MỸ LATINH HIỆN NAY

31/07/2016

Phần lớn sự chú ý của thế giới đều tập trung vào các khu vực như Trung Đông, châu Âu và châu Á. Các khu vực này đại diện cho phần lớn dân số toàn cầu và sự giàu có, hay là nơi tập trung những căng thẳng, xung đột trong địa chính trị. Tuy nhiên, khu vực Mỹ Latinh thời gian qua có rất nhiều biến động về chính trị và kinh tế quan trọng. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhìn lại Mỹ Latinh thời gian qua.

Brazil, quốc gia lớn nhất của khu vực, đang trong tâm điểm của một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Tổng thống đương nhiệm, Dilma Rousseff bị cáo buộc gian lận nhằm thay đổi sổ sách chính phủ với mục đích che giấu thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng. Sau nhiều tháng tranh cãi quyết liệt, liên minh cầm quyền của bà Rousseff đã sụp đổ, trong khi các cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra khắp các thành phố lớn, trong đó có thủ đô Brasilia. Tại hai trung tâm tài chính của Brazil là Rio de Janeiro và Sao Paulo, hàng nghìn người đã xuống đường ủng hộ luận tội bà Dilma Rousseff. Với hơn 2/3 số phiếu thuận, Hạ viện Brazil ngày 17/4/2016 đã bỏ phiếu chấp thuận luận tội Tổng thống Dilma Rousseff. Như vậy, bà Dilma Rousseff có thể bị đưa ra xét xử trong khi Thế vận hội sẽ được tổ chức tại Brazil vào tháng 8 năm nay. Tuy nhiên, dù xã hội Brazil đang có rất nhiều bất ổn nhưng cho đến nay vẫn không xuất hiện bạo lực. Các cuộc tuần hành nhìn chung diễn ra trong hòa bình. Và quá trình chính trị đang được tiến hành theo yêu cầu hiến pháp.

Trong khi đó, nền kinh tế Brazil sụt giảm tới gần 4% trong năm 2015. Ngày 4/1/2016, Ngân hàng trung ương Brazil tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 của Brazil xuống mức -3%, sau khi GDP năm 2015 giảm 3,71%, đây là mức giảm kỷ lục trong 25 năm trở lại đây. Tham nhũng vẫn tồn tại cố hữu tại quốc gia này. Bên cạnh đó, trong thời gian qua các tác động của virus Zika đến y tế công cộng ở Brazil diễn ra nghiêm trọng hơn bất cứ nơi nào.

Venezuela - một đất nước may mắn với trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới - đang trong tình trạng tồi tệ hơn: Nền kinh tế và tiền tệ của nước này đã giảm mạnh cùng với giá dầu; Lạm phát đã tăng vọt; Rối loạn chính trị trầm trọng, và tình trạng bất ổn dân sự đang diễn ra.

Trước tiên, nền kinh tế Venezuela có thể sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ. Sự lao dốc mạnh mẽ của giá dầu đã ảnh hưởng nặng nề tới Venezuela. Ở mức 30 USD/ thùng, xuất khẩu dầu mỏ sẽ có doanh thu chừng 26 tỷ USD trong năm nay, giảm khoảng 3/4 so với năm 2012. Với doanh thu như vậy, cùng với việc phải trừ đi khoảng 8 tỷ USD cho hàng nhập khẩu liên quan tới dầu, thì thật khó để Venezuela có thể trả khoản nợ trị giá 125 tỷ USD trong năm 2016 (bao gồm các khoản trả thực chất bằng dầu mỏ để đổi lấy viện trợ của Trung Quốc trong những năm gần đây). Do vậy, Venezuela nếu không có biện pháp kịp thời thì khả năng rơi vào tình trạng vỡ nợ là rất lớn.

Và giá dầu thấp hơn có thể gây ra sự thay đổi hơn nữa về chính trị. Giá dầu giảm sâu và chính sách quản lý kinh tế bị phe đối lập cho là sai lầm, được xem là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay ở Venezuela. Và, sự bất ổn còn có nguy cơ rơi vào bế tắc khi liên minh Bàn đoàn kết dân chủ (MUD) vừa thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội. Đây là lần đầu tiên trong 17 năm, phe đối lập thắng đảng cầm quyền - Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV) của cố Tổng thống Hugo Chavez. Việc MUD nắm quyền kiểm soát Quốc hội cho phép đảng này ngăn cản triển khai các chính sách của Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro, cũng như tiến hành trưng cầu dân ý về các dự luật, thỏa thuận và cả thỏa ước quốc tế. Nói cách khác, sự kiện trên đã mở ra cuộc đấu quyền lực mới giữa phe đối lập và Tổng thống Nicolas Maduro trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tại Venezuela ngày càng nghiêm trọng.

Mexico: Chính là một điểm sáng về kinh tế trong khu vực trong thời gian qua. Kinh tế tăng trưởng, ít bạo lực hơn, bình đẳng hơn và dân chủ hơn.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 ảnh hưởng nặng nề đến Mexico, nhưng từ đó kinh tế tăng trưởng đều đặn.

Nhìn chung, sau khủng hoảng nền kinh tế của Mexico hoạt động tương đối tốt. Những thách thức tồn tại, đặc biệt là khi nói đến việc giải quyết tội phạm về ma tuý và bạo lực, nhưng những vấn đề này có thể được quản lý với nỗ lực lâu dài.

Colombia, đất nước với cuộc xung đột nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ giữa chính phủ nước này và Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC). Cuộc nội chiến này khiến hàng trăm nghìn người chết và mất nhà cửa. Sau hơn 3 năm đàm phán tại Cuba, cho tới nay, Chính phủ Colombia và FARC đã đạt được thỏa thuận trong các vấn đề cải cách nông thôn, sự tham gia của FARC vào chính trường, cuộc chiến chống ma túy, giải quyết vấn đề các nạn nhân của xung đột vũ trang.

Những khác biệt giữa hai bên hiện nay tập trung ở các điều khoản liên quan tới ngừng bắn song phương, giải giáp vũ khí và việc các thành viên của FARC tái hòa nhập cộng đồng. Hai bên đã bỏ lỡ thời hạn chót ký kết thỏa thuận hòa bình vào ngày 23/3 vừa qua và xác định tiếp tục nối lại các vòng đàm phán trong thời gian tới.  Bên cạnh đó, nền kinh tế nước này vẫn đang tăng trưởng với tốc độ 3% hàng năm, tuy thấp hơn so với nhiều năm trước, nhưng vẫn cao hơn so với nhiều nền kinh tế mới nổi.

Argentina cũng cho thấy những tin tức tốt. Chính phủ mới, trong sáu tháng đầu tiên, đã thực hiện một số bước khó khăn để khôi phục lòng tin quốc tế. Sau khi vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD vào cuối năm 2001, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010. Nước này đã thuyết phục được những chủ nợ sở hữu 92,4% số trái phiếu đồng ý cho đảo nợ và chỉ nhận một phần mệnh giá trái phiếu.

Tuy nhiên, trong số các chủ nợ còn lại nắm giữ khoảng 7,6% số trái phiếu, có một số quỹ đầu tư đầu cơ, đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management của Mỹ, đã kiện Argentina lên tòa án New York.

Ngày 13/1/2016, Chính phủ mới của Argentina đã khởi động các cuộc đàm phán đầu tiên với các chủ nợ tại New York nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ kéo dài nhiều năm qua. Điều này thể hiện nỗ lực của Argentina đối với việc lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.

Cuba trong thời gian qua đã có những bước thay đổi đáng kể. Nền kinh tế nước này đang trong quá trình cải cách mạnh mẽ, với những chuyển đổi lớn như: Tách các chức năng nhà nước và kinh doanh ở mọi cấp; Kết hợp nhiều hình thức quản lý nhà nước và phi nhà nước; Thể chế hóa; Tăng xuất khẩu và thay thế nhập khẩu; Thống nhất tỷ giá hối đoái và tiền tệ;... Bên cạnh đó, một sự kiện khác được ghi nhận mang tính lịch sử là việc Mỹ và Cuba khôi phục quan hệ ngoại giao, kết thúc hơn 50 năm quan hệ đóng băng giữa hai nước. Sự kiện này đã nhận được sự hoan nghênh của người dân không chỉ hai nước mà còn nhân dân quốc tế.

Có thể nói, những vấn đề mà Mỹ Latinh đang gặp phải là những vấn đề về quản trị và kinh tế, năng lực nhà nước, và tham nhũng trong phạm vi quốc gia, chứ không phải là các vấn đề xuất phát từ mối quan hệ giữa các quốc gia như địa chính trị. Đây là một lợi thế rất lớn, bởi vì chính phủ có thể dành sự quan tâm và nguồn lực để tập trung vào việc đáp ứng các nhu cầu trong nước.

Có thể nói, trong bối cảnh thế giới hiện nay đó là: Xung đột tại Trung Đông, tranh chấp lãnh thổ tại Châu Á, sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc, một Bắc Triều Tiên với các hoạt động khiêu khích, Châu Âu là vấn đề người tị nạn, chống khủng bố, và Châu Phi đang trong các cuộc xung đột dân sự, khủng bố, và quản trị kém,... Như vậy, Mỹ Latinh có vẻ là khá tốt.


Nguyễn Thùy Dương tổng hợp

Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay số tháng 6/2016 (219)


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn