Báo cáo kinh tế Hoa Kỳ tháng 9-2015

15/10/2015

Ngày 2/9, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ đã công bố báo cáo nhận định nền kinh tế số một thế giới tiếp tục tăng trưởng ổn định, song tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và giá đồng USD tăng đang có những tác động không nhỏ đối với các doanh nghiệp Mỹ trong hai tháng vừa qua.

Ngân hàng trung ương Mỹ nhận định lĩnh vực bán lẻ tiếp tục tăng trưởng ổn định tại hầu hết các khu vực dù ở một số nơi chỉ số này không cao như mức dự báo trước đó. Theo số liệu mới công bố ngày 15/9 của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ Mỹ trong tháng Tám tăng 0,2% so với tháng Bảy và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ doanh số bán xe ôtô tăng. Hoạt động du lịch, kinh doanh bất động sản, doanh số bán ôtô cũng khởi sắc. Thị trường lao động tiếp tục được cải thiện, trong khi tiền lương cũng duy trì ổn định tại phần lớn các khu vực. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy việc đồng USD tăng giá, tốc độ tăng trưởng không khả quan tại khu vực châu Á và giá năng lượng giảm tiếp tục tác động tiêu cực đến lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu. Cụ thể, số liệu chính thức từ Fed cho thấy tổng sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 8 giảm 0,4% so với tháng 7, tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái lại tăng 0,9%. Nguyên nhân được cho là do lĩnh vực chế tạo - chiếm khoảng 75% sản lượng công nghiệp Mỹ - trong tháng 8 giảm 0,5%, do sản xuất phụ tùng và xe ôtô giảm. Khu vực hoạt động khai mỏ trong tháng 8 cũng giảm 0,6% do giá dầu giảm, ngược với đà tăng trong sáu tháng đầu năm 2015. Dịch vụ công cộng là khu vực duy nhất ghi nhận đà tăng, với mức tăng 0,6%. Mặc dù vẫn lạc quan về đà tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, song hầu hết các doanh nghiệp đều lo ngại về hoạt động yếu kém và triển vọng ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc đang khiến nhu cầu đối với một số mặt hàng giảm.

 

Thị trường việc làm tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp tư nhân vẫn duy trì tốc độ tuyển dụng ổn định trong tháng 8 vừa qua. Cụ thể, lĩnh vực tư nhân tại Mỹ trong tháng qua đã tuyển dụng thêm 190.000 nhân viên mới, tăng 13.000 so với tháng 7 và phù hợp với xu hướng của 7 tháng đầu năm. Trong tháng 8, lĩnh vực chế tạo và lắp ráp có thêm 7.000 nhân viên mới, trong khi lĩnh vực xây dựng bổ sung thêm 17.000 việc làm mới.  Khu vực dịch vụ cũng tuyển dụng thêm tổng cộng 173.000 nhân viên mới.

 

Về tình hình thất nghiệp, theo Bộ Lao động Mỹ, số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 5/9 vừa qua đã giảm 6.000 xuống mức đã điều chỉnh theo mùa 275.000. Đây là tuần thứ 27 liên tiếp mà số liệu này thấp hơn 300.000, ngưỡng thường được cho là phản ánh tình hình thị trường lao động mạnh lên. Nhà kinh tế Jesse Hurwitz của Barclays tại New York (Mỹ) cho rằng số liệu này ở mức thấp kéo dài cho thấy thị trường lao động của Mỹ vẫn tương đối ổn và ít có khả năng diễn ra một sự chuyển đổi đáng chú ý trong ngắn hạn. Thị trường lao động duy trì đà tăng trưởng được đánh giá là một trong những yếu tố tích cực khiến Fed cân nhắc sẽ quyết định tăng lãi suất trong năm nay.

 

Bộ Lao động Mỹ cho hay giá nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đã giảm 1,8% trong tháng 8 vừa qua khi giá xăng dầu và một loạt hàng hóa sụt giảm, sau khi đã rớt 0,9% trong tháng trước đó. Mức giảm giá nhập khẩu của Mỹ trong tháng 8 vừa qua là lớn nhất trong bảy tháng qua và cho thấy đồng USD mạnh tiếp tục làm tăng sức ép suy giảm đối với giá nhập khẩu. Giá nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ đã giảm tới 12 tháng trong 14 tháng qua. Còn trong 12 tháng tính đến tháng 8 vừa qua, giá nhập khẩu của Mỹ giảm 11,4%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 9/2009.

 

Theo Bộ Tài chính Mỹ, thâm hụt ngân sách trong tháng 8 vừa qua tại nước này đã giảm xuống, qua đó cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tiến gần hơn đến mục tiêu cắt giảm thâm hụt. Cụ thể, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tháng 8 hiện ở mức 64,4 tỷ USD, giảm 50% so với mức ghi nhận được trong cùng kỳ năm trước. Trong 11 tháng đầu tài khóa 2015, kết thúc ngày 30/9/2015, mức thâm hụt ngân sách đang thấp hơn 10% so với mức của cùng kỳ tài khóa trước. Cũng trong 11 tháng đầu tài khóa này, nguồn thu của chính phủ đạt 2.880 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ tài khóa trước đó. Chi tiêu chính phủ tăng 4,8% lên 3.410 tỷ USD.

 

Số liệu khác cũng cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế số một thế giới trong bối cảnh xuất hiện những quan ngại về tình trạng sụt giảm tăng trưởng toàn cầu là thâm hụt thương mại trong tháng 7 vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng năm tháng nhờ xuất khẩu khởi sắc. Theo báo cáo công bố của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 3/9, thâm hụt thương mại của nước này giảm 7,4% so với tháng 6, xuống còn 41,9 tỷ USD trong tháng 7, thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2015. Theo báo cáo trên, hoạt động xuất khẩu khởi sắc là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới kết quả này. Trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ đã tăng 0,4% lên 188,5 tỷ USD và là đợt tăng đầu tiên tính từ tháng 4. Các lĩnh vực xuất khẩu tăng gồm có thực phẩm, nguyên vật liệu công nghiệp, tư liệu sản xuất và ôtô. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng xuất khẩu vẫn bị kìm hãm bởi đồng USD mạnh. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu giảm 1,1% xuống còn 230,4 tỷ USD. Xuất khẩu sang Trung Quốc, một đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, giảm 1,9% và nhập khẩu từ nền kinh tế thứ 2 thế giới cũng giảm 0,2%. Thực trạng này khiến thâm hụt thương mại song phương trong tháng 7 tăng nhẹ 0,4% so với tháng 6, lên mức 31,6 tỷ USD.Thâm hụt thương mại giảm đã góp phần làm tăng GDP trong đầu quý 3.

 

Theo Hiệp hội quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR), doanh số bán nhà ở hiện có của Mỹ trong tháng 8 đã giảm 4,8% so với tháng 7, xuống mức (đã điều chỉnh theo mùa) là 5,31 triệu căn. Đây là số liệu thấp nhất kể từ tháng 4 do nguồn cung thu hẹp và giá nhà đất tăng khiến các khách hàng tiềm năng đắn đo hơn trước dự định mua nhà. Con số trên giảm từ mức 5,58 triệu căn trong tháng 7, mức cao nhất trong hơn 8 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay, có những dấu hiệu cho thấy một sự cải thiện về cơ cấu trên thị trường nhà đất Mỹ. Số lượng khách hàng mua nhà lần đầu, một nguồn cầu quan trọng, đã tăng 32% trong tháng ​8, cao hơn mức 28% trong tháng ​7. Theo nhà kinh tế Jennifer Lee làm việc tại BMO Capital Markets, với tăng trưởng việc làm mạnh hơn và lãi suất vẫn ở mức thấp, thị trường nhà đất Mỹ dự kiến vẫn thuận lợi về dài hạn.

 

Trong tháng 8 vừa qua, giá tiêu dùng tại Mỹ bất ngờ giảm khi giá xăng giảm trở lại và đồng USD mạnh lên làm một số hàng hóa khác cũng rẻ hơn. Bộ Lao động Mỹ ngày 16/9 cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 giảm 0,1%, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 1, sau khi tăng 0,1% trong tháng 7. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI của tháng trước tăng 0,2%, sau khi tăng một mức tương tự trong tháng trước đó. CPI lõi, không bao gồm năng lượng và thực phẩm, tăng 0,1% trong tháng và tăng 1,8% so với một năm trước. Đồng USD đã tăng giá 17,1% so với đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Mỹ kể từ tháng 6/2014. Trong khi đó, giá xăng giảm 4,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1, sau ba tháng tăng liên tiếp. Số liệu về CPI ngược lại với việc nền kinh tế đã khá mạnh và thị trường việc làm đang phục hồi nhanh chóng.

 

Fed đã bày tỏ ý định tăng lãi suất cơ bản, đồng thời áp dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, ngày 17/9, Fed tuyên bố không điều chỉnh tỷ lệ lãi suất cơ bản với lý do là nền kinh tế toàn cầu đang bấp bênh và tốc độ tăng trưởng trong nước chậm lại. Giới phân tích đã đưa ra một số nhân tố chính liên quan đến tình hình kinh tế của Mỹ khiến thể chế tài chính này quyết định tiếp tục giữ nguyên tỷ lệ lãi suất cơ bản gần như bằng 0% được áp dụng suốt gần 7 năm qua. Nguyên nhân đầu tiên khiến Fed gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định về lãi suất là vấn đề việc làm. Tốc độ tăng trưởng việc làm có xu hướng chậm lại trong mùa hè vừa qua và một số điểm tối trên bức tranh trên thị trường lao động vẫn tồn tại. Tỷ lệ người Mỹ tham gia thị trường lao động, hay còn gọi là tỷ lệ phần trăm người Mỹ đang làm việc hoặc tích cực tìm việc, đang ở mức thấp nhất trong 4 thập niên qua. Tình trạng này một phần là do thế hệ được sinh ra vào thời kỳ bùng nổ dân số đã đến tuổi rút khỏi thị trường lao động. Nguyên nhân thứ hai là vấn đề tiền lương. Thực tế cho thấy thu nhập của người lao động vẫn chưa tăng và điều này khiến hầu hết người dân Mỹ vẫn chưa yên tâm dù đã bước sang năm thứ 6 kinh tế phục hồi. Theo Chỉ số chi phí lao động (ECI) mới nhất do Bộ Lao động Mỹ công bố hồi tháng 7, lương của người Mỹ đã tăng 2,1% trong vòng 12 tháng qua. Tuy nhiên, một báo cáo của tổ chức Dự án Lao động Quốc gia (NELP) lại cho rằng nếu tính theo lạm phát, thì lương trên thực tế giảm từ năm 2009, và những người lao động thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều hơn cả. Vấn đề tiếp theo đó là lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 1,24% trong tháng 7, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng là một nhân tố khiến Fed tạm thời giữ nguyên lãi suất. Được coi là khoảng sáng của bức tranh kinh tế Mỹ, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước đã khởi sắc sau sự khởi đầu ảm đạm hồi đầu năm. GDP đã tăng 3,7% trong quý 2 năm nay, và đang trên đà tăng trưởng 2,45% trong quý 3. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lần gần đây nhất Fed tăng lãi suất là vào thời kỳ năm 2004-2006 khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 4%.

 

-----

 

Tài liệu tham khảo

1.      Câu chuyện đằng sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed, http://www.vietnamplus.vn/cau-chuyen-dang-sau-quyet-dinh-giu-nguyen-lai-suat-cua-fed/344322.vnp

2.      Fed giữ nguyên lãi suất trước viễn cảnh u ám của kinh tế toàn cầu, http://www.vietnamplus.vn/fed-giu-nguyen-lai-suat-truoc-vien-canh-u-am-cua-kinh-te-toan-cau/344274.vnp

3.      Kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định, thị trường việc làm cải thiện, http://www.vietnamplus.vn/kinh-te-my-tang-truong-on-dinh-thi-truong-viec-lam-cai-thien/341653.vnp

4.      Mỹ tiến gần hơn đến mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách, http://www.vietnamplus.vn/my-tien-gan-hon-den-muc-tieu-cat-giam-tham-hut-ngan-sach/343320.vnp

5.      Mỹ: Doanh số bán nhà đất giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng, http://www.vietnamplus.vn/my-doanh-so-ban-nha-dat-giam-xuong-muc-thap-nhat-trong-4-thang/345039.vnp

6.      Mỹ: Thị trường việc làm phục hồi có thể khiến Fed tăng lãi suất, http://www.vietnamplus.vn/my-thi-truong-viec-lam-phuc-hoi-co-the-khien-fed-tang-lai-suat/341924.vnp

7.      Nhân tố Trung Quốc có ảnh hưởng đến quyết sách của Fed?, http://www.vietnamplus.vn/nhan-to-trung-quoc-co-anh-huong-den-quyet-sach-cua-fed/344654.vnp

8.      US Budget Deficit Narrows 50% in August, http://www.tradingeconomics.com/united-states/government-budget-value

9.      US Economy Adds Only 173K Jobs In August, http://www.tradingeconomics.com/united-states/non-farm-payrolls

10.    US Industrial Output Shrinks in August, http://www.tradingeconomics.com/united-states/industrial-production-mom

11.    US Jobless Claims Edge Up in the Latest Week, http://www.tradingeconomics.com/united-states/jobless-claims

12.    US New Home Sales at 7-1/2-Year High, http://www.tradingeconomics.com/united-states/new-home-sales

13.    US Trade Deficit at 5-Month Low, http://www.tradingeconomics.com/united-states/balance-of-trade

14.    US Unemployment Rate At 7-1/2 Year Low, http://www.tradingeconomics.com/united-states/unemployment-rate


Ths. Đồng Thị Thùy Linh

Viện Nghiên cứu Châu Mỹ


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn