Nỗ lực của toàn hệ thống chính trị triển khai thực hiện, công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã đạt được một số kết quả khả quan. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, đấu tranh chống lại các luận điểm sai trái, thù địch đã được thực hiện thường xuyên, liên tục ở các địa phương, cơ quan, ban ngành trên cả nước và đạt hiệu quả cao. Việc xử lý các tin giả, thông tin sai sự thật được đưa ra trên không gian mạng (Facebook, Zalo,..) đã được thực hiện kịp thời, ngăn chặn ý đồ của các thế lực chống phá và thù địch. Đồng thời, trong thời gian qua, nhiều tổ chức và cá nhân cũng đã đăng tải, chia sẻ và lan tỏa những thông tin tích cực, các thông tin chính thống với nội dung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong tình hình mới, bối cảnh mới.
Hiện nay, trong bối cảnh cách mạng 4.0, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự phổ biến của các mạng xã hội, một số thế lực chống phá đã không ít lần đưa ra các tin giả và thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Mạng xã hội là công cụ để kết nối thông tin giữa con người với con người, phục vụ đắc lực cho các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội, nhưng cũng là mảnh đất màu mỡ để lan truyền các tin giả và tin sai sự thật, tin chưa được kiểm chứng, gây mất ổn định chính tri và xã hội.
Từ năm 2020, đại dịch Covid-19 đã bùng phát trên thế giới và ở Việt Nam với những diễn biến phức tạp, gây tổn thất đáng kể đối với đời sống kinh tế và xã hội. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và đem lại cuộc sống bình thường trở lại cho đất nước trong bối cảnh mới cần phải có sự quyết tâm, sự đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân. Trong cuộc chiến đầy cam go này, những thông tin chính thống, tích cực và sự lan tỏa của những thông điệp đầy tính nhân văn đã trở thành những liều vắc xin hiệu quả góp phần củng cố sức mạnh đoàn kết, thúc đẩy nhân dân cả nước đồng lòng chia sẻ khó khăn và chung sức đẩy lùi dịch bệnh. Song, bên cạnh những thông tin tích cực, cũng có không ít các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước, có thể vì mục đích trục lợi hoặc chống phá Nhà nước, đã đăng tải những tin giả, thông tin sai sự thật liên quan đến đại dịch Covid-19. Những tin giả và thông tin sai sự thật này có thể được đưa ra một cách vô tình hoặc cố ý song có thể gây hoang mang dư luận và đem lại những hậu quả khó lường. Tin giả liên quan đến đại dịch Covid-19 có thể là những thông tin sai lệch về công tác phòng chống dịch bệnh, những tin tức chưa được kiểm chứng, thâm chí là những tin tức xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng về các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền trung ương và các địa phương. Trong thời gian gần đây, từ tháng 7 năm 2021 đến nay, khi đại dịch Covid-19 tái bùng phát ở Việt Nam, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, khi đông đảo lực lượng quân đội, công an và các y bác sĩ, các tình nguyên viên ở khắp mọi miền đất nước được huy động vào nam để tham gia công tác phòng chống dịch, hỗ trợ cho người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam trong thời gian giãn cách xã hội, thì có không ít đối tượng đã đưa thông tin sai sự thật và thậm chí kèm theo cả những luận điệu đả kích lên mạng xã hội. Chẳng hạn các thông tin chưa được kiểm chứng như “Quân đội thực hiện thiết quân luật tại thành phố Hồ Chí Minh” kèm theo những luận điểm chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, những bình luận gây chia rẽ tình đoàn kết ba miền Bắc –Trung-Nam. Các tin giả và thông tin sai sự thật này đã phần nào gây ra tâm lý hoang mang đối với người dân, dẫn đến sự mất lòng tin vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, khiến cho công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Trước sự lan tràn của tin giả và các thông tin sai sự thật trên không gian mạng, Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam. Ngày 12/1/2021, Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả đã chính thức khai trương. Trang thông tin điện tử tiếp nhận dưới hình thức trực tuyến những phản ánh về tin giả của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có địa chỉ tingia.gov.vn gồm các chuyên mục chính: Tiếp nhận thông tin phản ánh, Công bố tin giả, Thống kê tin giả và Tin tức. Với quy trình tiếp nhận và xử lý tin giả gồm 3 bước: Tiếp nhận, Thẩm định và Công bố, từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam đã gắn nhãn và công bố nhiều tin giả, tin sai sự thật từ các nguồn phản ánh khác nhau, góp phần lan tỏa sự thật, giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, Internet kết nối vạn vật, điện thoại thông minh và việc sử dụng mạng xã hội rộng rãi đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền tải thông tin với tốc độ nhanh chóng. Bên cạnh mặt tích cực là phục vụ cho các nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội, mạng xã hội cũng thể hiện những mặt trái mà trong đó rõ nét nhất là nạn đưa tin giả và thông tin sai sự thật, gây ra những hậu quả khó lường. Thông qua các thế lực phản động và các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, song song với việc sử dụng mạng xã hội để lan tỏa những điều tích cực, nhân văn, tuyên truyền và phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các tổ chức đảng và cá nhân cần tiếp cục tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái trên không gian mạng, hỗ trợ cho công tác phòng chống đại dịch Covid-19 của toàn Đảng, toàn dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội.