Tại Hội nghị Trung ương 10, Khóa XII, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, "Nói Đại hội XIII không phải chỉ đến 2026 mà phải có tầm nhìn chiến lược hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Vậy chúng ta định hướng, hình dung nước ta đến năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045 sẽ như thế nào"[1]. Cũng theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, “đây là việc vô cùng khó, không dễ”, đòi hỏi phải có tổng kết kỹ lưỡng và các dự báo, tầm nhìn trung và dài hạn phải thực sự nhạy bén, khoa học mới có thể đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ. Thực tế, các kỳ đại hội trước thường chỉ đặt mục tiêu tầm trung là 5 năm mà dự báo nhiều khi còn chệch, mục tiêu phát triển không đạt.
“Tầm nhìn”: năng lực phân tích – tổng hợp, đánh giá và dự báo tình hình của đất nước tới một thời điểm trong tương lai là một trong những yêu cầu hàng đầu đối với một người lãnh đạo, một Đảng chính trị, nhất là Đảng cầm quyền. Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, thành công của Đảng trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam gắn liền với khả năng xác định tầm nhìn và hiện thực hóa tầm nhìn vào mỗi mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng ở từng thời kỳ cụ thể. Tầm nhìn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời kỳ sau đó, trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc thần kỳ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược đã không bị động, bất ngờ, mà có sự chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ để giành được những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954), đại thắng mùa Xuân (1975), giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Từ sau Đổi mới (1986), Đảng ta đã hơn một lần đặt ra yêu cầu xác định tầm nhìn phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII của Đảng thông qua năm 1991 và nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã đưa ra tầm nhìn: “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[2]. Không chỉ có tầm nhìn về phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI, Cương lĩnh của Đảng còn thể hiện tầm nhìn về phát triển đất nước xa hơn, tới khi kết thúc thời kỳ quá độ lên CNXH. Cương lĩnh xác định: “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Cũng phải nói rằng, qua các Đại hội VIII, IX, X và XI, Đảng đều ra mục tiêu “tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[3]. Tuy nhiên, trên cơ sở thực tiễn, Đại hội XII của Đảng tổ chức vào đầu năm 2016, dự báo đến năm 2020 chưa thể thực hiện được mục tiêu tạo nền tảng để Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đã điều chỉnh lại mục tiêu là: “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[4].
Có thể nói, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có một ý nghĩa đặc biệt, không những tổng kết 5 năm của nhiệm kỳ đại hội XII mà còn đánh giá lại 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, nhìn lại quá trình 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991. Hơn thế nữa, Đại hội còn nhằm định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Dự tháo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng dành hẳn một mục (Mục II) để đề cập đến tầm nhìn và định hướng phát triển của đất nước đến giữa thế kỷ XXI. Sau khi phân tích kỹ lưỡng tình hình trong nước và thế giới những năm tới, dự thảo báo cáo nhận định “Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi toàn Đảng phải nâng cao quyết tâm chính trị, dự báo chính xác tình hình, chủ động thích ứng với mọi tình huống, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được”[5].
Trên cơ sở đó, dự thảo đề ra mục tiêu tổng quát: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển, sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước; chú trọng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình ổn định - phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Về mục tiêu cụ thể, dự thảo đề ra hai phương án. Phương án 1 xác định: đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Phương án 2 có thay đổi một chút trong từ ngữ thể hiện: đến năm 2025, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao. Như vậy, phương án 2 sử dụng các thuật ngữ “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” và “nước công nghiệp hiện đại” để đồng bộ với Cương lĩnh 2011. Trong khi đó, phương án 1 sử dụng cách phân loại “nước đang phát triển” và “nước phát triển” theo thông lệ của Liên hợp quốc. Về cơ bản, hai phương án này là tương đương nhau. Mặc dù không có một quy định chính thức, nhưng thuật ngữ “nước phát triển” và “nước công nghiệp hiện đại” (nước đã công nghiệp hóa) được sử dụng thay thế nhau ở các văn bản của các tổ chức quốc tế.
Có thể nói, các nội dung định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thể hiện khát vọng phát triển, thể hiện trách nhiệm của Đảng, toàn dân cũng như của mỗi cán bộ đảng viên nhằm đạt được một mốc son nữa trong công cuộc xây dựng xã hội Xã hội chủ nghĩa “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[6].
Tài liệu tham khảo
[1] Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị TƯ 10, khóa XII, ngày 16/05/2019
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb CTQG, H, 2005
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H, 2016
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các văn kiện trình đại hội XIII của Đảng
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011