Nguyên nhân nước Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu
Không phải bỗng dưng mà người Anh ủng hộ quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu. Người Anh từ trước đến giờ vẫn luôn luôn nghĩ mình có gì đó đặc biệt hơn phần còn lại của châu Âu. Nếu như người Mỹ có “chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ” (American exceptionalism) thì người Anh cũng có một cái gì đó tương tự. Dù gì thì họ cũng từng là một đế chế thống trị gần như cả thế giới, từng là một nước tự hào rằng “mặt trời không bao giờ lặn”. Trong suốt vài thế kỷ trước hai cuộc chiến tranh thế giới, người Anh vẫn luôn đóng vai trò người giữ cán cân quyền lực ở châu Âu (balancer).
Một lý do nữa khiến nhiều người dân Anh đòi ra khỏi EU là họ cho rằng họ đang giành lại sự độc lập bị “mất đi” giữa một thế giới toàn cầu hóa. Người dân nước Anh đặc biệt muốn giành lại quyền kiểm soát đất nước của mình trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng, do hàng triệu người đang trốn chạy khỏi chiến tranh ở Syria và các nước Bắc Phi lân cận. Hơn ai hết, người Anh không muốn nhận nhiều người nhập cư vào đất nước của họ không chỉ bởi nó tạo ra những gánh nặng vô cùng to lớn cho hệ thống an sinh xã hội ở nước này mà còn bởi họ tin rằng nó sẽ làm mất đi bản sắc văn hoá của nước Anh.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng khoản phí mà nước Anh đang nộp cho ngân quỹ cuả EU hàng năm (gần 20 tỉ đôla) vừa quá cao, vừa không cần thiết.
Những người Mỹ ủng hộ Anh ở lại EU tin rằng việc có ít nhất một đồng minh thân cận của Mỹ trong Liên minh châu Âu sẽ giúp hướng EU tới những mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ. Nước Mỹ đánh giá cao vai trò mạnh mẽ và tiếng nói quyền lực của Anh trong EU, đồng thời cũng cho rằng nước Anh thể hiện tốt nhất vai trò đối tác với Mỹ khi giúp đỡ lãnh đạo Liên minh châu Âu hùng mạnh. Tuy nhiên, các quan chức Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh rằng cho dù kết quả như thế nào cũng sẽ không ảnh hưởng tới mối quan hệ Anh – Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby khẳng định: “Chúng tôi không nhận thấy sẽ có sự thay đổi nào trong mối quan hệ đặc biệt mà Mỹ vẫn có với Anh”.
Ảnh hưởng của Brexit tới nước Mỹ
Đối với kinh tế:
Việc người dân Anh chọn rời khỏi liên mình châu Âu đã gây ra một số tác động tới chính sách tiền tệ, thương mại hàng hóa, đầu tư và lợi nhuận doanh nghiệp của Mỹ.
Tác động tới chính sách tiền tệ: Sau Brexit, tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng Bảng Anh thay đổi đáng kể. Thị trường ghi nhận giá trị đồng Bảng Anh ở mức thấp nhất so với đồng USD trong vòng 31 năm qua. Tỷ giá này đã gây ra những ảnh hưởng đến xuất khẩu Mỹ, bởi các nhà đầu tư tìm đến các tài sản định giá bằng đồng USD để đảm bảo an toàn. Mặt khác, việc đồng Bảng Anh mất giá, đồng USD lên giá buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải hoãn quyết định tăng lãi suất lâu hơn vì cần có thời gian để đánh giá tác động cũng như đàm phán các điều khoản liên quan đến việc Anh rời khỏi EU.
Tác động tới thương mại hàng hóa: Anh là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, với lượng hàng hóa Mỹ xuất sang Anh đạt 56 tỉ USD và nhập khẩu từ Anh là 58 tỉ USD trong năm 2015. Sau Brexit, nước Anh bị loại ra khỏi các Hiệp định tự do thương mại (FTA) mà EU ký với các nước khác như Canada, Mexico, Hàn Quốc. EU cũng đã ký kết Hiệp định ưu đãi thương mại với 52 nước, đang đàm phán thỏa thuận này với 72 nước khác. Tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa EU và Mỹ cũng sẽ gặp trở ngại. Điều này khiến nước Mỹ sẽ phải xem xét đến một Hiệp định thương mại Anh – Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên hàng đầu của Mỹ là đàm phán thỏa thuận với EU, và sẽ phải mất rất nhiều năm để Mỹ khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương với Anh.
Tác động tới đầu tư và lợi nhuận doanh nghiệp: Brexit cũng khiến cho các doanh nghiệp Mỹ có nguồn vốn đầu tư vào Anh hoặc có công ty đặt trụ sở tại Anh đang phải đối mặt với những vấn đề: chuyển hướng hoạt động, nhân công, thuế suất, các tiêu chuẩn kỹ thuật mới, …
- Brexit tước mất của Anh Quy chế tự do thương mại với EU có nhiều ưu đãi, khiến các công ty đa quốc gia của Mỹ có hoạt động ở Anh gặp khó khăn. Số lượng tập đoàn tài chính Mỹ đặt trụ sở ở Anh sẽ giảm mạnh sau khi họ bị mất các thỏa thuận cho phép được tự do hoạt động ở các nước thành viên EU mà không phải thành lập các công ty con, việc này vốn mất khá nhiều chi phí.
- Mỹ là nước có nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào Anh lớn nhất. Theo IMF, Anh là điểm thu hút đầu tư vì nước này là cửa ngõ để đi vào một thị trường chung châu Âu với 500 triệu người tiêu dùng. Sau Brexit, các doanh nghiệp Mỹ sẽ giảm dòng vốn đầu tư vào Anh để chuyển hướng hoạt động sang địa bàn khác. Điều này đồng nghĩa với việc buộc phải cắt giảm nhân công của các công ty đang hoạt động tại Anh. Bên cạnh đó, việc điều chuyển nhân công giữa các trung tâm sản xuất tại Anh và EU cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do những quy định hạn chế nhập cư mới mà những những người ủng hộ Brexit đang thúc đẩy.
- Việc Anh rời khỏi EU cũng khiến các công ty sản xuất động cơ ô tô ở Anh bị áp mức thuế cao hơn, điều này có thể khiến lợi nhuận hàng năm giảm xuống. Tiêu biểu là Ford Motor, một tập đoàn ôtô đa quốc gia của Mỹ có các nhà máy trải khắp ở Anh và châu Âu. Tập đoạn này có thể phải đối mặt với mức thuế tăng 2,7% đánh vào động cơ nhập khẩu từ Anh và 10% đối với xe thành phẩm, có thể khiến lợi nhuận giảm hàng trăm triệu USD mỗi năm.
- Nước Anh hậu Brexit muốn định ra những tiêu chuẩn cho riêng mình về an toàn thực phẩm, chocolate hay các nguyên liệu thức ăn cho thú nuôi. Điều này cũng gây khó khăn cho các công ty thực phẩm Mỹ tại Anh bởi các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Anh không còn đồng nhất với EU.
Tóm lại, Brexit tuy không gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô lớn cho nước Mỹ nhưng cũng đã trực tiếp gây ra những tác động đáng kể tới quan hệ thương mại Anh – Mỹ, chính sách tiền tệ Mỹ cũng như lợi nhuận của các công ty đa quốc gia Mỹ tại Anh.
Đối với chính trị:
Tuy Brexit diễn ra ở nước Anh nhưng lại có những ảnh hưởng không nhỏ tới chính trị Mỹ. Brexit làm dấy lên phong trào đòi ly khai khỏi Liên bang của một số bang tại Mỹ, đồng thời cũng có những tác động nhất định tới cuộc bầu cử tổng thống đang diễn ra tại Mỹ hiện nay.
Sau thắng lợi của phong trào Brexit, những người ủng hộ ly khai ở bang Texas - Mỹ đang gây sức ép, yêu cầu thống đốc bang Texas tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân tương tự như ở Anh. Về việc Texas nên ở lại hay rời khỏi Mỹ. (Texas sáp nhập vào Mỹ từ năm 1845 và trở thành tiểu bang thứ 28 của Mỹ; trước đó Texas là một quốc gia độc lập trong giai đoạn 1836-1845). Trước Brexit, vào năm 2015, Phong trào chủ nghĩa dân tộc Texas (TNM) từng vận động một cuộc trưng cầu ý dân về việc Texas nên đi hay ở lại Mỹ nhưng không thành công. Hiện tại TNM đang hướng tới một cuộc trưng cầu ý dân vào giữa năm 2018, thuyết phục người dân Texas bỏ phiếu rời khỏi nước Mỹ. Chủ tịch TNM - Daniel Miller cho rằng: “Thành công của Brexit chính là một hình mẫu để người dân Texas hướng tới. Thắng lợi của phong trào Brexit đã mở cửa cho phong trào Texit (Texas Exit)”. Ông Miller cũng khẳng định rằng với nền kinh tế 1,6 ngàn tỉ USD, Texas nếu rời khỏi Mỹ cũng sẽ trở thành 1 trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Không chỉ có Texas, những người ủng hộ ly khai ở bang California cũng đang kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân tương tự ở Anh ngay tại California để người dân tự quyết nên đi hay ở lại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Bên cạnh những ảnh hưởng tới phong trào đòi ly khai của các tiểu bang thì Brexit cũng đang gây ra những tác động tới cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.
Ứng cử viên đề cử tổng thống Đảng Cộng hòa - Donald Trump coi Brexit như một sự khẳng định những thông điệp cốt lõi chiến dịch tranh cử của mình. Donald Trump đã nhanh chóng hoan nghênh thắng lợi của phe Brexit và cho rằng giữa những người Anh ủng hộ việc rút khỏi Liên minh châu Âu và các cử tri Mỹ ủng hộ ông ta có nhiều điểm tương đồng: Họ đều cho rằng chính phủ không biết đến các khó khăn kinh tế của người dân, thậm chí họ thù ghét dân nhập cư và đều có cảm giác là họ không còn là công dân một cường quốc lớn. Họ có chung một suy nghĩ là đơn giản chỉ cần đóng các cửa khẩu lại và chặn bớt người nhập cư cũng như hoạt động thương mại là có thể quay trở về với cuộc sống ngày xưa. Theo khảo sát từ The Public Religion Research Institute (PRRI), hầu hết những người ủng hộ Trump muốn trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, cũng như cho rằng người nhập cư là nguyên nhân gia tăng tỉ lệ tội phạm. Nhóm ủng hộ Trump cũng chống đối mạnh mẽ nhất các Hiệp định tự do thương mại như NAFTA hay TPP, vì cho rằng các hiệp định này dẫn tới tình trạng thất nghiệp và cắt giảm lương bổng. Có tới 72% người ủng hộ Trump cho rằng nước Mỹ cần có một nhà lãnh đạo “sẵn sàng phá bỏ một số quy tắc” để khắc phục tình hình hiện nay. Mặc dù Hillary Clinton đang dẫn trước Donald Trump tới 7% trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng (theo khảo sát gần đây nhất từ Reuters) nhưng hầu hết cử tri Mỹ muốn có một hướng đi mới cho đất nước mình. Hiệu ứng từ Brexit cũng đang cho thấy những dấu hiệu thuận lợi cho Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, theo phân tích của CNN, thắng lợi của Brexit không đồng nghĩa với thắng lợi của Donald Trump bởi các yếu tố của trưng cầu dân ý tại Anh và bầu cử tổng thống tại Mỹ là không giống nhau:
- Những người ủng hộ Brexit đã giành thắng lợi qua phổ thông đầu phiếu, trong khi tổng thống Mỹ được bầu bởi các đại cử tri và theo hệ thống này thì Đảng Dân Chủ đang có lợi thế hơn Đảng Cộng Hòa.
- Những người ủng hộ Brexit bỏ phiếu chống lại một định chế - Liên minh châu Âu – Bruxelles, còn cử tri Mỹ bỏ phiếu chống hoặc ủng hộ một chính trị gia và bà Clinton theo đánh giá là nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân hơn ông Trump, và như vậy, bà có nhiều cơ may hơn.
Tóm lại, Brexit bắt nguồn ở Anh, xuất phát từ ý tưởng đóng cửa khẩu, chặn người nhập cư để giữ nước Anh của người Anh. Ý tưởng này lan tỏa sang nước Mỹ thúc đẩy phong trào đòi ly khai của bang Texas và một số bang khác. Ý tưởng này đồng thời cũng nhận được sự đồng thuận của một bộ phận cử tri Mỹ, làm tăng lượng cử tri ủng hộ ủng hộ quan điểm tranh cử của ứng cử viên Đảng Cộng hòa – Donald Trump. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu, thắng lợi của Brexit không đồng nghĩa với thắng lợi của Donald Trump bởi các yếu tố của trưng cầu dân ý tại Anh và bầu cử tổng thống tại Mỹ là khác nhau.
Kết luận, trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ngày 23/6 người dân Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu vì cho rằng EU không mang lại nhiều lợi ích cho họ, đồng thời họ muốn bảo vệ nước Anh của người Anh và không muốn nhận thêm những người nhập cư từ nơi khác. Việc Anh rời khỏi EU đã gây ra những tác động nhất định đến nước Mỹ. Về kinh tế, những tác động có thể thấy ngay đó là những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ, những ảnh hưởng tới đầu tư và lợi nhuận doanh nghiệp của các công ty Mỹ có hoạt động tại Anh và quan hệ thương mại Anh – Mỹ. Về chính trị, Brexit làm dấy lên phong trào đòi ly khai khỏi Liên bang của một số tiểu bang tại Mỹ đồng thời cũng làm tăng số cử tri ủng hộ ông Trump trong chiến dịch bầu cử tổng thống đang diễn ra. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng bởi các yếu tố của trưng cầu dân ý tại Anh và bầu cử tổng thống tại Mỹ là khác nhau nên thắng lợi của Brexit không hề đồng nghĩa với thắng lợi của ông Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Tài liệu tham khảo:
1. Người Anh lên tiếng –Đã đến lúc rời EU - Ngô Di Lân.
https://www.facebook.com/notes/ng%C3%B4-di-l%C3%A2n/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-anh-l%C3%AAn-ti%E1%BA%BFng-%C4%91%C3%A3-%C4%91%E1%BA%BFn-l%C3%BAc-r%E1%BB%9Di-eu/10153787360741491
2. Mỹ được gì và mất gì khi Anh rời EU? – báo infonet.vn
http://infonet.vn/my-duoc-va-mat-gi-khi-anh-roi-lien-minh-chau-au-post201747.info
3. http://www.baogiaothong.vn/du-khach-anh-khoc-nguoi-my-cuoi-hau-brexit-d156753.html
4. http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/anh-huong-brexit-dan-texas-muon-bo-phieu-roi-khoi-my-20160625115454297.htm
5. http://www.voatiengviet.com/a/brexit-lan-toa-chan-dong-sang-cuoc-dua-tong-thong-my/3392889.html
6. http://www.baomoi.com/donald-trump-va-brexit-hien-tuong-hay-xu-huong/c/20123901.epi
7. http://vietstock.vn/2016/06/donald-trump-len-tieng-vu-brexit-tuyet-voi-772-481759.htm
8. http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/anh-huong-brexit-dan-texas-muon-bo-phieu-roi-khoi-my-20160625115454297.htm
9. http://infonet.vn/my-duoc-va-mat-gi-khi-anh-roi-lien-minh-chau-au-post201747.info
10. http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/anh-huong-cua-brexit-toi-kinh-te-my-20160625075909934.htm