HỒ SƠ PANAMA: VÉN MÀN HOẠT ĐỘNG TRỐN THUẾ NƯỚC NGOÀI

31/07/2016

Hồ sơ Panama (tên tiếng Anh: Panama Papers) là một vụ rò rỉ thông tin chưa từng có trong lịch sử với hơn 11,5 triệu file (nặng 2,6 terabyte) từ cơ sở dữ liệu của Mossack Fonseca, hãng luật nước ngoài (offshore) lớn thứ tư trên thế giới. Hồ sơ này bao gồm hòm thư điện tử, thông tin ngân hàng và hồ sơ khách hàng từ những năm 1970 cho đến nay.

Các hồ sơ được lấy từ một nguồn tin giấu tên bởi tờ báo Süddeutsche Zeitung (Đức), và sau đó được chia sẻ với Hiệp hội Phóng viên điều tra Quốc tế (ICIJ). ICIJ sau đó đưa chúng lên một mạng có mạng lưới rộng lớn với các đối tác quốc tế của họ, bao gồm cả The Guardian và BBC.

Các tài liệu này cho thấy hàng loạt phương thức mà người giàu có thể khai thác chế độ thuế bí mật ở nước ngoài. 143 chính trị gia, trong đó có mười hai nhà lãnh đạo quốc gia, gia đình và cộng sự gần gũi của họ trên khắp thế giới được tiết lộ đã sử dụng những thiên đường trốn thuế nước ngoài. Tổng thống Nga, Vladimir Putin, cũng bị nghi ngờ liên quan đến một đường dây 2 tỷ đô la. Sergei Roldugin, một nghệ sĩ cello và cũng là một người thân cận của Tổng thống Putin, có vai trò trọng yếu trong một kế hoạch giấu tiền từ ngân hàng nhà nước ra nước ngoài. Một phần số tiền được cho là chuyển đến khu nghỉ mát trượt tuyết nơi đám cưới của con gái Putin, Katerina, diễn ra năm 2013.

Trong số các nhà lãnh đạo quốc gia được đề cấp đến có Nawaz Sharif, Thủ tướng Pakistan; Ayad Allawi, nguyên Thủ tướng lâm thời và nguyên phó chủ tịch nước của Iraq; Petro Poroshenko, Tổng thống Ukraina; Alaa Mubarak, con trai của cựu Tổng thống Ai Cập; và Thủ tướng của Iceland, Sigmundur David Gunnlaugsson. Một quỹ đầu tư ra nước ngoài do cha của Thủ tướng Anh David Cameron đã tránh việc trả thuế ở Anh bằng cách thuê một nhóm nhỏ các cư dân Bahamas ký giấy tờ liên quan đến hoạt động.

1. Mossack Fonseca

Mossack Fonseca là một công ty luật đóng trụ sở tại Panama, được thành lập bởi một luật sư người Đức tên Jürgen Mossack và sau này kết hợp cùng Ramón Fonseca, một luật sư mang quốc tịch Panama. Đến năm 1986, hãng này có thêm Christph Zollinger trong cương vị giám đốc thứ ba. Mặc dù Mossack Fonsesca trên danh nghĩa là một công ty của Panama nhưng có hoạt động trên toàn thế giới. Trang web của công ty tự hào về một mạng lưới toàn cầu với 600 người làm việc tại 42 quốc gia. Công ty này hoạt động chủ yếu ở các thiên đường về thuế bao gồm Thụy Sĩ, đảo Síp và quần đảo Virgin của Anh, và lãnh thổ trực thuộc Hoàng gia Anh bao gồm Guernsey, Jersey và Đảo Man.

Hãng luật này giúp đỡ các công ty khách hàng hình thành pháp lý ở nước ngoài, nhiều khi chỉ là trên giấy tờ, còn thực tế không có văn phòng hay nhân viên gì cả. Mossack Fonseca cũng nhận quản lý các công ty nước ngoài đó và thu phí hàng năm. Tính đến thời tiểm hiện tại, hãng luật này đã đăng ký hơn 200.000 công ty, quỹ và tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới, trong số đó gần một nữa là ở Quần đảo Virgin thuộc Anh.

Các hồ sơ rò rỉ đã phản bác lại tuyên bố trước đây của Mossack Fonseca rằng họ chỉ là người trung gian, không làm việc với khách hàng cuối cùng. Trên thực tế, hãng luật này quản lý tài khoản ngân hàng của khách và họ mô tả việc này là “quản lý danh mục đầu tư tự do” hay MAMSA. Trong khoảng thời gian giữa năm 2007 đến giữa năm 2015, các nhà quản lý tài sản ở đây thực hiện hơn 4700 giao dịch với số tiền lên tới 1,2 tỷ đô la Mỹ. Một dịch vụ cao cấp khác do Mossack Fonseca cung cấp có tên Mosson Escrow, trong đó khách hàng sẽ gửi tiền vào tài khoản của MF Trust và MF Trust sẽ chuyển các số tiền đó đi trên danh nghĩa của mình thay vì người chủ thực sự.

2. Tại sao lại là Panama?

Từ một thế kỷ trước, Panama đã được biết đến như một “thiên đường trốn thuế”. Vào thời điểm đó, nước này cho phép đăng ký tàu nước ngoài và giúp Standard Oil, “ông lớn” ngành dầu mỏ thuộc quyền quản lý của John Rockefeller, trốn thuế của Hoa Kỳ. Vào cuối những năm 1920, giám đốc điều hành Phố Wall đã giúp Panama xây dựng luật định cho phép các cá nhân thành lập những tập đoàn ẩn danh, không chịu thuế.

Mối quan hệ với băng đảng.Manuel Noriega, nhà độc tài Panama, lên cầm quyền vào năm 1983, thời điểm mà những kẻ buôn lậu ma túy của Colombia đang kiếm được hàng tỷ. Noriega đã giúp bang đảng Medellin (Medellin Cartel) của Colombia cất giấu số tiền từ việc buôn lậu ma túy. Mặc dù Noriega cuối cùng đã bị lật đổ bởi Hoa Kỳ, mối quan hệ của ông với các băng đảng đã góp phần đưa danh tiếng Panama trở thành một thiên đường rửa tiền.

Cơ chế luật doanh nghiệp thuận lợi.Những luật lệ ra đời năm 1920 đã được cải tiến để làm cho Panama trở thành một nơi thuận lợi cho các hoạt động rửa tiền diễn ra. Theo InSight Crime, một tổ chức nghiên cứu tội phạm ở Mỹ Latinh và vùng Caribbean, các công ty có thể được thành lập một cách dễ dàng, không cần phải nộp tờ khai thuế hay chịu kiểm toán, và trong một số trường hợp, người chủ sở hữu có thể giữ danh tính bí mật hoàn toàn. Panama cũng cung cấp một loạt các ưu đãi về thuế (ví dụ, nhiều công ty không phải nộp thuế khi làm ăn với các công ty nước ngoài khác) và yêu cầu về khai báo cũng khá lỏng lẻo, so với nhiều quốc gia khác.

Cho đến tháng 2/2016, Panama vẫn có tên trong danh sách các nước có luật chống rửa tiền yếu. Tuy nhiên, Lực lượng Hành động Tài chính, cơ quan liên chính phủ tạo ra danh sách quốc tế trên, đánh giá cao sự cố gắng của Panama hiện nay trong việc tăng cường các quy định về phòng chống rửa tiền của nó. Panama đã được xóa khỏi danh sách bởi vì quốc gia này cam kết chống gian lận tài chính, thông qua việc chấp hành Chuẩn báo cáo chung của OECD, đòi hỏi khu vực pháp lý "lấy thông tin từ các tổ chức tài chính và tự động trao đổi thông tin đó với các nhà chức trách khác trên cơ sở hàng năm." Dù vậy, đất nước này vẫn còn nằm trong danh sách đen về các thiên đường thuế và các thể chế không hợp tác của Ủy ban châu Âu, và Pháp cho biết sẽ đặt Panama trở lại danh sách đen của riêng mình.

Nền kinh tế và vị trí địa lý.Nền kinh tế của Panama hoạt động dựa trên đồng đô la, đồng tiền mà chính phủ sử dụng trong các giao dịch quốc tế và được coi là đồng tiền an toàn. Dịch vụ tài chính có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước. Sở hữu kênh đào Panama, đây là một trung tâm thương mại quốc tế khổng lồ, với các hoạt động liên quan đến kênh đào này đóng góp 6% cho tổng thu nhập quốc dân. Panama nằm giáp với các quốc gia có mức độ sản xuất và buôn bán ma túy bất hợp pháp cao nhất thế giới. Những yếu tố này khiến cho Panama có nguy cơ cao được sử dụng như một thiên đường rửa tiền, theo một nghiên cứu năm 2014 từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.


Bài được tổng hợp bởi Đinh Thị Thùy Linh


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn