MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUAN HỆ THƯƠNG MẠI MỸ - NHẬT TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

10/10/2016

Nhật Bản và Mỹ là hai cường quốc kinh tế lớn. Hai quốc gia này chiếm trên 30% tổng sản lượng nội địa toàn thế giới, chiếm một phần quan trọng trong các hoạt động thương mại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ, và chiếm một tỉ trọng lớn trong đầu tư quốc tế. Vai trò kinh tế này đã giúp Mỹ và Nhật trở thành những người chơi đầy quyền lực trong nền kinh tế thế giới. Tình hình kinh tế tại hai quốc gia này có tác động quan trọng đến phần còn lại của thế giới. Thêm nữa, mối liên hệ kinh tế song phương Mỹ - Nhật cũng có thể tác động đến tình hình kinh tế ở các quốc gia khác. Bài viết này nhằm phân tích tình hình mối quan hệ thương mại Mỹ-Nhật trong thời gian gần đây.

1. Khái quát về quan hệ thương mại Mỹ - Nhật

 

Quan hệ thương mại Mỹ - Nhật có nền tảng từ lâu đời và ngày càng phát triển, với giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước ngày càng tăng lên nhanh chóng. Hai quốc gia này cũng là những thành viên có vai trò quan trọng trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

Bảng:  Thương mại hàng hóa Mỹ - Nhật 1998-2015

Đơn vị: triệu USD

 

Xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Nhật

Nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Nhật

Cán cân XNK

2007

61.159,6

145.463,3

-84.303,8

2008

65.141,8

139.262,2

-74.120,4

2009

51.134,2

95.803,7

-44.6695

2010

60.471,9

120.552,1

-60.080,3

2011

65.799,7

128.927,9

-63.128,2

2012

69.975,8

146.431,7

-76.455,9

2013

65.237,4

138.575,3

-73.337,9

2014

66.876,2

134.504,8

-67.628,6

2015

62.422,6

131.364,1

-68.921,5

Nguồn: U.S. Cencus Bureau,  https://www.census.gov/foreign-trade/balance/c5880.html

 

Số liệu thống kê của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, trong những năm qua, Mỹ luôn nhập siêu hàng hóa với Nhật Bản. Mức độ nhập siêu hàng hóa của Mỹ với Nhật Bản ở mức khá cao trước  năm 2008, sau đó giảm mạnh vào năm 2009 do nhu cầu về nhập khẩu hàng hóa của Mỹ giảm dưới tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Nhật Bản lại có xu hướng tăng trong giai đoạn từ năm 2010-2013, mức thâm hụt này giảm nhẹ trong 2 năm 2014 và 2015.

 

Một đặc điểm quan trọng trong thương mại Mỹ - Nhật là mặc dù Mỹ luôn nhập siêu hàng hóa với Nhật Bản, song lại xuất  siêu dịch vụ vào thị trường Nhật. Theo số liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ (U.S. Cencus), giá trị xuất siêu dịch vụ của Mỹ tới Nhật năm 2013 là 15.606 triệu USD và năm 2015 vẫn ổn định ở mức 14.905 triệu USD.

 

Hàng hóa nhập khẩu từ Nhật sang Mỹ tập trung vào các mảng chính như sau: xe chở khách và phụ tùng ô tô (chiếm khoảng 3/4 nội dung nhập khẩu); máy tính và linh kiện máy tính; phụ tùng máy móc văn phòng; và máy móc điện tử (chủ yếu là camera). Trong khi đó, hạng mục xuất khẩu của Mỹ sang Nhật thể hiện sự đa dạng hơn nhiều, đặc biệt là: máy tính và linh kiện máy tính; turbine gas; phụ tùng máy móc văn phòng; máy móc điện tử; thiết bị y tế và quang học; và các sản phẩm nông nghiệp như lúa mỳ và thịt.

 

Tuy tới nay Nhật vẫn duy trì tác động kinh tế quan trọng đối với Mỹ, song tầm quan trọng của họ đã giảm sút trước sự cạnh tranh của các đối tác thương mại khác. Chẳng hạn, năm 1989, Nhật là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Mỹ. Tới cuối năm 2009, Nhật trở thành thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ tư (sau Canada, Mexico, và Trung Quốc)của Mỹ, và vị trí này còn tiếp tục duy trì cho tới cuối năm 2014.

 

Ngược lại, sự nổi lên của Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác đóng một vai trò lớn trong sự giảm sút vai trò của Mỹ trong nền thương mại Nhật Bản. Xu hướng này cho thấy những nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng tại Đông Nam Á cũng như sự dịch chuyển trong hoạt động sản xuất toàn cầu và sự phát triển của các chuỗi cung cấp mang quy mô khu vực. Trong thập kỷ qua, dòng chảy thương mại của Nhật đã chuyển dịch dần sang Đông Nam Á và hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại phát triển nhanh nhất của Nhật.

 

Trong giai đoạn gần đây, thương mại dịch vụ Mỹ-Nhật có sự tăng trưởng, ít nhất về phía dịch vụ nhập khẩu từ Mỹ, tuy rằng sự tăng trưởng này vẫn giữ mức khiêm tốn từ 2011. Các loại hình dịch vụ xuất khẩu của cả Mỹ và Nhật sang thị trường của nhau khá đa dạng, trong đó chủ yếu là các dịch vụ du lịch, vận chuyển hành khách; phí bản quyền và cấp giấy phép; và các dịch vụ tư nhân khác. Nhìn chung, Mỹ đã đạt được mức thặng dư trong hoạt động thương mại dịch vụ song phương với Nhật. 

 

2. Những vấn đề thương mại song phương

 

Tuy mối quan hệ kinh tế Mỹ-Nhật trong hai thập kỷ qua là hợp tác và ngày càng mở rộng mạnh mẽ, song trên thực tế giữa hai nước vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất đồng và vướng mắc cần được giải quyết.

 

- Những hạn chế nhập khẩu của Nhật đối với thịt bò Mỹ

 

Vấn đề này nổi lên đầu tiên vào tháng Mười hai năm 2003, khi Nhật Bản ra lệnh cấm nhập thịt bò Mỹ (khi đó một số quốc gia khác cũng làm như vậy) – đây là động thái phản ứng lại khi tại Mỹ xuất hiện trường hợp nhiễm bệnh “bò điên” đầu tiên. Nhật vẫn duy trì lệnh cấm dù vẫn tham gia vào các cuộc thương lượng với Mỹ cũng như chịu những áp lực từ phía chính quyền tổng thống Bush. Tới năm 2005 Nhật mới gỡ bỏ lệnh cấm, song lại áp dụng trở lại vào năm 2006 sau khi các thanh tra chính phủ của Nhật tiếp tục phát hiện ra rằng sản phẩm thịt bò của Mỹ vi phạm các quy trình sản xuất mà hai nước đã thống nhất. Trong những năm sau đó, giữa hai nước còn diễn ra nhiều vòng đàm phán, trong đó tuy có những sức ép từ phía Mỹ, Nhật Bản vẫn tỏ ra nghiêm ngặt trong việc tiếp nhận sản phẩm thịt bò từ Mỹ và chỉ chấp nhận gỡ bỏ một phần lệnh cấm. Tới năm 2013, chính phủ Nhật nới lỏng hơn quy định, đồng ý nhập thịt bò từ 30 tháng tuổi trở xuống kèm theo lời hứa sẽ cân nhắc khả năng cho phép nhập khẩu thịt bò Mỹ thuộc bất kỳ giai đoạn tuổi nào.

 

- Những bất đồng liên quan đến xuất khẩu ô tô và phụ tùng ô tô của Mỹ vào thị trường Nhật

 

Những bất đồng liên quan đến xuất khẩu ô tô và phụ tùng ô tô của Mỹ bắt đầu từ những năm cuối thập niên 1970 và đầu những năm 1980, khi người tiêu dùng Mỹ bắt đầu có xu hướng ưa chuộng ô tô được sản xuất từ Nhật Bản hơn là ô tô được sản xuất ở Mỹ. Do những áp lực từ ngành sản xuất ô tô của Mỹ, năm 1981, chính quyền của Tổng thống Reagan đã thuyết phục Nhật bản áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu tự nguyện. Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý hạn chế xuất khẩu ô tô vào thị trường Mỹ vì lo ngại rằng Mỹ sẽ tiếp tục hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt hơn, đồng thời Nhật Bản cũng cam kết không áp dụng các quy định hạn chế đối với nhập khẩu ô tô và phụ tùng ô tô của Mỹ vào thị trường Nhật Bản. Hiện nay, trong khuôn khổ của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), hơn 50% chủng loại phụ tùng ô tô của Nhật Bản có thể được nhập khẩu miễn thuế. Tuy nhiên, giữa hai nước vẫn còn một số bất đồng, chẳng hạn, Mỹ đang tìm kiếm thời hạn bảo hộ lâu hơn đối với một số phụ tùng ô tô, trong khi Nhật Bản muốn có thêm nhiều loại phụ tùng ô tô nhanh chóng được cắt giảm thuế.

 

- Những bất đồng khác liên quan đến TPP

 

Hiện nay, Mỹ và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn nhất trong 12 quốc gia thành viên TPP. Tuy nhiên, giữa hai nước vẫn tồn tại những bất đồng trong một số lĩnh vực thương mại chính. Nhật Bản muốn tiếp cận lớn hơn vào thị trường Mỹ để xuất khẩu ôtô và phụ kiện trong khi Mỹ muốn tăng xuất khẩu gạo, thịt lợn và các nông sản khác vào thị trường Nhật Bản. Mỹ muốn Nhật Bản hủy bỏ thuế đối với thịt bò và thịt lợn cũng như các loại ngũ cốc và nông sản khác, trong khi Nhật Bản kiên quyết phản đối điều này vì muốn bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

 


Ngô Thị Lan Anh - Tổng hợp


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn