NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G20 NĂM 2016

20/10/2016

Năm 1999, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, G20 hình thành như một diễn đàn dành cho các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển và mới nổi để thảo luận về các vấn đề tài chính toàn cầu. Giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, G20 đã phát triển thành hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo, nơi mà tổng thống và thủ tướng có thể cùng nhau thảo luận về các vấn đề kinh tế của thế giới.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay được tổ chức trong hai ngày 4-5/9/2016 ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Ngoài các nhà lãnh đạo của nhóm G20, hội nghị còn có sự góp mặt của tám quốc gia khách mời, trong đó có ba nước Đông Nam Á là Singapore, Lào và Thái Lan. Các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)… cũng cử đại diện tham gia. Theo thông tin từ nước chủ nhà Trung Quốc, số lượng các quốc gia đang phát triển tham gia sự kiện năm nay là nhiều nhất trong lịch sử G20.

 

Chủ đề của hội nghị năm nay được Trung Quốc đưa ra là: "Hướng tới một nền kinh tế thế giới đổi mới, năng động, liên kết và tổng thể". Tại đây, các nhà lãnh đạo G20 tập trung thảo luận các vấn đề lớn bao gồm: Tăng cường phối hợp chính sách; Phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo; Quản trị tài chính kinh tế toàn cầu có hiệu quả; Thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ; Phát triển toàn diện và kết nối; Những thách thức quan trọng toàn cầu ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới.

 

Tăng cường phối hợp chính sách, phát triển toàn diện và kết nối

 

Tại Hàng Châu, Tổng thống Obama đã nhắc lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với một nền kinh tế toàn cầu hội nhập và mở cửa, bằng cách tạo ra một sân chơi bình đẳng thông qua việc cung cấp cho người lao động và doanh nghiệp một cơ hội công bằng để cạnh tranh. Các nhà lãnh đạo G20 còn cho rằng, cần xây dựng những bước đi quan trọng nhằm giải quyết tham nhũng, trốn thuế, và các thách thức khác như thị trường ngoại hối gây suy yếu sự toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu. 

 

Chính vì vậy, trong một loạt vấn đề thảo luận tại hội nghị liên quan đến việc thúc đẩy phối hợp chính sách, thì việc tăng cường hợp tác toàn cầu về phòng chống tham nhũng và vấn đề thị trường ngoại hối lành mạnh được hội nghị rất quan tâm.

 

Nhận thức được tác hại của tham nhũng và tài chính bất hợp pháp, hội nghị kêu gọi các tổ chức quốc tế có liên quan như IMF và WB thực hiện những khuyến nghị để cải thiện về tiêu chuẩn minh bạch quốc tế, và tăng cường hỗ trợ cho các nước xây dựng cải thiện năng lực với mục đích chống tham nhũng, trốn thuế, tài trợ khủng bố và rửa tiền.

 

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo G20 tái khẳng định cam kết tránh phá giá tỷ giá hối đoái nhằm cho mục đích cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường ngoại hối.

 

Một vấn đề đang gây tranh cãi ở nhiều quốc gia hiện nay là chính sách thuế. Các công ty đa quốc gia như Google, Starbucks đang đối diện với nhiều buộc tội rằng họ không nộp thuế xứng đáng cho những quốc gia nơi họ kinh doanh, đồng thời nhiều hợp đồng sáp nhập, chuyển nhượng trị giá nhiều tỷ USD đã được thực hiện để mang lại những lợi ích về thuế cho công ty.

 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew phát biểu tại hội nghị rằng: “Chúng ta cần có một tiêu chuẩn chung giữa các quốc gia về những vấn đề quan trọng trong chuyển giá”. Các quy định về thuế qua biên giới đã được xây dựng thường gắn với khái niệm về địa lý và biên giới. Tuy nhiên, với sự phát triển của điện toán đám mây và công nghệ hiện nay, có nhiều thứ rất khó để xác định. Vì thế, các quốc gia cần phải thỏa thuận với nhau về những vấn đề liên quan đến việc lẩn tránh nộp thuế. Những động thái này có thể làm thay đổi môi trường kinh doanh toàn cầu và khiến các công ty đa quốc gia nộp nhiều thuế hơn, giảm lợi nhuận của các cổ đông.

 

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei cho biết, doanh nghiệp và các cơ cấu thương mại quốc tế đã “thay đổi mạnh mẽ, đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống thuế quốc tế hiện tại”. Vì vậy, nhóm G20 cần thúc đẩy hợp tác quốc tế và hợp tác trong lĩnh vực thuế.

 

Hội nghị lần này còn bàn đến những vấn đề như việc các công ty sử dụng các kỹ thuật tính toán để chuyển lợi nhuận về mức thấp, hoặc không thuế, để không phải nộp.

 

Theo Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), ông Angel Gurria, bước sang thế kỷ XXI, các tài sản như tài năng, vốn và kể cả những tài sản vật chất ngày càng mang tính di động cao, vì vậy việc hợp tác toàn cầu về những vấn đề chính sách thuế là hết sức cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay là quyền hạn pháp lý, bao gồm cả trong chính sách thuế, là vấn đề nhạy cảm bởi nó liên quan đến chủ quyền quốc gia.

 

Phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo, quản trị tài chính kinh tế toàn cầu có hiệu quả.

 

Chủ đề của G20 năm 2016 được nước chủ nhà Trung Quốc đưa ra là hướng tới một nền kinh tế thế giới năng động, kết nối và sáng tạo. Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa ra một kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng theo hướng cải cách nhằm tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng toàn cầu, thông qua việc tạo ra một cuộc cách mạng công nghiệp mới và một nền kinh tế kỹ thuật số, đồng thời khuyến khích đối thoại giữa các nước phát triển và đang phát triển. Bên cạnh đó các nhà lãnh đạo G20 cũng cam kết sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách - bao gồm cả chính sách tài khóa để đạt được mục tiêu chung của G20 là tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng, và toàn diện.

 

Nhận thức được rằng trong môi trường hiện tại còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy tăng trưởng và tạo cơ hội trên diện rộng, trong đó có việc thúc đẩy đổi mới và kinh tế số. Các nhà lãnh đạo G20 năm nay đưa ra cam kết chính sách đột phá đối với quản lý không gian mạng nhằm thúc đẩy sự đổi mới và coi kinh tế kỹ thuật số là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu.

 

Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này nhấn mạnh việc cải thiện quản trị kinh tế và tài chính toàn cầu đó là sự tham gia bình đẳng của các nước phát triển và đang phát triển trong việc ra quyết định thông qua khuôn khổ G20. Để kinh tế thế giới phát triển hơn nữa thì cần tăng cường khả năng hợp tác sản xuất quốc tế và tạo nên một dây chuyền công nghiệp toàn cầu, cho phép tất cả các quốc gia thực hiện đầy đủ lợi thế so sánh của mình.

 

Đẩy mạnh giao thương và đầu tư quốc tế.

 

Tại hội nghị, phía Trung Quốc cho rằng, tình trạng nợ cao là một rủi ro lớn đang tích tụ trong nền kinh tế thế giới. Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi các quốc gia cần có biện pháp đẩy mạnh giao thương, đầu tư và tránh chủ nghĩa bảo hộ. Để hoàn thành mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế thế giới vượt qua khó khăn, phát triển, nhất là các vấn đề về hợp tác kinh tế quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng thì các nước thành viên G20 sẽ phải cùng nhau hợp lực.

 

Bản thân Trung Quốc cũng đề cập đến một vấn đề tác động đến sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế toàn cầu đó là vấn đề cơ cấu, bao gồm dư thừa năng lực trong một số ngành công nghiệp như ngành thép thời gian qua. Thách thức lớn nhất hiện nay trong cải cách cơ cấu nền kinh tế tại nhiều nước là những ảnh hưởng bất lợi do tình trạng sản xuất dư thừa thép tại Trung Quốc và tình trạng bảo hộ mậu dịch nổi lên. Do đó, tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại, xây dựng các thiết chế tài chính bền vững, công bằng cho tất cả các quốc gia được xem là những mục tiêu hướng đến không chỉ của các quốc gia G20. Chính vì thế, Trung Quốc đã cam kết sẽ tăng cường hợp tác, và có những điều chỉnh nhằm giải quyết những thách thức. Đồng thời, kêu gọi tăng cường chia sẻ thông tin và hợp tác thông qua việc thành lập một diễn đàn toàn cầu về dư thừa thép, với sự tham gia tích cực của các thành viên G20 và các thành viên OECD quan tâm.

 

Giải quyết những thách thức quan trọng toàn cầu ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới

 

Hiện nay, Mỹ, Trung Quốc và hơn 55 quốc gia đã tham gia hoặc cam kết sẽ tham gia Thỏa thuận Paris, trong đó khẳng định sẽ nỗ lực hành động nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu như việc thúc đẩy sử dụng năng lượng một các hiệu quả, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính,...

 

Cũng tại hội nghị này, vấn đề thời sự đang rất nóng được đặt ra là giải quyết các nguyên nhân gốc rễ và các hiệu ứng về vấn đề người tị nạn và khủng hoảng di cư. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo ghi nhận những nỗ lực của Ngân hàng thế giới cùng các tổ chức quốc tế khác đã hỗ trợ rất nhiều cho người tị nạn.

 

Thúc đẩy an ninh lương thực và dinh dưỡng cũng là một chủ đề được các nhà lãnh đạo G20 quan tâm. Tại đây, hội nghị đã tái khẳng định cam kết tiếp tục ưu tiên vấn đề an ninh lương thực, dinh dưỡng, phát triển nông thôn và nông nghiệp bền vững. Các lãnh đạo cũng hoan nghênh những kết quả đã đạt được của Chương trình Nông nghiệp và An ninh Lương thực Toàn cầu (GAFSP), thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững để giảm đói và suy dinh dưỡng ở một số quốc gia nghèo nhất thế giới. 

 

Ngoài ra, hội nghị cũng dành quan tâm nhiều đến những chủ đề như thúc đẩy phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, hay thúc đẩy y tế toàn cầu và Chương trình An ninh y tế toàn cầu (tăng cường an ninh y tế toàn cầu chống lại dịch bệnh Ebola), chương trình hỗ trợ các nước đang phát triển sử dụng hiệu quả nguồn nước để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) bằng cách tăng cường khả năng, tài chính, năng lực quản lý của các nước này,... 

 

Có thể nói, hội nghị G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động từ kinh tế - xã hội, chính trị - ngoại giao, đến an ninh - quân sự, như việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay những sức ép ngoại giao giữa Mỹ - Nga và EU, cũng như xu hướng di cư mà Châu Âu đang phải đối mặt, và cùng với đó là tốc độ phát triển chậm tại một số nền kinh tế đầu tàu đã ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá hội nghị lần này do Trung Quốc đăng cai đã có những sáng kiến đáng kể, có thể là cơ hội tạo đà phục hồi và tái định hình nền kinh tế toàn cầu vốn đang chật vật sau khủng hoảng tài chính 

 


Nguyễn Thùy Dương

Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn