Cuộc biểu tình “Đoàn xe tự do” tại Canada

17/03/2022

Vào cuối tháng 1 vừa qua, các tài xế xe tải đã gây ra những vụ biểu tình ở khắp các thành phố của Canada, chiếm đóng các tuyến đường tại thủ đô Ottawa và còn chặn lại con đường thương mại quan trọng nhất tới Hoa Kỳ nhằm phản đối các hạn chế về Covid và quy định về vaccine của chính phủ.

1. Những nét chính về sự kiện “Đoàn xe tự do”:

Được áp dụng kể từ ngày 15/01, chính quyền Canada ban bố quy định rằng các tài xế xe tải và nhà cung cấp dịch vụ khác chỉ có thể thông quan nếu họ được tiêm phòng đầy đủ. Một tuần sau, Hoa Kỳ cũng yêu cầu các du khách không thường trú phải tiêm phòng. Theo Liên minh Vận tải Canada, ước tính có khoảng 120.000 lái xe tải Canada thường xuyên qua biên giới Hoa Kỳ để giao hàng và khoảng 10% trong số đó chưa được tiêm chủng. Điều này có nghĩa là bất kỳ người lái xe tải nào chưa được tiêm phòng sẽ phải tiến hành kiểm dịch khi họ trở về Canada, và có nguy cơ gây ra tình trạng thiếu tài xế, các vấn đề về chuỗi cung ứng và mất thu nhập đối với những người này.

Ngày 28/01, một nhóm tài xế xe tải đã tiến vào Ottawa, thủ đô của Canada, để phản đối quy định bắt buộc tiêm vaccine và đeo khẩu trang của Thủ tướng Justin Trudeau đối với những người lái xe tải đến nước này từ Hoa Kỳ. Nhưng các cuộc biểu tình đã nhanh chóng nổi lên thành một phong trào cực hữu rộng lớn hơn, khi một số người biểu tình vẫy cờ của Liên minh (Liên minh miền Nam Hoa Kỳ - một biểu tượng cho thời kỳ nô lệ da đen) và Đức Quốc xã. Các yêu cầu từ phía người biểu tình bao gồm việc chấm dứt tất cả các hạn chế của Covid-19 ở Canada và đòi Thủ tướng Justin Trudeau từ chức.

Những người đứng đầu chính của "Đoàn xe Tự do" bao gồm Tamara Lich, người trước đây từng là thư ký của đảng Maverick, một nhóm cực hữu được thành lập để thúc đẩy việc chia tách ba tỉnh phía tây Prairie của Canada; Maxime Bernier, người lãnh đạo Đảng Nhân dân cực hữu Canada; và James Bauder và Sandra Bauder, người lãnh đạo một nhóm tự xưng là Canada Unity. James Bauder được cho là người ủng hộ các thuyết âm mưu của QAnon (QAnon là các nhóm hoạt động trên không gian mạng, do những người bí ẩn tạo ra, chuyên phát tán về các thuyết âm mưu rằng một “tổ chức tội phạm” đã thâu tóm và lãnh đạo nước Mỹ) và đã kêu gọi đưa ông Trudeau ra xét xử vì tội phản quốc bởi các chính sách đại dịch của vị thủ tướng này. Những người tổ chức biểu tình đã quyên góp được khoảng 10 triệu CAD, tương đương 7,8 triệu USD, thông qua nền tảng GoFundMe cho các cuộc biểu tình của “Đoàn xe Tự do”.

Trong 23 ngày bắt đầu từ cuối tháng 1, trung tâm thành phố Ottawa đã trở thành “một bãi đậu xe” cho hàng trăm xe tải hạng nặng, xe bán tải và các loại xe khác. Một số phương tiện tham gia cuộc biểu tình ở Ottawa được trang trí bằng cờ Canada, cùng với các biển hiệu và khẩu hiệu yêu cầu khôi phục các quyền theo hiến pháp của đất nước — trong số đó gồm quyền từ chối tiêm vaccine Covid-19 — và đòi bãi bỏ các quy tắc về yêu cầu tiêm phòng để đi làm, đi du lịch hoặc ăn uống tại quán rượu địa phương. Hàng chục nghìn người đã tập trung gần quốc hội Canada vào ba tuần liên tiếp để bày tỏ sự ủng hộ với phong trào. Vào lúc cao điểm, con số người biểu tình có thể lên tới 8.000 người, thực sự đã gây ra những sự khủng bố tại Ottawa: phong tỏa đường phố, quấy rối công dân, buộc các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa và bấm còi cực lớn suốt đêm. Cảnh sát Ottawa đã không thể khôi phục trật tự, thậm chí phải thiết lập một đường dây nóng đặc biệt để đối phó với một lượng lớn người vi phạm pháp luật xuất phát từ các cuộc biểu tình. Thị trưởng Ottawa - ông Jim Watson cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp và chính phủ của ông Trudeau đã phải triển khai hàng trăm Cảnh sát Hoàng gia Canada đến các cuộc biểu tình. 

Khi tình hình ở Ottawa vẫn tiếp diễn, phong trào đoàn xe tự do thậm chí đã mở rộng ra khắp đất nước. Các chốt chặn được hình thành trên cầu Ambassador ở biên giới Canada với Detroit - hành lang thương mại quan trọng giữa Canada và Mỹ - cũng như các cửa khẩu biên giới khác gần Montana, Bắc Dakota và Minnesota. Các cuộc biểu tình tiếp tục leo thang vào cuối tuần đó sau khi thủ hiến của Ontario tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào hôm 11/2 và một thẩm phán đã ra lệnh chấm dứt việc phong tỏa Cầu Ambassador, nối liền Michigan và Ontario. Cảnh sát đã bắt giữ nhiều người biểu tình còn lại vào cuối tuần và nhà chức trách Canada đã có thể mở lại cầu Ambassador vào ngày 13/2. Một ngày sau khi cầu Ambassador mở cửa trở lại, ông Trudeau đã phải viện dẫn Đạo luật về các trường hợp khẩn cấp để tạm thời cho phép chính phủ liên bang cấm tổ chức hội họp công cộng ở một số địa điểm nhất định và đóng băng tài khoản ngân hàng của những người biểu tình đe dọa an ninh quốc gia.

Thủ tướng Trudeau ngay từ đầu đã bỏ qua và cho rằng những người lái xe tải là “thiểu số ngoài lề” của những người không phù hợp với quan điểm của Canada, nhưng chính phủ đã phải vật lộn để kiềm chế những người biểu tình trong vài tuần liên tiếp. Trong các cuộc biểu tình, cảnh sát đã phải tiến hành hàng loạt vụ bắt giữ và các cuộc đụng độ ngày càng trầm trọng hơn giữa lực lượng thực thi pháp luật và những người biểu tình, những người sau đó đã tăng về số lượng, không chỉ bao gồm các tài xế xe tải Canada mà còn cả các thành viên của công chúng và thậm chí cả những người Mỹ đã đến nước này chỉ để tham gia cuộc biểu tình. Cuộc chiếm đóng kéo dài ba tuần bắt nguồn từ sự phản đối với các biện pháp đề phòng Covid và chính quyền Trudeau đã kết thúc với 76 phương tiện bị kéo đi và 191 vụ bắt giữ. Các nhà chức trách cũng cho biết 206 ngân hàng tài khoản đã được phong tỏa theo quyền hạn của đạo luật tình trạng khẩn cấp liên bang.

 

2. Tác động của sự kiện:

Theo Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland, các cuộc phong tỏa đã gây ra thiệt hại kinh tế lớn cho đất nước, mức thiệt hại vào khoảng 500 triệu USD mỗi ngày cho việc thương mại bị tổn thất. Chi phí kiểm soát hàng ngày ở thủ đô Ottawa đã tăng lên 800.000 USD; và thị trưởng thành phố Jim Watson đã phải yêu cầu bổ sung thêm lực lượng cảnh sát và các dịch vụ thành phố, điều này có thể đẩy chi phí hàng ngày lên đến 2,5 triệu USD. 

Những cuộc biểu tình này - đặc biệt là các cuộc phong tỏa - có ảnh hưởng hữu hình, ngay cả đối với những người Mỹ không sống gần biên giới. Ngoài hàng trăm triệu đô la thương mại bị mất mỗi ngày do các cửa khẩu biên giới bị đóng cửa, sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể khiến nhiều loại hàng hóa ở Mỹ trở nên đắt đỏ hơn trong những tháng tới. Các cuộc phong tỏa đã gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể cho cả Hoa Kỳ và Canada, làm suy yếu chuỗi cung ứng vốn đã bị tổn thương bởi đại dịch. Chẳng hạn, giao thông trên cầu Ambassador chiếm 1/4 tổng thương mại xuyên biên giới giữa Mỹ và Canada - với 360 triệu USD giao dịch mỗi ngày. Một phần lớn hoạt động thương mại đó gắn liền với lĩnh vực ô tô, vì các nhà sản xuất Canada sản xuất các bộ phận thiết yếu để sản xuất xe. Các hãng ô tô lớn như Ford, General Motors và Toyota đều thông báo phải đóng cửa hoặc trì hoãn việc sản xuất xe vào thời điểm đó do các lệnh phong tỏa. Việc trì hoãn như vậy có thể làm trầm trọng thêm lạm phát đối với giá ô tô mới, vốn đã tăng 12,2% chỉ trong năm ngoái. Sự chậm trễ đáng kể trong việc vận chuyển các bộ phận có thể gây ra sự đóng cửa cho các nhà máy vốn hoạt động liên tục. 

Ngoài ra còn có các cuộc biểu tình khác ở biên giới, bao gồm cả ở Coutts, Alberta, là một con đường chính để buôn bán gia súc, nhưng việc đóng cửa cầu Ambassador là hậu quả lớn nhất. Giá các mặt hàng nhập khẩu lớn khác của Hoa Kỳ từ Canada như thực phẩm ăn nhẹ, thịt đỏ, dầu thực vật, trái cây chế biến và rau tươi cũng có thể bị ảnh hưởng.

Các cuộc biểu tình của “Đoàn xe tự do” cũng làm dấy lên lo ngại rằng chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn hơn nữa do các cuộc biểu tình tương tự ở các thành phố lớn của Hoa Kỳ. Việc đưa tin trên phương tiện truyền thông cánh hữu của Mỹ và các cuộc biểu tình lấy cảm hứng từ Đoàn xe Tự do ở Úc, New Zealand và những nơi khác cho thấy Canada đã trở thành một hình mẫu cho phe cánh hữu ủng hộ Donald Trump trên trường quốc tế, và các đoàn xe được coi là một hoạt động chiến thuật hiệu quả để gây sức ép với các chính phủ. Các cuộc biểu tình về việc bắt buộc tiêm vaccine ở Hoa Kỳ chắc chắn đã có tồn tại gần đây, như ở New York và Los Angeles. Nhưng không thể khẳng định liệu có cuộc biểu tình lớn hơn, lan rộng hơn nào sẽ xảy ra nữa hay không bởi vì các quy định về vaccine có xu hướng nghiêm ngặt hơn ở Canada so với ở Mỹ. Ở Mỹ, các trường hợp Covid mới hàng ngày hiện cũng đang giảm mạnh trên hầu hết các bang khiến chính quyền nhiều bang đã nới lỏng quy định trong những tuần gần đây - vậy nên khả năng các cuộc biểu tình lớn hơn khó có thể xảy ra.

Các cuộc biểu tình tại Canada đã gây ra các cuộc biểu tình tiếp bước “Đoàn xe Tự do” ở Pháp, Úc và New Zealand. Những người biểu tình của “Đoàn xe Tự do” đã chặn giao thông ở Paris vào đầu tháng 2, họ lái nhiều loại phương tiện - bao gồm máy kéo, ô tô và xe cắm trại, để phản đối lệnh COVID-19 của nước này. Sau đó, khoảng 400 đến 500 phương tiện, trong đó có nhiều phương tiện đến từ Pháp, đã đến Brussels để phản đối các hạn chế về đại dịch. Cảnh sát ở New Zealand cũng đã phải cố gắng giải tán những người biểu tình bằng cách tung ra các bài hát nổi tiếng của các danh ca. Một mạng lưới các câu lạc bộ đêm trên khắp Amsterdam vẫn mở cửa để phản đối việc đóng cửa các địa điểm ở Hà Lan. 

Sự kiện “Đoàn xe Tự do” bắt đầu bởi một nhóm các tài xế xe tải Canada phản đối các quy định về vaccine xuyên biên giới, và sau đó đã trở thành một tiếng kêu gọi tập hợp cho những bất bình cực hữu ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu. Nhiều cuộc biểu tình được dự đoán sẽ tiếp nối, khi những người bảo thủ ở cả Mỹ và châu Âu đều ủng hộ đối với phong trào này. Thế giới đã chứng kiến ​​những người biểu tình Canada đã thành công như thế nào trong việc đưa "thành phố thủ đô của một nền dân chủ tiên tiến ngừng hoạt động", và sau đó lần đầu tiên chính phủ nước này phải viện dẫn đến Đạo luật tình trạng khẩn cấp của liên bang để giải quyết các cuộc biểu tình.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Kayla Tarnowski, David Morgan and Chris Helgren (2022), U.S.-Canada bridge reopens after police clear protesters, https://www.reuters.com/world/americas/canada-protesters-police-deadlocked-tensions-simmer-blocked-border-bridge-2022-02-13/

2. Mike Winters (2022), The ‘Freedom Convoy’ trucker protests have worsened supply chain issues — here’s what you need to know, https://www.cnbc.com/2022/02/17/freedom-convoy-trucker-protests-worsened-us-supply-chain-issues.html

3. Myah Ward (2022), What's happening with the Canadian trucker convoy? Here's what you need to know, https://www.politico.com/news/2022/02/14/canadian-truckers-block-bridge-strike-protests-00008620

4. Yvonne Lau (2022), Canada’s ‘Freedom Convoy’ has shut down Ottawa and is blocking $500 million daily in cross-border trade. Here’s where things stand, https://fortune.com/2022/02/16/canada-freedom-convoy-protests-whats-happening/

5. Zack Beauchamp (2022), The Canadian trucker convoy is an unpopular uprising, https://www.vox.com/policy-and-politics/22926134/canada-trucker-freedom-convoy-protest-ottawa


Nguyễn Vũ Ngọc Huyền

Viện NC Châu Mỹ


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn