Trong bài phát biểu tại Nhà hát Grad Teatro de la Havana Alicia Alonso, Tổng thống Obama đã tuyên bố: “Tôi tới đây để chôn sâu những tàn dư cuối cùng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh ở Châu Mỹ. Tôi tới đây để mở rộng cánh tay hữu nghị với người dân Cuba”1
Chuyến thăm tới Cuba của Tổng thống Obama lần này đã đạt được một số mục tiêu như sau:
Thứ nhất, thúc đẩy quan hệ song phương và đưa mối quan hệ hai nước sang một trang mới.
Mặc dù, nhận được rất nhiều sự phản đối từ chính giới Mỹ, đặc biệt là đảng Cộng hòa, nhưng chuyến thăm của Tổng thống Obama vẫn được diễn ra theo như dự kiến và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các doanh nghiệp Mỹ, nhất là các Tập đoàn lớn như: Starwood - một trong những doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực du lịch. Bởi sau khi hai nước tuyên bố bình thường hóa đến nay, quan hệ thương mại, kinh tế đang có bước chuyển biến tích cực. Thị trường tiềm năng của Cuba sẽ được khai phá và các doanh nghiệp Mỹ có cơ hội đến đây để đầu tư và kinh doanh.
Thông qua chuyến thăm này, Tổng thống Obama còn muốn khẳng định việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba sẽ không thể đảo ngược trong thời gian tới, nhất là khi Mỹ có vị tổng thống mới và đảng Cộng hòa cũng không thể ngăn cản được tiến trình này. Bởi kể từ khi hai nước thiết lập đại sứ quán vào tháng 7/2015, Mỹ và Cuba đã khôi phục quan hệ ngoại giao; ký kết hợp đồng thương mại về viễn thông và dịch vụ hàng không; đồng thời mở rộng hợp tác về thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường. Tổng thống Obama đã nới lỏng các hạn chế cho phép người dân Mỹ tới thăm Cuba. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Cuba vẫn phải chờ quyết định từ Quốc hội. Do đó, trong bài phát biểu của mình Tổng thống Obama cũng đã khẳng định: “Đây là cơ hội lịch sử để trực tiếp trò chuyện với người Cuba và bàn về những hợp đồng thương mại”, và “Tôi mong muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước chúng ta. Tôi hy vọng một tương lai tươi sáng hơn là những gì chúng ta đã có trong quá khứ”.2
Chỉ cách Cuba gần 150 km đường biển, Mỹ từng là nhà cung cấp số một cho quốc đảo này về các loại nông sản như: gạo, bột mỳ và ngô. Chuyến thăm này chính là bước ngoặt quan trọng giúp các công ty nông sản của Mỹ giành lại thị phần đã mất từ các đối thủ khác như các doanh nghiệp của Trung Quốc, Nhật Bản, hay Nga nhờ vào lợi thế về chất lượng, giá... Bởi hiện nay, Cuba phải nhập khẩu tới 80% lương thực với trị giá khoảng 2 tỷ USD hàng năm. Theo ước tính, xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Cuba có thể đạt 1,2 tỷ USD3 nếu các hạn chế về tài chính và thương mại mà Quốc hội Mỹ đang áp đặt được dỡ bỏ trong thời gian tới.
Như vậy, những kết quả tích cực của chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, đầu tư, thương mại, du lịch và là nền tảng để mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như an ninh, chống ma túy, nghiên cứu biển,… cho dù, quan hệ hai nước vẫn chưa bình thường hóa hoàn toàn.
Thứ hai, góp phần cải thiện quan hệ giữa Mỹ với Mỹ Latinh vốn đang rạn nứt trong nhiều năm qua.
Chuyến thăm của Tổng thống Obama ngoài việc cải thiện quan hệ song phương với Cuba, còn giúp Chính quyền Obama lấy lại được hình ảnh đã mất tại nơi vốn được coi là “sân sau” và vùng ảnh hưởng truyền thống của mình sau hơn một thập kỷ có phần bị “lơ là” do tập trung vào chính sách chống khủng bố và “xoay trục” của Chính quyền George Bush và nhiệm kỳ đầu của Chính quyền Obama.
Quan hệ Mỹ - Cuba không chỉ đơn thuần là vấn đề song phương giữa hai nước, mà có thể coi là quan hệ đa phương trong chính sách của Mỹ đối với các nước đi theo đường lối Cánh tả ở Mỹ Latinh như Venezuela, Nicaragua,... chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cuba chính là rào cản lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ với các nước Mỹ Latinh. Bởi, Cuba là thành viên sáng lập và là trụ cột về chính trị của Liên minh Bolivar dành cho các dân tộc Châu Mỹ (ALBA). Khi quan hệ Mỹ với Cuba chưa được cải thiện thì sẽ kéo theo quan hệ giữa Mỹ với các nước cánh tả ALBA bị ảnh hưởng.
Khi quan hệ Mỹ - Cuba ấm lên sẽ tạo nên hiệu ứng domino trong việc cải thiện quan hệ với Venezuela, nước đang rơi vào tình trạng khủng hoảng về chính trị và kinh tế, qua đó tiếp tục lấy lại hình ảnh với các nước khác tại Mỹ Latinh như Nicaragua…
Tuy nhiên, những thay đổi trên của Mỹ vẫn chỉ mang tính hình thức và không nằm ngoài mục tiêu là xác lập vị thế và duy trì ảnh hưởng tại Mỹ Latinh, nói cách khác, là tiếp tục giữ cho Mỹ Latinh là “sân sau” an toàn của Mỹ trước sự xâm nhập mạnh mẽ của Trung Quốc, Nga, Nhật Bản tại khu vực chiến lược này.
Thứ ba, chuyến thăm của Tổng thống Obama còn tạo lợi thế cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới.
Tổng thống Obama đến Cuba còn đem lại những lợi thế không nhỏ cho các ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2016. Trên thực tế, những cử tri quan tâm nhất tới quan hệ Mỹ - Cuba chính là người Mỹ gốc Cuba. Cộng đồng này, chủ yếu sống tập trung tại bang Florida, một trong những bang lớn nhất tại Mỹ và đóng vai trò quyết định đối với các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.
Sự thay đổi trong chính sách với Cuba, dù làm mất lòng đối với nhóm cử tri lớn tuổi người Mỹ gốc Cuba vốn vẫn còn bất mãn và định kiến với chính phủ Cuba, nhưng lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri trẻ tuổi, những người không bị vướng mắc bởi quá khứ. Đây là điều có ý nghĩa rất quan trọng đối với đảng Dân chủ và Tổng thống Obama, bởi ông hiểu rõ được chiến lược này và liên tục giành chiến thắng tại bang Florida trong hai cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2008 và năm 2012.
Như vậy, chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Cuba đã đem lại những kết quả tích cực và giúp cho quan hệ song phương giữa Mỹ và Cuba được cải thiện. Tuy nhiên, vấn đề lòng tin vẫn là rào cản lớn nhất trong quan hệ hai bên. Quan hệ Mỹ - Cuba trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc ai sẽ là Tổng thống Mỹ trong tương lai, bởi quan điểm về Cuba của các ứng cử viên của hai đảng vẫn còn khác biệt.
_______________
Chú thích:
1. Obama: Tôi đến Cuba để chôn sâu tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh đăng trên website: www.dantri.com.vn, ngày 23/3/2016.
2. Người Cuba chen chân chào đón Tổng thống Mỹ Obama, đăng trên website: www.vnexpress.net, ngày 21/3/2016.
3. Why Obama’s visit to Cuba is groundbreaking, at www.economist.com, on Mar 20th 2016.