Báo cáo kinh tế Mỹ tháng 9 năm 2022

28/09/2022

Kinh tế Mỹ tiếp tục phải đổi mặt với những khó khăn và thách thức khi Fed tiếp tục tăng lãi suất và lạm phát tiếp tục làm giảm thu nhập thực tế. Hiện nay, nền kinh tế Mỹ được hỗ trợ bởi khu vực dịch vụ và xuất khẩu. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư đang suy yếu đáng kể, đặc biệt là đầu tư liên quan đến xây dựng nhà ở và thị trường chứng khoán. Do đó, nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục suy yếu và lâm vào suy thoái cho đến khi Fed có thể làm giảm lạm phát một cách bền vững.

1.Tình hình kinh tế Mỹ

Nền kinh tế Hoa Kỳ đã suy yếu đáng kể trong quý II/2022 với tốc độ tăng trưởng kinh tế -0,6%, nhưng theo ước tính nền kinh tế có thể phục hồi nhẹ trong quý III. Chỉ số Sản xuất ISM và chỉ số Dịch vụ ISM trong tháng 8 cho thấy sự tăng trưởng trên một số lĩnh vực[1]. Trong khi đó, đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm xuống, ​​cho thấy thị trường lao động đang cải thiện. Tuy nhiên, sự cải thiện mang tính ngắn hạn và nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục giảm tốc khi Fed tiếp tục tăng lãi suất và lạm phát tiếp tục làm giảm thu nhập thực tế. Hiện nay, nền kinh tế Mỹ được hỗ trợ bởi khu vực dịch vụ đang phục hồi, xuất khẩu rất mạnh và nhập khẩu yếu nhờ tận dụng lợi thế của nền kinh tế mở cửa trở lại hoàn toàn và nhu cầu mạnh mẽ về nguồn năng lượng của các nước Châu Âu. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư đang suy yếu đáng kể, đặc biệt là đầu tư liên quan đến xây dựng nhà ở. Do đó, nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục suy yếu và lâm vào suy thoái cho đến khi Fed có thể làm giảm lạm phát một cách bền vững.

Thị trường lao động

Trong tháng 8/2022, nền kinh tế có thêm 315.000 việc làm, thể hiện trạng thái tiếp tục phục hồi của thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 đạt 3,7%, tăng nhẹ so với tỷ lệ 3,5% của tháng 7/2022[2]. Tiền công lao động bình quân theo giờ trong tháng đạt 10,95 USD, thể hiện xu hướng tăng so với mức tiền công 10,93 USD/ giờ của tháng 7 và 10,87 USD/giờ của tháng 6/2022[3]. Đồng thời, trong tuần kết thúc vào ngày 10/9/2022, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của người dân Mỹ đã giảm xuống còn 213.000 đơn, giảm 5000 đơn so với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp (số liệu đã được điều chỉnh) của tuần trước đó là 218.000 đơn. Mức trung bình của 4 tuần là 224.000 đơn, giảm 8.000 đơn so với mức trung bình của 4 tuần trước đó[4].

Thị trường nhà ở

Doanh số bán nhà trong tháng 8/2022 tiếp tục giảm 0,4%, xuống còn 4,8 triệu, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2022, đánh dấu sự giảm sút tháng thứ bảy liên tiếp, trong bối cảnh lãi suất thế chấp liên tục tăng. Giá nhà trung bình tăng 7,7% so với 1 năm trước, vượt khả năng tài chính của nhiều hộ gia đình[5]. Chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài của Fed nhằm kiểm soát lạm phát đã đạt được một số kết quả mong muốn khi thị trường nhà đất dần hạ nhiệt. Mặc dù nhu cầu chậm lại, song tốc độ tăng giá nhà vẫn tiếp tục ở mức cao.

Lạm phát

Tỷ lệ lạm phát (CPI, bao gồm cả năng lượng và thực phẩm) ở Mỹ giảm xuống còn 8,3% trong tháng 8, đây là mức thấp nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây song vẫn cao hơn so với mức dự báo 8,1%, chủ yếu do sự sụt giảm giá xăng dầu. Giá năng lượng tăng 23,8%, thấp hơn so với con số 32,9% trong tháng 7. Tuy nhiên, giá thực phẩm tăng 11,4%, mức cao nhất kể từ năm 1979. Nhà ở tăng 6,2%, mức cao nhất kể từ năm 1984, xe hơi đã qua sử dụng tăng 7,8%. Chỉ số lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, tăng lên 6,3%/ năm trong tháng 8, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 và con số này tăng rõ rệt so với mức 5,9% trong tháng 6 và 7/2022[6].

Thương mại

Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 7 là 70,7 tỷ USD,  giảm 10,2 tỷ so với tháng trước, đạt mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 259,3 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 2,9%, giảm xuống còn 329,9 tỷ USD trong tháng 7. Thâm hụt thương mại với Trung Quốc giảm xuống còn 33 tỷ USD trong tháng 7, giảm 3,9 tỷ USD so với tháng trước, chủ yếu do nhập khẩu giảm[7].

2. Các chính sách kinh tế

Bất chấp tốc độ thắt chặt mạnh mẽ hơn từ các ngân hàng trung ương quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang vẫn nhiều khả năng dẫn đầu về chính sách tiền tệ thắt chặt. Do đó, đồng đô la Mỹ tiếp tục được dự báo sẽ mạnh hơn cho đến cuối năm nay, đặc biệt sau khi Fed tăng lãi suất 75 điểm phần trăm vào tháng 9 và tiếp tục thu hẹp bảng cân đối kế toán[8]. Đồng đô la sẽ mạnh lên so với các đồng tiền của G10 cũng như của thị trường mới nổi, và chỉ đạt đỉnh khi các nhà hoạch định chính sách của Fed bắt đầu cân nhắc việc giảm tăng lãi suất khi nền kinh tế Mỹ bước vào suy thoái.

Mặc dù chỉ số CPI trong tháng 8 giảm nhẹ so với tháng 7, song mức giảm này chủ yếu được thúc đẩy bởi giá xăng dầu.

Trước cuộc họp của Fed trong tháng 9/2022, theo dữ liệu của CME Fed Watch, có khoảng 82% nhà đầu tư đặt cược vào khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, trong khi đó 18% còn lại đặt cược khả năng Fed tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản[9]. Với quyết định tăng lãi suất trong tháng 9 này, lãi suất cơ bản của Fed sẽ tăng lên 3-3,25%.

Theo dự báo, Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất thêm hai lần vào cuối năm 2022. Fed hướng tới mục tiêu lãi suất cơ bản trong phạm vi điểm phần tư, điều này phù hợp với mức lãi suất cơ bản cuối cùng là 4,25-4,5%.Ủy ban Thị trường mở liên bang dự báo mức lãi suất cuối cùng sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2023, có nghĩa là giá thị trường hiện nay cao hơn nửa điểm phần trăm so với mức dự kiến đó[10]. Mặc dù chủ tịch Fed chưa đưa ra một kỳ vọng cụ thể nào về việc sẽ tăng lãi suất đến mức nào, song nhìn chung, nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cơ bản ở Mỹ có thể tăng lên 4% vào cuối năm 2022 và tiếp tục nhích lên một chút trong năm 2023 trước khi Fed bắt đầu tiến hành cắt giảm lãi suất trong năm 2024 để có thể đưa lãi suất về mức 3,6%[11].

3. Nhận định và dự báo

Hội đồng Hội nghị dự báo rằng sự suy yếu kinh tế sẽ gia tăng và lan rộng khắp toàn bộ nền kinh tế Mỹ trong nửa cuối năm 2022, và dự kiến ​​suy thoái sẽ bắt đầu trước cuối năm. Triển vọng này đến từ lạm phát dai dẳng và thái độ diều hâu gia tăng của Cục Dự trữ Liên bang. Tăng trưởng GDP thực tế năm 2022 dự kiến ở mức 1,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng trưởng năm 2023 sẽ chậm lại còn 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù nền kinh tế cho thấy sự cải thiện nhẹ vào đầu quý, nhưng những cải thiện này sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi Fed tiếp tục tăng lãi suất để hạn chế lạm phát cao. Chi tiêu tiêu dùng có khả năng không giảm cho đến quý IV năm 2022, nhưng đầu tư sẽ sớm chịu tác động của lãi suất cao hơn[12].

Tăng trưởng kinh tế suy yếu trong suốt năm 2022 cùng với lạm phát cao liên tục là phù hợp với môi trường lạm phát đình trệ. Trong khi việc nới lỏng các ràng buộc từ phía cung và chính sách tiền tệ diều hâu hơn sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát trong những quý tới, lãi suất tăng sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái trên diện rộng trước cuối năm. Sự thu hẹp này sẽ tác động đến thị trường lao động và khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn. Cuộc suy thoái sắp tới sẽ tương đối ngắn và có phần nhẹ nhàng, nhưng nền kinh tế Mỹ dù thoát khỏi suy thoái vào năm 2023 vẫn phải vật lộn với mức lạm phát cao hơn mục tiêu 2% của Fed. Giai đoạn này cũng sẽ thể hiện các đặc điểm lạm phát đình trệ - mặc dù không quá nghiêm trọng như hiện nay.

Một số diễn biến có thể khiến cho suy thoái mạnh và lâu dài hơn bao gồm: (1) Cục Dự trữ Liên bang có thể tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến, (2) Thị trường nhà đất có thể chứng kiến ​​một sự điều chỉnh lớn và (3) Lạm phát có thể dai dẳng hơn như dự báo.

Sau khi số lượng việc làm bình quân hàng tháng đạt 380.000 trong quý III/2022, dự báo trong quý IV số lượng việc làm bình quân hàng tháng có thể giảm xuống còn 265.000 và tiếp tục giảm xuống 230.000 mỗi tháng vào đầu năm 2023. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp bình quân có thể đạt mức 3,7% trong quý cuối năm 2022[13].

Theo Ngân hàng Goldman Sách, kinh tế Mỹ đang “hạ cánh mềm”, nghĩa là nền kinh tế sẽ giảm tốc ở mức vừa đủ để kéo tỷ lệ lạm phát giảm xuống mà vẫn duy trì được thị trường lao động ổn định. Ủy ban Thị trường mở Liên bang dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm 2022 và tăng 1,4% trong năm 2023, trong khi tỷ lệ thất nghiệp sẽ có thể tăng lên 4,2% trong năm 2024. Tỷ lệ lạm phát của Mỹ được dự báo sẽ ở mức 5,2% trong năm 2022 và sẽ giảm xuống còn 2,6% trong năm 2026, sau đó giảm xuống 2,2% trong năm 2024 và phải tới năm 2025 Fed mới có thể đưa tỷ lệ lạm phát về mức lạm phát mục tiêu 2%[14].

4. Tác động đối với Việt Nam

Theo báo cáo kinh tế của ADB công bố ngày 21/9, nền kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023[15]. Lạm phát cũng được dự báo ở mức 3,8% năm 2022 và 4% năm 2023 nhờ chính sách tiền tệ thận trọng và việc kiểm soát giá hiệu quả. Kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Ngành dịch vụ cũng được đánh giá là một động lực của tăng trưởng khi các hạn chế đi lại vì Covid-19 bị dỡ bỏ. Mặc dù vậy rủi ro của suy thoái kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu. Những bất ổn về địa chính trị và nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 cũng có thể làm cho triển vọng kinh tế trở nên xấu đi.

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng lãi suất như một công cụ để khống chế lạm phát. Từ tháng 3/2022, Fed đã tăng lãi suất 4 lần, tổng cộng 2,25 điểm phần trăm. Trong đó, cơ quan này đã có 2 lần tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm liên tiếp trong tháng 6 và tháng 7/2022 và dự kiến tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong tháng 9/2022. Quyết định này có thể tiếp tục gây thêm áp lực lớn đối với tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam. Không đi theo cách tiếp cận của các nước khác trên thế giới, Việt Nam vẫn chưa tăng lãi suất do Nhà nước muốn hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi các hoạt động kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát và duy trì tỷ giá hối đoái ở mức ổn định thì bắt buộc Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất. Nếu như room tín dụng được nới thêm thì lãi suất sẽ càng thêm căng thẳng và khiến các ngân hàng có thể phải tăng lãi suất huy động.

Áp lực về tỷ giá hối đoái VND/USD đang có xu hướng ngày càng căng thẳng. Tính từ đầu năm cho đến tháng 9/2022, tỷ giá VND/USD tại Ngân hàng Vietcombank đã tăng 3,5-4% và có khả năng tiếp tục tăng khi Fed đưa ra quyết định tăng lãi suất[16].  Nếu tỷ giá  USD tăng sẽ kéo theo áp lực “nhập khẩu” lạm phát tăng, khiến chỉ số giá nhập khẩu tăng và CPI kỳ vọng tăng.

Như vậy, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022 là cần duy trì tỷ giá hối đoái, đặc biệt là tỷ giá VND/USD ở mức ổn định, thông qua các biện pháp linh hoạt, giữ được khả năng chủ động về nguồn dự trữ ngoại tệ.

 

[1] Reuters (2022). U.S manufacturing sector steady in August; price pressures ease. 1/9/2022;

 Reuters (2022), U.S. service sector keeps momentum in August; price pressures ease-ISM servey. 6/9/2022.

[2] Trading Economics (2022). United States Unemployment Rate. Accessed on September 21, 2022.

[3] Statista (2022). Real average hourly earnings for all employees in the United States from August 2021 to August 2022. Accessed on September 21, 2022, https://www.statista.com/statistics/216259/monthly-real-average-hourly-earnings-for-all-employees-in-the-us/

[4] Department of Labor (2022). Unemployment Insurance Weekly Claims. Acessed on September 21, 2022, https://www.dol.gov/ui/data.pdf

[5] Trading Economics (2022). United States Exsiting Home Sales. Accessed on September 20th, 2022, https://tradingeconomics.com/united-states/existing-home-sales

[6] Trading Economics (2022). United Staes Inflation Rate. Accessed on September 20th, 2022, https://tradingeconomics.com/united-states/inflation-cpi

[7] Trading Economics (2022). Unites States Balance of Trade. Accessed on September 20th, 2022, ttps://tradingeconomics.com/united-states/balance-of-trade

[8] Wells Fargo (2022). U.S. Economic Outlook: September 2022, https://wellsfargo.bluematrix.com/links2/html/6761c963-720c-4a1a-914d-675d49b2d6d7

[9] The Wall Street Journal (2022). Fed’s Third Straight 0.75- point Interest-rate Rise Is Anticipated, https://www.wsj.com/articles/feds-third-straight-0-75-point-interest-rate-rise-is-anticipated-11663639672

[10] Jeff Cox (2022). With inflation still high, the Fed may be a klong way from where it can stop hiking, https://thewest.com.au/business/cnbc/with-inflation-still-high-the-fed-may-be-a-long-way-from-where-it-can-stop-hiking-c-8295872

[11] Bloomberg (2022). Fed Seen Raising to 4% in 2022 And Signaling Higher for Longer, https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-09-16/fed-seen-raising-to-4-in-2022-and-signaling-higher-for-longer?leadSource=uverify%20wall

[12] The Conference Board (2022). The Conference Board Economic Forecast for the U.S. Economy. https://www.conference-board.org/research/us-forecast

[13] Visa Business and Economic Insights (2022). U.S. Economic Outlook. Accessed on September 20th, 2022.

[14] An Huy (2022). Giới chuyên gia dự báo gì về cuộc họp tuần này của Fed? VnEconomy, 19/09/2022, https://vneconomy.vn/gioi-chuyen-gia-du-bao-gi-ve-cuoc-hop-tuan-nay-cua-fed.htm

[15] https://tuoitre.vn/phuc-hoi-nhanh-nhung-rui-ro-doi-voi-trien-vong-kinh-te-viet-nam-van-o-muc-cao-20220921121336703.htm

[16] Báo Đầu tư (2022). Fed tăng lãi suất: Dự trữ ngoại tệ mỏng dần, tỷ giá thêm căng, https://baodautu.vn/fed-tang-lai-suat-du-tru-ngoai-te-mong-dan-ty-gia-them-cang-d173703.html


Đinh Thị Thuỳ Linh - Lê Thị Vân Nga

Viện NC Châu Mỹ


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn