩu sẽ tăng nhanh hơn so với tốc độ xuất khẩu dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ càng trở nên nghiêm trọng. Đồng thời, nguy cơ lạm phát vẫn ở mức cao cho đến hết năm 2021 và đầu năm 2022 do tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, cường độ và động lực tăng giá cả hàng hóa hàng tháng sẽ có thể tiếp tục ở mức vừa phải trong những tháng tới. Bối cảnh kinh tế hiện tại có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang trì hoãn các động thái thắt chặt tiền tệ[12].
- Khuyến nghị cho Việt Nam
Tại Việt Nam, sự tái bùng phát của đại dịch Covid-19 từ giữa năm 2021 đã ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế. Theo số liệu thống kê, trong tháng 8/2021, tổng mức bán lẻ và doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng tiếp dục giảm 10,5% so với tháng 7 và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính chung 8 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2020[13].
Việc thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương đã khiến hoạt động sản xuất và thương mại dịch vụ sụt giảm mạnh. Từ kinh nghiệm của Mỹ và các nước, một số địa phương của Việt Nam không thể giãn cách kéo dài mà cần duy trì sản xuất gắn với phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh, nối lại sản xuất sau khi tiêm phủ vắc xin cho toàn dân, gia tăng năng lực của y tế trong nước nhằm tránh tổn thất về người ở mức thấp nhất. Đối với các địa phương mà tại đó dịch bệnh chưa bùng phát, cần chặn đứng các nguồn lây từ sớm để tránh những tổn thất lớn hơn sau này đối với nền kinh tế.
Trong bối cảnh thiếu hụt chuỗi cung ứng toàn cầu cho sản xuất công nghiệp do tác động của làn sóng tái bùng phát dịch Covid-19, nếu tiếp tục bỏ lỡ cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của Mỹ và các nền kinh tế lớn, Việt Nam có thể đánh mất nhiều đơn hàng cung ứng và để tuột mất các đối tác quan trọng.
Dịch bệnh do biến thể Delta gây ra tái bùng phát ở Việt Nam trong giai đoạn này tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành có số lượng lớn khu công nghiệp và nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, khiến sản xuất bị gián đoạn, ảnh hưởng tới các đơn hàng trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, để nhanh chóng khôi phục sản xuất, cần triển khai tiêm vắc xin rộng rãi và đầy đủ cho các đối tượng là công nhân ở các khu công nghiệp và người thân, lái xe vận chuyển hàng hóa, đảm bảo các điều kiện phòng dịch tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, việc lưu thông và vận chuyển hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội gặp nhiều khó khăn và sự thiếu thống nhất đối với các quy định về vận chuyển hàng hóa gây ra không ít trở ngại cho các doanh nghiệp, khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Bởi vậy, Nhà nước và chính quyền các tỉnh thành cần đơn giản hóa và áp dụng công nghệ thông tin khi tiến hành các thủ tục hành chính, các thủ tục hải quan để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, Nhà nước cũng cần đẩy mạnh hỗ trợ cho doanh nghiệp về đất đai, hạ tầng, ưu đãi thuế để kích thích tiêu dùng và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh/.
[1]The Conference Board (September 2021), The Conference Board Economic Forecasst for the U.S. Economy, https://www.conference-board.org/research/us-forecast
[3] Trading Economics, United States Consumer Sentiment, accessed on September 20th, 2021, https://tradingeconomics.com/united-states/consumer-confidence
[4] Ira Kalish (2021), Weekly global economic update, September 2021, Deloitte Insights, https://www2.deloitte.com/us/en/insights/economy/global-economic-outlook/weekly-update.html
[5] Ira Kalish (2021), Weekly global economic update, September 2021, Deloitte Insights, https://www2.deloitte.com/us/en/insights/economy/global-economic-outlook/weekly-update.html?fbclid=IwAR0ZU6NZMTq1m5FFuzCgUv7szFZeRbtKIms6A5UW--6-0-akQXew7TckAP4
[6] Trading Economics, U.S. Unemployment Rate, https://tradingeconomics.com/united-states/unemployment-rate
[7] Trading Economics, U.S. Retail Sales, accessed on September 20th, 2021, https://tradingeconomics.com/united-states/retail-sales
[8] The Conference Board (September 2021), The Conference Board Economic Forecasst for the U.S. Economy, https://www.conference-board.org/research/us-forecast
[9] Greg Iacurci (2021), Enhanced uemployment benefits may end a bit earlier than expected, https://www.cnbc.com/2021/08/18/enhanced-unemployment-benefits-may-end-a-bit-earlier-than-expected.html
[10] “Mỹ gia hạn lệnh cấm trục xuất với người thuê nhà”, https://tuoitre.vn/my-cong-bo-gia-han-lenh-cam-truc-xuat-voi-nguoi-thue-nha-20210804101927646.htm
[11] Hạc Hiên (2021), “Chủ tịch Fed: Sẽ giảm dần chương trình mua tài sản vào cuối năm nay và chưa vội tăng lãi suất”, https://tinnhanhchungkhoan.vn/chu-tich-fed-se-giam-dan-chuong-trinh-mua-tai-san-vao-cuoi-nam-nay-va-chua-voi-tang-lai-suat-post278359.html
[12] The Conference Board (September 2021), The Conference Board Economic Forecasst for the U.S. Economy, https://www.conference-board.org/research/us-forecast
[13] VnEconomy, Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm mạnh, https://vneconomy.vn/ban-le-hang-hoa-va-doanh-thu-dich-vu-tieu-dung-thang-8-giam-manh.htm