Tranh chấp biển phủ bóng lên Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung

09/07/2014

Căng thẳng do tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông đẩy Mỹ vào thế khó khi cân đối giữa việc giữ cam kết bảo vệ các nước đồng minh và duy trì quan hệ với Trung Quốc, đồng thời gây ảnh hưởng tới đối thoại chiến lược giữa hai thế lực Mỹ - Trung.

Cùng với sự gia tăng về quân sự, Trung Quốc đang ngày càng kiên quyết hơn trong những tuyên bố chủ quyền với những bãi đá không người ở, các rạn san hô và bãi cát trên biển. Điều này đã đặt Trung Quốc vào một lộ trình có thể xung đột với các nước láng giềng cũng có tuyên bố chủ quyền tương tự. Ngoài ra, Trung Quốc có thể gây xung đột với Mỹ, quốc gia có ba đồng minh quan trọng đang tranh chấp với Bắc Kinh. Washington có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh trong trường hợp các nước này bị tấn công.

 

Nguy cơ leo thang quân sự trong khu vực đang ngày càng tăng. Trên Biển Đông, các tàu Trung Quốc đâm va tàu Việt Nam tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Ở biển Hoa Đông, máy bay Trung Quốc và Nhật Bản nhiều lần áp sát lẫn nhau phía trên khu vực quần đảo hai nước có tranh chấp.

 

Những vụ đối đầu trên còn làm xấu đi triển vọng hợp tác giữa Bắc Kinh với Washington trong một số vấn đề toàn cầu như khu vực Trung Đông, thay đổi khí hậu và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

 

Giữa thời điểm căng thẳng khu vực tăng cao, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lews tới Bắc Kinh vào ngày 9 và 10/7 tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế lần thứ 6. Và trong lúc Washington đang tập trung nhiều hơn vào Iraq, Syria, Ukraine và Nga, mối quan hệ Mỹ - Trung cũng đang đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ sau khi cố tổng thống Mỹ Richard M. Nixon tới Bắc Kinh thăm cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông năm 1972.

 

Quan hệ ngày càng đi xuống

 

"Quan hệ Mỹ - Trung hiện còn xấu hơn thời kỳ hai nước bắt đầu bình thường hóa quan hệ. Tình hình Đông Á ngày nay thì lại thiếu ổn định nhất kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc", Robert Ross nói. Ông Ross là giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Boston và là trợ lý tại Trung tâm John King Fairbank nghiên cứu về Trung Quốc của Đại học Havard.

 

Chính sách tái cân bằng, hay còn gọi là "xoay trục", sang châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama được Trung Quốc xem là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của nước này.

 

Những nỗ lực của Mỹ để thúc đẩy quan hệ với các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, và trấn an các đồng minh châu Á, như Nhật Bản và Philippines, rằng Washington sãn sàng bảo vệ họ bằng quân sự, đã tạo ra sự ngờ vực ở Bắc Kinh. Bắc Kinh cho rằng Washington đang khuyến khích các quốc gia láng giềng của Trung Quốc tăng cường những tuyên bố lãnh thổ.

 

"Rõ ràng các tranh chấp là giữa hai bên, nhưng giờ Mỹ lại đứng về một phía và như thế là không công bằng", Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.

 

Trong khi đó, một sự ngờ vực khác xuất hiện ở Washington. Theo đó, Trung Quốc đang có ý định tăng cường các yêu sách lãnh thổ bằng đe dọa quân sự với mục đích cuối cùng là gạt Mỹ ra khỏi châu Á.

 

Tháng 11/2013, Trung Quốc thông báo thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm lên cả một số quần đảo do Nhật Bản quản lý, khiến các quốc gia láng giềng quan ngại.

 

Tháng 3/2014, lực lượng tuần duyên Trung Quốc tìm cách chặn đường các tàu của chính phủ Philippines đưa binh sĩ và đồ tiếp tế lên cho đội quân đồn trú trên bãi cạn có tên quốc tế là Second Thomas Shoal (tức Bãi Cỏ Mây trên quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam; Philippines gọi là Ayungin; Trung Quốc gọi là Nhân Ái).

 

Hai tháng sau, Trung Quốc tiếp tục điều động giàn khoan dầu nước sâu, giá trị khoảng 1 tỷ USD, vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Bắc Kinh còn có kế hoạch xây đảo nhân tạo trên Biển Đông, động thái mà các quan chức Mỹ cho rằng để củng cố vị thế trong vấn đề chủ quyền.

 

Trung Quốc nói nước này có những quyền lịch sử với phần lớn diện tích Biển Đông, nhưng những hành động ngang nhiên gần đây của Bắc Kinh khiến các chuyên gia khó hiểu. Các hành động trên dường như phá vỡ những nỗ lực của Trung Quốc trong năm 2013 nhằm thúc đẩy một mối quan hệ tập trung hơn vào hợp tác và phát triển với các quốc gia láng giềng.

 

Một số ý kiến nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá những mối đe dọa bên ngoài là có lợi cho việc bắt đầu cải tổ những vấn đề khó, trong đó có quân sự. Số khác thì cho rằng Bắc Kinh chỉ đơn giản là đang nhe nanh vuốt tìm cách thiết lập lại trật tự mới ở châu Á, một trật tự mà Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, mới là kẻ cầm trịch trong khu vực. Phần lớn các ý kiến đều đồng ý rằng Trung Quốc đang tìm cách tự khẳng định bởi nước này hiện sở hữu hải quân hiện đại cùng lực lượng tuần duyên chuyên nghiệp.

 

Bất kể lý do là gì thì sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến Mỹ gặp thế khó giữa một bên là cam kết với các nước đồng minh, một bên là mong muốn xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc.

 

Mỹ đã có nhiều hành động trấn an đồng minh. Cuối năm ngoái sau khi Trung Quốc lập vùng phòng không, Lầu Năm Góc đã cho máy bay B-52 bay vào vùng này mà không thông báo. Tháng 4, Tổng thống Obama tới thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, ba quốc gia đồng minh của Mỹ, trong chuyến công du châu Á nhưng không đến Trung Quốc. Tại Nhật Bản, ông Obama trở thành tổng thống đầu tiên của Mỹ nói rõ rằng hiệp ước phòng thủ giữa hai nước bao gồm cả những hòn đảo do Nhật Bản quản lý. Tại Philippines, Tổng thống Obama ký tiếp thỏa thuận quốc phòng 10 năm với quốc đảo này.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hồi tháng 5 ngầm cáo buộc Trung Quốc "đe dọa, ép buộc hoặc đe dọa sử dụng vũ lực" trong việc khẳng định những tuyên bố chủ quyền của nước này. Ông Hagel còn cảnh báo rằng Washington "sẽ không ngồi yên nếu các quy tắc của trật tự thế giới bị thách thức".

 

Trong động thái đáp trả, Trung tướng Vương Quán Trung, Phó tổng tham mưu trưởng PLA gọi bình luận của ông Hagel là "quá đáng" và "chứa đầy tính bá quyền, kích động và đe dọa".

 

Mỹ - Gã khổng lồ say ngủ

 

Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ cần quyết đoán hơn trong việc tạo dựng các liên kết kinh tế chặt chẽ hơn với châu Á thông qua Hiệp định thương Mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP) và với Trung Quốc thông qua một thỏa thuận đầu tư song phương.

 

"Chúng ta cần tăng chú trọng vào lĩnh vực kinh tế bởi đó chính là thứ giúp các mối quan hệ không rơi vào trạng thái như trong Chiến tranh Lạnh", Christopher Johnson, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, đồng thời là cựu chuyên gia phân tích Trung Quốc hàng đầu của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), nói.

 

Một yếu tố khác thúc đẩy Bắc Kinh mạo hiểm là quan chức nước này cảm thấy Mỹ đang không nhất quán và thiếu quyết tâm. Họ chỉ ra sự miễn cưỡng của chính quyền tổng thống Obama trong quyết định trừng phạt Syria sử dụng vũ khí hóa học; sự thất bại trong việc ngăn Crimea, vốn là bán đảo tự trị ở Ukraine, sáp nhập vào Liên bang Nga. Hai điều này khiến Trung Quốc coi Mỹ là "con hổ giấy". "Họ tin rằng chính quyền ông Obama về cơ bản là yếu và thiếu quan tâm", Johnson nói.

 

Nhưng ông Johnson cho biết Bắc Kinh sẽ phạm sai lầm nếu đánh giá thấp cam kết của Mỹ trong vấn đề bảo vệ châu Á. "Mỹ là một gã khổng lồ đang say ngủ", ông nói. "Và nếu bị kích động quá mức, Mỹ sẽ hành động".

 

Theo các chuyên gia chính sách đối ngoại, quan hệ Mỹ - Trung cần thu hút nhiều sự chú ý hơn. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được cho là quan tâm tới khu vực Trung Đông nhiều hơn, còn cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, bà Susan E. Rice chưa đến thăm Bắc Kinh, khiến những vấn đề của Trung Quốc chưa có được tiếng nói đủ lớn ở Washington.

 

Việc Tổng thống Obama từ chối lời mời tới thăm Trung Quốc để đáp lại chuyến đi của ông Tập tới California năm ngoái khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc không hài lòng, theong Johnson. Tuy nhiên tháng 11 này,  Obama cũng có thể tới Bắc Kinh dự hội nghị thượng đỉnh của các nền kinh tế châu Á Thái Bình Dương.

 

Với chuyến thăm cuối năm, cùng với Đối thoại Chiến lược và Kinh tế diễn ra trong tuần này, chính quyền Mỹ có cơ hội để tập trung vào một trong những thách thức chính sách ngoại giao nghiêm trọng nhất từ trước đến giờ. "Các hội nghị cấp cao có những giá trị riêng", giáo sư khoa học chính trị Robert Ross, Đại học Boston, nói.

 

Mỹ - Trung, long tranh hổ đấu âm thầm

 

Andrew Browne, cây bút đứng chuyên mục Trung Quốc của tờ WSJ đánh giá về thực tế an ninh ở châu Á Thái bình dương, qua những hoạt động quân sự của Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh một thế lực mới đang nổi lên thách thức vị trí của thế lực cũ.

 

Về phía đông, ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Hawaii, các tàu Trung Quốc đang tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC do Mỹ tổ chức. RIMPAC 2014, kết thúc vào ngày 1/8, là cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới và đây là lần đầu tiên Trung Quốc góp mặt.

 

Đó là một dấu hiệu tích cực xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng xung quanh sự mạnh mẽ của Bắc Kinh trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Bằng việc điều 4 tàu, trong đó có tàu bệnh viện Peace Ark, Trung Quốc đang gửi đi tín hiệu về một hướng tiếp cận hợp tác hơn tới Mỹ và các quốc gia Thái Bình Dương láng giềng.

 

Về phía tây, cách nơi diễn ra RIMPAC hơn 8.000 km, cuộc tập trận Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) ở ngoài khơi quốc đảo Philippines lại phát đi một thông điệp rất khác biệt.

 

Các binh sĩ Mỹ và Philippines đã tham gia các bài tập bắn đạn thật ở ngoài khơi vịnh Subic, nơi từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Những cảng nước sâu và sân bay nơi đây sẵn sàng hoạt động trở lại một lần nữa khi Philippines đang phải chống lại những hành động mà họ gọi là xâm lấn lãnh thổ của Trung Quốc.

 

Subic còn có vai trò quan trọng trong chiến lược "xoay trục" sang châu Á của tổng thống Mỹ Obama nhằm trấn an các quốc gia đồng minh đang cảm thấy bị Bắc Kinh bắt nạt. Subic còn nằm gần bãi cạn Scarborough, một khu vực có nguồn thủy sản phong phú, từng bị Trung Quốc đoạt quyền quản lý từ tay Philippines vào năm 2012.

 

Các chỉ huy Mỹ và Philippines đều cho rằng CARAT, dự kiến kết thúc vào cuối tuần này, không có liên quan tới những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng ý nghĩa của cuộc tập trận đã rõ ràng. Nếu RIMPAC là tượng trưng cho hy vọng của Mỹ về một Trung Quốc trỗi dậy hòa bình thì CARAT chính là một sự phòng trừ, một kế hoạch B cho hành động quân sự nếu mọi thứ đi sai hướng.

 

Vòng xoáy đối đầu bất tận

 

Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đòi hỏi mạnh mẽ một giải pháp hòa bình.

 

Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự phương Tây đều đồng thuận rằng những biện pháp mà Mỹ và Trung Quốc đang thực hiện để tăng cường khả năng phòng thủ bản thân trước sự đe dọa từ đối phương đang tạo ra mối đe dọa đối với hòa bình.

 

Mỗi biện pháp quân sự sẽ làm phát sinh một biện pháp quân sự để đối phó, cứ thế trong vòng xoáy bất tận. Các chuyên gia quan hệ quốc tế gọi đây là sự "bế tắc an ninh". Đó cũng chính là tình trạng Mỹ và Trung Quốc đang vướng phải.

 

Bắc Kinh xem việc Washington tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh châu Á, như Philippines, nằm trong kế hoạch kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, ngăn cản Trung Quốc khẳng định cái gọi là chủ quyền mà nước này tự cho là hợp pháp. Điều này thúc đẩy Trung Quốc theo đuổi một cách quyết liệt sứ mệnh nhằm đẩy quân lực Mỹ ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương.

 

Để đạt được điều này, Trung Quốc đang tích lũy nhiều vũ khí tinh vi, như tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao và có thể nhắm tới các căn cứ cùng tàu của Mỹ trong khu vực, tàu ngầm siêu êm, khả năng tác chiến qua mạng cũng như trong không gian.

 

Trong khi đó, Mỹ không thể chấp nhận được cảm giác bị đẩy ra khỏi cuộc chơi. Bởi uy thế của Mỹ, với vai trò là siêu cường, dựa vào khả năng điều quân và khí tài tới mọi ngóc ngách trên Trái Đất mà không bị cản trở. Nếu không đưa quyền lực tới Tây Thái Bình Dương, Mỹ rõ ràng không thể thực hiện tốt cam kết bảo vệ Philippines cũng như các đồng minh khác.

 

Do đó, Washington đang tăng cường các kế hoạch có thể được sử dụng để đối phó với nỗ lực của Trung Quốc. Một trong số này, được gọi là khái niệm Chiến tranh Hải - Không, cho phép tấn công tàn phá các mục tiêu ở ngay giai đoạn đầu chiến sự để loại bỏ hệ thống phóng tên lửa, trung tâm chỉ huy và kiểm soát. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho biết Chiến tranh Hải - Không không nhằm đến một quốc gia cụ thể nào cả.

 

Và mọi thứ sẽ tiếp diễn như vậy. Đối với các chiến lược gia quân sự hai bên, đó chỉ là những bước nhảy ngắn từ các kịch bản như trên tới một cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự.

 

Cuộc tranh đua cực kỳ nguy hiểm này không bao giờ được chính thức nói ra. Mỹ cố hết sức để tránh mo tả Trung Quốc như một mối đe dọa về quân sự, mà muốn Trung Quốc đảm nhận vai trò lớn hơn và "có trách nhiệm' trong các vấn đề toàn cầu. Còn Trung Quốc, về mặt lý thuyết, vẫn hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Trong cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nước diễn ra năm ngoái ở Sunnylands, California, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh với Tổng thống Barack Obama rằng ông mong muốn "một kiểu quan hệ nước lớn mới" để tránh xảy ra chiến tranh tàn hại, hậu quả khi một cường quốc mới nổi thách thức một cường quốc hiện tại.

 

Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ Mark C. Montgomery phát biểu tuần trước trên hàng không mẫu hạm USS George Washington cho rằng mối quan hệ quân sự với Trung Quốc trong những năm qua được cải thiện một cách "khiêm tốn".

 

Sự lạc quan nhưng thận trọng này đã được ông Daniel Russel, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương phản ảnh trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ vài ngày trước đó. Ông Russel bác bỏ quan điểm cho rằng Mỹ và Trung Quốc đang trong một cuộc Chiến tranh Lạnh và kết thúc trong xung đột. Các nhà lãnh đạo hai bên "có đầy đủ nhận thức về nguy cơ đối đầu chiến lược không mong muốn giữa một thế lực mới nổi và một thế lực sẵn có", ông nói. Có thể là như vậy. Cái nguy hiểm của sự tích tụ quyền lực là nó có vòng đời và logic riêng của nó. Hy vọng hòa bình có thể đang tăng ở Hawaii nhưng tiếng súng tập trận từ Vịnh Subic dội lại lại bày tỏ một thực tế đáng lo ngại./.


Theo Washington Post, WSJ


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn