Trong những năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các lĩnh vực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ vững, bổ sung và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không ngừng củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong thời gian tới, được dự báo đứng trước những cơ hội, thách thức đan xen. Cụ thể như sau:
1. Về cơ hội
Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong thời kỳ quá độ được dự báo sẽ có nhiều cơ hội, thuận lợi như sau:
(1) Với nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn dắt cách mạng Việt Nam vững bước đi lên trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, mọi bước ngoặt lịch sử của đất nước. Đây là yếu tố mang tính quyết định để khẳng định rằng: con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục phát triển thuân lợi và thành công. Minh chứng rõ nhất cho nhận định này là trong đại dịch Covid-19 vừa qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh, người dân được chăm lo, hỗ trợ về y tế, được bảo vệ về tính mạng.
(2) Đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí được coi là một mũi nhọn trong công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng. Công tác này sẽ ngày càng được hoàn thiện về cơ chế, thể chế, chủ trương, đường lối, chính sách trong thời gian tới. Điều này, sẽ giúp cho Đảng ta dần loại ra khỏi tổ chức nhiều phần tử thoái hóa, biến chất, đi ngược lại với cương lĩnh của đảng, với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Yếu tố này sẽ giúp cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta thuận lợi hơn, nhất là khi Đảng ta vừa có sự điều chỉnh về Điều lệ đảng, những điều đảng viên không được làm.
(3) Vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế, nhất là sau khi Việt Nam là Chủ tịch luôn phiên của ASEAN và là Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đây là yếu tố quan trọng để giúp cho Đảng ta có thể hiện thực hóa 2 mục tiêu chiến lược là: trở thành nước có thu nhập trung bình khá vào năm 2030 và trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2045. Việc hiện thực hóa được các mục tiêu này cũng đồng nghĩa với việc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong thời kỳ quá độ sẽ vững vàng hơn.
(4)Trong thời gian qua, nhân dân Việt Nam đã phải hy sinh không biết bao nhiêu xương máu để ngọn cờ độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội mới được đơm hoa, kết trái như ngày hôm nay, trong đó, có sự hy sinh của 4 vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, 12 Ủy viên thường vụ, Ủy viên trung ương và hơn 5 triệu chiến sỹ đồng bào. Đây là lý do để khẳng định rằng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam trong thời gian tới, bất chấp một thực tế là sự nghiệp này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới.
2. Về thách thức
Bên cạnh những mặt thuận lợi, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong thời gian tới được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ đến từ bên trong và bên ngoài đó là:
(1) Sự tồn tại, phát triển và đi lên của một nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa sẽ phải đối mặt với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản cách mạng ở bên trong và bên ngoài. Đây được coi là thách thức lớn đối với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
(2) Công tác nghiên cứu, giáo dục chính trị về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn hạn chế nên dẫn tới tình trạng thiếu hiểu biết, nhận thức mơ hồ trong việc triển khai chính sách. Cụ thể là: sau khi Đảng ta phát động cuộc chiến chống tham nhũng đã xuất hiện tình trạng một số cán bộ đảng viên rơi vào xu hướng không làm gì và làm cho xong. Điều này, sẽ dẫn tới tình trạng thụ động, ỷ lại cấp trên, sợ trách nhiệm và làm ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
(3) Vấn đề Biển Đông được coi là trở ngại đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Bởi đây là chủ đề được các thế lực phản động, các phần tử bất mãn lợi dụng, công kích, chống phá Đảng, làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc, mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân để kêu gọi đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập ở nước ta. Đây được coi là thách thức tiềm ẩn đối với Việt Nam, nhất là khi các tổ chức phản động vẫn có sự hỗ trợ của các cường quốc bên ngoài nhằm hiện thực hiện hóa mục tiêu lâu dài là thay đổi chế độ ở Việt Nam.
(4) Bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ trẻ của Việt Nam hiện nay cũng được coi là nguy cơ, trở ngại đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới. Bởi nếu như trước đây, hầu hết cán bộ cấp cao đều được trưởng thành trong cách mạng giải phóng dân tộc và được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa, được trưởng thành trong các phong trào thi đua yêu nước thì nay hầu hết các cán bộ lãnh đạo trẻ đều không có cơ hội trải nghiệm trong môi trường đấu tranh cách mạng, lại được đào tạo, giáo dục từ nhiều luồng tư tưởng, môi trường, văn hóa khác nhau. Điều này, đã làm gia tăng sự khác biệt trong nhận thức đối với các thế hệ đi trước về xây dựng chủ nghĩa xã hội, lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh dẫn đến nguy cơ bị các thế lực bên ngoài lợi dụng thông qua các chiêu bài diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ. Bài học của các cán bộ cấp cao vừa qua chính là minh chứng cụ thể cho vấn đề này.
3. Một số kiến nghị
Đặt trong bối cảnh con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam trong thời gian tới được dự báo sẽ phải đối mặt với những cơ hội, thách thức đan xen. Để có thể tận dụng tối đa những lợi thế và hạn chế những nguy cơ, thách thức, xin nêu ra một số kiến nghị sau:
(1) Để củng cố hơn nữa nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ, Đảng ta cần tiếp tục kiên trì nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây được coi là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt mang tính nền tảng, định hướng tư tưởng giúp cho cách mạng Việt Nam và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam vững bước đi lên, bất chấp những khó khăn, thách thức.
(2) Tăng cường phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ nguồn lực, động lực, trước hết là nội lực để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với phát triển kinh tế tri thức. Bởi việc phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân trong thời đại kinh tế số, kinh tế công ghệ sẽ giúp cho Đảng ta trở lên vững mạnh hơn thông qua việc làm tăng tính chiến đấu của các tổ chức, các cấp ủy đảng. Đây là điều kiện quan trọng giúp cho sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vững chắn hơn, bất chấp nhưng mặt trái mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có thể gây ra với Việt Nam trên môi trường an ninh mạng.
(3) Phải kiên trì, kiên quyết, quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm, sân sau gia đình, tình trạng chia rẽ bè phái, cục bộ địa phương, bản vị, vùng miền trong đảng. Bởi nhìn từ sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu có thể nhận thấy rằng: chính sự chia rẽ, bè phái, cục bộ vùng miền, sự tha hóa quyền lực của những người đứng đầu và sự phát triển mạnh mẽ của các nhóm lợi ích, tư bản thân hữu là nguyên nhân chính dẫn tới sự mục rũa trong đảng và làm chuyển hóa đảng từ một đảng mác xít chân chính trở thành một câu lạc bộ, cuối cùng là chuyển hóa chế độ để chính quyền rơi vào tay các thế lực tư bản đế quốc và các phần tử cơ hội chính trị, vốn nhiều năm khoác trên mình vỏ bọc “đảng viên cộng sản”. Những kinh nghiệm từ Liên Xô và Đông Âu, cùng những kinh nghiệm về đấu tranh chống tham nhũng của Đảng trong Đại hội XII chính là lời răn đe, cảnh tỉnh về nguy cơ này. Điều này, cũng phù hợp với phát biểu của Tổng Bí Thư- Nguyễn Phú Trọng trong lễ tổng kết 7 năm thành lập ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng (10/12/2020) rằng: tham nhũng thông thường rất nguy hiểm nhưng tham nhũng quyền lực còn nguy hiểm hơn nhiều vì đây là bản chất của chủ nghĩa cá nhân và là mầm mống của mọi tội ác đối với đảng và dân tộc.
(4) Tăng cường vận dụng sáng tạo tư tưởng “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời gian tới. Bởi như Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: người cán bộ phải có đạo đức cách mạng. Phải thực hành tiết kiệm, phải cần kiệm-liêm chính, chí công-vô tư…Bởi mọi hư hỏng của cán bộ chung quy đều là do chủ nghĩa cá nhân. Do đó, muốn củng cố tốt, phát triển tốt con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thời gian tới không có cách nào khác, đảng phải đẩy mạnh chống tham nhũng hơn nữa để kiên quyết loại bỏ chủ nghĩa cá nhân ra khỏi đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược. Bởi như Cố lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã từng nói: “Mật ngọt chết ruồi, những kẻ không có nhiều thành tích mà nhanh chóng leo lên các vị trí lãnh đạo cấp cao chắc chắn sẽ bị sinh hư hỏng bởi viên đạn bọc đường của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa cá nhân”.
(5) Phải loại bỏ và ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn tham nhũng quyền lực trong xây dựng và chỉnh đốn đảng. Bởi như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Tham nhũng là khuyết tật của chế độ nhưng để xảy ra tham nhũng đó là do công tác quản lý cán bộ còn hạn chế dẫn tới tình trạng lạm dụng quyền lực[1]. Do đó, để ngăn chặn và đối phó có hiệu quả vấn nạn này, Đảng cần phải có chế tài, cơ chế để trừng trị và xử lý có hiệu quả vấn nạn này. Bởi hiện nay và trong thời gian tới, tham nhũng ở Việt Nam đang dần chuyển từ tham nhũng “vặt” sang “lợi ích nhóm” , một tập đoàn chi phối các cơ quan bộ, ngành theo từng lĩnh vực để tham nhũng. Đây là một vấn đề rất hệ trọng nên đảng cần phải đề ra các biện pháp, chính sách, cơ chế có hiệu quả. Nếu không nó sẽ trở thành nguy cơ hiện hữu đối với Đảng và dân tộc trong quá trình xây dựng và đi lên chủ nghĩa xã hội trong thời gian tới.
(6) Trong quá trình xây dựng đảng phải luôn quán triệt 4 mục tiêu chỉ đạo trong công tác phòng chống tham nhũng mà Đại hội XII đã đề ra đó là: xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền thực sự là đạo đức, là văn minh và là người đầy tớ thực sự trung thành của nhân dân; xây dựng nhà nước pháp quyền là nhà nước của dân, do dân và vì dân; đẩy nhanh việc cải cách hành chính quốc gia đồng bộ để phục vụ nhân dân chống kẽ hở để tham nhũng có cơ hội phát triển; tăng cường đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị trong đội ngũ đảng viên tại vị và về hưu. Để hiện thực hóa được mục tiêu này cần phải có đội ngũ đảng viên trung kiên, có lòng yêu nước, yêu chế độ, thấu hiểu bản chất của chủ nghĩa Mác-Lênin về mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân trong thời kỳ cách mạng mới. Bởi nếu đường lối đúng mà không có người thực hiện tốt thì sẽ đẩy cách mạng, đất nước đến khó khăn, thách thức như trong giai đoạn 2006-2016 vừa qua ở Việt Nam đã gặp phải.
(7) Tăng cường cùng cố mối quan hệ quốc tế với các đảng cộng sản, công nhân quốc tế, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là Cuba, Lào để tránh nguy cơ các nước này bị lôi kéo và gây bất lợi cho chủ quyền, độc lập dân tộc của Việt Nam, nhất là vấn đề chủ quyền Biển Đông.
(8) Trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội cần phải đẩy nhanh và hoàn thiện hơn nữa thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng củng cố vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp nhà nước. Bởi đây là những doanh nghiệp mang tính định hướng đảm bảo tính chất xã hội chủ nghĩa của nhà nước Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, cũng cần tạo thêm cơ chế, chính sách, thể chế cho các thành phần kinh tế tư nhân, FDI có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tạo động lực cho nền kinh tế quốc dân và nâng cao vị thế, sức mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cần phải gắn chặt với yếu tố phát triển bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, chú trọng nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người dân, coi người dân là trung tâm trong mọi chính sách. Có hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trên sẽ làm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ phát triển và tốt đẹp hơn.
(9) Trong thời gian tới, các hoạt động thi đua yêu nước cần phải tiến hành thực chất, cụ thể, thiết thực phải chú trọng tới vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, tới các cụm, nhóm, điển hình tiên tiến để biến các hoạt động thi đua yêu nước trở thành khối đại đoàn kết toàn dân, giúp cho đảng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội dựa trên nền tảng khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc. Bên cạnh đó, việc xây dựng, triển khai các hoạt động thi đua yêu nước cần tuyệt đối tránh rơi vào tình trạng lối mòn, tẻ nhạt, mang tính phong trào, thiếu minh bạch. Cần phải chú trọng tới các tấm gương như các anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, chiến sỹ thi đua, coi đây là tấm gương sáng để lan tỏa ra xung quanh theo phương châm: mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp” hay “….chiến sỹ thi đua là người tôi trung thành của nhân dân, người con có hiếu của dân tộc…” có thực hiện tốt, hiệu quả các hoạt động thi đua yêu nước mới có thể củng cố và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ.
Như vậy, trong thời gian tới, dù cách mạng Việt Nam được dự báo sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới đến từ bên trong và bên ngoài, nhưng với nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng bản lĩnh kinh nghiệm nhiều lần đưa cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách hiểm nghèo, “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta chắn chắn sẽ lại dẫn dắt cách mạng vững bước tiến lên trên con đường chủ nghĩa xã hội và hiện thực hóa được mong muốn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đâu có thuốc, già không lao động thì được nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần được xóa bỏ….tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”[2] và “điều mong ước cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn Dân, toàn quân ta đoàn kết phấn đấu để cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[3].
[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.211.
[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.604.
[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.547.