Mở đầu
Hiệp hội địa chất Mỹ khẳng định, đất hiếm được xếp vào hạng cực kỳ quan trọng cho ngành công nghệ cao bao gồm cả ngành sản xuất vũ khí. Đối với công nghệ truyền thống, đất hiếm được dùng làm chất xúc tác và để chế tạo nam châm vĩnh cửu sử dụng cho các máy phát điện, ứng dụng đất hiếm để tạo ra hình ảnh trên màn hình, chất xúc tác trong công nghệ lọc hóa dầu và xử lý môi trường, vật liếu siêu dẫn, dùng để chế tạo pin, hỗ trợ tạo chế phẩm phân bón vi lượng tăng năng suất, chống chịu sâu bệnh cây trồng, làm vật liệu cho chế tạo các đèn cathode trong các máy vô tuyến truyền hình, linh kiện trong điện thoại di động, pin mặt trời, công nghệ lazer, chế tạo cảm biến cho hệ thống tên lửa, rada, xe tăng, ứng dụng trong công nghiệp hạt nhân… Các công nghệ quân sự quan trọng của Mỹ cần tới đất hiếm có thể kể đến như: để sản xuất xe tăng M1A2 Abrams và rada Aegis-Spy-1, tên lửa Hell Fire… và hàng loạt các thiết bị trong các vệ tinh, hệ thống điện tử, thiết bị nhìn đêm, thiết bị dẫn đường chính xác, hệ thống dẫn đường tên lửa, hệ thống laser phát hiện mục tiêu đều cần đến đất hiếm. Những ứng dụng của REE càng khẳng định vai trò quan trọng của ứng dụng đất hiếm cho phát triển các ngành công nghệ cao trên thế giới. Ngoài ra, bối cảnh mới hiện nay cũng có ảnh hưởng tới phát triển công nghệ cũng như đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ về khai thác và chế biến đất hiếm ở Việt Nam.
1. Bối cảnh hiện nay
1.1. Vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ
Trong một thời gian dài, chính phủ Mỹ cáo buộc rằng Trung Quốc sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để sở hữu công nghệ cao từ doanh nghiệp Mỹ như yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc trong liên doanh; Thông qua mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp Mỹ để sở hữu công nghệ cao từ các công ty của Mỹ; Nhập khẩu công nghệ... cùng với đó là Mỹ cáo buộc về tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc. Phía Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc không thực hiện các cam kết giữa các bên ví dụ như các cam kết khi gia nhập WTO năm 2001 đã không được Trung Quốc thực thi.
Ngoài ra, vấn nạn làm giả nhãn hiệu vẫn tiếp diễn suốt thời gian dài ở Trung Quốc. Hàng giả, bao gồm chất bán dẫn và các thiết bị điện tử khác, hóa chất, thuốc, phụ tùng ô tô và máy bay, thực phẩm và đồ uống, sản phẩm tiêu dùng gia dụng, sản phẩm chăm sóc cá nhân, quần áo và giày dép, đồ chơi và đồ thể thao, được cung cấp từ Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO) công bố vào tháng 6 năm 2021, có tiêu đề Thương mại toàn cầu hàng giả: Mối đe dọa đáng lo ngại, buôn bán hàng giả và hàng nhái trên toàn cầu đạt 464 tỷ USD. Vào năm 2019, chiếm 2,5% thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm đó. Trung Quốc tiếp tục là nền kinh tế có nguồn gốc hàng giả và hàng nhái lớn nhất, chiếm (cùng với Hồng Kông) với hơn 85% số vụ bắt giữ hàng giả trên toàn cầu từ năm 2017 đến 2019 (OECD, 2021).
Năm 2021, Mỹ và Trung Quốc đã ký Hiệp định Kinh tế và Thương mại Mỹ-Trung Quốc (giai đoạn 1) trong đó có các cam kết giải quyết nhiều mối quan ngại lâu nay trong các lĩnh vực bí mật thương mại, bằng sáng chế, IP liên quan đến dược phẩm, nhãn hiệu, bản quyền, chỉ dẫn địa lý (GI) và chuyển giao công nghệ. Mỹ đã và đang theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện các cam kết của Trung Quốc. Trước đó vào năm 2018, đại diện thương mại Mỹ (USTR) cũng cáo buộc Trung Quốc đã thực hiện một loạt các hành vi, chính sách và thực tiễn không công bằng và có hại liên quan đến chuyển giao công nghệ, IP và đổi mới. Chúng bao gồm đầu tư và các yêu cầu quy định khác đòi hỏi hoặc áp lực chuyển giao công nghệ, các hạn chế đáng kể đối với các điều khoản cấp phép công nghệ, chỉ đạo hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua lại các công ty nước ngoài và tài sản của các công ty trong nước để có được công nghệ tiên tiến và tiến hành và hỗ trợ các hành vi xâm nhập trái phép vào và trộm cắp từ mạng máy tính của các công ty Mỹ để có được quyền truy cập trái phép vào IP. Trung Quốc tiếp tục là nguồn hàng giả và hàng nhái hàng đầu thế giới đặc biệt là thực phẩm và mỹ phẩm xuất khẩu. Trung Quốc và Hồng Kông là những nhà xuất khẩu thực phẩm và mỹ phẩm giả lớn nhất, chiếm khoảng 60% số vụ hải quan thu giữ thực phẩm giả và 83% số vụ thu giữ mỹ phẩm giả (OECS, 2022). Việc không ngăn chặn được việc sản xuất, bán trong nước và xuất khẩu hàng giả tràn lan không chỉ ảnh hưởng đến chủ thể quyền mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng. Việc sản xuất, phân phối và bán thuốc giả, phân bón, thuốc trừ sâu và các thành phần dược phẩm không được quản lý vẫn phổ biến ở Trung Quốc. Các vi phạm quyền SHTT vẫn lan tràn trên thị trường thương mại điện tử ở Trung Quốc (USTR, 2022).
1.2. Cạnh tranh công nghệ cao Mỹ - Trung Quốc
Các biện pháp mà chính phủ Mỹ đang thực hiện như lệnh cấm mua bán, hạn chế khả năng tiếp cận chip… đối với Trung Quốc được cho rằng sẽ khiến cho nền kinh tế của Trung Quốc sụp đổ nhưng chính thị trường Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại hàng trăm tỷ USD. Đó là chưa kể các biện pháp này có hiệu quả hay không, thậm chí một số ý kiến còn cho rằng đây còn là động lực giúp cho khoa học - công nghệ Trung Quốc bứt phá. Nhưng khả năng bứt phá về công nghệ của Trung Quốc được đánh giá là không quá cao.
Năm 2014, Trung Quốc đã thành lập Quỹ quốc gia nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ, Đài Loan và Hàn Quốc với tổng đầu tư ít nhất là 342,8 tỷ USD. Quỹ Quốc gia đã sử dụng khoảng 2 nghìn tỷ nhân dân tệ để tài trợ cho 142.900 công ty bán dẫn ở các địa phương nhằm đẩy nhanh quá trình tự chủ về công nghệ sản xuất chip. Từ năm 2019, rất nhiều nhà máy có quy mô hàng trăm tỷ nhân dân tệ đã tuyên bố thất bại. Rất nhiều các nhân tài về chip của Đài Loan đã rời khỏi các công ty chip của Trung Quốc để về nước. Trung Quốc cũng xây dựng chương trình Made in China 2025, với khoản đầu tư lên tới 1.400 tỷ USD nhằm tạo động lực phát triển cho các ngành công nghệ để phát triển chất bán dẫn cũng như các ngành công nghệ trọng yếu với tham vọng trở thành quốc gia công nghệ hàng đầu thế giới. Đến nay, chỉ có SMIC gần đây đã tuyên bố đạt được tiến trình sản xuất chip 7 nanomet nhưng các chip này được đánh giá là có hiệu suất thấp và không có khả năng cạnh tranh với các con chip khác trên thế giới có cùng tiến trình sản xuất 7 nanomet (Thu Thuỷ, 2022).
Nhìn chung, các kế hoạch cho công cuộc sản xuất chip của Trung Quốc đến nay bị đánh giá là thất bại. Tuy nhiên, dù bị đánh giá là thất bại nhưng Trung Quốc vẫn đạt được những thành công nhất định trong phát triển khoa học và công nghệ. Đặc biệt, khác thác và chế biến đất hiếm ở Trung Quốc được đánh giá là đứng đầu thế giới hiện nay.
1.3. Liên minh công nghệ cao
Mỹ thực hiện chiến lược kiểm soát công nghệ thông qua việc thiết lập liên minh công nghệ với Liên minh Châu Âu (EU) gọi tắt là TTC vào năm 2021 nhằm dẫn dắt việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy phạm kỹ thuật quốc tế, tránh để Trung Quốc và Nga định ra các quy tắc cạnh tranh cho kỷ nguyên số, chiến lược này cũng đảm bảo an ninh cho các chuỗi cung ứng quan trọng ở Mỹ. Ngoài ra, chiến lược còn đảm bảo địa vị dẫn đầu của Mỹ và các đồng minh trong lĩnh vực công nghệ mới nổi. Tháng 3 năm 2022, Mỹ cũng kêu gọi thành lập liên minh công nghệ chip bán dẫn (Chip 4 hay còn gọi là Fab 4) Mỹ - Châu Á gồm: Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc cùng với Mỹ tham gia liên minh này. Nhật Bản và Đài Loan đã hưởng ứng. Liên minh này đang chờ câu trả lời từ phía Hàn Quốc để có thể chính thức thành lập. Nếu liên minh này được hình thành thì tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực chất bán dẫn vào năm 2030 của Trung Quốc gần như là không khả thi. Bởi hiện tại, các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc đang phụ thuộc vào các con chip tới từ TSMC (Đài Loan). Trong khi đó, các vi mạch không liên quan tới bộ nhớ Trung Quốc đã có thể tự chủ nhưng với các vi mạch có liên quan tới bộ nhớ thì vai trò của các tập đoàn của Hàn Quốc là không thể thay thế. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đang là đối tác lớn nhất của Hàn Quốc trong xuất khẩu chất bán dẫn. Đó là nguyên nhân khiến Hàn Quốc vẫn chưa trả lời chính thức về việc tham gia liên minh. Tuy nhiên, về cơ bản đây là liên minh có lợi cho Hàn Quốc cả về kinh tế lẫn an ninh quốc gia nếu Hàn Quốc đồng ý gia nhập.
1.4. Mỹ thực hiện giảm mức độ phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc
Các ngành công nghệ cao ở Mỹ phát triển mạnh trong thời gian qua (đặc biệt là ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử) phải kể đến vai trò quan trọng của nguyên tố đất hiếm. Nhu cầu về các thiết bị điện tử càng lớn thì vai trò của nguyên tố đất hiếm càng quan trọng hơn.
Ngày nay, khai thác, phân tách và làm giàu đất hiếm chủ yếu là ở Trung Quốc. Cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc khiến cho các nhà sản xuất điện tử lo ngại về sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào là nguyên tố đất hiếm. Có thời điểm, nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc chiếm trên 95% nguồn cung ứng đất hiếm toàn cầu nhưng trong vài năm trở lại đây tỷ lệ này đang có xu hướng giảm xuống.
Nguồn: U.S. Geological Survey, “Rare Earths,” 2000 - 2020.
Như vậy, trong suốt khoảng thời gian từ năm 2000, thế giới phụ thuộc nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Điều này càng khẳng định nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng đất hiếm trên toàn cầu rất dễ xảy ra. Trong vài năm gần đây, mặc dù lượng cung đất hiếm của Trung Quốc vẫn cao nhưng nguồn cung từ các nước khác cũng đang tăng lên. Nguồn cung đất hiếm hiện nay đã giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng vẫn ở mức độ khá cao 59%. Do đó, Mỹ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho khai thác đất hiếm ở California nhằm giảm sự phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc. Một điều chắc chắn rằng, Mỹ sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác cung ứng đất hiếm không phải là Trung Quốc.
1.5. Ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine
Đại dịch Covid - 19 diễn ra khiến các nền kinh tế đều gặp khó khăn, chính phủ các nước đều thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và tài chính để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động tàn phá của đại dịch. Khi tình hình dịch bệnh có sự cải thiện, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng trở lại, nhưng tình trạng nguồn cung bị tắc nghẽn dài ngày đã khiến cho tình trạng lạm phát gia tăng. Để kiềm chế lạm phát, các nền kinh tế buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại, cũng bằng chính sách này các nước mong muốn nó có tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, giá dầu tăng cao khiến cho chi phí cũng bị tăng lên có tác động không tốt cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong lúc, thế giới kỳ vọng vào một giai đoạn phục hồi sau đại dịch thì cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Nga là quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, dầu mỏ lớn thứ hai thế giới và than đá thứ ba thế giới. Cuộc xung đột này, kéo theo nguồn cung năng lượng từ Nga bị ảnh hưởng. Cuộc xung đột còn khiến cho các nước như Mỹ và Liên minh Châu Âu đưa ra hàng loạt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Và ở chiều ngược lại, Nga cũng tiến hành trả đũa bằng việc hạn chế nguồn cung năng lượng dẫn tới giá năng lượng toàn cầu tăng cao.
Cuộc xung đột còn dẫn tới việc đẩy giá nông sản tăng cao do Nga và Ukraine chiếm khoảng 25% lượng lúa mỳ thế giới, 15% ngô xuất khẩu và gần như toàn bộ dầu hướng dương xuất khẩu.
Đối với ngành công nghệ cao, Nga là nước sản xuất Nikel đứng thứ 3 thế giới và là nước xuất khẩu niken hàng đầu toàn cầu (chiếm khoảng 28,2% năm 2019) (Lan Hương, 2022). Các mặt hàng Mỹ nhập từ Nga như Uranium (nhập 50%), đồng, palladium… Trong khi đó, Ukraine là quốc gia cung cấp đáng kể khí hiếm hay còn gọi là khí quý cho lĩnh vực bán dẫn, bao gồm neon, argon, krypton và xenon. Ví dụ, Ukraine chiếm gần 70% công suất khí neon trên thế giới (Bảo Nam, 2022). Tất nhiên, thế giới vẫn còn các nguồn cung khác về khí quý nhưng nó sẽ khiến chi phí sản xuất tăng cao. Cuộc xung đột cũng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chip như việc các nước áp dụng lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu chất bán dẫn và các sản phẩm đa năng khác sang Nga sẽ khiến cho tốc độ phát triển ngành bị hạn chế hơn.
Nhưng trên khía cạnh khác, Mỹ và một số nước châu Âu đang viện trợ vũ khí và khí tài cho quân đội Ukraine nhằm đối kháng với sức mạnh quân sự của Nga. Việc viện trợ này giúp cho kho vũ khí của Mỹ giảm xuống và trở thành động lực cho ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ hoạt động mạnh mẽ hơn như nghiên cứu, sản xuất vũ khí mới và hiện đại hơn. Vô hình chung, cuộc xung đột này giúp cho ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ phát triển nhanh hơn. Theo đó, nhu cầu về nguồn cung đất hiếm của Mỹ cũng sẽ tăng đối với các nguyên tố đất hiếm phục vụ cho ngành công nghiệp quốc phòng.
1.6. Quan hệ Việt Nam - Mỹ hiện nay
Sau 10 năm với “Quan hệ đối tác toàn diện” thì ngày 10-11/9/2023, Tổng thống Joe Biden đến thăm Việt Nam và nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Tuyên bố chung cũng cho thấy, hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, đây được cho là đột phá mới trong quan hệ giữa hai nước.
Bước đột phá này cho thấy, phía Mỹ đang ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu đặc biệt là trong chuỗi cung ứng bán dẫn. Trữ lượng đất hiếm của Việt Nam được đánh giá là đứng thứ 2 thế giới nhưng chưa được khai thác do Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ phân tách đất hiếm. Việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước cùng các mong muốn của Mỹ như đã nêu ở trên sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với Mỹ trong khai thác và chế biến đất hiếm đúng với tiềm năng của mình.
Ngoài ra, việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước cũng kéo theo việc thu hút các doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam tìm hiểu và đầu tư kinh doanh. Với việc chính phủ Mỹ ghi nhận tiềm năng trong chuỗi cung ứng nêu trên, đây sẽ là cơ hội trực tiếp để phía Việt Nam hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ trong việc khai thác cũng như chuyển giao công nghệ phân tách đất hiếm cho phía Việt Nam.
2. Tiềm năng cung ứng đất hiếm của Việt Nam
2.1. Nguồn cung ứng đất hiếm toàn cầu hiện nay
Về trữ lượng đất hiếm, theo ước tính, toàn thế giới có khoảng 120 triệu tấn, trong đó, riêng Trung Quốc được cho là đang sở hữu 44 triệu tấn, Việt Nam đứng thứ 2 với 22 triệu tấn, Brazil có khoảng 21 triệu tấn, Nga có khoảng 12 triệu tấn, Ấn Độ có khoảng 6,9 triệu tấn, Úc có khoảng 4,1 triệu tấn, Mỹ và Greenland cùng đứng thứ 6 khi có khoảng 1,5 triệu tấn (U.S. Geological Survey, 2022). Nhóm các nước trong hình 1 ước tính đang nắm giữ khoảng 95,6% tổng trữ lượng REE toàn cầu.
Nguồn: U.S. Geological Survey, 2022
Nhu cầu REE hàng năm của thế giới vào khoảng 125 nghìn tấn, nếu nhu cầu hằng năm tăng 5% thì nguồn tài nguyên này sẽ chỉ cạn kiệt sau gần 1000 năm nữa (Phùng Anh Tiến , 2010).
Ngày nay, khai thác, phân tách và làm giàu đất hiếm chủ yếu là ở Trung Quốc. Về mặt lịch sử, sự phát triển của ngành công nghiệp đất hiếm có thể được chia thành ba giai đoạn.
(i) Giai đoạn 1900-1940, khi Ấn Độ và Brazil cung cấp phần lớn nguyên liệu đất hiếm cho thế giới đặc biệt là cung cấp cho Mỹ và các nước Châu Âu. Sau thế chiến thứ hai, cả Ấn Độ và Brazil đã hạn chế việc xuất khẩu đất hiếm buộc Mỹ và các nước Châu Âu phải tìm thêm nguồn cung đất hiếm khác (Julie Michelle Klinger, 2015);
(ii) Giai đoạn 1940 - 2000, khi Mỹ trở thành nhà cung cấp REE lớn nhất toàn cầu (chủ yếu từ mỏ Mountain Pass ở California) (Cindy Hurts, 3/2010), trong khi đó các mỏ đất hiếm khác trên thế giới chủ yếu cung cấp trong nước (Russell Parman, 2019). Tuy nhiên, đến những năm 1980, cơ sở phân tách đất hiếm của Mỹ bị phát hiện rò rỉ nước thải độc hại và các sự cố xảy ra liên tiếp đã khiến cho hoạt động khai thác và phân tách đất hiếm ở Mỹ bị ngừng hoạt động năm 2002 (Jeffery A. Green, 2019);
Nguồn: U.S. Geological Survey, “Rare Earths,” 2000-2021
Sau khi mỏ đất hiếm tại Mountain Pass đóng cửa năm 2002 thì cũng là lúc Mỹ trở thành nước phụ thuộc nhập khẩu đất hiếm từ bên ngoài (khoảng 90%) chủ yếu đến từ Trung Quốc. Năm 2011, khi Trung Quốc bắt đầu áp hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm khiến cho Mỹ phải chấp thuận để Molycorp, Inc vận hành lại các hoạt động khai thác đất hiếm đã bị ngừng thực hiện từ năm 2002. Tuy nhiên, sau đó, Trung Quốc lại bỏ hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm khiến cho giá đất hiếm giảm xuống đồng thời Molycorp cũng rơi vào tình trạng phá sản đã làm cho hoạt động tại mỏ Mountain Pass ngừng lại vào năm 2015. MP Materials mua lại mỏ Mountain Pass và bắt đầu khai thác vào cuối năm 2017. Trữ lượng đất hiếm của mỏ khi được MP Materials tiếp quản ước khoảng 1,8 triệu tấn. Năm 2018, mỏ cho ra 18.000 tấn tinh quặng đất hiếm và năm 2019 lượng tinh quặng đất hiếm đã tăng lên khoảng 26.000 tấn (NSENERGY). Năm 2020 là 38.503 tấn và năm 2021 là 42.413 tấn (MP Materials, 2/2022). Phần lớn quặng đất hiếm được khai thác ở mỏ Mountain Pass sau khi được cô đặc sẽ chuyển sang Trung Quốc để phân tách và làm giàu rồi mới quay trở lại Mỹ.
(iii) Giai đoạn từ năm 2000 - nay, nguồn cung đất hiếm toàn cầu chứng kiến sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là nhà sản xuất đất hiếm chủ yếu cả về sản lượng và thị phần. Năm 2002, với việc mỏ đất hiếm ở California ngừng hoạt động trong khi nguồn cung đất hiếm giá rẻ từ Trung Quốc đã biến họ thành nhà cung cấp đất hiếm hàng đầu thế giới.
Nhu cầu đất hiếm toàn cầu giai đoạn trước chỉ khoảng 40.000 tấn mỗi năm thì từ năm 2000 nhu cầu đất hiếm toàn cầu tăng lên 80.000 tấn, năm 2005 tăng lên là 120.000 tấn và năm 2020 là 240.000 tấn (U.S. Geological Survey, 2022).
Nguồn: U.S. Geological Survey, “Rare Earths,” 2000 – 2021
Hình trên cho thấy, lượng đất hiếm Trung Quốc sản xuất ra tiệm cận với nhu cầu đất hiếm toàn cầu. Hay đúng hơn, Trung Quốc là quốc gia sản xuất đất hiếm thô và đất hiếm đã qua chế biến hàng đầu thế giới, mức cung đất hiếm của Trung Quốc có thời điểm lên tới 95% nhu cầu đất hiếm toàn cầu, sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc của thế giới bắt đầu kể từ năm 2000, nhưng sự phụ thuộc này bắt đầu giảm xuống trong vài năm trở lại đây (Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 58% năm 2020).
Nguồn: U.S. Geological Survey, “Rare Earths 2021”.
Hình trên cho thấy, đến năm 2020, sản lượng đất hiếm Trung Quốc cung cấp cho thế giới chiếm 58% tổng lượng cung đất hiếm toàn cầu. Sản lượng đất hiếm của Mỹ đứng thứ 2 với 38.503 tấn (chiếm 16%), tiếp theo là Myanmar (12%), Úc (7%) và Madagascar (3%), sản lượng còn lại được sản xuất bởi Brazil, Nga, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Trong vài năm gần đây, mặc dù lượng cung đất hiếm của Trung Quốc vẫn cao nhưng nguồn cung từ các nước khác cũng đang tăng lên. Điều này cho thấy, thế giới đã bớt phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc nhưng thị phần cung ứng đất hiếm của Trung Quốc vẫn ở mức độ khá cao.
Như vậy, trong suốt khoảng thời gian từ năm 2000, thế giới phụ thuộc nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Khi đại dịch Covid-2019 xảy ra, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu đã trở nên rõ ràng hơn. Sự căng thẳng trong cạnh tranh công nghệ đặc biệt là cạnh tranh trong sản xuất chip giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây cũng có thể trở thành nguyên nhân dẫn tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.
Do đó, để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc, Mỹ đang thúc đẩy đầu tư cho khai thác đất hiếm ở California. MP Materials đang thực hiện công tác hiện đại hóa để cho ra các ôxít đất hiếm như: Nerodymium, Praseodymium, Lanthanum và Cerium... với sự đầu tư của Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) thông qua hợp đồng trị giá 35 triệu đô la để MP Materials thiết kế và xây dựng một cơ sở xử lý các nguyên tố đất hiếm nặng tại địa điểm sản xuất của công ty Mountain Pass, California. Với hợp đồng này, MP Materials sẽ thiết lập cơ sở xử lý và phân tách đầu tiên thuộc loại này cho nguyên tố đất hiếm nặng để hỗ trợ các ứng dụng quốc phòng và thương mại ở Mỹ. Hợp đồng này cũng nằm trong nỗ lực của chính phủ Mỹ trong việc phục hồi chuỗi cung ứng đất hiếm trong nước. Đồng thời, MP Materials cũng có trách nhiệm tìm ra các giải pháp mới để đưa chi phí sản xuất đất hiếm ngang bằng với thị trường quốc tế trong thời gian 5 năm kể từ khi cho ra lô sản xuất đầu tiên (U.S. Department of Defense, 2022). Hiện nay, chính phủ Mỹ vẫn đặt mục tiêu để ngành công nghiệp khai thác và chế biến đất hiếm quay trở lại với nước Mỹ nhưng vẫn phải đảm bảo được các quy định về an toàn môi trường trong khai thác và phân tách đất hiếm. Trong thời gian ngắn, khi chưa có công nghệ phân tách đất hiếm mới thì một điều chắc chắn rằng, Mỹ sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác cung ứng đất hiếm ngoài Trung Quốc. Và đây sẽ là cơ hội cho các quốc gia có tiềm năng cung ứng đất hiếm khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
2.2. Tiềm năng cung ứng đất hiếm của Việt Nam
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc nhưng sản lượng khai thác đất hiếm của Việt Nam lại vô cùng thấp (nằm trong nhóm các nước khai thác chưa đến 4% tổng sản lượng nguồn cung đất hiếm toàn cầu, sản lượng đất hiếm thô của Việt Nam từ năm 2000-2011 khoảng 400 tấn, năm 2019 và 2020 lần lượt là 1.300 tấn và 1.000 tấn) (U.S. Geological Survey , 2022). Hiện có 4 mỏ đất hiếm với quy mô lớn nằm tại khu vực Tây Bắc đã hoàn thành công tác thăm dò, trong đó, có 2 mỏ đã được cấp phép khai thác là Đông Pao và Nậm Xe. Tuy nhiên, do điều kiện khai thác đơn giản nên các mỏ của Việt Nam có quy mô nhỏ. Việc quản lý vẫn còn lỏng lẻo, đã có tình trạng doanh nghiệp mới được cấp giấy phép thăm dò đất hiếm nhưng thực tế lại đã tiến hành khai thác và mang sản phẩm đi bán.
Việc khai thác đất hiếm ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn là do chúng có chứa nguyên tố chất độc, đặc biệt là nguyên tố có tính phóng xạ. Do đó, nếu không khai thác đúng cách sẽ gây ra ô nhiễm môi trường. Ngoài ra việc khai thác đất hiếm còn đòi hỏi yêu cầu về công nghệ cao mà Việt Nam vẫn chưa tự chủ về công nghệ này. Về cơ bản, với công nghệ hiện tại của Việt Nam thì chỉ có thể khai thác và xuất khẩu đất hiếm thô.
Một nguyên nhân khiến xuất khẩu đất hiếm của Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn đó là mỗi một đối tác có kỳ vọng về tiêu chuẩn chất lượng đất hiếm khác nhau. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đất hiếm không chỉ tự chủ về mặt công nghệ mà công nghệ đó còn phải phù hợp với loại quặng cũng như phù hợp với nhu cầu về đất hiếm đã qua xử lý do đối tác đặt ra.
Công nghệ xử lý chế biến quặng đất hiếm ở Việt Nam chủ yếu được thực hiện ở Viện KH&CN Việt Nam, Viện Luyện kim màu, Viện Công nghệ Xạ hiếm và một số trường Đại học ở Việt Nam. Các hướng nghiên cứu ứng dụng đất hiếm đã được tiến hành ở Việt Nam từ năm 1990 gồm (i) sử dụng làm chế phẩm nâng cao năng suất giống cây trồng; (ii) Sử dụng trong xúc tác lọc khí độc từ lò đốt rác y tế và ô tô xe máy và (iii) Sử dụng chế tạo nam châm trong các máy phát thủy điện cực nhỏ. Các tiến triển từ các hướng nghiên cứu trên không mang lại giá trị thương mại cao cho Việt Nam trong khai thác và xuất khẩu đất hiếm (Phùng Anh Tiến, 2010).
Hướng mới trong việc tìm ra công nghệ phân tách đất hiếm phù hợp cho các quặng đất hiếm mà Việt Nam đang thực hiện thời gian gần đây là hợp tác với chuyên gia nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức. Mặc dù, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã ký Thỏa thuận thành lập Liên doanh khai thác, chế biến đất hiếm ở Việt Nam giữa hai Tập đoàn của Nhật với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nhưng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hoạt động chế biến đất hiếm hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có cơ sở chế biến đất hiếm gắn với nguồn nguyên liệu khai thác từ mỏ đất hiếm trong nước. Năm 2020, Việt Nam phối hợp với các chuyên gia của Đức và dựa trên công nghệ chuyển giao từ Đức để tìm ra phương pháp phù hợp với quặng của Việt Nam nhằm làm giàu cho đất hiếm của Việt Nam (loại phục vụ cho việc tạo phản ứng nhiệt hạch, ứng dụng trong lò phản ứng hạt nhân, nguyên liệu năng lượng cho tàu ngầm nguyên tử) (Nguyễn Xuân, 2020).
Như vậy, đất hiếm mặc dù được coi là tài nguyên quan trọng nhưng với công nghệ hiện tại của Việt Nam cũng như cái giá phải trả cho việc sử dụng công nghệ như hiện tại để khai thác lượng lớn đất hiếm phục vụ cho xuất khẩu là không khả thi. Mặc dù, Nhật Bản có nhu cầu về tài nguyên đất hiếm và cũng đã ký thỏa thuận với Việt Nam nhưng nhu cầu của Nhật Bản hàng năm cũng không lớn chỉ khoảng 10.000 tấn. Về cơ bản, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam khó thể làm giàu từ nguồn tài nguyên đất hiếm bởi nhu cầu đất hiếm của Việt Nam quá ít, giá bán đất hiếm dạng thô quá rẻ, công nghệ làm giàu đất hiếm của Việt Nam còn hạn chế, các ứng dụng đất hiếm trong thực tế ở Việt Nam là rất ít so với công dụng của đất hiếm, phần lớn dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm và bán công nghiệp.
3. Một vài gợi ý chính sách cho Việt Nam
Phân tích ở trên cho thấy, Trung Quốc đang nắm giữ phần lớn nguồn cung đất hiếm đặc biệt là đất hiếm đã qua công đoạn chế biến. Đây là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghệ cao hiện nay. Cùng với đó là việc Việt Nam có trữ lượng đất hiếm đứng thứ 2 thế giới nhưng quy mô khai thác và cung ứng đất hiếm của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn đặc biệt là Việt Nam chưa tìm ra công nghệ phân tách đất hiếm phù hợp với các loại quặng đất hiếm ở Việt Nam. Các nguyên nhân đã được nêu ở trên nhưng phần lớn là khó có biện pháp giải quyết. Một vài gợi ý để nâng cao khai thác đất hiếm ở Việt Nam có thể kể đến như:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc công tác quản lý trữ lượng tài nguyên đất hiếm. Việc cấp giấy phép khai thác đất hiếm phải đi kèm với giấy phép xác nhận sở hữu công nghệ phân tách đất hiếm. Như vậy giúp Việt Nam không bị thất thoát tài nguyên, biện pháp này sẽ hạn chế tối đa việc khai thác và bán đất hiếm dạng thô với giá rẻ.
Thứ hai, công tác kiểm tra, kiểm sát thực tế khai thác tài nguyên đất hiếm cần được thực hiện nghiêm túc cùng với chế tài mạnh mẽ tránh việc các doanh nghiệp tự ý khai thác khi chưa có giấy phép hoặc khai thác khi chờ giấy phép.
Thứ ba, không chỉ hợp tác với chuyên gia Đức, Việt Nam cần mở rộng hợp tác với các chuyên gia của các quốc gia khác đặc biệt là Mỹ và các nước Châu Âu để nâng cao khả năng tìm ra công nghệ phân tách đất hiếm phù hợp cho các loại quặng đất hiếm ở Việt Nam.
Thứ tư, trong khi, tập đoàn MP Materials vẫn chưa tìm ra công thức mới để phân tách đất hiếm theo yêu cầu của chính phủ Mỹ, phía Mỹ đang tiếp tục mở rộng các đối tác cung cấp đất hiếm ngoài Trung Quốc, cũng như việc thực hiện các chương trình kiểm soát công nghệ rò rỉ sang Trung Quốc của Mỹ như hiện nay… sẽ là cơ hội để Việt Nam hợp tác với Mỹ nhằm chuyển giao công nghệ phân tách đất hiếm cho Việt Nam. Việt Nam có trữ lượng đất hiếm nhưng chưa có công nghệ phân tách thích hợp, Mỹ có công nghệ phân tách đất hiếm nhưng lại bị hạn chế chặt chẽ bởi vấn đề môi trường. Các yếu tố trên là cơ sở để hình thành liên doanh khai thác và chế biến đất hiếm giữa Việt Nam với Mỹ mà cụ thể là một liên doanh giữa tập đoàn của Việt Nam với tập đoàn MP Materials.
Thứ năm, như phân tích ở phần 1.6 ở trên Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ song phương lên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam thực hiện tham vọng tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Trong đó, gợi ý thứ tư và thứ năm nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội và thực thi việc hợp tác với tập đoàn MP Materials sẽ giúp cho ngành khai thác và phân tách đất hiếm của Việt Nam có bước phát triển mới, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu. Đồng thời, đẩy mạnh khai thác và chế biến đất hiếm cũng góp phần giúp cho Việt Nam phát triển kinh tế cũng như giữ vững độc lập chủ quyền đất nước.
Tài liệu tham khảo
Office of the United States Trade Representative, 2022, “2022 Special 301 Report”.
Phùng Anh Tiến, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, 12/2010, “Khai thác và sử dụng đất hiếm hiện nay trên thế giới”.