Điều này đã được tính đến sau khi kết quả các cuộc điều tra vụ thảm sát khiến 14 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương tại thành phố San Bernardino, bang California cho thấy sự liên quan giữa nội dung trên trang Facebook cá nhân và tư tưởng cực đoan của cặp vợ chồng Rizwan Farook và Tashfeen Malik - hai tay súng thực hiện vụ thảm sát.
Một trong số hai người này đã vượt qua các vòng kiểm tra nhân thân và được cấp visa vào Mỹ, trong khi trước đó đã từng đăng tải các nội dung ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự phong (IS) trên Facebook.
Vì vậy, không ít ý kiến từ trong các cơ quan điều tra và an ninh Mỹ cho rằng nội dung mà người dùng đăng tải lên mạng xã hội nên được sử dụng như một yếu tố để quyết định việc người đó có được cấp visa vào Mỹ hay không.
Trên thực tế, từ đầu năm 2015, giới chức an ninh Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm chương trình theo dõi Facebook của ứng viên xin visa vào Mỹ. Chính vì mới chỉ đang trong thời gian chạy thử nên họ không xem đến Facebook của tất cả các ứng viên.
Với đề xuất mới được đưa ra, sẽ khó để biết sau bao lâu nữa thì chương trình này sẽ có thể được áp dụng trên phạm vi rộng, và liệu nó có được áp dụng với tất cả các tài khoản mạng xã hội, hay chỉ với riêng Facebook.
Ở hiện tại, các điều tra viên Mỹ đang tiếp tục điều tra những bài đăng của cặp vợ chồng Rizwan Farook và Tashfeen Malik để xem xét kỹ hơn về mối liên quan giữa nội dung đăng tải với kế hoạch gây ra vụ giết chóc.
Đồng thời các điều tra viên cũng đang cố gắng khôi phục những tin nhắn cá nhân mà cặp vợ chồng này đã trao đổi với bạn bè, để xem họ có liên quan như thế nào đến các tổ chức khủng bố nước ngoài, và có nhận chỉ thị từ nước ngoài để tiến hành khủng bố tại Mỹ hay không.
Lệ Thu
Nguồn: vneconomy.vn