Đây cũng là Diễn đàn để các nước khẳng định lại các cam kết đảm bảo an ninh hạt nhân bằng việc giảm sử dụng uranium có độ giàu cao (HEU), do nguy cơ bị sử dụng làm nhiên liệu sản xuất bom nguyên tử); tăng cường an ninh đối với các cơ sở có lưu giữ các nguyên liệu có thể phân hạch, gia tăng hợp tác giữa các quốc gia thành viên tham gia các công ước quốc tế trong lĩnh vực này.
Hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Mỹ (2010) và từ đó đến nay, các Hội nghị đã mang lại nhiều thành quả như: hoàn toàn chấm dứt sử dụng HEU ở 12 quốc gia, đóng cửa hoặc chuyển sang sử dụng urani có độ giàu thấp (LEU) tại 24 lò phản ứng và các cơ sở sản xuất chất đồng vị phóng xạ, đồng thời an ninh tại 32 cơ sở lưu giữ thứ nguyên liệu này đã được chú trọng hơn.
Những tiến triển trên đạt được là do những động thái trong thời gian gần đây của Triều Tiên. Triều Tiên liên tiếp tuyên bố thử “thành công” một quả bom nhiệt hạch, phóng một tên lửa tầm xa mang vệ tinh lên quỹ đạo và liên tiếp thử tên lửa tầm ngắn. Những động thái này khiến cho dư luận quốc tế rất lo ngại về tiến trình phi hạt nhân hóa tại Bán đảo Triều Tiên.
Bên cạnh đó, nguy cơ khủng bố hạt nhân toàn cầu đang nổi lên do các lực lượng thánh chiến hồi giáo, đặc biệt là tổ chức tự xung là “Nhà nước Hồi giáo” (IS), sở hữu bom bẩn phóng xạ. Mặc dù, IS khó có khả năng phát triển bom hạt nhân, song lực lượng này có thể chế tạo bom bẩn phóng xạ, loại vũ khí có thể gây ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và sức khỏe của con người.
Hội nghị lần này được coi là thành công khi đưa ra được một tuyên bố chung khẳng định lại cam kết ngăn chặn các loại vũ khí hạt nhân rơi vào tay những phần tử cực đoan. Kèm theo bản tuyên bố chung là một phụ lục gồm 5 kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia tham dự Hội nghị và các cơ quan quốc tế như: Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Cảnh sát quốc tế (Interpol).
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Hội nghị an ninh hạt nhân lần này cũng còn tồn tại nhiều ý kiến hoài nghi về quyết tâm thực sự của Mỹ trong vấn đề “an ninh hạt nhân”. Bởi Mỹ chỉ đề cập tới “an ninh hạt nhân” từ góc nhìn của nước Mỹ, tức là xoáy sâu vào nguy cơ khủng bố hạt nhân. Trong khi đó, một nguy cơ hiện hữu xuất phát từ chính các cường quốc hạt nhân như Mỹ lại không được nhắc tới. Tổng thống Obama chỉ đề cập tới việc: “một khi những kẻ mất trí chạm được tay vào bom hạt nhân hoặc vật liệu hạt nhân, chúng có thể sử dụng để giết nhiều người vô tội nhất có thể”[1]. Nhưng trên thực tế, chỉ có nước Mỹ mới từng làm được điều này khi thả 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Hơn thế nữa, Hội nghị An ninh hạt nhân lần này thiếu sự có mặt của Nga, một cường quốc hạt nhân thực sự và có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu. Nói cách khác, muốn đạt được an ninh hạt nhân thực sự, thì Mỹ phải “nói chuyện” với Nga.
Như vậy, Hội nghị An ninh hạt nhân lần thứ tư diễn ra tại Mỹ đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc đối phó với nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố hạt nhân trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được điều này các nước cần phải nỗ lực rất nhiều. Đúng như Tuyên bố Chung của Hội nghị đã khẳng định: “Còn nhiều việc cần phải làm để ngăn chặn các lực lượng phi nhà nước sở hữu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ, mà có thể được sử dụng cho các mục đích đen tối...Chúng tôi khẳng định lại cam kết với mục tiêu chung về giải trừ hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình”[2].
[1] Obama Nuclear Security Summit Live Stream: Watch US President Deliver End-Of-Meeting Press Conference, at www.ibtimes.com, on 1th April, 2016