Bất bình đẳng giữa các nhóm chủng tộc tại Mỹ

05/08/2016

Trên khắp nước Mỹ hiện nay vẫn tồn tại khoảng cách giữa người da đen và người gốc Tây Ban Nha so với người Mỹ da trắng trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng, đặc biệt là thu nhập hộ gia đình và tỷ lệ thất nghiệp. Báo cáo “The State of Black America” của Liên đoàn Đô thị Quốc gia Mỹ (NUL) công bố ngày 16/5/2016 đã khảo sát các chỉ số kinh tế của người da đen ở 70 vùng đô thị tập và của người gốc Tây Ban Nha ở 73 vùng đô thị, và thấy rằng không có khu vực nào mà người da đen được ưu tiên trong hoạt động tuyển dụng và kiếm nhiều tiền hơn người da trắng.

Giống như người da đen, người gốc Tây Ban Nha ở tất cả các khu vực khảo sát đều được trả lương ít hơn người da trắng, mặc dù khoảng cách thu nhập hộ gia đình của họ với người da trắng không lớn bằng khoảng cách giữa người da đen và da trắng. Chủ tịch và giám đốc điều hành của NUL Marc H. Morial cho rằng: "Đây là vấn đề liên quan đến quyền công dân và công bằng kinh tế ở Mỹ... Khoảng cách kinh tế giữa người da đen và người da trắng, vốn là một bộ phận cấu thành của khoảng cách giữa người giàu, người nghèo và người thuộc tầng lớp lao động tại Mỹ, là một thực tế đang tiếp diễn”.

 

Cũng theo số liệu điều tra toàn quốc của NUL trong năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp của người da đen, người gốc Tây Ban Nha và người da trắng có sự chênh lệch lần lượt là 9,6%, 6,6% và 4,6%. Tuy nhiên, ở một số khu vực nhất định, sự khác biệt này rõ rệt hơn nhiều. Khu đô thị có khoảng cách lớn nhất về tỷ lệ thất nghiệp giữa người da đen và người da trắng là Milwaukee, có tới 17,3% người da đen thất nghiệp so với 4,3% người da trắng. Các vùng có các tỷ lệ thất nghiệp giữa người da đen và người da trắng chênh lệnh nhỏ nhất bao gồm vùng đô thị Providence, Rhode Island (với tỷ lệ 9,9% người da đen thất nghiệp so với 6,8% người da trắng), tiếp đến là Chattanooga, Tenn và Greensboro, North Carolina. 

 

Người gốc Tây Ban Nha được ưa chuộng tuyển dụng hơn so với người da đen và có sự chênh lệch về tỷ lệ thất nghiệp so với người da trắng ít hơn . Khoảng cách thấp nhất về tỷ lệ thất nghiệp giữa hai nhóm người da trắng và người gốc Tây Ban Nha là ở vùng đô thị Indianapolis, ở mức tương ứng là 5,7% và 5.5%. Các vùng đô thị Cape Coral-Fort Myers, Florida, Memphis, Tennessee, Tulsa, Oklahoma và St Louis, Missouri, đều là những khu vực có chênh lệch về tỷ lệ thất nghiệp giữa người da trắng và gốc Tây Ban Nha dưới 1%. Tuy nhiên ở Springfield, Massachusetts, 21,5% người gốc Tây Ban Nha thất nghiệp so với 6,3% người da trắng đã khiến khu vực này trở thành nơi có sự chênh lệch thất nghiệp lớn nhất giữa hai nhóm người này trên toàn nước Mỹ.

 

Cũng theo báo cáo của NUL, trong năm 2014, thu nhập trung bình hộ gia đình của người da đen là 35,481 USD, so với 42,768 USD của người gốc Tây Ban Nha và 59,662 USD của người da trắng. Cách biệt lớn nhất trong thu nhập hộ gia đình là ở vùng đô thị Minneapolis-St. Paul, nơi người da trắng kiếm được trung bình 74,455 USD, gấp hơn hai lần so với thu nhập trung bình 28,138 USD của người da đen. Chênh lệch thu nhập giữa người da trắng và người da đen thấp nhất là ở Riverside-San Bernadino, California, tương ứng là 60.668 USD và 46,438 USD. 

 

Giống như người da đen, người gốc Tây Ban Nha tại tất cả các vùng đô thị luôn có mức lương thấp hơn người da trắng. Chênh lệch thu nhập lớn nhất là ở Springfield, Massachusetts, nơi thu nhập trung bình của hộ gia đình gốc Tây Ban Nha là 23,911 USD so với 60,105 USD của hộ gia đình người da trắng. Tiếp theo là vùng Worcester, Massachusetts và Hartford, Connecticut. Chênh lệch thu nhập trung bình ít nhất giữa người Tây Ban Nha và người da trắng là ở Urban Honolulu, Hawaii, với mức tương ứng là 63,815 USD và 79,299 USD. Tiếp theo đó là các vùng Riverside-San Bernadino California, Lakeland, Florida, Tampa-St. Petersburg, Florida và Tulsa, Oklahoma.

 

Về cơ bản, sự cách biệt kinh tế giữa các bộ phận chủng tộc dân cư ở Mỹ vẫn là đang là một thực tế đáng lo ngại, đặc biệt vì nó đóng góp vào sự chênh lệch giàu nghèo vốn không ngừng gia tăng ở nước Mỹ trong ba thập kỷ trở lại đây và gây nên những hệ quả xã hội tiêu cực từ sự chia rẽ và phân biệt chủng tộc. Báo cáo được gọi là Chỉ số về Tài sản & Cơ hội 2016 đã phân tích các số liệu kinh tế trên khắp 50 tiểu bang và thủ đô Washington, D.C, bao gồm tiết kiệm hộ gia đình, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và sở hữu nhà và chi trả của các gia đình cho vấn đề nhà ở, cho thấy rằng tình trạng của người da đen và người gốc Tây Ban Nha tồi tệ hơn so với người da trắng ở hầu hết các hạng mục. Đạt được an ninh tài chính đối với nhiều gia đình da đen và gốc Tây Ban Nha tại Mỹ hiện nay vẫn là điều ngoài tầm tay. Theo số liệu thống kê của liên bang, của cải - được tính là giá trị tài sản bao gồm nhà đất, tiết kiệm hưu trí và thu nhập trừ đi các khoản nợ đối với tài sản - của các gia đình da trắng vào năm 2013 ước tính trung bình là khoảng 141.900 USD, trong khi đó của người gốc Tây Ban Nha chỉ là 13.700 USD và của người da đen là 11.000 USD.


Nguyễn Khánh Vân

Tổng hợp từ CNN Money


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn