Nhìn lại một số sự kiện quan trọng của thế giới năm 2015

08/01/2016

Trong năm 2015, tình hình thế giới đã có nhiều sự kiện ghi dấu đi vào lịch sử như việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba, hình thành Cộng đồng ASEAN, nhưng cũng có những sự kiện đã trở thành vấn đề nhức nhối của toàn cầu như khủng bố, khủng hoảng di dân,... Dưới đây xin đưa ra một số sự kiện quan trọng trong năm qua.

FED tăng lãi suất

 

Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 16/12/2015 đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 0-0,25% lên 0,25%-0,5%.

 

Đây là lần đầu tiên trong gần 10 năm qua, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất.

 

Bước đi này đã được dự báo trước trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc trong hầu hết các lĩnh vực chủ chốt từ công nghiệp, nhà đất, chế tạo cho tới dịch vụ...

 

Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5,75% trong quý IV/2014 xuống 5% trong quý IV/2015. Mỗi tháng nền kinh tế Mỹ tạo ra trung bình khoảng 200.000 việc làm. Việc cải thiện thị trường lao động đã góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trên 2% trong 3 quý đầu năm 2015.

 

Khủng hoảng kinh tế - chính trị ở Venezuela

 

Giá dầu sụt giảm đẩy Venezuela vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, với tỷ lệ lạm phát cao nhất châu Mỹ, cả nước rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu.

 

Trong suốt năm 2015, người dân Venezuela đã phải xếp hàng để mua nhu yếu phẩm như thịt, đường, thuốc... do hàng hoá khan hiếm. Những người dân ở vùng biên giới thậm chí còn phải đi buôn lậu để kiếm kế sinh nhai.

 

Theo Bloomberg, dầu mỏ chiếm tới 95% thu nhập ngoại tệ của Venezuela và nước này có thể vỡ nợ trong 12 tháng tới nếu giá dầu không hồi phục. Giá dầu sụt giảm tới 60% đẩy kinh tế Venezuela vào cảnh khốn đốn.

 

Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Venezuela đã trở thành vấn đề nổi cộm nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội của nước này. Các nhóm chính trị đưa ra 5 giải pháp chính bao gồm: i) Chủ nghĩa tự do mới; ii) Cải cách dựa trên nền tảng thị trường; iii) Điều chỉnh và duy trì các chính sách hiện hành; iv) Chủ nghĩa xã hội với vai trò lãnh đạo của nhà nước; v) Chủ nghĩa xã hội phi nhà nước. Mỗi nhóm chính trị có những lựa chọn riêng, và có những tranh cãi về các lựa chọn còn lại. Chính từ những tranh cãi về xhinhs sách kinh tế của chính phủ, chính sách tài chính,... đã trở thành một trong những lý do dẫn tới cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela.

 

Kết quả của các cuộc bầu cử cuối năm 2015 cho thấy, thực tế là tư tưởng của "chủ nghĩa Chavez" đang bị suy giảm nghiêm trọng tại nước này.

 

Tái thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba

 

Sự kiện đánh dấu bước đột phá trong lĩnh vực chính trị quốc tế là khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba. Mối quan hệ này vốn bị cắt đứt vào năm 1961. Ngày 20/7/2015, hai nước chính thức mở Đại sứ quán tại Havana và Washington, sự kiện này đã được người dân hai nước và thế giới hưởng ứng mạnh mẽ.

 

Khủng hoảng di cư ở Châu Âu

 

Những cuộc xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi đã kéo theo một cuộc khủng hoảng khác tại Châu Âu, đó là cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Chỉ trong 10 tháng đầu năm đã có khoảng 1,2 triệu người di dân tới Châu Âu. Những người tị nạn cố gắng lọt vào Tây Âu, đặc biệt là Đức, nơi chính quyền hứa hẹn tiếp nhận họ cùng với những điều kiện sống xứng đáng. Để đối phó với làn sóng di cư không thể chế ngự, cuối mùa Hè năm 2015, các nước Áo, Đức, Slovakia, Hungary và Bulgaria đã ban hành chế độ kiểm soát trên biên giới nội bộ Schengen, dựng lên những tường ngăn với hàng rào kẽm gai.

 

Thế giới gồng mình với khủng bố

 

Năm 2015 là năm phải chứng kiến sự hoành hành và gia tăng mạnh mẽ nạn khủng bố toàn cầu, trong đó đáng chú ý nhất là tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Tổ chức này không chỉ gieo rắc sự chết chóc và tàn phá ở Trung Đông, mà còn gây ra các vụ sát hại đẫm máu đối với những người dân vô tội ở bên ngoài khu vực này.

 

Pháp đã hai lần trở thành nạn nhân của các tấn công khủng bố: một vụ nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 1/2015 và một loạt vụ diễn ra ở thủ đô Paris hồi tháng 11/2015.

 

Hình thành cộng đồng ASEAN

 

0 giờ 15 phút giờ Kuala Lumpur (Malaysia), tức 9 giờ 15 phút sáng 22-11 giờ Hà Nội, các lãnh đạo cấp cao ASEAN đã bắt đầu Lễ ký kết hai văn kiện lịch sử: Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc hình thành Cộng đồng ASEAN, Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 Cùng vững vàng tiến bước.

 

Cộng đồng ASEAN sẽ thật sự lấy người dân làm trung tâm đúng như chủ đề của năm cuối cùng khi ASEAN tiến tới Cộng đồng chung, đó là “Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta”, tăng cường quan hệ với các đối tác nhằm tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của ASEAN đối với quá trình hình thành cộng đồng, nhưng đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, có trách nhiệm trên trường quốc tế, qua đó nâng cao uy tín, ảnh hưởng của ASEAN.

 

Đúng này cuối cùng kết thúc năm 2015, Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN, các quốc gia Đông Nam Á sẽ cùng gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới của mình. Mặc dù chưa là hiện thực, nhưng ngay từ lúc này, sự kiện đó đang thu hút mối quan tâm của cộng đồng quốc tế.

 


Nguyễn Thùy Dương (tổng hợp)


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn