Báo cáo kinh tế tháng 6 năm 2022

12/07/2022

Trong bối cảnh các nền kinh tế khác như Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu đều đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và lạm phát, ngày 7/6/2022, Ngân hàng Thế giới đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ mức 4,1%, theo dự báo hồi tháng 1, xuống chỉ còn 2,9% 13 . Nếu kinh tế Mỹ suy thoái, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh, thậm chí rơi vào suy thoái.

  1. Tình hình kinh tế Mỹ

Nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm trong bối cảnh lạm phát leo thang và lãi suất tăng cao. Mặc dù kinh tế Mỹ vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 1,9% trong quý II/2022, song báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ giữa tháng 6 cho thấy đang có một loạt dấu hiệu cho thấy sự suy giảm của kinh tế Mỹ như: hoạt động xây dựng nhà ở giảm mạnh trong tháng 5, nhiều nhà máy cắt giảm hoạt động, chi tiêu tiêu dùng trong tháng 5 sụt giảm, doanh thu bán lẻ giảm lần đầu tiên trong 5 tháng trong bối cảnh giá cả hàng hóa leo thang. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn duy trì mức thấp và thị trường lao động vẫn đang thắt chặt, đây là nhân tố hỗ trợ cho tiêu dùng và tránh cho kinh tế Mỹ suy giảm sâu hơn. Lạm phát tiếp tục ở mức cao do nhu cầu một số mặt hàng thiết yếu ở mức cao trong khi nguồn cung hạn chế.

       Thị trường lao động

Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục duy trì ở mức 3,6% và số lượng người thất nghiệp cũng cơ bản duy trì ở mức 6 triệu người[1], tương đương với giai đoạn trước đại dịch. Tỉ lệ thất nghiệp cho nhóm lao động chính (những người 25-54 tuổi) đạt mức 3,0%. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động là 62,3% và tỉ lệ lao động trên tổng số dân là 60,1%. Trong tháng 5, chỉ còn 7,4% người lao động làm việc từ xa bởi vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tổng số việc làm tăng 390.000 việc trong tháng 5, dẫn đầu là các lĩnh vực giải trí và khách sạn (tăng 84.000 việc làm), dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh (tăng 75.000 việc làm), vận chuyển và kho bãi (tăng 47.000 việc làm) và xây dựng (tăng 36.000 việc làm).[2] Việc làm trong lĩnh vực thương mại bán lẻ giảm 61.000 việc nhưng vẫn cao hơn so với mức tháng 2 năm 2020. Thu nhập trung bình theo giờ tăng 10 cent lên mức 31,95 đô la, trong khi đó thời gian làm việc trung bình theo tuần duy trì  mức 34.6 giờ.

       Lạm phát

Xung đột Nga – Ukraine và các diễn biến địa chính trị khác khiến cho giá năng lượng và nông sản đồng thời tăng cao. Trong tháng 5/2022, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã tăng vọt lên 8,6% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981. Chỉ số lạm phát tháng 5 tăng 1% so với tháng trước[3]. Giá năng lượng tăng 3,9%, trong đó xăng tăng 4,1%. Giá thực phẩm tăng 1,2% tương ứng với mức tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lần đầu chỉ số này vướt mức 10% kể từ tháng 3 năm 1981. Chỉ số CPI không bao gồm thực phẩm và năng lượng tăng 0,6%, tương ứng mức tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Mức lạm phát tăng cao phản ánh tình trạng thiếu nguồn cung lương thực và giá năng lượng trên toàn cầu tăng do xung đột Nga – Ukraine, cũng như đà tăng cao của các mức giá được xác định trong nước như giá nhà, chi phí dịch vụ chăm sóc y tế và nhiều hàng hóa, dịch vụ khác.[4]

      Thương mại

Dữ liệu thương mại 4 cho thấy nhập khẩu hàng hoá giảm 5,1% so với tháng trước, trong khi đó, xuất khẩu hàng hoá tăng 3,2%. Điều này đã giúp thu hẹp thâm hụt thương mại trong quý II sau khi bị nới rộng đáng kể trong quý I[5]. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cán cân thương mại được dự đoán sẽ vẫn mở rộng, dù các dòng chảy thương mại bắt đầu bình thường hoá khi những hạn chế trong chuỗi cung ứng được cải thiện.

Tăng trưởng toàn cầu có dấu hiệu chậm lại, do đó đồng đô la sẽ mạnh lên trong nửa cuối năm nay và sang năm sau. Triển vọng tăng trưởng giảm sẽ thu hút dòng vốn đến những nơi an toàn. Đồng thời, chính sách thắt chặt hơn của Fed so với các ngân hàng trung ương khác sẽ dẫn đến việc đồng đô la tăng giá so với các đồng tiền G10. Các đồng tiền của thị trường mới nổi, đặc biệt là ở Mỹ Latinh, sẽ có khả năng mất giá do lo ngại về tăng trưởng và rủi ro chính trị đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

  1. Các chính sách kinh tế

Trong tháng 6, thị trường tài chính toàn cầu bị sốc trước quyết định tăng lãi suất mạnh hơn mức dự báo 0,5 điểm phần trăm của Fed. Những nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát xuống mức có thể chấp nhận được khiến Ủy ban Thị trường Mở Liên bang phải tuyên bố tăng lãi suất quỹ liên bang 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 15/6, đây mức tăng lãi suất cao nhất kể từ năm 1994. Quyết định tăng lãi suất lần thứ ba trong năm 2022 được đưa ra sau khi tỷ lệ lạm phát tăng mạnh trong tháng 5 và không cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt như thị trường kỳ vọng. Fed đã có sự thay đổi quan điểm khi đưa ra lập trường chính sách quyết đoán hơn liên quan đến cam kết đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%. Tuy nhiên, lập trường chính sách mới của Fed có thể làm tăng khả năng xảy ra suy thoái vào năm 2023.

Lãi suất cho vay hiện ở mức 1,5% đến 1,75% và thị trường hiện kỳ vọng FOMC sẽ tăng lãi suất cho vay thêm 0,75% điểm trong cuộc họp vào tháng 7, đưa tỷ lệ quỹ liên bang tăng lên mức từ 2,25% đến 2,5%. Tại cuộc họp báo, Chủ tịch Fed, ông Powel cho rằng, mức điều chỉnh 0,75 điểm phần trăm không nên được coi là phổ biến và Fed sẽ xem xét những động thái chính sách trong tương lai tùy thuộc vào các thông tin từ thị trường[6].

Ngay từ sau khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Biden đã tìm cách thúc đẩy việc triển khai các kế hoạch về năng lượng sạch nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu của mình. Trong bối cảnh giá xăng dầu và nhiên liệu tăng vọt do gián đoạn nguồn cung trước diễn biến căng thẳng của xung đột Nga – Ukraine, ngày 6/6/2022, Tổng thống Joe Biden đã ban bố các biện pháp khẩn cấp về năng lượng, tuyên bố miễn giảm thuế trong vòng 2 năm đối với tấm pin năng lượng mặt trời được sản xuất từ 4 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á gồm: Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Chính quyền của ông Joe Biden đã bắt đầu kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (viết tắt là DPA) nhằm tăng cường sản xuất trong nước đối với năm công nghệ năng lượng quan trọng gồm: năng lượng mặt trời, máy biến thế và các thành phần lưới điện, máy bơm nhiệt, cách nhiệt, máy điện phân, pin nhiên liệu và các kim loại nhóm bạch kim. Các biện pháp của chính quyền Biden nhằm giảm chi phí năng lượng cho các gia đình, củng cố an ninh quốc gia và hướng tới sự độc lập lâu dài về năng lượng của Mỹ, giảm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy nền kinh tế năng lượng sạch.[7]

Trước áp lực lạm phát và giá nhiên liệu tăng cao, ngày 15/6, Tổng thống Joe Biden đã thúc ép các công ty dầu mỏ của Mỹ tăng công suất lọc dầu, kêu gọi các công ty thể hiện long yêu nước để kiềm chế sự leo thang của giá dầu trong nước, đồng thời cho biết, trong tháng 7, ông sẽ tới Trung Đông để bàn về vấn đề an ninh năng lượng. Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt nguồn cung năng lượng đang đặt ra thách thức nghiêm trọng và khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn.

  1. Nhận định và dự báo

Hồi tháng 3, tỷ lệ lãi suất quỹ liên bang được dự báo sẽ ở mức 1,9% vào cuối năm 2022, tuy nhiên, trong tháng 6, mức dự báo về tỷ lệ lãi suất quỹ liên bang vào cuối năm đã tăng lên mức 3,4%, đây là một con số tương đối cao trong nhiều năm nay. Dự báo tỷ lệ lãi suất quỹ liên bang trong năm 2023 sẽ là 3,8% và năm 2024 là 3,4%[8].

Lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tới chi phí vay ngân hàng của các doanh nghiệp, người tiêu dung và thậm chí là chính phủ. Mặc dù người gửi tiền tiết kiệm có thể được hưởng lợi từ sự gia tăng lãi suất, song thực tế lãi suất tiết kiệm vẫn thấp hơn so với tỷ lệ lạm phát. Bên cạnh đó, chi vay tăng cao có thể làm chậm hoạt động đi vay của doanh nghiệp, kéo theo sự đình trệ trong sản xuất kinh doanh. Điều này có thể làm chậm sự gia tăng lạm phát song lại dẫn đến suy giảm kinh tế. Bên cạnh nguy cơ suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư ở Mỹ có thể còn phải đối mặt với sự suy giảm lợi nhuận do các yếu tố kết hợp như lãi suất cao và các vấn đề về chuỗi cung ứng, chi phí gia tăng do chiến tranh Nga -Ukraine.

Ngay sau khi Fed đưa ra quyết định tăng lãi suất vào ngày 15 tháng 6 năm 2022, Ngân hàng Well Fargo &Co. đã đưa ra dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ vào giữa năm 2023, khi lạm phát có tác động sâu rộng đối với nền kinh tế, ảnh hưởng tới mức chi tiêu cho tiêu dùng của người dân và buộc Fed có thể có những động thái quyết liệt để kiềm chế lạm phát[9]. Kết quả một cuộc khảo của Financial Times trước cuộc họp của Fed vào giữa tháng 6 cho thấy, 70% các chuyên gia được hỏi đưa ra nhận định, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023[10]. Bloomberg Economics đưa ra ước tính, nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ đã lên đến gần 75%. Bên cạnh đó, hàng loạt các tổ chức nghiên cứu kinh tế đều dự báo kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong những tháng tới.

Cùng với việc mạnh tay nâng lãi suất, ngày 15/6, Fed cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống còn 1,7% trong năm 2022 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,7% vào cuối năm 2022. Báo cáo về Thực trạng và triển vọng kinh tế thế giới được công bố vào tháng 6 năm 2022 đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ ở mức 2,6% trong năm 2022 do áp lực lạm phát ngày càng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed và chính sách đồng đô la mạnh, tạo gánh nặng đối với xuất khẩu[11].

Theo dự báo của Hội đồng Hội nghị Hoa Kỳ, GDP của Mỹ tăng 1,9% trong quý II/2022 và sẽ giảm nhẹ xuống còn 0,8% trong quý III/2022, tuy nhiên có thể rơi xuống mức tăng trưởng -0,3% trong quý IV/2022 và -0,4% trong quý I/2023, chủ yếu do sự sụt giảm chi tiêu cho tiêu dùng với tốc độ 0,5% trong cả hai quý cuối năm 2022 và đầu năm 2023, sụt giảm xuất khẩu và đầu tư dân dụng[12].

Trong bối cảnh các nền kinh tế khác như Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu đều đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và lạm phát, ngày 7/6/2022, Ngân hàng Thế giới đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ mức 4,1%, theo dự báo hồi tháng 1, xuống chỉ còn 2,9%[13]. Nếu kinh tế Mỹ suy thoái, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh, thậm chí rơi vào suy thoái. Nhà kinh tế học Kenneth Rogoff nhận định, nếu kinh tế Mỹ suy thoái, đặc biệt do tăng lãi suất, nhu cầu toàn cầu sẽ giảm nhanh chóng và gây ra những biến động đáng kể trên thị trường tài chính thế giới. Chính sách của Fed sẽ khiến đồng đô la mạnh lên và một số đồng tiền khác như đồng Euro sẽ yếu hơn so với đồng đô la, làm gia tăng áp lực lạm phát ở khu vực này, vì vậy, có thể dẫn đến cuộc đua lãi suất của các nước.

  1. Một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Theo báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6 năm 2022 của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì được đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp những bất ổn và biến động trên thế giới[14]. So với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tăng 10,4%; doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 22,6%. Điều này cho thấy tiêu dùng trong nước đang phục hồi mạnh. Lạm phát CPI tăng từ 2,6% lên 2,9% chủ yếu do giá xăng dầu tăng, khoảng 54,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lạm phát giá sản xuất tăng mức thấp nhất trong ba tháng vừa qua. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm mạnh xuống mức 0,33%. Xuất khẩu giảm 8,5% so với tháng trước, trong khi đó, nhập khẩu giảm 0,8%[15]. Vốn FDI đăng ký cũng giảm tháng thứ tư liên tiếp, trong khi vốn FDI giải ngân ghi nhận chuỗi 6 tháng tăng.

Trong bối cảnh bất ổn do cuộc chiến tranh kéo dài tại Ukraina, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao, và chuỗi cung ứng vẫn còn gián đoạn, việc nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ là một tín hiệc lạc quan. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát, thể hiện rõ nhất ở việc giá nhiên liệu tăng cao, là một vấn đề cần lưu ý vì nó có thể cản trở tăng trưởng kinh tế. Về ngắn hạn, cần có các biện pháp hỗ trợ các nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ giá xăng dầu tăng (như lái xe, các công ty vận chuyển, v.v...). Về dài hạn, Chính phủ cần hướng tới các biện pháp dài hạn để giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu.

 

 

 

 

[1] U.S. Bureau of Labor Statistics (2022). Employment Situation Summary, https://www.bls.gov/news.release/empsit.nr0.htm

[2] U.S. Bureau of Labor Statistics (2022). Employment Situation Summary, https://www.bls.gov/news.release/empsit.nr0.htm

[3] U.S. Bureau of Labor Statistics (2022). Consumer Price Index Summary https://www.bls.gov/news.release/cpi.nr0.htm

[4] Tim Smart (2022), Inflation Soars in May With Consumer Prices Up 8.6%,  US News, June 10, 2022.

[5] Wells Fargo (2022). U.S. Economic Outlook: June 2022, https://wellsfargo.bluematrix.com/links2/html/8a7912ba-7d6b-47e8-a2e2-ff269018d77d

[6] Raymond James (2022), Fed gets aggressive on inflation with 75 basis point rate hike, https://www.raymondjames.com/michelleprince/resources/2022/06/15/fed-gets-aggressive-on-inflation-with-75-basis-point-rate-hike

[7] Department of Energy (2022), President Biden Invokes Defense Production Act to Accelerate Domestic manufacturing of Clean Energy, June 6 2022.

[8] Raymond James (2022), Fed gets aggressive on inflation with 75 basis point rate hike, https://www.raymondjames.com/michelleprince/resources/2022/06/15/fed-gets-aggressive-on-inflation-with-75-basis-point-rate-hike

[9] Harry Robertson (2022), Well Fargo says the U.S. will fall into recession after the Fed delivers its biggest rate hike since 1994, https://www.businessinsider.in/stock-market/news/wells-fargo-says-the-us-will-fall-into-recession-after-the-fed-delivers-its-biggest-rate-hike-since-1994/articleshow/92253949.cms

[10] Financial Times (2022), U.S. set for recession next year, economists predict, https://www.ft.com/content/53fcbbf1-39e3-483c-a6f2-b0de432ed5a3

[11] United Nations (2022), World Economic Situation and Prospects: June 2022 Briefing, N0.161.

[12] The Conference Board (2022), The Conference Board Economic Forecast for the US Economy, June 21, 2022.

[13] The World Bank (2022), Stagflation Risk Rises Amid Sharp Slowdown in Growth, press release June 7, 2022.

[14] Ngân hàng Thế giới (2022). Cập nhật kinh tế vĩ mô 6/2022 https://documents1.worldbank.org/curated/en/099457106102240951/pdf/IDU0a5962ab10618e04b6d0bb710301861f98a6f.pdf

[15] Tổng cục Thống kê (2022). BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2022, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/05/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thang-5-va-5-thang-dau-nam-2022/


Đinh Thị Thuỳ Linh - Lê Thị Vân Nga

Viện NC Châu Mỹ


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn