CĂNG THẲNG MỚI TRONG QUAN HỆ MỸ - NGA VỀ VẤN ĐỀ SYRIA

21/11/2016

Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ Mỹ - Nga chưa bao giờ bùng nổ đến mức như hiện nay. Ngay sau khi nắm quyền, Tổng thống Obama đã quyết định "tái khởi động" quan hệ với Nga, coi đây là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông, nhưng hiện nay mối quan hệ giữa hai nước lại rơi vào tình trạng tồi tệ. Bất đồng giữa hai nước là các vấn đề như: bất ổn tại Ukraine, Nga sáp nhập bán đảo Crimea, máy bay chở khách của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi năm 2014 ở miền Đông Ukraine gần biên giới Nga, các vụ máy bay ném bom Nga xâm nhập không phận phương Tây,... Ngược lại, NATO đã tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu, đưa vào hoạt động lá chắn phòng thủ tên lửa, gần đây phương Tây không ngừng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Và bây giờ cuộc xung đột Syria một lần nữa phá vỡ quan hệ Mỹ - Nga, tái lập bầu không khí của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Mục tiêu Syria của Mỹ và Nga

 

Ở Syria, Mỹ và Nga theo đuổi những mục tiêu khác nhau. Cụ thể:

 

Đối với Nga: Nước này muốn duy trì Chính quyền Bashar al - Assad và tin tưởng vào khả năng thành công của giải pháp quân sự. Từ thời kỳ Liên Xô, Nga và Syria đã duy trì mối quan hệ hợp tác chiến lược. Nga có căn cứ hải quân nhỏ ở Syria, và là nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu cho quân đội Syria. Syria cũng là nơi để Nga gây ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông. Nga lo ngại sự sụp đổ của mối quan hệ chiến lược này.

 

Tại Syria, theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad, Nga đã điều lực lượng không quân tiến hành chiến dịch không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hỗ trợ quân đội Chính phủ Syria đẩy lùi lực lượng khủng bố. Chế độ hợp pháp của Tổng thống Bashar al-Assad được củng cố và ngày càng giành thêm nhiều vùng lãnh thổ từ tay các tổ chức đối lập. Điều này cũng giúp Nga bảo vệ vị thế và ảnh hưởng không chỉ tại Syria, mà còn cả ở khu vực Trung Đông.

 

Khi Tổng thống Putin quyết định can thiệp quân sự ở Syria, điều này còn tạo một cơ hội rèn luyện binh sỹ tuyệt vời cho các tướng lĩnh quân đội Nga, đồng thời cung cấp một nơi thử nghiệm công nghệ quân sự mới nhất của quân đội Nga. Bên cạnh đó, về mặt ngoại giao, các hành động quân sự của Nga ở Syria cũng mang lại ưu thế nhất định cho nước này. Vai trò quân sự của Nga ở khu vực này đã làm thay đổi mối quan hệ ngoại giao giữa Nga với Israel, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. 

 

Đối với Mỹ: Thời điểm Chính quyền Obama "xem xét" tấn công Tổng thống Bashar al-Assad là vào tháng 8/2013, sau khi thế giới lên án cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học do quân nổi dậy chiếm giữ ở phía đông thủ đô Damascus. Những hình ảnh ném bom bệnh viện ở thành phố Aleppo một lần nữa dẫn đến những lời kêu gọi Mỹ can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria. Tuy nhiên, chính sách chủ đạo của Tổng thống Obama là không can thiệp vào Syria với ngoại lệ là các chiến dịch chống IS, tránh đối đầu với Chính phủ Syria và không quân Nga. Trong vấn đề Syria rất khó để chỉ rõ mục đích thực sự của việc can thiệp quân sự của Mỹ. Đây không phải là một cuộc chiến mà Mỹ phát động và Syria cũng không phải là một trong những quốc gia có giá trị chiến lược lớn đối với Mỹ. Cuộc nội chiến Syria không phải là một mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ, nhưng có thể chỉ ra một số lợi ích nhất định của Mỹ từ cuộc nội chiến kéo dài này. Nội chiến đã làm suy yếu nghiêm trọng Syria, một kẻ thù truyền thống đối với lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Nó cũng khiến Hezbollah và Iran tổn thất lớn về tài chính và quân sự. Iran đã mất hàng chục viên tướng, trong đó có tướng cấp cao, trong cuộc chiến Syria. Đây chính là cuộc chiến mà kẻ thù của Mỹ đang tàn sát lẫn nhau: một bên là Iran, Assad và Hezbollah, còn bên kia là các chiến binh thánh chiến Sunni cực đoan.

 

Một số phản ứng của Nga và Mỹ về vấn đề Syria

 

Thế giới hiện tại dường như vẫn phải bất lực nhìn Syria chìm trong bom đạn. Trong hơn 5 năm qua, khoảng 300.000 người Syria đã thiệt mạng, hàng triệu người đã và đang tìm đường chạy trốn khỏi đất nước này, tạo ra làn sóng lớn người tị nạn. Cuộc chiến giữa Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và các nhóm vũ trang đối lập, trong đó có các tổ chức khủng bố như IS, đã thách thức khả năng kiến tạo hòa bình từ các cường quốc và các tổ chức quốc tế. Chính thất bại trong nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề Syria đã khiến căng thẳng Nga - Mỹ bước vào giai đoạn gay gắt nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

 

Ngày 9/9/2016, Mỹ và Nga đạt được thỏa thuận ngưng bắn ở Syria và thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 12/9/2016. Quan trọng hàng đầu trong thỏa thuận này là việc vận chuyển hàng cứu trợ của Liên Hợp quốc tới thành phố Aleppo và một số vùng chiến sự khác, vốn do phiến quân kiểm soát nhưng bị lực lượng chính phủ phong tỏa. Người dân nơi đây đang phải chịu cảnh thiếu thốn thực phẩm và thuốc men trầm trọng.

 

Mỹ lâu nay ủng hộ cho liên minh các nhóm nổi dậy được xem là ôn hòa ở Syria, trong khi đó Nga ủng hộ Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Nga và Mỹ sẽ tiến tới một giải pháp hòa bình tạm thời cho Syria bằng cách vận động các phe chấp nhận buông súng. Cụ thể, Nga sẽ thuyết phục Chính quyền Tổng thống Assad ngừng bắn. Mỹ có nhiệm vụ vận động lực lượng đối lập ôn hòa mà nước này ủng hộ tại Syria. Để làm được điều này, Nga và Mỹ sẽ thành lập một ủy ban chung để thiết lập nên các tiêu chí phân loại. Cuối cùng, hai bên sẽ xác định đâu là lực lượng đối lập và đâu là quân khủng bố để cùng hợp tác và tiêu diệt.

 

Thống nhất được những điểm trên là nỗ lực rất cần thiết cho tiến trình hòa bình tại Syria. Tuy vậy, giới quan sát cũng nhanh chóng chỉ ra những điểm yếu đe dọa sự tồn tại của thỏa thuận ngừng bắn này. Đó là các bên chỉ đồng thuận xung quanh các vấn đề ở bề nổi mà né tránh những khía cạnh gai góc, đặc biệt là số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chính vì vậy, vẫn tồn tại sự chia rẽ rất sâu sắc.

 

Tuy nhiên, ngày 23/9/2016, các cuộc không kích và giao tranh dữ dội đã xảy ra tại Aleppo. Những diễn biến này xảy ra sau khi quân đội Syria tuyên bố bắt đầu chiến dịch giành lại thành phố Aleppo, cắt đứt mọi hy vọng của lệnh ngừng bắn. Thỏa thuận ngừng bắn ngắn ngủi do Nga và Mỹ bảo trợ đã chấm dứt chỉ sau thời gian ngắn. Trong khi đó, Nga và Mỹ lại đang đổ lỗi cho nhau về sự bế tắc trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Cộng đồng quốc tế lo ngại căng thẳng Nga - Mỹ có thể khiến khủng hoảng Syria thêm tồi tệ.

 

Phản ứng tiếp theo là ngày 3/10/2016 Tổng thống Putin đã tuyên bố đình chỉ thỏa thuận tiêu hủy plutoni (có thể dùng để chế tạo vũ khí) từng ký với Mỹ, và nhiều người cho rằng điều này thể hiện việc nhà lãnh đạo Nga sẵn sàng sử dụng vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân như lá bài mặc cả với Mỹ trong các vấn đề ở Ukraine và Syria. Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Mỹ cho biết đã tạm ngừng các cuộc đàm phán với Nga về giải pháp chấm dứt bạo lực tại Syria và cáo buộc Nga đã không thực hiện đúng các cam kết theo thỏa thuận đã đạt được hôm 9/9/2016 về việc ngừng bắn và đảm bảo hàng cứu trợ tới được các khu vực dân cư bị bao vây. Lý do được Mỹ viện dẫn là quân đội Chính phủ Syria không thực thi nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn, tiếp tục tấn công vào nhiều khu dân cư, bệnh viện, cơ sở hạ tầng thiết yếu,... khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Trung Đông này thêm trầm trọng. Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường vai trò của Mỹ tại Syria, không loại trừ khả năng tấn công trực tiếp vào lực lượng quân đội Chính phủ Syria. Tia hy vọng mong manh về hòa bình cho Syria lại vụt tắt khi các cường quốc đang quay lưng vào nhau.

 

Ngày 7/10/2016, Quốc hội Nga thông qua thỏa thuận với Syria về việc triển khai vô thời hạn lực lượng Nga ở Syria như một chỉ dấu khẳng định sự hiện diện lâu dài tại đây. Đa số các nhà lập pháp Nga đã bỏ phiếu thông qua văn bản được ký kết giữa Nga và Syria vào tháng 8/2015, cho phép Nga thiết lập căn cứ không quân Khmeimim nhằm tiến hành chiến dịch hỗ trợ các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Sự kiện này khiến mối quan hệ vốn đang gặp sóng gió giữa Mỹ và Nga tiếp tục "lao dốc".

 

Mỹ tiếp tục tuyên bố sẽ chuyển sang thực hiện "Phương án B" ở Syria, cụ thể là tăng cường số lần không kích, điều thêm lực lượng đặc nhiệm đến khu vực và cung cấp thêm vũ khí mới cho lực lượng nổi dậy được nước này hậu thuẫn.

 

Đáp lại, Nga cáo buộc cuộc khủng hoảng tại Syria không tìm được lối thoát là do Mỹ không đủ “năng lực” phân định được lực lượng đối lập “ôn hòa” và khủng bố. Điện Kremlin cũng quyết định triển khai cường kích Su-24 và tiêm kích bom Su-34 đến Syria, trong khi máy bay chiến đấu Su-25 cũng đã sẵn sàng tái triển khai đến khu vực. Đặc biệt, Nga lần đầu tiên triển khai hàng loạt hệ thống phòng không hiện đại S-300 và S-400 tại quốc gia Trung Đông nhằm bảo vệ các binh lính đồn trú tại căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Khmeimim. 

 

Vậy là sau khi ngừng các cuộc đàm phán về nỗ lực chấm dứt bạo lực ở Syria, cả Mỹ và Nga luôn có những bất đồng, còn chiến sự thì vẫn diễn ra ác liệt tại Syria, đặc biệt ở thành phố Aleppo.

 

Có thể nói, sự phối hợp Nga - Mỹ là con đường hứa hẹn nhất để tìm ra giải pháp phù hợp và tiến tới chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria. Do đó, sự đổ vỡ của các cam kết hợp tác giữa Mỹ và Nga ở thời điểm hiện tại chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho các nỗ lực vãn hồi hòa bình tại Syria, thậm chí không có ích cho cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là IS tại khu vực.


Nguyễn Thùy Dương

Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn