Xin chào. Xin cảm ơn Viện Brookings đã mời tôi đến đây.
Tôi được đề nghị đến đây để phát biểu về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và ý định của quốc gia này trong việc định hình trật tự toàn cầu.
Tôi sẽ làm điều này bằng cách điểm lại chính sách của chúng ta, và sau đó đề cập đến một chủ đề liên tục xuất hiện khi chúng ta cân nhắc đến thách thức này. Chủ đề đó là tính đa nguyên.
Đầu tiên, hãy nói về chính sách. Rõ ràng Chính quyền Tổng thống Trump đã tạo nên những thay đổi đáng lý phải diễn ra từ lâu trong chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trung Quốc là một mối bận tâm lớn, nhưng quan hệ của chúng ta với nhóm các đồng minh và đối tác đa dạng có quan điểm tương đồng cũng là một mối quan tâm quan trọng.
Cách đây 40 năm, CHND Trung Hoa bắt đầu trỗi dậy sau giai đoạn tự cô lập về mặt ý thức hệ và yếu kém về kinh tế. “Cải cách và mở cửa” – với trọng tâm là “mở cửa”- đòi hỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc phải thích nghi với khu vực và thế giới để có thể hưởng lợi ích từ chủ nghĩa đa phương. Tất cả chúng ta đều hiểu điều này cần thời gian, song chúng ta đã được khích lệ khi thấy những tiến bộ đáng kể trong thập niên 80 của thế kỷ trước.
Đã có nhiều dấu hiệu mang lại hy vọng. Trong chuyến thăm đầu tiên của tôi tới Bắc Kinh năm 1988, tôi đã thấy được sự khởi đầu của các doanh nghiệp tư nhân cũng như năng lượng và sức sáng tạo của con người được giải phóng từ đó, thể hiện qua một nhà hàng há cảo nhỏ ở ngay phía nam Quảng trường Thiên An Môn. Bạn nhận biết được sự khác biệt bởi thay vì coi khách hàng là sự phiền toái, nhà hàng thí điểm này lại chủ động tìm đến khách hàng. Món há cảo còn nóng, bia được giữ lạnh và dịch vụ thì tuyệt vời, đặc biệt là khi so sánh với nhà hàng quốc doanh ở ngay bên cạnh.
Với những dấu hiệu đầy hy vọng ban đầu đó, chính sách của Hoa Kỳ trong nhiều năm chủ yếu được xây dựng trên cơ sở Quy tắc Vàng. Các quan chức Mỹ đã hy vọng rằng việc thể hiện rõ những lợi ích của mở cửa sẽ chuyển Bắc Kinh sang một đường hướng tự do hơn, hướng đến mở cửa lớn hơn về kinh tế và chính trị.
Nhưng hóa ra nhiều giả định tràn đầy hy vọng của chúng ta đều sai lầm. Hai mươi năm với những lời đảm bảo rỗng tuếch về việc sau khi gia nhập WTO “Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới mở cửa nhiều hơn” đã buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về CHND Trung Hoa, những tham vọng của quốc gia này, và cách ứng phó của chúng ta. Chính quyền hiện nay đang xử lý vấn đề Trung Quốc đúng theo bản chất của nước này, chứ không phải theo hình tượng mà chúng ta từ lâu mong muốn nó trở thành.
Điều chúng ta đã thấy trong hai thập kỷ vừa qua chính là quá trình cải cách tự do đã chậm lại và thậm chí đảo ngược. Khi Trung Quốc có nhiều của cải và sức mạnh hơn, và hội nhập nhiều hơn với thế giới, quốc gia này lại không chịu hòa mình vào trật tự thế giới tự do và rộng mở như mong đợi. Thay vào đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại hy vọng tái định hình một hệ thống quốc tế mới tương thích với những hành vi chuyên chế của mình.
Chính quyền Tổng thống Trump đã nói rất rõ rằng cho dù quan hệ của chúng ta với CHND Trung Hoa là quan hệ cạnh tranh, chúng ta vẫn hoan nghênh việc hợp tác trong những lĩnh vực có lợi ích song trùng. Cạnh tranh không nhất thiết phải dẫn tới đối đầu hay xung đột. Chúng ta có sự tôn trọng sâu sắc đối với người dân Trung Quốc, và hai bên đã có lịch sử hợp tác lâu dài với tư cách là đối tác thương mại của nhau, và thậm chí là đồng minh – một lịch sử đã khiến tôi quan tâm tới Trung Quốc ngay từ đầu.
Và vì thế, mục tiêu của chúng ta là bảo vệ chủ quyền của Hoa Kỳ, thúc đẩy các lợi ích của chúng ta trong khu vực, và xúc tiến một trật tự tự do, rộng mở và dựa trên luật pháp ở Châu Á và trên toàn thế giới.
Sự thay đổi gần đây trong quan điểm và chính sách của Hoa Kỳ đã dẫn tới nhiều câu hỏi. Nếu khái niệm “chủ thể có trách nhiệm” đã không còn phù hợp với thực tế, vậy cái gì sẽ thay thế nó? Chúng ta biết rằng Washington phản đối hành vi hiếu chiến và đe dọa của Bắc Kinh, vậy thì Washington ủng hộ hành vi nào? Khi cạnh tranh với Trung Quốc, có phải Washington đang buộc các quốc gia phải lựa chọn hay không?
Tất nhiên, thuật ngữ “tính đa nguyên” không phải là câu trả lời hoàn chỉnh cho tất cả những câu hỏi ở trên. Nhưng nó giúp chúng ta xử lý các vấn đề này bởi nó chứa đựng những nội dung thiết yếu chúng ta muốn nói khi chúng ta nói đến những tầm nhìn khác biệt về trật tự thế giới.
Trong từ điển, tính đa nguyên chỉ sự cùng tồn tại của nhiều thứ – có thể là các quốc gia, các nhóm người, các nguyên tắc, các quan điểm, hay các cách sống. Nói tóm lại, nó là sự đa dạng, cởi mở.
Điều tôi muốn nói là, về khía cạnh ngoại giao, tầm nhìn chính sách đối ngoại của Mỹ, vốn bắt nguồn từ tính đa nguyên dân chủ ở trong nước, cũng luôn ủng hộ tính đa nguyên tương ứng ở nước ngoài – trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới. Cho dù là trong nước hay ở nước ngoài, chúng ta đều ủng hộ các hệ thống đa nguyên quản trị dựa trên tự do, thượng tôn pháp luật, và việc tôn trọng quyền của các nước láng giềng. Và chính bởi cái nhìn của chúng ta về tính đa nguyên trong nước bắt nguồn từ quyền chủ quyền của mỗi cá nhân, cho nên cái nhìn của chúng ta đối với tính đa nguyên ở nước ngoài cũng bắt nguồn từ quyền chủ quyền của mỗi quốc gia.
Đây chính là tầm nhìn của Hoa Kỳ trong suốt nhiều thế hệ. Thách thức hiện nay của chúng ta, cũng giống như trong quá khứ, là việc tôn trọng tính đa nguyên chưa mang tính phổ quát, và vì thế chúng ta phải đứng ra bảo vệ nó.
Chúng ta đều đã nghe nói về tầm nhìn “kiểu mới” đối với quản trị toàn cầu. Tầm nhìn này bôi nhọ tính đa nguyên, cho dù hệ thống hiện tại đã phục vụ rất tốt thế giới này – trong đó có cả Trung Quốc – trong suốt bảy thập niên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Chúng ta hãy đi vào chi tiết.
Hoa Kỳ ủng hộ một Châu Á đa nguyên.
Một Châu Á đa nguyên là nơi mà các quốc gia đa dạng trong khu vực đều có thể tiếp tục phát triển như họ mong muốn. Các quốc gia được bảo đảm về quyền tự chủ của mình. Các quốc gia được tự do là chính mình, như lời cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói. Không có cường quốc bá quyền nào có thể thống trị hay ép buộc họ.
Trong một Châu Á đa nguyên, các quốc gia được quyền sử dụng rộng rãi các tài nguyên chung của thế giới. Các vùng nước và vùng trời quốc tế thuộc về tất cả mọi người. Không một quốc gia nào có thể biến chúng thành sở hữu riêng hay thành vùng cấm địa.
Tính đa nguyên là cốt lõi trong tầm nhìn của chúng ta về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, như Tổng thống Trump đã phát biểu tại Đà Nẵng cách đây hai năm: Các quốc gia trong khu vực nên là một chòm sao đa dạng, mỗi ngôi sao đều tỏa sáng, và không có ngôi sao nào phải làm vệ tinh cho một ngôi sao khác.
Quan trọng là cần nhìn nhận rằng các quốc gia trong khu vực đều trân trọng tầm nhìn này đối với mình.
Ví dụ, chúng ta thấy điều này khi Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gần đây đã nhấn mạnh yếu tố “toàn diện” nhằm thúc đẩy sự tôn trọng đối với mọi quốc gia trong khu vực, dù lớn hay nhỏ. Chúng ta thấy nó khi Hiến chương ASEAN kêu gọi tôn trọng nguyên tắc “đoàn kết trong đa dạng.”
Và chúng ta cũng thấy nó trong Tầm nhìn của Nhật Bản về Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở, Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc, Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, và quan niệm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Australia: Tất cả đều tập trung mở rộng quan hệ giữa mọi quốc gia, dựa trên thượng tôn pháp luật và tôn trọng chủ quyền, chia sẻ quyền tiếp cận với những tài nguyên chung và chia sẻ thịnh vượng.
Hoa Kỳ ủng hộ tính đa nguyên không chỉ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà trên toàn thế giới.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Hoa Kỳ đã đi đầu trong việc hình thành một trật tự thế giới hậu chiến đa nguyên và tự do ở mức độ chưa từng có trước đó. Kể từ giai đoạn hòa bình bấp bênh sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, trật tự sau Chiến tranh Thế giới thứ hai được thiết kế để mang lại lợi ích tương đồng cho cả bên chiến thắng và bên thua trận, cho tất cả được có tiếng nói bình đẳng trên diễn đàn quốc tế. Sự sắp xếp đó nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới mới bằng cách đảm bảo hòa bình và thịnh vượng có thể được chia sẻ. Giống như mọi nỗ lực của con người, ý định này cũng chưa hoàn hảo, song nhìn chung vẫn là một thành công vang dội.
Như Tổng thống Trump đã phát biểu tại Liên Hợp Quốc: “Chính vì tính cách Mỹ mà cho dù nước Mỹ và các đồng minh của chúng tôi là bên chiến thắng sau cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử, chúng tôi không hề tìm cách mở rộng lãnh thổ, cũng không cố gắng đối kháng và áp đặt cách sống của chúng tôi lên nước khác. Thay vào đó, chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng nên những thể chế, ví dụ như Liên Hợp Quốc, nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và thịnh vượng cho tất cả các bên.”
Cách tiếp cận cùng thắng thực sự này là nguyên nhân thúc đẩy sự thịnh vượng mạnh mẽ nhất mà thế giới này từng thấy. Sự thịnh vượng này trải dài khắp địa cầu, tới những quốc gia lựa chọn gia nhập nền kinh tế thế giới. Cơ hội này đã được nắm bắt. Các cường quốc không hề ban phát điều này như một dạng bố thí của đế quốc.
Cách tiếp cận của chúng tôi phản ánh một quan điểm đã ăn sâu trong tư duy của người Mỹ, đó là công bằng đồng nghĩa với thực sự cùng thắng. Mọi người đều có thể hưởng lợi nếu các luật lệ được tuân thủ. Cuộc sống không nhất thiết phải có kẻ thắng người thua. Việc tôi mạnh mẽ hay thịnh vượng không đòi hỏi bạn bị suy yếu hay nghèo đói. Đây là cách chúng tôi triển khai quan hệ quốc tế. Chúng tôi không nghĩ chúng ta sẽ yếu hơn hay nghèo đi chỉ đơn giản vì ai đó trên thế giới kiếm tiền hay có sức mạnh. Ngược lại, chúng tôi nghĩ rằng sự sáng suốt của người khác có thể mang lại lợi ích cho chúng tôi, sức mạnh của người khác có thể khiến thế giới này được an toàn hơn, và sự giàu có của người khác nghĩa là họ sẽ làm ra được những thứ chúng tôi muốn mua và mua những thứ chúng tôi muốn bán. Cách tư duy cùng thắng, cùng nhau hợp lực như vậy vốn chính là tính đa nguyên.
Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ không bao giờ tìm kiếm đặc quyền ở Châu Á hay toàn thế giới. Khi Chủ nghĩa Cộng sản Xô-viết sụp đổ năm 1991, Hoa Kỳ đã trở thành cái gọi là siêu cường duy nhất trên thế giới (ít nhất là trong một giai đoạn), song chúng tôi không sử dụng vị thế của mình để chèn ép các quốc gia khác. Trái lại, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều cho sự tăng trưởng của các quốc gia khác – bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước khác – nhằm mang lại sự giàu có và thịnh vượng lớn hơn cho nhiều nơi, không chỉ trong nước.
Đây chính là tính đa nguyên – hay theo thuật ngữ khoa học chính trị là “tính đa cực”. Chúng tôi không sợ hay phản đối xu hướng đa cực. Ngược lại, chúng tôi luôn thúc đẩy nó. Chúng tôi muốn các quốc gia khác đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề của thế giới, tôn trọng bộ các quy tắc quốc tế chung và chia sẻ các gánh nặng trong việc duy trì an toàn và an ninh của thế giới.
Hoa Kỳ không phản đối sự tăng trưởng sức mạnh và thịnh vượng của các quốc gia khác. Chúng tôi không coi đó là vấn đề kẻ thắng-người thua hay là mối đe dọa. Các bạn có thể hỏi ngài Đặng Tiểu Bình!
Theo ghi chép của sử gia John Pomfret, khi ông Đặng Tiểu Bình bay tới Hoa Kỳ trong chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1979, Ngoại trưởng Trung Quốc đã hỏi tại sao ông ấy lại chọn Hoa Kỳ để đi thăm đầu tiên với tư cách là nhà lãnh đạo. Ông Đặng đã nói, bởi vì các đồng minh của Mỹ đều giàu có và hùng mạnh, và nếu Trung Quốc muốn giàu có và hùng mạnh, nước này cần đến Mỹ.
Câu chuyện này cũng là một bài học về trải nghiệm của chính Trung Quốc đối với tính đa nguyên.
Trung Quốc đã từng đi theo một quỹ đạo tốt hơn trong giai đoạn cải cách và mở cửa của mình, khi nước này hướng đến tính đa nguyên lớn hơn trong chính trị và chính sách.
Đây là điều tôi đã từng được chứng kiến tận mắt trong cửa hàng há cảo đơn sơ gần Tiền Môn đó. Vào thời điểm đó, có nhiều người thích trích dẫn quan điểm rất thực tế của Đặng Tiểu Bình là không cần biết mèo trắng hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt. “Hãy để trăm hoa đua nở!”
Tăng cường đa nguyên và giảm thiểu chuyên chế sẽ mang lại lợi ích tốt hơn cho người dân Trung Quốc, và cũng tốt hơn cho thế giới. Một Trung Quốc bớt chuyên chế hơn sẽ là một Trung Quốc bớt hiếu chiến với bên ngoài hơn.
Song ý tưởng về quản trị Kiểu Mới (của Trung Quốc) lại thể hiện tính chuyên chế càng mạnh hơn, trong khu vực và xa hơn nữa.
Về ý tưởng quản trị “kiểu mới” của Bắc Kinh, chính các quan chức CHND Trung Hoa đã tự mình nói ra. Tôi nhớ năm 2010, Ngoại trưởng khi đó là Dương Khiết Trì đã từng tóm tắt quan điểm của Bắc Kinh về trật tự khu vực khi tuyên bố tại một hội nghị của ASEAN: “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, và thực tế là như vậy”. Đối với Bắc Kinh, quan hệ quốc tế có tính thứ bậc, và nước lớn luôn đúng. Điều này không tôn trọng tính đa nguyên hay quyền tự chủ của các nước.
Trong nội bộ Trung Quốc, Đảng Cộng sản ngày càng áp đặt sự đồng nhất về chính trị, chủng tộc, văn hóa, kỹ thuật số và ý thức hệ. Như được thể hiện ngày càng rõ tại Tân Cương, Hồng Kông và nhiều nơi khác, ý tưởng về quản trị của Bắc Kinh chính là áp đặt sự đồng nhất.
Ở cấp độ toàn cầu, quan điểm của Bắc Kinh về tính đa nguyên là gì? Hãy xem cách nước này phản ứng khi một giám đốc của NBA đăng một dòng trạng thái Twitter nêu quan điểm không đúng ý nước này về Hồng Kông. Rõ ràng chiến dịch của Bắc Kinh trong việc áp đặt sự tuân thủ về ý thức hệ không chỉ dừng lại ở biên giới Trung Quốc.
Trước khi kết thúc, tôi muốn nhắc đến mối quan hệ khăng khít giữa tính đa nguyên và quyền được lựa chọn.
Nếu một thế giới đa nguyên là nơi các quốc gia được tự do là chính mình, điều này có nghĩa là các quốc gia có quyền tự do đưa ra các lựa chọn. Tính đa nguyên và quyền được lựa chọn luôn song hành với nhau.
Giờ chúng ta hãy cùng nhau nhìn nhận về mối quan ngại thường được nhắc đến về việc các nước sẽ bị buộc phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tôi muốn các bạn biết, các nước sẽ không bị ép buộc đưa ra sự lựa chọn như vậy từ phía Hoa Kỳ. Khi chúng tôi nói rằng tầm nhìn của Hoa Kỳ mang tính đa nguyên và toàn diện, chúng tôi nghĩ đúng như vậy, và hành động của chúng tôi cũng chứng tỏ điều đó. Chúng tôi mong muốn có các mối quan hệ thân thiện với Bắc Kinh, và không phản đối nếu các nước khác cũng nỗ lực giao thiệp với Bắc Kinh một cách hợp tác và thân thiện.
Tuy nhiên, trong quan hệ đối ngoại của chúng ta, mọi quốc gia đều thường xuyên phải đưa ra nhiều lựa chọn về các vấn đề chính sách – kinh tế, thương mại, công nghệ, an ninh, v.v.. – tác động tới lợi ích và sự thịnh vượng của họ. Chúng tôi khuyến khích các đồng minh và đối tác của mình có sự lựa chọn cẩn trọng, nhằm bảo vệ các lợi ích và chủ quyền quốc gia của mình.
Chủ quyền đồng nghĩa với khả năng được sống tự do không chịu sự thống trị của nước ngoài, được sống theo đúng luật pháp của nước mình và đưa ra các quyết định của riêng mình. Chúng tôi không mong muốn áp đặt các nước khác, và chúng tôi muốn các đồng minh và bạn bè của mình không phải chịu sự áp đặt của bất kỳ ai.
Lựa chọn chủ quyền là điều rất quan trọng bởi nếu không có chủ quyền thì quyền được tự do lựa chọn cũng hoàn toàn mất đi. Lựa chọn giúp duy trì chủ quyền cũng chính là lựa chọn duy trì quyền tự do lựa chọn trong tương lai, điều mà chúng ta đều trân trọng. Một khu vực nơi các quốc gia duy trì được quyền tự do lựa chọn của mình chính là một khu vực mang tính đa nguyên, và sẽ là một khu vực thịnh vượng và an ninh hơn.
Tôi xin kết thúc bằng cách quay trở lại với chính sách của Hoa Kỳ. Quan điểm của Hoa Kỳ từ lâu vẫn luôn là hệ thống quốc tế thời hậu chiến đủ linh hoạt và thích ứng – đủ đa nguyên – để chấp nhận và sẵn lòng kết nạp một Trung Quốc mạnh mẽ và thịnh vượng, chấp nhận tuân thủ những quy tắc đã giúp ích cho thế giới này trong hơn 70 năm qua. Hệ thống này có khả năng thay đổi, và trên thực tế cũng đã thích nghi với nhiều ý tưởng và áp lực không được hình dung đến cách đây nhiều thập kỷ.
Hôm nay chúng ta vẫn còn hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ quay trở lại con đường cải cách và hòa nhập. Việc tôn trọng tính đa nguyên nhiều hơn, cả trong và ngoài nước, sẽ là một dấu hiệu được hoan nghênh.